Liên kết web
Số lượt truy cập

17

1933491

Chi tiết tạp chíSố 5 - 2017

Đừng thờ ơ trước sự khổ đau, hoạn nạn của bạn bè, đồng đội

Tác giả: GS. Lê Thi

Trang: 93-96

Từ kinh nghiệm sống nhiều đời với đồng bào quê hương, hàng xóm, ông cha ta đã dạy “Đừng thờ ơ trước sự khổ đau, hoạn nạn của đồng loại. Đó cũng là việc làm tạo nên hạnh phúc của chúng ta”. Các Cụ cũng đánh giá thấp giá trị nhân văn và đã khinh bỉ những kẻ “thấy sang thì bắt quàng làm họ”, “thấy người gặp khó khăn, hoạn nạn thì tránh cho xa”. Thường ngày, nhiều người đã chú ý giúp đỡ họ hàng, bạn bè khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhưng với một số người khác lại có thái độ mặc kệ, việc ai người ấy lo, ta không xen vào... 1. Muốn giúp đỡ người gặp hoạn nạn, khổ đau một cách thiết thực chúng ta phải làm gì? 1) Trước hết chúng ta cần tìm hiểu nỗi khổ đau, hoạn nạn đó diễn ra trong hoàn cảnh khách quan, chủ quan thế nào? Ví dụ ta có một người bạn, anh B, có cửa hàng bán quần áo cho người lớn, trẻ em, áo dài cho phụ nữ... Anh B được nhiều bạn hàng tín nhiệm về chất lượng hàng hóa bảo đảm, giá cả hợp lý. Bọn cò mồi đã bí mật liên hệ với anh B, giới thiệu cho anh mua nhiều sản phẩm nhái, giá rẻ, lãi nhiều. Kết quả anh B bị tố giác kinh doanh “hàng nhái, hàng giả”, bắt chước một số hãng sản xuất trong nước và nước ngoài, với số lượng lớn. Cơ quan nhà nước đã can thiệp tịch thu các hàng giả. Anh B đã bị giam giữ, chờ ngày ra Toà xét xử. Anh B đã vì tham lam, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không tính đến sự vi phạm pháp luật của Nhà nước trong kinh doanh, là một tội sẽ bị trừng phạt. Đó cũng là bài học đắt giá chúng ta cần rút ra cho bản thân mình: Không vì lợi ích trước mắt mà vi phạm pháp luật của Nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng. 2) Chúng ta cần có thái độ ứng xử như thế nào với người đang gặp hoạn nạn, có thể là bạn bè, đồng đội hay là người ít quen biết? a) Có người thấy người ta gặp hoạn nạn, khổ đau như anh B ở trên, đã có thái độ khinh bỉ: “Ai bảo muốn làm giàu nhanh, tham thì thâm”. Thời buổi kinh tế thị trường đang phát triển ở nước ta như hiện nay, ai không muốn làm giàu và cải thiện đời sống của mình. Đã có xe đạp lại muốn có xe máy hay muốn có ôtô... ở nhà 1 tầng, lại mong có nhà nhiều tầng, đồ đạc sang trọng, đầy đủ. Hay lại có muốn nhiều tiền để đi du lịch, đi thăm bạn bè ở xa... Đó là những nguyện vọng bình thường của con người Việt Nam hiện nay. b) Đối với anh B, người đã phạm tôi kinh doanh hàng giả, đang chờ cơ quan pháp luật xét xử, chúng ta nên tìm cách, hoặc thông qua bạn bè, họ hàng của anh B, khuyên anh ấy thành thật nhận khuyết điểm, không che dấu, không đổ lỗi cho người khác, làm cho câu chuyện thêm phức tạp, rắc rối. Thái độ hối cải của người phạm tội mở ra hy vọng sẽ đươc khoan hồng phần nào khi Toà án xét xử tội lỗi của họ. c) Đối với những người sống chung quanh người phạm tội, bạn bè hay đồng nghiệp, chúng ta nên thận trọng với thái độ của họ đối với người phạm tội: - Hoặc là sự ghét bỏ, có người lại tố giác bừa bãi, việc nhỏ xé ra to, hoặc dựng thêm chuyện để quy luận thêm tội cho người đã bị bắt. Ngược lại do tình cảm riêng tư với người phạm tội, có người lại cố tìm cách giúp đỡ họ che dấu tội lỗi. - Một số người lại có thái độ mặc kệ, không quan tâm. Thái độ mặc kệ này rất nguy hiểm cho xã hội. Họ chỉ lo thu vén cho lợi ích cá nhân mình, còn lợi ích xã hội, lợi ích của những người