Liên kết web
Số lượt truy cập

10

2939003

Hoạt động Khoa học

Hội thảo Quốc tế “13th Next-Generation Global Workshop” với chủ đề “New Risks and Resilience in Asian Societies and the World”

25/12/2020
Thực hiện Quyết định số 1093/QĐ-KHXH ký ngày 13 tháng 7 năm 2020 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trường đại học Kyoto University (Nhật Bản) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế “13th Next-Generation Global Workshop” (NGGW) (tạm dịch: Hội thảo Toàn cầu của Thế hệ kế tiếp lần thứ 13) vào ngày 21-23/11/2020 tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ hợp tác chính thức giữa đại học Kyoto University và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Hội thảo Quốc tế NGGW là hội thảo thường niên do đại học Kyoto University tổ chức bắt đầu từ năm 2008 với mục tiêu tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh trình bày nghiên cứu, và tiếp nhận góp ý từ các chuyên gia và giáo sư của các trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Đây cũng là cơ hội vô giá cho các nhà khoa học thuộc các thế hệ và từ nhiều quốc gia/khu vực học hỏi lẫn nhau và hiểu sâu hơn về các hiện tượng xã hội khác nhau trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt là ở châu Á.

 

Với chủ đề “New Risks and Resilience in Asian Societies and the World” (Tạm dịch:  Các rủi ro mới và khả năng chống chịu trong các xã hội châu Á và trên thế giới), hội thảo hướng tới khám phá cách thức mà các cá nhân, gia đình, xã hội trong bối cảnh văn hóa xã hội nhất định nhận thức và thích ứng với rủi ro, đồng thời tìm hiểu  khả năng chống chịu từ quan điểm liên ngành. Đây là lần đầu tiên mà một hội thảo được đồng tổ chức bởi các viện nghiên cứu và một tổ chức đoàn thể xã hội (tức là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) có chức năng vận động, khuyến nghị, giám sát và phản biện chính sách. Do đó, hội thảo đóng vai trò như một diễn đàn cho các nhà khoa học, đồng thời, các kết quả nghiên cứu của hội thảo sẽ cung cấp cơ sở lý thuyết và thực tiễn cho các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện và vận động chính sách.

 

Do ảnh hưởng của Covid-19 trên khắp thế giới, và các đường bay quốc tế tới Việt Nam gần như tạm ngừng hoạt động, nên đây cũng là năm đầu tiên hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tuyến tại 12 quốc gia và hình thức tại chỗ ở Việt Nam. Tại Việt Nam, hội thảo thu hút sự tham gia của các bộ ngành (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và Trung ương Hội LHPN Việt Nam), Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế (Đại sứ quán Úc, Tổ chức Di cư Quốc tế IOM), các trường đại học và viện nghiên cứu (Đại học KHXH và NV QG Hà Nội, Trường Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Văn hóa, Đại học Giáo dục, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Xã hội học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia…), các tổ chức trong nước (Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, …)  và các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

 

Tại kênh hội thảo trực tuyến, hội thảo thu hút 29 báo cáo viên đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc bốn châu lục bao gồm Canada, Hungary, Ukraine, Nhật Bản, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Madagascar. Ngoài ra, hội thảo có sự tham gia của 9 giáo sư/phó giáo sư/nhà quản lý của các cơ quan nhà nước là chủ trì các phiên họp song song đến từ 06 quốc gia (Anh, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,Trung Quốc, và Ấn Độ). Hội thảo đã ghi nhận 298 lượt tham gia trực tuyến từ nhiều nơi trên thế giới.

 

Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi – Viên trưởng, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới giới thiệu về lịch sử, lý do chọn chủ đề, mục tiêu, và kết quả mong muốn của hội thảo. Bài phát biểu nhấn mạnh rằng hội thảo NGGW lần thứ 13 có vai trò như một cầu nối ý nghĩa giữa diễn đàn học thuật và vận động chính sách để cùng nhau thảo luận về những rủi ro đang phát sinh và khả năng phục hồi ở các xã hội châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đều là những nơi đang phải đối mặt với các vấn đề và những thách thức tương tự. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong hội thảo này sẽ là bằng chứng khoa học quan trọng góp phần vào quá trình xem xét, sửa đổi và / hoặc xây dựng chính sách của các cơ quan, tổ chức nhà nước ở các xã hội nói chung và ở Việt Nam nói riêng, bao gồm cả các tổ chức đoàn thể, các bộ và ban ngành.

