Tin hoạt động

Tìm hiểu thực trạng và xây dựng quy trình phối hợp liên ngành về ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục

22/07/2015
Tìm hiểu thực trạng và xây dựng quy trình phối hợp liên ngành về ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục DUYNV

Xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề xã hội nhức nhối, cấp bách ở nhiều địa phương, để lại một hậu quả vô cùng nặng nề, lâu dài đối với sự phát triển về sức khoẻ, tâm lý, tinh thần trẻ em. Hiện còn ít nghiên cứu cụ thể về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em được công bố. Hầu hết, chỉ có các bài báo viết về một số vụ hiếp dâm trẻ em và đề cập đến các nguyên nhân nhưng còn sơ sài, việc phân tích xâm hại tình dục trẻ em còn chưa mang tính toàn diện. Với chính sách Bảo vệ trẻ em được tổ chức Plan toàn cầu phê duyệt năm 2002, Plan tại Việt Nam đã cùng với các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương xây dựng cơ chế phối hợp nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một nghiên cứu với sự hỗ trợ của tổ chức Plan năm 2007 về đề tài này với hy vọng sẽ mô tả được bức tranh chung về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em, cơ chế, quy trình phối hợp liên ngành về ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục giữa ngành Dân số Gia đình và Trẻ em, Lao động thương binh xã hội, Y tế, Công an và các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể quần chúng.

Báo cáo "Tìm hiểu thực trạng và xây dựng qui trình phối hợp liên ngành về ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm phạm tình dục" dài 74 trang gồm 2 phần. Phần 1 - Giới thiệu nghiên cứu, trình bày sự cần thiết của nghiên cứu này. Plan tại Việt Nam nhận thấy rằng xâm phạm tình dục trẻ em để lại một hậu quả vô cùng nặng nề, lâu dài đối với sự phát triển về sức khoẻ, tâm lý, tinh thần trẻ em. Tuy các vụ xâm hại tình dục trẻ em đã được phát hiện và đưa ra xét xử ngày càng nhiều nhưng quy trình về ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục chưa được quy định, sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu cơ chế, chưa đồng bộ. ở tuyến cơ sở các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, y tế, phục hồi thể chất, tâm lý cho nạn nhân hầu như chưa có hoặc có thì cũng rất nghèo nàn, manh mún. Vì vậy, thông qua hồ sơ các vụ án, những cuộc phỏng vấn các cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết các trường hợp, với gia đình có con em bị hại và với chính các nạn nhân, Plan đặt mục tiêu tìm hiểu thực trạng và xây dựng quy trình phối hợp liên ngành về ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục nhằm góp phần giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm phạm tình dục và tăng tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục được hỗ trợ về sức khỏe, tinh thần để hoà nhập với cộng đồng.

Trong phần này của báo cáo, phạm vi, đối tượng và đặc biệt là phương pháp nghiên cứu được quan tâm, chú trọng giới thiệu do đặc thù nhạy cảm của vấn đề nghiên cứu. Nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức Plan tại Việt Nam, Thanh tra Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phối hợp với Thanh tra Bộ Công an và Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tại 10 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bạc Liêu, Quãng Ngãi, Long An và Đồng Tháp. Phương pháp nghiên cứu chính là hồi cứu tài liệu, nghiên cứu định lượng và định tính, ngoài ra còn kết hợp với phương pháp chuyên gia. Các tác giả cũng trình bày những khó khăn và hạn chế của nghiên cứu. Do xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề bức xúc của xã hội và mang tính nhạy cảm đang được dư luận quan tâm, vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em cần tiến hành một cách khoa học, trung thực về những gì đã xảy ra với những con người có thực. Tuy nhiên nghiên cứu này đã gặp một số khó khăn như không phỏng vấn được đầy đủ các đối tượng đề ra, hoặc trẻ em bị hại hoặc do tuổi còn nhỏ hoặc vì lý do nào đó đã không trực tiếp trả lời mà nhóm nghiên cứu phải thông qua các bà mẹ hoặc người trong gia đình, phương pháp hồi tưởng được sử dụng khi nghiên cứu các trường hợp đã xảy ra có độ chính xác tỷ lệ nghịch theo thời gian... Những điều này phần nào đã hạn chế đến kết quả của nghiên cứu.