sống xung quanh, người làm đúng, kẻ làm sai cũng mặc kệ, miễn là lợi ích cá nhân mình được đảm bảo. Thái độ của những người này đã coi người xấu, người tốt như nhau, miễn là hoạt động của những người này, đặc biệt những người xấu - nhiều khi lại có lợi cho công việc làm ăn của họ. Những người có thái độ mặc kệ rất nguy hiểm cho xã hội ta. Họ không phản ứng gì với cái tốt, cái xấu của xã hội. Nhưng thực tế họ thường ủng hộ cái xấu vì đã giúp họ làm giàu hoặc đạt được công việc có lợi cho mình. Thái độ mặc kệ của những người này (khi lợi ích cá nhân của họ vẫn được bảo đảm) là điển hình của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, lại được che dấu, rất khó đấu tranh, vạch mặt. 2. Trở lại câu nói: “Gặp trường hợp bạn bè, đồng nghiệp gặp hoạn nạn, khó khăn, chúng ta cần giúp đỡ họ, đó chính là việc tạo nên hạnh phúc của chính mình” Việc đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu vì sao họ gặp hoạn nạn? Ví dụ buôn bán hàng giả như trường hợp của anh B; hoặc hành động trái pháp luật nhà nước trong ứng xử với người chung quanh như đánh nhau, chửi bới nhau... Hoặc có kẻ ghét bỏ cố ghép tội cho họ, gây khó khăn cho việc làm ăn, sinh sống của họ, v.v. Việc giúp đỡ người gặp hoạn nạn chỉ tạo nên niềm vui, hạnh phúc cho chúng ta, khi đem lại hạnh phúc chính đáng cho người đó, có lợi cho nhân dân, cho đất nước ta, không vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Sự giúp đỡ đó không phải là tiền bạc (mặc dù có trường hợp họ quá khó khăn, thiếu thốn cần giúp đỡ họ một ít tiền bạc), cũng không phải giúp họ che dấu tội lỗi, mà là khuyên họ có sự hối cải cần thiết. Họ sẽ được quay lại kinh doanh, làm việc hợp pháp. Nội dung giúp đỡ người bị hoạn nạn cũng không phải là hô hào mọi người ủng hộ tiền bạc, hay giúp họ che giấu tội lỗi, cũng không phải là sự khinh bỉ hay chửi bới người phạm tội. Đó chính là việc động viên họ cố gắng khắc phục khuyết nhược điểm đã mắc phải, để sau lại sống hợp pháp, làm ăn hợp pháp. Chúng ta cũng lên án những người có thái độ mặc kệ những người gặp khó khăn hoạn nạn, hoặc khinh bỉ người phạm pháp, hoặc có người lại bới lông tìm vết, vu cáo họ thêm tội lỗi, hoặc có thái độ xa lánh họ, như những kẻ quá xấu xa. Có người lại khoe khoang sự giúp đỡ của mình với người gặp hoạn nạn như cho tiền bạc, bố trí công việc cho gia đình của họ, v.v. Đã có những kẻ lợi dụng cơ hội này để đề cao mình. Sự giúp đỡ của chúng ta là vô tư, thiết thực, tình cảm với đồng đội, đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn. Đó mới chính là niềm hạnh phúc thật sự của chúng ta. Trong nhiều trường hợp người đã gặp hoạn nạn được ta giúp đỡ, có thể trở thành bạn thân thiết với chúng ta, cùng nhau quan tâm, góp sức giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, khổ đau khác. Việc này có thể trở thành việc làm tự giác của nhiều người, một phong trào giúp đỡ nhau trong đồng bào, đồng đội một cách thiết thực, hữu ích, khi găp hoạn nạn, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của cha ông ta đã dạy dỗ con cháu. Đó chính là nét nổi bật tạo nên sự đoàn kết yêu thương lẫn nhau của đồng bào cả nước ta suốt quá trình bao nhiêu năm gian khổ chiến đấu chống ngoại xâm, để dành lại nền độc lập của dân tộc. Ngày nay chúng ta lại cùng nhau góp sức kiến thiết quốc gia giàu đẹp, văn minh, đoàn kết được nêu danh trên bình diện quốc tế. Đó là niềm tự hào, hạnh phúc lớn nhất của toàn dân Việt Nam hiện nay.

