Điểm nhấn
-
Hội thảo “Thực trạng người Việt Nam hồi hương từ Vương quốc Anh giai đoạn 2014 - 2023”
-
Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
-
Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
-
Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
-
Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
-
Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
-
Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
-
Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
-
Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
Liên kết web
Số lượt truy cập
31
3138854
Chi tiết tạp chíSố 4 - 2016
Tình trạng tử vong bà mẹ từ việc nạo phá thai không an toàn ở ấn Độ luôn duy trì ở mức cao bất chấp sự thông qua đạo luật Y tế cuối thai kỳ (MTP) năm 1971. Để giải quyết khoảng cách hiện đang tồn tại giữa việc sử dụng và sự sẵn có của các dịch vụ nạo phá thai an toàn, Tổ chức Ipas ấn Độ phối hợp với chính quyền một số bang tiến hành các can thiệp truyền thông thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu các tổn thương và tử vong liên quan đến việc phá thai. Tòa soạn Tạp chí xin giới thiệu một số thông tin và kết quả của nghiên cứu về hiệu quả của can thiệp truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức về nạo phá thai ở Bihar và Jharkhan, ấn Độ (Effectiveness of a Behavior Change Communication Intervention to Improve Knowledge and Perceptions About Abortion in Bihar and Jharkhand India) của các tác giả Sushanta K. Banerjee, Kathryn L. Andersen, Janardan Warvadekar, Erin Pearson đăng trên International Perspectives on Sexual and Reproductive Health, Quyển 39, số 3 năm 2013, trang 142–151.
Dựa trên dữ liệu của đề tài “Nhận thức và ứng phó với biến đổi khí hậu của phụ nữ ở một xã vùng duyên hải Bắc bộ: Nghiên cứu trường hợp xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tiến hành năm 2015, bài viết xem xét nhận thức của người dân vùng ven biển về sự biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhận thức của người dân địa bàn nghiên cứu về sự biến đổi khí hậu khá rõ. Phần lớn người dân đều nghe nói đến cụm từ biến đổi khí hậu, nhận biết các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu đang diễn ra tại địa phương cũng như nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Sự quan tâm và hiểu biết về biến đổi khí hậu có sự khác nhau không đáng kể giữa nam và nữ và giữa các nhóm xã hội.
Sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử là thước đo quan trọng về mức độ bình đẳng giới của quốc gia. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra vào ngày 22/5/2016. Đây là bầu cử đầu tiên thực hiện quy định 35% ứng cử viên chính thức là nữ theo quy định Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015. Dựa vào kết quả bầu cử, hồ sơ nữ ứng viên đại biểu Quốc hội và các tài liệu liên quan bài viết phân tích tỷ lệ ứng cử và trúng cử của nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, qua đó góp phần nhận diện sự tham gia chính trị của phụ nữ Việt Nam.
Bài viết phân tích số liệu điều tra từ 500 mẫu nghiên cứu tại 2 trường THPT tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về thực trạng và các yếu tố xã hội có liên quan đến hành vi bạo lực, bị bạo lực và chủ động tự gây thương tích cho học sinh tại địa bàn nghiên cứu. Kết quả phân tích tương quan có kiểm định và hồi quy đa biến cho thấy bạo lực học đường phổ biến hơn ở các nam sinh. Các yếu tố thuộc về gia đình như: mức độ gắn kết bền chặt giữa gia đình và học sinh, bố mẹ sống chung, trình độ học vấn của bố và mẹ là yếu tố bảo vệ học sinh khỏi các hành vi bạo lực, kể cả việc tự gây thương tích. Trong khi đó, việc cha mẹ hay thành viên gia đình từng có hành vi bạo lực, cha mẹ dùng bạo lực với con cái là yếu tố nguy cơ đối với hành vi gây bạo lực học đường ở học sinh THPT. Ngoài ra, việc lạm dụng mạng xã hội (sử dụng trung bình trên 4 tiếng/ngày) là yếu tố có liên quan đến hành vi gây bạo lực và tự gây thương tích cho bản thân. Việc có nhiều hành vi rủi ro (hút thuốc lá, sử dụng bia rượu, shisha, chất gây nghiện...) là yếu tố giải thích cho hành vi gây bạo lực. Những học sinh đã từng gây bạo lực với học sinh khác đồng thời có liên quan đến việc bị bạo lực và tự gây thương tích cho bản thân.
