Liên kết web
Số lượt truy cập

21

1932599

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2009

Biến đổi quyền quyết định hôn nhân ở Việt Nam và các yếu tố tác động

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh

Trang: 3-17

File toàn văn đính kèm: Tải về

Trên cơ sở tổng quan các kết quả nghiên cứu về chủ đề hôn nhân trong những năm qua, bài viết trình bày một số đặc điểm biến đổi mô hình quyền quyết định hôn nhân ở Việt Nam và các yếu tố tác động như quá trình hiện đại hoá, vai trò của nhà nước và các yếu tố văn hóa khác. Bài viết chỉ ra rằng sự tác động đồng thời của các nhân tố hiện đại hoá, của chính sách nhà nước và của yếu tố văn hóa thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ khuôn mẫu quyền quyết định hôn nhân ở Việt Nam từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại, chia sẻ những đặc điểm của sự quá độ hôn nhân ở châu á. Hôn nhân chủ yếu do gia đình sắp xếp được thay thế bởi sự lựa chọn tự nguyện của các cá nhân và với sự chủ động ngày càng tăng lên của họ trong việc quyết định cuộc đời riêng của mình. Đặc trưng của mô hình quyết định hôn nhân hiện nay là quyền quyết định của cá nhân kết hợp với sự tư vấn của gia đình.

Quan hệ gia đình: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Tác giả: Ngô Thị Tuấn Dung

Trang: 18-30

File toàn văn đính kèm: Tải về

Trên cơ sở phân tích các nghiên cứu trong và ngoài nước trong thời gian gần đây, tác giả tập trung làm rõ một số vấn đề lí luận, tiếp cận và thách thức trong nghiên cứu quan hệ gia đình. Đó là các nội dung như chủ thể, chiều cạnh, quá trình, yếu tố tác động, các đặc điểm và xu hướng biến đổi quan hệ gia đình dưới ảnh hưởng giai đoạn chuyển đổi trong thập kỉ qua. Việc xem xét các yếu tố tác động như cấu trúc kinh tế, nhân khẩu, nghèo đói, nhận thức, văn hoá, lối sống, đặc điểm cá nhân cho thấy các mẫu hình gia đình ở Việt Nam rất đa dạng, thuộc nhiều nhóm dân tộc khác nhau với đặc trưng quan hệ, sắc thái riêng biệt. Hiện có nhiều yếu tố mang tính áp lực đang tác động tới mức độ gắn kết các quan hệ gia đình và là thách thức lớn đối với việc duy trì, củng cố độ bền quan hệ hôn nhân, chất lượng sống và an toàn của các thành viên nói chung. Bài viết cũng gợi mở một số chủ đề, khía cạnh cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu.

Quyền lực của vợ và chồng trong việc quyết định các công việc của gia đình

Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung

Trang: 31-43

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào số liệu của cuộc điều tra Gia đình Việt Nam 2006 và một số cuộc điều tra lớn trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, bài viết tập trung tìm hiểu cán cân quyền lực của vợ và chồng trong việc quyết định các công việc gia đình và đánh giá sự biến đổi của mối quan hệ này. Kết quả cho thấy người chồng vẫn là người quyết định chính hoặc tham gia nhiều hơn vào việc ra quyết định đối với hầu hết các công việc quan trọng của gia đình. Sự tham gia của người vợ trong quá trình quyết định những công việc lớn của gia đình ngày càng được thể hiện rõ rệt qua việc vợ chồng cùng bàn bạc và quyết định đối với một số công việc. Kết quả phân tích từ mô hình hồi quy cho thấy cán cân quyền lực giữa vợ và chồng trong gia đình có mối liên hệ chặt chẽ với sự phân bổ nguồn lực kinh tế-xã hội giữa họ. Sự biến đổi từ mô hình truyền thống là nam giới quyết định sang mô hình có sự tham gia của cả hai vợ chồng diễn ra nhiều hơn ở thành thị, ở nhóm dân cư có trình độ học vấn cao, ở những gia đình mà người vợ có đóng góp quan trọng vào kinh tế hộ gia đình. Việc đứng tên sở hữu cơ sở sản xuất kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng trở thành người quyết định.

Trẻ em và sự tham gia lao động đóng góp thu nhập cho gia đình

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 44-55

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006, nghiên cứu này tập trung xem xét thực tế mức độ tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tạo thu nhập cho gia đình của trẻ em Việt Nam và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự tham gia đó. Kết quả cho thấy có tới gần một nửa số trẻ em trong độ tuổi 7-17 tham gia lao động đóng góp thu nhập cho gia đình (41%) Trẻ em có thể đóng góp tích cực kinh tế cho gia đình bằng các công việc trong và ngoài gia đình đang là một thực tế. Với việc sử dụng kỹ thuật phân tích đa biến bằng mô hình hồi quy Logistic đưa đến một số kết quả như sau: không có sự khác biệt giữa trẻ em nam và nữ trong việc tham gia lao động nhưng các biến số nhân khẩu xã hội khác như tuổi, học vấn, thành phần dân tộc và tình trạng đi học của trẻ em lại có sự tác động rõ rệt. Học vấn và nghề nghiệp của bố mẹ là những biến giải thích khá quan trọng, bố mẹ của nhóm trẻ em có học vấn thấp hơn và làm nông nghiệp thì khả năng trẻ em phải tham gia lao động cao hơn. Mức sống của gia đình có ảnh hưởng rõ rệt, trẻ em trong những gia đình có mức sống cao hơn ít phải tham gia lao động hơn. Tác động của các yếu tố kinh tế - xã hội như nơi cư trú thành thị hay nông thôn và vùng địa lý cũng có ảnh hưởng đến khả năng tham gia lao động của trẻ em.