Sự cần thiết xây dựng chuẩn đầu ra đạo đức nghề công tác xã hội trong chương trình đào tạo đại học

Tác giả: Nguyễn Thị Thái Lan

Trang: 82-92

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp và là một ngành khoa học nhằm hỗ trợ giải quyết những khó khăn gây cản trở tới sự phát triển, an sinh và hạnh phúc của con người. Công tác xã hội đặc biệt quan tâm đến trợ giúp các nhóm yếm thế như người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi,v.v. Chính vì là một nghề chăm sóc, trợ giúp xã hội cho con người, đạo đức nghề nghiệp luôn được coi trọng và là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đào tạo, thực hành và nghiên cứu trong công tác xã hội. Bài viết này trình bày một phần những phát hiện của nghiên cứu “Xây dựng chuẩn đầu ra đạo đức công tác xã hội” liên quan đến nhận thức, hiểu biết và phương thức áp dụng các quy định đạo đức nghề và chuẩn đầu ra trong đào tạo công tác xã hội.

Thái độ và mong muốn sinh con của người dân: Nghiên cứu tại Hà Nội

Tác giả: Đoàn Kim Thắng

Trang: 70-81

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa vào nguồn số liệu của hai cuộc khảo sát ở Hà Nội năm 2010 và 2014, bài viết phân tích thái độ và mong muốn sinh con của người dân Hà Nội và các yếu tố tác động đến mong muốn sinh con trai. Kết quả nghiên cứu cho thấy thái độ về việc sinh con, mong muốn về số con và việc sinh con trai con gái có những khác biệt theo đặc điểm cá nhân và gia đình của người trả lời. Nhóm người trẻ tuổi, người sống ở thành thị mong muốn sinh con trai thấp hơn. Sự thiên vị con trai thể hiện rõ hơn ở lớp người lớn tuổi, người sống ở nông thôn, điều đó cho thấy các giá trị truyền thống về sinh đẻ vẫn đang được bảo lưu mạnh mẽ hơn ở thế hệ người cao tuổi và ở khu vực nông thôn.

Biến đổi trong hôn nhân của người Sán Chay (Qua nghiên cứu trường hợp người Sán Chay ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên)

Tác giả: Nghiêm Thị Minh Hằng

Trang: 61-69

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa vào kết quả của nghiên cứu về “Hôn nhân của người Sán Chay ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên” năm 2017, bài viết phân tích sự biến đổi trong hôn nhân của người Sán Chay cũng như lý giải nguyên nhân của sự biến đổi đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tìm hiểu bạn đời, quyền quyết định hôn nhân, độ tuổi kết hôn, hình thái cư trú sau hôn nhân và lễ nghi kết hôn của người Sán Cháy hiện nay đã có sự biến đổi, cùng với việc mở rộng mối quan hệ hôn nhân đa sắc tộc tạo nên quan hệ gia đình, cộng đồng mở rộng thích ứng và hòa nhập trong quá trình giao lưu, phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

Các yếu tố tác động đến phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình người dân tộc thiểu số

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 50-60

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trên cơ sở hai bộ số liệu về Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2014 và Nghiên cứu giới và gia đình do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội triển khai năm 2012, bài viết nhằm tìm hiểu các yếu tố tác động đến phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình người dân tộc thiểu số thông qua việc sử dụng phương pháp phân tích hồi quy đa biến. Kết quả phân tích cho thấy, trong công việc tái sản xuất, người vợ là người đảm nhiệm chính. Sự xuất hiện nhiều hơn các thiết bị hiện đại trong gia đình không những không làm giảm bớt số công việc tái sản xuất trong gia đình của người vợ mà trái lại còn có xu hướng khiến con số này tăng lên. Sự chia sẻ của bố mẹ vợ/chồng khi sống cùng giúp làm giảm số lượng các công việc tái sản xuất mà người vợ đảm nhiệm trong gia đình. Về sản xuất kinh doanh hộ gia đình, có sự liên kết chặt chẽ giữa khả năng nam giới là người đảm nhiệm chính các hoạt động sản xuất kinh doanh nếu hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự thông thạo tiếng phổ thông là một lợi thế làm tăng khả năng chồng đóng vai trò chính công việc sản xuất kinh doanh của hộ nhưng không làm thay đổi vai trò là người phụ giúp của người vợ.