Khái niệm buôn bán trẻ em trong các văn bản pháp lý và công trình nghiên cứu
Bài viết này sẽ trao đổi về những cơ sở pháp lý quốc tế, pháp luật của Việt Nam và những cơ sở lý luận trong việc xác định khái niệm “buôn bán trẻ em” (BBTE) nhằm đóng góp vào nỗ lực chung trong việc xây dựng hệ thống khái niệm nghiên cứu về BBTE ở Việt Nam. Tác giả cho rằng, trong các nghiên cứu ở Việt Nam khái niệm buôn bán trẻ em thường bị gộp với buôn bán phụ nữ, hoặc đồng nhất buôn bán trẻ em với mại dâm trẻ em. Tác giả cũng nhấn mạnh rằng việc thao tác hóa khái niệm “buôn bán trẻ em” trong các nghiên cứu nếu không xác định được những đặc trưng khác biệt của BBTE với buôn bán người nói chung và buôn bán phụ nữ sẽ tạo ra một bức tranh sai lệch về BBTE và gây ra những thách thức, bất cập trong việc đưa ra những chính sách can thiệp và phòng ngừa bởi trẻ em sẽ chịu những tổn thương khác biệt so với người lớn và đòi hỏi phải có những sự can thiệp đặc thù, phù hợp với đặc đặc điểm sinh lý và trải nghiệm xã hội của trẻ em.
Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu khả quan trong công tác chăm sóc sức khỏe. Người dân Việt Nam đang được sống trong những điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn nhưng việc tiếp cận dịch vụ y tế đang còn tồn tại những vấn đề cần quan tâm. Bài viết này xem xét tình hình tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở Việt Nam từ góc độ cấu trúc và năng lực của hệ thống cung ứng dịch vụ, mức độ bao phủ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng và thực tế sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân để từ đó có thể đưa ra một số gợi mở về mặt chính sách.
Một số đặc điểm của người cao tuổi sử dụng dịch vụ chăm sóc tập trung tại Hà Nội
Dựa trên kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2015, bài viết tập trung tìm hiểu một số đặc điểm cơ bản của người cao tuổi (NCT) sử dụng dịch vụ chăm sóc tập trung (loại hình có trả phí) tại Hà Nội. Bài viết chỉ ra rằng NCT đến với các trung tâm chăm sóc sức khoẻ tập trung vẫn chủ yếu là những người già, yếu, hay bệnh tật mà gia đình khó có khả năng chăm sóc. Việc phần lớn những NCT tại các trung tâm đều có ít nhất một con và việc có những cặp vợ chồng NCT cùng đến các trung tâm này cho thấy cũng cần phải đánh giá lại nhu cầu của thị trường và vai trò của gia đình trong việc chăm sóc nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, quan niệm đạo hiếu khiến cho việc sử dụng dịch vụ tại các trung tâm này đang gặp phải nhiều rào cản. Giá cả dịch vụ cũng là vấn đề cần quan tâm vì hiện nay chỉ có các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới có khả năng tiếp cận các dịch vụ này.
Chăm sóc người cao tuổi trong các cơ sở dịch vụ tập trung tại Hà Nội
Dựa trên kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2015 với 100 người cao tuổi đang sử dụng dịch vụ tại một số trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi tại Hà Nội, bài viết nhằm tìm hiểu chất lượng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và triển vọng phát triển của loại hình dịch vụ này trong tương lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn người cao tuổi cảm thấy khá hài lòng với chất lượng dịch vụ tại các trung tâm, đặc biệt về chăm sóc phục hồi chức năng. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc. Vấn đề đặt ra là cần có những khuyến khích, hỗ trợ từ phía Nhà nước, coi các trung tâm cung cấp dịch vụ nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi như những doanh nghiệp xã hội, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm dịch vụ để các gia đình có điều kiện kinh tế kém hơn cũng có thể tiếp cận dịch vụ khi có nhu cầu.