Liên kết web
Số lượt truy cập

7

2939137

Hoạt động Khoa học

Đề tài độc lập cấp quốc gia: Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá

12/05/2017
Tháng 10 năm 2015, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới được giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp Quốc gia: “Hạnh phúc của người Việt Nam: quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá” (ĐTĐL.XH-03/15). Thời gian thực hiện 30 tháng (từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2018).

Hạnh phúc là một giá trị văn hóa - xã hội mang tính phổ quát toàn nhân loại. Ở bất cứ quốc gia - dân tộc nào, cũng như bất kỳ thời đại lịch sử nào, hạnh phúc vẫn luôn là khát vọng vươn tới của con người. Cuốn sách Khoa học về hạnh phúc (The Science of  Happiness) của một nhóm tác giả đã được xuất bản tại thủ đô Luân Đôn của nước Anh năm 1861 được coi là công trình đầu tiên nghiên cứu về hạnh phúc. Đến những năm 1960 của thế kỷ XX, khoa học về hạnh phúc không còn dừng lại ở những suy tư triết học, mà đã dần trở thành khoa học thực nghiệm, nhất là đối với ngành tâm lý học, xã hội học, không chỉ ở Tây Âu, mà còn ở Bắc Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Việt Nam là một  đất nước có bề dày truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, do đó không xa lạ với mục tiêu hạnh phúc của con người. Chỉ kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) đến nay, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Hạnh phúc  là mục tiêu cao đẹp nhất gắn liền với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học về hạnh  phúc ở Việt Nam lại chưa được đặt ra một cách tương xứng, nếu không muốn nói là hoàn toàn bị bỏ trống. Việc  nghiên cứu hạnh phúc của người Việt Nam và bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc của người Việt Nam không chỉ khẳng định những cam kết quốc tế,  mà còn góp phần minh chứng cho bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cung cấp những tri thức nền tảng trong việc hình thành quan niệm và sự lựa chọn hạnh phúc của người dân, giúp các nhà hoạch địn chính sách xây dựng chiến lược phát triển và quản lý sự phát triển xã hội một cách bền vững ở nước ta hiện nay.

Mục tiêu tổng quát của đề tài: Xác định khái niệm hạnh phúc của người Việt Nam và bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc của người Việt Nam thích ứng với chuẩn quốc tế, đồng thời mang những đặc trưng riêng của người Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể:

- Làm rõ quan niệm về hạnh phúc trong điều kiện của đất nước và con người Việt Nam hiện nay.

- Phân tích thực trạng về hạnh phúc của người Việt Nam hiện nay.

- Xác định chỉ số đánh giá hạnh phúc của người Việt Nam phù hợp với điều kiện Việt Nam và có khả năng so sánh quốc tế, trước hết là so sánh với các quốc gia có trình độ phát triển gần với Việt Nam.

- Nghiên cứu tạo cơ sở cho việc định hướng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Phương pháp thực hiện: Đề tài tiến hành theo phương pháp điều tra định lượng và điều tra định tính với mẫu định lượng là 2.500 phiếu và mẫu định tính là 192 cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm.

Địa bàn khảo sát: 05 tỉnh thành đại diện cho 05 vùng địa lý, cụ thể:

Vùng Đồng bằng sông Hồng: Ninh Bình

Vùng Tây Bắc: Sơn La

Vùng  miền Trung Tây Nguyên: Đắc Lắc

Vùng Đông Nam Bộ: Tp. Hồ Chí Minh

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: An Giang

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Lê Ngọc Văn

Thư ký đề tài: Ths. Bùi Thị Hương Trầm

Hiện tại, đề tài đang triển khai theo đúng tiến độ. Báo cáo cuối cùng sẽ được nghiệm thu vào tháng 3 năm 2018.

 

Hương Trầm