Phần 2 của Báo cáo là những kết quả nghiên cứu, được trình bày thành 3 chương. Chương 1: Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em. Chương 2: Thực trạng công tác phòng chống, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục. Chương 3: Những thách thức và giải pháp trong việc ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục.

Chương 1 cho ta thấy bức tranh thực trạng của tình hình xâm hại tình dục trẻ em nói chung và ở 10 tỉnh nghiên cứu. Trong phần đầu của chương 1, dựa trên các tài liệu nghiên cứu, báo cáo, thống kê của các ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm soát, các tác giả đã phân tích tình hình xâm hại tình dục trẻ em những năm gần đây trên nhiều thông số, trong đó có hình thức xâm hại, môi trường của trẻ bị xâm hại và đối tượng phạm tội.

Trong các tội xâm hại trẻ em, tội danh xâm hại tình dục trẻ em (XHTD TE) chiếm khoảng trên 50%. Trong cơ cấu tội danh: hiếp dâm trẻ em (HDTE), cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô đối với trẻ em trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì đối tượng phạm tội danh HDTE đã giảm từ 40,58% năm 2001 xuống còn 31,87% năm 2005 nhưng vẫn là tội danh chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tội xâm hại tình dục trẻ em. Đây là lý do chính để báo cáo kết quả nghiên cứu tập trung phân tích vào tội danh hiếp dâm trẻ em, một vấn đề bức xúc đang được xã hội quan tâm.

Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em theo nguồn cung cấp của Công an các tỉnh nghiên cứu cho thấy địa bàn nghiên cứu đều là những địa phương có nhiều biến động về xâm hại tình dục trẻ em qua các năm 2004 đến nay. Các chỉ báo về đặc điểm của trẻ bị xâm hại tình dục được báo cáo phân tích là: độ tuổi bị xâm hại, nông thôn/thành thị, dân tộc, trình độ học vấn, tình trạng học tập, tội danh bị xâm hại, tác động đối với trẻ em, quan hệ với đối tượng xâm hại. Kết luận đáng được lưu ý là ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn, đa số trẻ em bị xâm hại tình dục đang còn ngồi trên ghế nhà trường và đang học ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, thiếu hiểu biết về vấn đề này và thêm vào đó có tới 81,3% đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có mối quan hệ quen biết với trẻ em bị xâm hại tình dục.

Đối tượng phạm tội trong nghiên cứu được phân tích theo độ tuổi, trình độ học vấn, việc làm, mối quan hệ quen biết với nạn nhân. Tuổi của đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em tập trung vào độ tuổi từ 18-30 tuổi, đặc biệt là độ tuổi từ 20-25 tuổi và đều tập trung vào nhóm có học vấn thấp, bỏ học hay mù chữ. Chủ yếu các đối tượng có hành vi XHTD TE là những người không có công ăn việc làm, người làm thuê, những người làm nông nghiệp và có mối quan hệ quen biết với nạn nhân.

Chương 2 đưa ra các định nghĩa, khái niệm, những quy định của pháp luật liên quan đến tội xâm hại tình dục trẻ em, mô tả thực trạng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ các đối tượng trẻ em bị xâm hại tình dục.

Đáng chú ý là ở Việt Nam, theo các tác giả, xâm hại tình dục trẻ em chưa có khái niệm trực tiếp và chưa được phân loại một cách rõ ràng mà chỉ được hiểu một cách gián tiếp thông qua các quy định liên quan trong các bộ Luật, Luật và văn bản dưới luật như: Luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình... Mặc dù về các hình thức lạm dụng trẻ em mà quốc tế đã quy định thì hầu hết các hình thức này đã được thể hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam và được quy định ở nhiều văn bản dưới luật. Cụ thể, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định một số hành vi bị nghiêm cấm, hàm ý của các hành vi này giống với các định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng các hành vi bị cấm này không được quy định dưới các tiêu đề như lạm dụng thể chất, lạm dụng, xâm hại tình dục, lạm dụng tình cảm... mà thể hiện dưới các thuật ngữ khác. Song về bản chất các quy định tương đối giống nhau, các nội dung cơ bản của quốc tế đều đã được thể hiện trong các bộ luật, và văn bản pháp lý của Việt Nam. Cũng ở chương này, báo cáo đã giới thiệu chi tiết các qui định của pháp luật Việt Nam về phòng ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục đồng thời cũng đưa ra những ý kiến nhận xét những mặt khó khăn khi thực thi những điều khoản qui định này của pháp luật. Hoạt động của các tỉnh và thành phố khảo sát đã cho thấy sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc quyết tâm phòng ngừa, giải quyết tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Tuy nhiên qua thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu một số cán bộ của các cơ quan trực tiếp giải quyết những vụ xâm hại tình dục trẻ em cho thấy sự bị động của các cơ quan nhà nước trong việc phát hiện các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em; sự yếu kém, bất cập, lúng túng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ các trẻ em bị xâm hại tình dục. Đó một phần do sự phân công trách nhiệm cho các ngành chưa cụ thể, rõ ràng, mặt khác do thiếu đồng bộ trong khâu phối hợp dẫn đến tình trạng ngành nào giải quyết theo chuyên môn của ngành đó; cán bộ ở cơ sở hầu như chưa được tập huấn về cách thức triển khai các nội dung của đề án phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, về kỹ năng làm việc với trẻ em bị xâm hại tình dục.

