Liên kết web
Số lượt truy cập

21

1933510

Chi tiết tạp chíSố 6 - 2017

Hội thảo quốc tế “Dịch vụ Công tác xã hội với lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán, xâm hại”

Tác giả: P.V

Trang: 96

Trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 2017, tại Hội trường Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Nhân viên Công tác xã hội Nhật Bản và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Dịch vụ công tác xã hội với lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán, xâm hại” với mục đích trao đổi và thảo luận những vấn đề về chính sách, các mô hình và phương pháp trợ giúp liên quan tới trẻ em lao động sớm và bị mua bán, xâm hại. Hội thảo đã thu hút gần 90 đại biểu là đại diện đến từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Tư pháp; Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp; Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Tổ chức UNICEF, ILO, Childfund, Save Children, CESI, World Vision, PLAN và các đại diện đến từ các hiệp hội, các trung tâm, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, giảng viên các trường đại học cao đẳng trong cả nước. Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam nhấn mạnh “Lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán, xâm hại là những đối tượng phải chịu tổn thương nặng nề về mặt thể chất và tinh thần, các em cần được nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm sóc và cung cấp dịch vụ bảo vệ an toàn, tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng và phát triển, được sống trong môi trường gia đình cha mẹ đẻ, được tiếp cận thuận lợi với dịch vụ giáo dục, chăm sóc, trị liệu tâm lý xã hội; được thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định của công ước quốc tế về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016”. Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày các bài tham luận, trong đó nêu bật được số lượng, tỷ lệ trẻ em lao động, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán trong đó có nhấn mạnh đến nguyên nhân nghèo đói và di dân và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe thể chất, tinh thần, an sinh xã hội và tương lại của các em. Hội thảo cũng đề cập đến nhu cầu cũng như những khó khăn, rào cản trong việc việc tiếp cận dịch vụ công tác xã hội của nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã thảo luận và đưa ra các khuyến nghị trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật chính sách đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt là luật thực hành CTXH; Tạo cơ chế xã hội hóa, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia; cung cấp tài chính theo kết quả cung cấp dịch vụ, tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực CTXH với các trình độ khác nhau đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa và nhu cầu trước mắt nâng cao chất lượng dịch vụ; Các cơ sở cung cấp dịch vụ cần đa dạng hóa các loại hình hoạt động cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu bức thiết của thân chủ, chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ; Hình thành các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ và giám sát chất lượng dịch vụ; Gắn kết hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ với hoạt động hỗ trợ can thiệp của cộng đồng; Hướng về cộng đồng là chủ yếu phát huy sức mạnh cùa cộng đồng đặc biệt là các tổ chức xã hội.

Nghiệm thu Đề tài cấp cơ sở và cấp bộ năm 2017 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: P.V

Trang: 95

Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học năm 2017, trong tháng 11 năm 2017, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp cơ sở năm 2017 và nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ cấp Bộ năm 2017. Thành viên Hội đồng nghiệm thu gồm các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu gia đình và giới trong và ngoài Viện. Trong năm 2017, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới triển khai 10 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài cấp bộ, trong đó tám đề tài cấp cơ sở thuộc Hệ đề tài Nghiên cứu lịch sử gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 và hai đề tài hỗ trợ nghiên cứu sinh. Các đề tài cấp cơ sở bao gồm: (1) Đề tài Tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 do Th.S. Hà Thị Minh Khương làm chủ nhiệm; (2) Đề tài Việc lựa chọn bạn đời ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 do Th.S. Nguyễn Thị Hồng Hạnh làm chủ nhiệm; (3) Đề tài Tổ chức cuộc sống những năm đầu sau kết hôn trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 do Th.S. Phí Hải Nam làm chủ nhiệm; (4) Đề tài Phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 do Th.S. Lỗ Việt Phương làm chủ nhiệm; (5) Đề tài Quyền quyết định giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 do Th.S. Lê Việt Nga làm chủ nhiệm; (6) Đề tài Đời sống tâm lý – tình cảm giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975” do Th.S. Trần Thị Vân Nương làm chủ nhiệm; (7) Đề tài Sự trợ giúp lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình mở rộng ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 do CN Đào Hồng Lê làm chủ nhiệm; (8) Đề tài Sự tham gia của người phụ nữ trong các hoạt động cộng đồng ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 do Th.S. Phan Huyền Dân làm chủ nhiệm; (9) Đề tài Khác biệt xã hội trong tiếp cận giáo dục của trẻ em do Th.S. Trần Quý Long làm chủ nhiệm; (10) Đề tài ứng phó của phụ nữ miền Trung với biến đổi khí hậu do Th.S. Đặng Thanh Nhàn làm chủ nhiệm; và Đề tài cấp bộ: Báo cáo thường niên 2017: Thực hiện quyền được đối xử công bằng và đảm bảo an toàn của lao động nữ ở các doanh nghiệp tại Việt Nam do TS. Trần Thị Hồng làm chủ nhiệm. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, nhận xét và đánh giá của thành viên Hội đồng nghiệm thu, các chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở sẽ hoàn thiện báo cáo cuối cùng và chủ nhiệm đề tài cấp bộ hoàn thiện nội dung báo cáo trước khi nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Đánh giá chung về tiến độ và kết quả của các đề tài, TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, khẳng định rằng, cho dù còn có những khó khăn và trở ngại trước mắt, các đề tài về cơ bản đã hoàn thành tốt phần công việc chính và đảm bảo tiến độ đã ký kết. TS. Trần Thị Minh Thi cũng cho rằng những nhận xét của hội đồng và đồng nghiệp tham gia nghiệm thu là thực sự hữu ích cho các chủ nhiệm đề tài cũng như những người tham dự trong việc nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc phân chia đề tài cấp cơ sở có hệ thống sẽ tạo nguồn dữ liệu, tài liệu bổ ích, làm nền tảng cho định hướng nghiên cứu khoa học trong những năm tiếp theo của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhiệm kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Thị Thảo

