Liên kết web
Số lượt truy cập

18

1932761

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2010

Toàn cầu hoá và biến đổi gia đình

Tác giả: Lê Ngọc Văn

Trang: 3-12

File toàn văn đính kèm: Tải về

Trên cơ sở phân tích tài liệu, bài viết xem xét tác nhân và động lực thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu trong từng giai đoạn của tiến trình toàn cầu hóa, chỉ ra những cơ hội và thách thức mà toàn cầu hóa đem lại cho các quốc gia cũng như cho gia đình. Tác giả cho rằng toàn cầu hóa đã xác lập những quan hệ ứng xử khác với truyền thống, và làm thay đổi tính chất của thiết chế gia đình. Điểm mới của sự biến đổi thiết chế gia đình này chính ở chỗ các chuẩn mực của thiết chế gia đình hiện đại được xây dựng dựa trên một tiền đề mới - tự do cá nhân, mang tính độc lập tương đối với các thiết chế xã hội và ít phụ thuộc vào sự điều tiết của chính phủ. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân tích các hiện tượng mới xuất hiện như hôn nhân xuyên quốc gia dưới nhiều hình thức cùng các tổ chức môi giới hôn nhân hợp pháp lẫn bất hợp pháp, tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, đã và đang đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn từ phía chính phủ. Ngoài ra, bài viết chỉ ra rằng định kiến giới vẫn tồn tại trong vấn đề chăm sóc gia đình đã khiến cho phụ nữ trên toàn thế giới vẫn là người đảm nhận chính công việc này, và tiếp tục duy trì cái gọi là “vai trò kép” của phụ nữ.Từ khóa: Gia đình; Biến đổi gia đình; Hôn nhân và gia đình; Toàn cầu hóa.

Đặc điểm và xu hướng thị trường hôn nhân ở xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng

Tác giả: Hoàng Bá Thịnh

Trang: 13-24

File toàn văn đính kèm: Tải về

Sử dụng số liệu khảo sát thực địa vào năm 2009, tác giả phân tích thực trạng hôn nhân ở một xã từ góc độ cung - cầu. Hôn nhân ở đây được hiểu như là một sự trao đổi xã hội, dựa trên sự lựa chọn hợp lý và thị trường hôn nhân được coi là có những đặc điểm như các thị trường khác. Kết quả phân tích cho thấy nữ thanh niên có xu hướng lấy chồng nước ngoài, dẫn đến đa số nam thanh niên phải tìm kiếm bạn đời ở phạm vi ngoài xã. Tác giả cho rằng hôn nhân trong bối cảnh đa văn hoá là một xu thế tất yếu. Hiện tượng này diễn ra dưới tác động của các yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội cũng như sự biến đổi quan niệm, giá trị, chuẩn mực truyền thống về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì việc nữ thanh niên lấy chồng nước ngoài cũng tạo ra sự khan hiếm phụ nữ, ảnh hưởng đến quy luật cung - cầu trong việc tìm kiếm bạn đời của nam giới.Từ khóa: Hôn nhân nước ngoài; Phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc; Thị trường hôn nhân.

Hoạt động kinh tế hộ gia đình ở một xã đồng bằng Bắc Bộ

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 25-38

File toàn văn đính kèm: Tải về

Nghiên cứu này sử dụng số liệu từ cuộc khảo sát tại xã Trịnh Xá trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu biến đổi gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi” thực hiện 9/2008. Cuộc khảo sát đã phỏng vấn 302 hộ gia đình, với 1242 thành viên. Kỹ thuật phân tích hồi quy đa biến logistic được sử dụng để đánh giá mối quan hệ giữa tỷ lệ đa dạng hóa các hoạt động kinh tế hộ và sự tham gia làm việc của các thành viên gia đình với các yếu tố ảnh hưởng. Tỷ lệ đa dạng hóa hoạt động kinh tế hộ ở địa bàn nghiên cứu tương đối cao. Kết quả phân tích cho thấy, chủ hộ trẻ tuổi hơn và học vấn cao hơn, gia đình có người phụ thuộc và thu nhập cao hơn có xác suất đa dạng hóa kinh tế hộ gia đình hơn. Yếu tố giới tính và nghề nghiệp của chủ hộ không có ảnh hưởng đến khả năng đa dạng hóa nguồn thu nhập của hộ gia đình. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới ngày càng tăng và đã bằng nam giới. Những người lớn tuổi hơn, học vấn cao hơn có tỷ lệ tham gia làm việc cao hơn. Mức sống, gia đình có người phụ thuộc hay không, loại hình kinh tế hộ lại không có ảnh hưởng đến sự tham gia lao động của các thành viên gia đình. Từ khóa: Kinh tế hộ; Cơ cấu kinh tế hộ; Đa dạng hóa hoạt động kinh tế hộ.

