Liên kết web
Số lượt truy cập

14

1962401

Hoạt động Khoa học

Hội thảo khoa học: Ảnh hưởng của phong tục tập quán các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới

06/01/2017
Ngày 6/12/2016 tại Hà Nội, Học viện Dân tộc (thuộc Uỷ ban Dân tộc) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học công bố một số kết quả bước đầu của đề tài “ảnh hưởng của phong tục tập quán các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới”.

TS. Đặng Thị Hoa, đại diện cho nhóm nghiên cứu đã trình bày một số nét chính:

Mục tiêu chính của đề tài: Đánh giá thực trạng ảnh hưởng của phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó đề xuất giải pháp phát huy yếu tố tích cực của phong tục tập quán trong xây dựng nông thôn mới.

Một số kết quả nghiên cứu chính:

- Đặc điểm các dân tộc miền núi phía Bắc: có tính liên kết, cộng đồng cao; có nhiều phong tục tập quán truyền thống chi phối các hoạt động sản xuất và sinh hoạt thường ngày, người dân khó chấp nhận sự thay đổi; tâm lý sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên; tập quán trong chăm sóc sức khỏe và KHHGĐ còn nhiều hạn chế…

- Đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc gặp nhiều trở ngại trong việc xây dựng nông thôn mới.

- Một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa phù hợp với thực tiễn ở vùng miền núi phía Bắc: ví dụ tiêu chí về quy hoạch sử dụng đất, về sử dụng nhà văn hóa, về xây dựng chợ, về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, về cơ cấu thu nhập và sản xuất phi nông nghiệp...

Một số đề xuất bước đầu: Nhà nước cần có chính sách, kế hoạch truyền thông, vận động người dân, đặc biệt chú ý các chính sách liên quan đến hôn nhân, gia đình, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tích cực. Cần điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với đặc thù văn hóa, kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận về những vấn đề cụ thể: ThS. Bùi Thị Hương Trầm: “Ảnh hưởng của phong tục tập quán các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới”; ThS. Sầm Thuỳ Dương: “Thực trạng ảnh hưởng của phong tục tập quán người Mông đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang”; ThS. Trần Quý Long: “Hoạt động kinh tế hộ gia đình của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh tác động của phong tục tập quán ở một số địa bàn khảo sát”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều đóng góp để hoàn thiện các báo cáo và tư vấn cho các hoạt động của đề tài trong giai đoạn tiếp theo. TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã đánh giá cao các kết quả bước đầu của đề tài, tính khoa học của các báo cáo và gợi ý đề tài nên tập trung phát hiện những phong tục tập quán tích cực hoặc gây trở ngại đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới, đồng thời chú ý đến những đặc điểm riêng của từng dân tộc, nhóm dân tộc, từng vùng điều kiện tự nhiên... để từ đó đề xuất những chính sách, chương trình vận động phù hợp nhằm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở nơi đây.

Hà Nội. 2016

Nguyễn Đức Tuyến