Trang: 93-94

Sáng ngày 16/11/2017, tại Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, trụ sở số 27 Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là Viện Hàn lâm) đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm TS.Trần Thị Minh Thi giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tham dự buổi lễ có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Thay mặt Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã tặng hoa tri ân và phát biểu ghi nhận, đánh giá cao về những thành tựu, đóng góp xuất sắc của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đối với sự ổn định, phát triển của Viện. Chủ tịch đánh giá cao năng lực, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết và hiệu quả của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh và mong muốn trong thời gian tới, với kinh nghiệm trong chuyên môn cũng như quản lý, đồng chí sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới về chuyên môn, đào tạo và tư vấn chính sách của ngành. Các tập thể, cá nhân trong đơn vị đã dành cho GS.TS Nguyễn Hữu Minh những bó hoa tri ân và những lời cảm ơn, chúc mừng với nhiều tình cảm tốt đẹp nhất. GS.TS Nguyễn Hữu Minh đã phát biểu cảm ơn những đánh giá tốt đẹp của Chủ tịch Viện Hàn lâm, của các đồng nghiệp ở Viện và hứa sẽ phát huy các kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và quản lý đóng góp vào hoạt động chung của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Tiếp đó, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn đã trao Quyết định số 1984/QĐ-KHXH ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chủ tịch Viện Hàn lâm về việc bổ nhiệm TS. Trần Thị Minh Thi, Nghiên cứu viên chính, Phó Viện trưởng, giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thời gian giữ chức vụ là 5 năm. GS.TS Nguyễn Quang Thuấn tặng hoa chúc mừng và phát biểu giao nhiệm vụ cho tân Viện trưởng. Chủ tịch tin tưởng rằng, trên cương vị mới của mình, TS. Trần Thị Minh Thi sẽ kế thừa và phát huy được truyền thống tốt đẹp của đơn vị cũng như kinh nghiệm lãnh đạo của những người đi trước, cùng với kiến thức chuyên môn sâu được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước, tân Viện trưởng sẽ cùng tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động xây dựng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới ngày càng phát triển bền vững, toàn diện, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Phát biểu nhận nhiệm vụ tại buổi lễ, tân Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới - TS. Trần Thị Minh Thi trân trọng cảm ơn Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm đã tin tưởng giao nhiệm vụ; cảm ơn tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị đã giới thiệu và tín nhiệm đồng chí giữ chức vụ Viện trưởng. Đồng chí nhận thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm lớn trước lãnh đạo Viện Hàn lâm, các thế hệ đi trước cũng như của toàn thể cán bộ, viên chức đang công tác tại Viện trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế. Tập thể Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới sẽ nỗ lực tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và tổng kết thực tiễn; tiếp tục phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp; chủ động thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước. Bằng kinh nghiệm và khả năng của mình, đồng chí cam kết sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Viện, của các thế hệ tiền nhiệm; vững vàng, đoàn kết, tâm huyết, tiên phong nghiên cứu sáng tạo đổi mới, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Viện tiếp tục đưa Viện phát triển. Tân Viện trưởng cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, các Ban chức năng và sự hợp tác, giúp đỡ của Chi ủy, tập thể lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong Viện để đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Nhân dịp này, TS. Trần Thị Minh Thi đã nhận được những lời chúc mừng cùng nhiều bó hoa tươi thắm từ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, lãnh đạo Ban Tổ chức Cán bộ và tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức đoàn thể chính trị của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Những yếu tố trường học đặc trưng của nhóm trẻ hạnh phúc và không hạnh phúc