Vai trò của người phụ nữ trong gia đình

Tác giả: Trương Trần Hoàng Phúc

Trang: 39-48

File toàn văn đính kèm: Tải về

Từ các nghiên cứu sẵn có, bài viết tập trung xem xét vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình đặc biệt là giai đoạn sau năm 1986. Các nghiên cứu cho thấy người phụ nữ thực hiện nhiều vai trò trong gia đình. Họ không chỉ có vai trò tái sản xuất sức lao động mà họ ngày càng có vai trò quan trong trong việc đóng góp thu nhập cho gia đình, và một trong số họ còn trở thành trụ cột kinh tế gia đình, nắm giữ túi tiền đồng thời ra quyết định cho các khoản chi tiêu. Người phụ nữ còn là người chăm sóc sức khoẻ và tổ chức đời sống gia đình và thực hiện vai trò giáo dục con cái. Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng để đảm bảo xây dựng gia đình hạnh phúc và tiến bộ. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, để người phụ nữ thực hiện tốt những vai trò của mình đối với gia đình và đạt được các cơ hội về nghề nghiệp việc làm, gia đình và xã hội cần nâng cao nhận thức về vai trò giới để hỗ trợ và tạo điều kiện để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.Từ khoá: Phụ nữ; Vai trò của người phụ nữ; Phụ nữ thực hiện chức năng gia đình.

Trẻ em tham gia công việc gia đình vùng nông thôn Việt Nam (Nghiên cứu tại Thừa Thiên Huế và Hà Nam)

Tác giả: Phạm Thị Huệ

Trang: 49-59

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu điều tra thực địa tại hai tỉnh Hà Nam và Thừa Thiên Huế, bài viết phân tích thực trạng trẻ em nông thôn tham gia làm công việc gia đình và các yếu tố tác động đến hiện tượng nay. Kết quả cho thấy đa số trẻ em tham gia vào công việc nội trợ cũng như sản xuất của gia đình, trong đó trẻ em tham gia làm nội trợ nhiều hơn là công việc sản xuất của gia đình. Trẻ em gái tham gia nhiều hơn trẻ em trai ở cả công việc nội trợ lẫn công việc sản xuất của gia đình. Trẻ em gái bắt đầu làm công việc nội trợ sớm hơn trẻ em trai. Trẻ em càng lớn thì bắt đầu làm công việc sản xuất gia đình càng nhiều. Tuổi, trình độ học vấn của cha mẹ, mức sống và nơi cư trú của gia đình có tác động nhất định đến sự tham gia của trẻ em vào công việc gia đình, tuy nhiên có sự khác biệt giữa em trai và em gái.Từ khóa: Công việc trẻ em; Trẻ em làm công việc nội trợ; Trẻ em tham gia sản xuất gia đình.

Dư luận của học sinh, sinh viên về những hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường

Tác giả: Nguyễn Thị Quỳnh Hoa và nhóm nghiên cứu

Trang: 60-75

File toàn văn đính kèm: Tải về

Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập nhiều đến những tiêu cực xảy ra trong môi trường học đường như hiện tượng học sinh, sinh viên (HSSV) sử dụng bạo lực; thiếu văn hóa trong giao tiếp, trong sinh hoạt; gian lận trong học tập, thi cử; coi thường kỷ luật nhà trường; thiếu ý thức tôn trọng và làm theo pháp luật. Những hiện tượng này được coi là biểu hiện của hành vi lệch chuẩn xã hội, phản ánh sự xuống cấp về đạo đức và lối sống của một bộ phận HSSV hiện nay. Dựa trên kết quả điều tra dư luận xã hội về những hành vi lệch chuẩn của HSSV trong môi trường học đường và những thông tin thứ cấp thu thập được từ các phương tiện thông tin đại chúng do nhóm cán bộ Viện nghiên cứu Thanh niên tiến hành tháng 12 năm 2009, bài viết này xem xét các biểu hiện của hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường qua ý kiến của HSSV cũng như quan điểm, cách nhìn nhận của HSSV về hiện tượng này.Từ khóa: Hành vi lệch chuẩn; Học sinh, sinh viên; Hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường.