Rối loạn lo âu ở thanh thiếu niên và vai trò của cha mẹ

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng Phương

Trang: 56-65

File toàn văn đính kèm: Tải về

Nghiên cứu về lo âu và rối loạn lo âu trong thanh thiếu niên ở Việt Nam chưa được sự quan tâm thích đáng trong nhiều năm trở lại đây. Bài viết dựa trên một nghiên cứu về thực trạng và nguyên nhân của rối loạn lo âu trong lứa tuổi thanh thiếu niên được tiến hành tháng 10 năm 2008 trên 600 học sinh phổ thông trung học tại Quảng Bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy có khoảng 23% các em học sinh trong diện điều tra có biểu hiện của rối loạn lo âu. Bốn nhóm nguyên nhân chính liên quan đến bản thân, việc học tập, gia đình và các mối quan hệ xã hội gây ra rối loạn lo âu. Trong đó, các nguyên nhân liên quan đến bản thân học sinh là nhóm gây ra nhiều áp lực, ức chế và lo âu cho các em hơn cả. Theo quan điểm của tác giả, cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng lo âu và rối loạn lo âu ở trẻ, đặc biệt khi trẻ ở trong giai đoạn dậy thì.

Sức khỏe sinh sản phụ nữ quanh tuổi mãn kinh

Tác giả: Kim Văn Chiến, Đào Thu Huyền

Trang: 66-74

File toàn văn đính kèm: Tải về

Nghiên cứu về phụ nữ lứa tuổi mãn kinh là vấn đề được các nhà khoa học quan tâm trong 10 năm gần đây. Dựa trên cuộc điều tra về “Thực trạng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ quanh tuổi mãn kinh tại cộng đồng” do ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Hà Nội tiến hành từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2008, bài viết phân tích về hiểu biết của phụ nữ về tình trạng sức khỏe quanh tuổi mãn kinh và thực trạng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ quanh tuổi mãn kinh tại cộng đồng hiện nay. Kết quả phân tích cho thấy nhận thức của phụ nữ mãn kinh về các vấn đề xung quanh thời kỳ mãn kinh còn hạn chế, nhu cầu tình dục dường nhu thấp hơn so với khi còn trẻ và mức độ sinh hoạt giảm hơn so với trước. Bài viết cũng chỉ ra một số tồn tại của các cơ sở y tế với mong muốn các cơ sở này sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xung quanh thời kỳ mãn kinh.

Việc làm và vấn đề đào tạo nghề của lao động nữ nông thôn

Tác giả: Nguyễn Thị Phương

Trang: 75-85

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu “Điều tra cơ bản về Lao động nữ nông thôn” do Hội LHPN tiến hành năm 2007-2008, tác giả tập trung phân tích những vấn đề đặt ra liên quan đến việc làm và đào tạo nghề của lao động nữ nông thôn hiện nay. Kết quả cho thấy cơ cấu nghề nghiệp của lao động nữ còn thiếu sự đa dạng, tỷ lệ kết hợp làm nhiều ngành nghề còn thấp. Đáng chú ý là tỷ lệ lao động nữ đã được đào tạo nghề còn rất thấp, tập trung chủ yếu vào các nghề thêu, đan, dệt, may, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Việc lựa chọn nghề để học của phụ nữ hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, chưa có định hướng quy hoạch lâu dài theo sự phát triển chung của kinh tế địa phương và kinh tế vùng, miền. Tác giả nhấn mạnh rằng đây là một điều bất cập và cho rằng cần phải tính đến yếu tố giới trong các chương trình, kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn trong thời gian tới.

Lồng ghép giới - qua một số tài liệu nghiên cứu tại Việt Nam

Tác giả: Đỗ Văn Quân

Trang: 86-96

File toàn văn đính kèm: Tải về

Thuật ngữ Lồng ghép giới được dùng khá phổ biến trong nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án can thiệp ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lồng ghép giới không chỉ là một khái niệm mà còn là một cách tiếp cận đòi hỏi tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng sáng tạo. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết tổng quan tài liệu tiếng Việt, bao gồm các công trinh khoa học, và các văn bản đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chính sách, pháp luật... liên quan đến lồng ghép giới được công bố tại Việt Nam trong thời gian qua.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 4/2009

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 4 năm 2009 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Nguyễn Hữu Minh Biến đổi quyền quyết định hôn nhân ở Việt Nam và các yếu tố tác động 3 Ngô Thị Tuấn Dung Quan hệ gia đình: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn 18 Trần Thị Cẩm Nhung Quyền lực của vợ và chồng trong việc quyết định các công việc của gia đình 31 Trần Quý Long Trẻ em và sự tham gia lao động đóng góp thu nhập cho gia đình 44 Nguyễn Thị Hằng Phương Rối loạn lo âu ở thanh thiếu niên và vai trò của cha mẹ 56 Kim Văn Chiến, Đào Thu Huyền Sức khỏe sinh sản phụ nữ quanh tuổi mãn kinh 66 Nguyễn Thị Phương Việc làm và vấn đề đào tạo nghề của lao động nữ nông thôn 75 Đỗ Văn Quân Lồng ghép giới - qua một số tài liệu nghiên cứu tại Việt Nam 86