Tác giả: Phan Thị Mai Hương, Nguyễn Hữu Minh

Trang: 81-92

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên mẫu nghiên cứu gồm 402 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 của Trường THPT Vĩnh Bảo, Hải Phòng, bài viết phân tích những yếu tố trường học đặc trưng cho nhóm trẻ hạnh phúc và không hạnh phúc. Kết quả chỉ ra rằng, ngoại trừ yếu tố kết quả học tập, các đặc trưng trường học khác bao gồm khối lớp, áp lực học tập, giá trị bản thân ở trường học, hỗ trợ của bạn bè, hỗ trợ của thầy cô, giới tính của giáo viên chủ nhiệm, và học sinh có giáo viên yêu quí là những yếu tố có liên quan đến cảm nhận hạnh phúc và không hạnh phúc của học sinh. Kết quả này gợi ra rằng những hoạt động trợ giúp tại trường học cần bám sát các yếu tố đặc trưng của nhóm trẻ hạnh phúc và nhóm trẻ không hạnh phúc để tạo dựng một cuộc sống ở trường có ý nghĩa với các em và để trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn khi tới trường.

Sự tham gia của người phụ nữ vào hoạt động đoàn thể xã hội ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 (Trường hợp huyện Nghĩa Hưng, Nam Định)

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 70-80

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu về sự tham gia của người phụ nữ vào các đoàn thể xã hội giai đoạn 1960-1975 ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Kết quả nghiên cứu cho thấy giai đoạn này lực lượng tham gia đoàn thể chủ yếu là phụ nữ với tinh thần tự nguyện và không bị ép buộc bởi sự quản lý hành chính hay xã hội. Đáng lưu ý, sự tham gia đoàn thể không bị hạn chế bởi sự khó khăn về kinh tế và hoàn cảnh chiến tranh. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mô hình “nam trưởng nữ phó” được lãnh đạo đoàn thể duy trì và củng cố.

Bình đẳng trong thu nhập đối với lao động nữ ở Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 59-69

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định pháp lý về quyền bình đẳng trong thu nhập của lao động nam và lao động nữ, nhận diện tình hình thực hiện các quy định này trên thực tế tại Việt Nam. Trên cơ sở tổng quan tài liệu, bài viết chỉ ra rằng các quy định pháp luật của Việt Nam về bình đẳng giới trong trả công tương đối phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Luật pháp Việt Nam đã xác định việc phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc việc áp dụng mức lương khác nhau cho người lao động có cùng trình độ, năng lực nhưng khác biệt về giới tính là hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tế, mặc dù khoảng cách giới trong thu nhập đang ngày càng được thu hẹp nhưng mức thu nhập của lao động nữ vẫn luôn thấp hơn so với thu nhập của lao động nam ở các loại hình doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Thực trạng này có thể là hệ quả của sự phân biệt đối xử trực tiếp theo giới tính nhưng phần lớn được lý giải bởi sự phân biệt đối xử theo giới gián tiếp như định kiến giới trong tuyển dụng, khác biệt giới trong vị trí việc làm và thời gian làm việc.

Mối quan hệ tương trợ trong sản xuất, kinh doanh của cha mẹ và con cái trưởng thành ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 và các yếu tố tác động

Tác giả: Đào Hồng Lê

Trang: 47-58

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên số liệu khảo sát thuộc hệ đề tài cơ sở về chủ đề lịch sử gia đình giai đoạn 1960-1975 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới triển khai năm 2017, tại hai xã Nghĩa Hùng và Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, bài viết tìm hiểu về mối quan hệ tương trợ trong sản xuất, kinh doanh giữa cha mẹ và con cái trưởng thành ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 và các yếu tố tác động. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giai đoạn những năm 1960-1975, phần nhiều các gia đình nhận sự trợ giúp liên quan đến về sức lao động và cung cấp thông tin/kinh nghiệm sản xuất, sự trợ giúp về phương tiện sản xuất hoặc cho vay tiền là khá hãn hữu. Mức sống gia đình và thế hệ là hai yếu tố có ảnh hưởng rõ hệt hơn tới sự tương trợ giữa cha mẹ và con cái trưởng thành trong hoạt động sản, xuất kinh doanh. Nghiên cứu này cho rằng, sự tương trợ qua lại giữa các thành viên thân tộc vẫn hiện hữu rõ nét và có tác động to lớn đến cuộc sống của các hộ gia đình tại địa bàn nghiên cứu trong giai đoạn 1960-1975.