Một số loại hình dịch vụ trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục trong thời gian qua cũng được báo cáo phân tích làm rõ trong chương này như: dịch vụ tư vấn; dịch vụ hỗ trợ pháp lý hay còn gọi trợ giúp pháp lý; dịch vụ hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng; dịch vụ các loại nhà mở, mái ấm tình thương.

Chương 3 phân tích cụ thể những khó khăn, hạn chế và cơ hội trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục. Để đưa ra được những biện pháp khả thi, hiệu quả nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, nghiên cứu đã phân tích và xác định cụ thể những nguy cơ, thách thức. Các tác giả cho rằng nguy cơ bị xâm hại tình dục luôn có thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào và không phân biệt giới tính, đặc biệt là trẻ em dưới 13 tuổi chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân mình. Nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục chia đều cho cả vùng thành thị và nông thôn và trẻ em có thể bị xâm hại tình dục ngay trong ngôi nhà của mình. Hầu hết đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em có trình độ thấp và hiểu biết hạn chế về các kiến thức sinh lý học, về pháp luật. Phần lớn các gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bảo vệ con chống lại sự xâm hại tình dục. Về phía nhà trường, những hạn chế trong phương pháp và nội dung giáo dục của nhà trường hiện nay là yếu tố gián tiếp tác động tới giai đoạn đầu của quá trình dẫn đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Nội dung giáo dục trong nhà trường còn bỏ qua, coi thường những kiến thức cơ bản về tâm, sinh lý học, sức khoẻ sinh sản hay những kiến thức xã hội giúp các em có thể tự bảo vệ mình.

Một hạn chế nữa là hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự hiện hành còn chưa có những qui định riêng về các quyền của trẻ em là nạn nhân của tội phạm nói chung, nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục trẻ em nói riêng nên vẫn có những thủ tục tố tụng bất cập mà có thể gây cho những trẻ là nạn nhân của những hành vi xâm hại tình dục sự "tổn thương lần thứ hai" trong quá trình tố tụng. Thêm vào đó, quá trình xử lý vụ án chưa kịp thời, còn nhiều thiếu sót; hệ thống các loại hình dịch vụ trợ giúp phục hồi và tái hoà nhập xã hội cho nhóm trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục chưa được đầy đủ, đồng bộ và còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp thiếu về số lượng và chưa mang tính chuyên nghiệp...

Cuối cùng, những kiến nghị, giải pháp chính trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục mà báo cáo đưa ra nhằm hạn chế hoặc khắc phục những yếu tố nguy cơ trên như: cần có nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ bị xâm hại tình dục trẻ em; cần thiết nghiên cứu để thay đổi nội dung giáo dục giới tính trong nhà trường; lồng ghép các hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em bị xâm hại tình dục với các hoạt động khác có liên quan đến xâm hại trẻ em; tăng cao mức xử phạt đối với các hành vi tổ chức chiếu phim, buôn bán các loại băng đĩa, sách báo, tranh ảnh có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực; nâng cao trình độ của cán bộ điều tra cấp cơ sở trong quá trình điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; v.v... đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và xã hội, giữa các bộ, ngành với các tổ chức quần chúng xã hội trên quy mô rộng.

Võ Kim Hương (giới thiệu)