Liên kết web
Số lượt truy cập

34

2789922

Hoạt động Khoa học

Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học năm 2015 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

11/05/2017

Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học năm 2015, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức nghiệm thu các đề tài cấp cơ sở năm 2015. Các hội đồng nghiệm thu được tổ chức nghiêm túc, với không khí trao đổi học thuật sôi nổi và xây dựng, với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài viện,  đại điện của ban Quản lý khoa học Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các phòng chức năng và các cán bộ viện.

Đề tài “Tìm hiểu, đánh giá một số mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tập trung tại Hà Nội” do  Ths.NCVC. Lê Ngọc Lân làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu một số mô hình chăm sóc tập trung người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội trên các khoá cạnh: Mô hình quản lý, các loại dịch vụ được cung cấp; sự lựa chọn và sử dụng các dịch vụ của các gia đình tham gia nhằm chỉ ra những mặt tích cực, hạn chế về các sản phẩm dịch vụ, khả năng của các nhà cung cấp, nhu cầu của người sử dụng. Kết quả nghiên cứu bước đầu còn cho thấy có một số khác biệt giữa người cao tuổi ở các nhóm tuổi, loại dịch vụ sử dụng, mức độ cần sự hỗ trợ của điều dưỡng viên khác nhau trong việc hưởng thụ và đánh giá dịch vụ.

Đề tài “Đặc điểm sử dụng thiết bị công nghệ trong gia đình Hà Nội và những yếu tố ảnh hưởng” do Ths. Phí Hải Nam làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài đề tài nhằm phân tích đặc điểm sử dụng công nghệ trong gia đình Hà Nội hiện nay và những tác động của yếu tố công nghệ lên mối quan hệ cha mẹ-con cái và quan hệ vợ chồng. Kết quả cho thấy thu nhập của hộ gia đình, học vấn người trả lời và nghề nghiệp của người chồng là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến thời gian và mục đích sử dụng thiết bị công nghệ trong gia đình. Tác động của truyền thông đại chúng, thiết bị công nghệ tác động lên mỗi cá nhân làm thay đổi hành vi giao tiếp, quan hệ vợ - chồng và cha mẹ - con cái. Mỗi cá nhân trong gia đình đều chịu sự tác động của thiết bị công nghệ ở hai khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực, tuỳ thuộc vào điều kiện sống, đặc trưng nhân khẩu học của các gia đình và quan niệm của từng nhóm đối tượng.

 

Đề tài “Sinh con theo ý muốn và ảnh hưởng của nó tới mất cân bằng giới tính khi sinh” do Ths.Trương Thị Thu Thuỷ làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài nhằm tìm hiểu thực trạng áp dụng các biện pháp sinh con theo ý muốn của các gia đình tại địa bàn nghiên cứu, xác định các yếu tố có liên quan tới việc áp dụng biện pháp sinh con theo ý muốn và phân tích ảnh hưởng của việc sinh con theo ý muốn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Tài liệu nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam chỉ ra tác động tiêu cực của mất cân bằng giới tính khi sinh đến sự thay đổi về mặt cấu trúc dân số, hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới, đặc biệt với các ảnh hưởng tiêu cực đối với người phụ nữ và trẻ em gái. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, đây là vấn đề rất cần được quan tâm nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là khía cạnh các yếu tố tác động và các hệ quả để tìm kiếm các giải pháp giải quyết hiệu quả vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Đề tài “Nhận thức và ứng phó với biến đổi khí hậu của phụ nữ ở một xã vùng duyên hải Bắc bộ: Nghiên cứu trường hợp xã Đại Hợp, Huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng” do Ths.Đặng Thanh Nhàn làm chủ nhiệm. Đề tài tìm hiểu nhận thức và ứng phó của phụ nữ vùng ven biển với vấn đề biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra khuyến nghị nhằm giúp phụ nữ nâng cao khả năng nhận thức và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả cho thấy, các hỗ trợ từ phía cộng đồng và thể chế góp phần cải thiện đáng kể vào việc da dạng hóa nguồn sinh kế và tạo sinh kế bền vững cho người dân nói chung và người phụ nữ nói riêng. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên phụ nữ vẫn gặp khó khăn hơn nam giới trong việc tham gia các công tác cộng đồng liên quan đến thích ứng và giảm nhẹ rủi ro của thiên tai và biến đổi khí hậu do vai trò giới của mình.

Các báo cáo đề tài đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, những nhận xét chuyên môn giúp hoàn thiện các báo cáo trên và xây dựng nên những định hướng nghiên cứu mới. Đánh giá chung về kết quả nghiệm thu cấp cơ sở của các đề tài, các hội đồng nghiệm thu, các đề tài đã gặt hái được nhiều thành công thông qua những góp ý, nhận xét của hội đồng và đồng nghiệp. Bên cạnh đó, dữ liệu của các đề tài được triển khai nghiêm túc, đáng tin cậy và là nguồn dữ liệu, tài liệu bổ ích, làm nền tảng cho việc phân tích định hướng nghiên cứu khoa học trong những năm tiếp theo.

Phí Hải Nam