Vấn đề thể lực và trí lực của thanh thiếu niên ở huyện Con Cuông - Nghệ An

Tác giả: Đặng Thị Minh Lý

Trang: 76-84

File toàn văn đính kèm: Tải về

Nghiên cứu về thể lực và trí lực của thanh thiếu niên đặc biệt là thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số là chủ đề mới mẻ ở Việt Nam, và bước đầu đã được một số nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu quan tâm. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng thể chất và trí tuệ của thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số (DTTS) trên cơ sở nghiên cứu tại một huyện miền Tây tỉnh Nghệ An. Kết quả cho thấy sự phát triển thể chất của thanh thiếu niên đã được cải thiện nhưng những hành vi có nguy cơ cao như hút thuốc lá và uống rượu vẫn còn chiếm một tỷ lệ khá cao. Tỷ lệ đi học của thanh thiếu niên ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ được đào tạo về nghề nghiệp còn thấp và cơ cấu ngành nghề vẫn còn nặng về lĩnh vực hành chính sự nghiệp như giáo viên, nhân viên văn phòng... Tuy nhiên phần đông thanh thiếu niên DTTS có nguyện vọng được đào tạo nghề để có một việc làm ổn định là một điểm thuận lợi cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực ở vùng DTTS hiện nay.Từ khoá: Thanh thiếu niên; Thanh thiếu niên DTTS; Nguồn nhân lực DTTS

Sự tiếp nối và biến đổi các mối quan hệ gia đình: Lý thuyết, phương pháp và các phát hiện từ nghiên cứu thực nghiệm

Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung

Trang: 85-91

File toàn văn đính kèm: Tải về

Cuốn sách “Sự tiếp nối và biến đổi các mối quan hệ gia đình: Lý thuyết, phương pháp và các phát hiện từ nghiên cứu thực nghiệm” do các tác giả Rand D. Conger, Frederick O. Lorenz, và K.A.S. Wickrama chủ biên được xuất bản năm 2004 là một tuyển tập các bài viết phân tích sự biến đổi và tính liên tục của các mối quan hệ gia đình trong mối liên hệ với lý thuyết, phương pháp và được minh hoạ qua các kết quả nghiên cứu thực nghiệm. Cuốn sách được xuất bản với mục đích giúp người đọc có cách nhìn sâu sắc hơn về các khái niệm trong nghiên cứu về sự tiếp nối và biến đổi các mối quan hệ gia đình và giới thiệu một số cách tiếp cận lý thuyết dùng trong nghiên cứu về gia đình trong chu kỳ cuộc sống. Một mục đích khác của cuốn sách là hướng dẫn và đưa ra các minh chứng cho nhiều phương pháp và cách tiếp cận nghiên cứu cũng như chiến lược phân tích có thể sử dụng cho các nghiên cứu về sự biến đổi và tính liên tục. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Từ khóa: Gia đình; Biến đổi gia đình; Quan hệ gia đình.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 4/2010

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 4 năm 2010 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Lê Ngọc Văn Toàn cầu hoá và biến đổi gia đình 3 Hoàng Bá Thịnh Đặc điểm và xu hướng thị trường hôn nhân ở xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng 13 Trần Quý Long Hoạt động kinh tế hộ gia đình ở một xã đồng bằng Bắc Bộ 25 Trương Trần Hoàng Phúc Vai trò của người phụ nữ trong gia đình 39 Phạm Thị Huệ Trẻ em tham gia công việc gia đình vùng nông thôn Việt Nam (Nghiên cứu tại Thừa Thiên Huế và Hà Nam) 49 Nguyễn Thị Quỳnh Hoa và nhóm nghiên cứu Dư luận của học sinh, sinh viên về những hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường 60 Đặng Thị Minh Lý Vấn đề thể lực và trí lực của thanh thiếu niên ở huyện Con Cuông - Nghệ An 76 Trần Thị Cẩm Nhung Sự tiếp nối và biến đổi các mối quan hệ gia đình: Lý thuyết, phương pháp và các phát hiện từ nghiên cứu thực nghiệm 85 Minh Khương Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ đóng góp cho Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 92 Nguyễn Đức Tuyến Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về Bình đẳng giới trong luật pháp về lao động 93 Cẩm Nhung Toạ đàm công bố kết quả nghiên cứu: "Di cư, sức khoẻ sinh sản và cuộc sống: Tìm hiểu những chiến lược của người di cư tự do từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam" 95