 

Tiếp theo, G.S. Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, GS. Emiko Ochiai – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á KUASU, Đại học Kyoto, và TS. Bùi Thị Hòa – Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo. GS. Đặng Nguyên Anh bày tỏ sự trân trọng khi đồng tổ chức hội thảo đầy ý nghĩa này cùng các đồng nghiệp ở Đại học Kyoto University và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ và cộng tác không ngừng của các đối tác để hội thảo này được tổ chức bất chấp khoảng cách địa lý cũng như đại dịch. TS. Bùi Thị Hòa đánh giá cao cơ hội được đồng tổ chức hội thảo quan trọng này. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hy vọng rằng bức tranh toàn cảnh sinh động về xã hội châu Á sẽ giúp Liên hiệp hội đề xuất các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế và bền vững xã hội của các quốc gia châu Á.

 

Hội thảo bao gồm 2 phiên toàn thể và 18 phiên đồng thời. Trong 2 phiên toàn thể, các giáo sư đã có 04 bài trình bày “Impacts of Covid 19 on gender relations” của GS. Emiko Ochiai (Đại học Kyoto University, Nhật Bản), “Gender and Caste Violence in India: Past and Present” của GS. Jyoti Atwal (Jawaharlal Nehru University, Ấn Độ), “Does community care? The Intergenerational Self-Help Clubs in Ha Tinh province, Vietnam” của PGS.TS. Kato Atsufumi (Đại học Kyoto Sangyo University, Nhật Bản) và “Nutritional Status of the Reserved Category Educated Women in University Studies in India” của GS. Maitreyee Bardhan Roy (Đại học Adamas University, Ấn Độ). Những bài thuyết trình này đã phác họa một bức tranh tổng thể về những thay đổi đáng kể đã và đang diễn ra ở các xã hội châu Á trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

 

18 phiên đồng thời được chia theo 09 chủ đề, bao gồm (1) Tác động của biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu; (2) (Bất) bình đẳng giới; (3) Biến đổi hôn nhân và gia đình; (4) Già hóa dân số và các vấn đề xã hội; (5) Di cư; (6) An sinh xã hội, an ninh con người và quyền con người ở khu vực châu Á; (7) Tính linh hoạt của thị trường lao động và khả năng thích ứng; (8) Các mô hình phát triển kinh tế và xu hướng biến đổi; và (9) Bệnh dịch. Mỗi phiên đồng thời gồm 03 bài trình bày của  các nhà nghiên cứu trẻ và các nghiên cứu sinh. Bên cạnh những ý kiến đóng góp từ kênh trực tuyến và tại chỗ như ở những hội thảo thông thường khác, mỗi người trình bày còn nhận được phản hồi chi tiết từ một giáo sư đã được hội thảo mời đọc và nhận xét bài viết. Nhận xét của giáo sư sẽ là định hướng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh xem xét, chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết, chuẩn bị cho việc xuất bản trong kỷ yếu hội thảo.

 

Các phiên đồng thời gồm có 54 bài tham luận của các nhà nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau, và phiên toàn thể gồm có 4 bài tham luận, trong số đó có nhiều bài là các nghiên cứu có tính nguyên gốc. Sau mỗi bài thuyết trình là những phần thảo luận chất lượng giữa các giáo sư, chủ trì và khách tham dự trên cả kênh trực tuyến và tại chỗ. Những người tham gia hội thảo bày tỏ sự cảm tạ sâu sắc vì đã có cơ hội thiết lập mạng lưới hợp tác mới, thu được những kiến thức học thuật và mối liên hệ có ý nghĩa giữa các kết quả nghiên cứu học thuật và việc xây dựng cũng như vận động chính sách.

 

Trong phần phát biểu kết luận bế mạc hội thảo, Ban tổ chức hội thảo gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các đại biểu tham gia trực tuyến và tại chỗ đã đưa ra những ý kiến đóng góp hữu ích. Các đại biểu đánh giá cao chất lượng của các tham luận tại hội thảo; cơ hội trao đổi và thu thập kiến thức về khoa học xã hội và phương pháp tiếp cận liên ngành, đặc biệt là kiến thức về khả năng thích ứng của con người trước hoàn cảnh mới. Các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Ban tổ chức trong việc tổ chức hội thảo quốc tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cũng như tạo kết nối giữa các nhà khoa học với các cơ quan vận động chính sách để đưa kết quả nghiên cứu đến gần hơn với quá trình vận động chính sách.

 

Nguyễn Hà Đông, Phan Huyền Dân