Ứng phó của phụ nữ bị bạo lực gia đình (Phân tích định tính ở Thừa Thiên - Huế và An Giang)

Tác giả: Trương Thị Thu Thủy

Trang: 36-49

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến quá trình nhận thức và ứng phó của người phụ nữ khi họ bị bạo lực gia đình thông qua phân tích tài liệu thứ cấp và dữ liệu phỏng vấn định tính thu thập được tại Thừa Thiên -Huế và An Giang trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ có tên "ảnh hưởng của các yếu tố môi trường xã hội và kinh tế đến bạo lực gia đình hiện nay" năm 2017. Kết quả cho thấy khi người phụ nữ có nhận thức đúng về các nguyên nhân dẫn đến việc họ bị bạo lực và chủ động tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề thì tình trạng bạo lực hoàn toàn có khả năng được giảm thiểu. Bên cạnh đó, gia đình nội ngoại cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người phụ nữ thoát khỏi bạo lực gia đình.

Chính sách và mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại Hàn Quốc hiện nay

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Vân

Trang: 26-35

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hàn Quốc với những đặc trưng văn hoá khá tương đồng với Việt Nam đã có những chính sách rất tích cực trong phòng chống bạo lực gia đình. Thành công của các mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở Hàn Quốc là những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Bài viết tổng quan các chính sách về phòng chống bạo lực gia đình của Chính phủ Hàn Quốc trong những năm gần đây và phân tích, đánh giá những thành tựu của các mô hình phòng chống bạo lực gia đình.

Kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu về bạo lực gia đình: Từ lý thuyết tới thực tiễn

Tác giả: Dương Kim Anh

Trang: 15-25

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bạo lực gia đình là vấn đề toàn cầu. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm là hết sức cần thiết trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Bài viết này chia sẻ một số cách tiếp cận nghiên cứu về bạo lực gia đình trên thế giới, gợi ý những điểm có thể áp dụng được trong nghiên cứu bạo lực gia đình ở Việt Nam. Bạo lực gia đình chính là hình thức bạo lực trên cơ sở giới, xâm phạm quyền con người, phẩm giá con người, gây cản trở cho tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới. Nghiên cứu về bạo lực gia đình cần lưu tâm đến tiếp cận từ góc độ giới, tiếp cận quyền con người. Bên cạnh đó cần lưu ý tới các phương pháp tiếp cận đồng bộ khác như tiếp cận từ góc độ luật pháp chính sách, từ góc độ văn hóa xã hội, hoặc coi bạo lực gia đình như một vấn đề cản trở sự phát triển. Nghiên cứu về bạo lực gia đình cần sử dụng kết hợp hai phương pháp định tính và định lượng để có thể giải quyết các hạn chế về số liệu nghiên cứu. Đặc biệt, khi nghiên cứu bạo lực gia đình cần lưu tâm đến vấn đề đạo đức nghiên cứu.

Nghiên cứu bạo lực gia đình đối với trẻ em: Một số vấn đề lý luận

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 3-14

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bạo lực gia đình đối với trẻ em là vấn đề được quan tâm nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu nhằm nỗ lực đưa ra các biện pháp phòng chống và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức trong nghiên cứu, xuất phát từ các khác biệt trong quan niệm về bạo lực gia đình đối với trẻ em và mức độ quan tâm tới các hình thức khác nhau về bạo lực, cũng như sự chênh lệch về quy định luật pháp của các quốc gia về vấn đề này. Sự khác biệt và chênh lệch này đã dẫn đến những khoảng trống cần quan tâm trong các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với trẻ em. Nhìn từ góc độ lý luận, bài viết phân tích những khác biệt trong quan niệm về khái niệm bạo lực gia đình đối với trẻ em và các hình thức bạo lực đối với trẻ em, góp phần bao quát đầy đủ mọi hình thức bạo lực phổ biến đối với trẻ em đang diễn ra trong gia đình hiện nay.