Phân công lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình nông thôn thời kỳ 1960-1975

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 37-46

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sử dụng số liệu khảo sát về gia đình nông thôn Bắc Bộ giai đoạn 1960-1975 trong khuôn khổ hệ Đề tài cấp Viện năm 2017 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, bài viết tìm hiểu về phân công lao động trong sản xuất/kinh doanh của hộ gia đình nông thôn những năm 1960-1975.(1) Kết quả nghiên cứu cho thấy người vợ là người thực hiện chính các khâu trong công việc sản xuất kinh doanh của hộ gia đình. Đáng chú ý, mô hình người vợ là người đảm nhiệm chính công việc sản xuất/ kinh doanh của hộ được quyết định bởi bối cảnh xã hội và lịch sử giai đoạn 1960 - 1975 thay vì các yếu tố nguồn lực hay giá trị văn hóa.

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu: Những vấn đề đặt ra hiện nay ở Việt Nam

Tác giả: Lê Ngọc Lân

Trang: 26-36

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trong truyền thống mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn được coi là một trong những mối quan hệ gia đình đặc biệt, nhạy cảm và chứa đựng những mâu thuẫn tiềm ẩn. Tuy vậy, mối quan hệ này cũng có những biến đổi, mang sắc thái mới thể hiện sự biến đổi vị thế, vai trò của người mẹ, của nàng dâu trong gia đình. Cho đến nay, nhất là sau thời kỳ đổi mới, chưa có nghiên cứu nào riêng biệt nhận diện, đánh giá thực trạng của mối quan hệ nàng dâu - mẹ chồng trong gia đình; những yếu tố tác động và xu hướng biến đổi của mối quan hệ này trong bối cảnh xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì thế, việc tổng quan, đánh giá những vấn đề đã được nghiên cứu, đề cập về mối quan hệ này sẽ giúp ích cho việc định hướng những vấn đề cần làm rõ trong bối cảnh xã hội biến đổi. Bài viết phân tích một số khía cạnh nổi bật trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, các yếu tố tác động, xu hướng biến đổi ở Việt Nam và mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ở một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Quan điểm về chung thủy trong đời sống vợ chồng ở gia đình Việt Nam ngày nay

Tác giả: Phan Huyền Dân

Trang: 15-25

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích quan điểm của người dân về giá trị chung thủy ở Việt Nam từ cách tiếp cận hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa và tiêu chuẩn kép. Kết quả phân tích cho thấy giá trị chung thủy được tôn trọng tuyệt đối, ngoại tình không được chấp nhận nhưng được thể hiện ở những mức độ khác nhau cho thấy quan điểm cá nhân mang hơi thở của hậu hiện đại hóa đã xuất hiện. Tiêu chuẩn kép trong việc nhìn nhận vấn đề ngoại tình và tình dục vẫn tồn tại nhưng sự chênh lệch trong cách đánh giá ngoại tình giữa nam và nữ không lớn, một người không nhất thiết phải gìn giữ sự chung thủy trong trường hợp bị phản bội, và ngoại tình là vấn đề cá nhân và được giải quyết trong phạm vi hai vợ chồng.

Giá trị an sinh của con cái trong các gia đình Việt Nam hiện nay

Tác giả: Nguyễn Hà Đông

Trang: 3-14

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu về giá trị an sinh của con cái trong các gia đình Việt Nam hiện đại qua cách tiếp cận giá trị con cái. Giá trị an sinh của con cái chịu ảnh hưởng mạnh bởi các nhân tố hiện đại hóa như trình độ học vấn cao, cư trú ở đô thị và mức sống khá giả. Tuy không được đề cao như giá trị tâm lý – tình cảm nhưng trong khi hệ thống bảo trợ xã hội công còn phát triển chưa tương xứng, khu vực dịch vụ tư nhân còn nhỏ bé và sự chăm sóc của cộng đồng còn hạn chế, trong thời gian tới, giá trị an sinh con cái vẫn tiếp tục được coi trọng trong gia đình Việt Nam.