Liên kết web
Số lượt truy cập

106

1933600

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2009

Hoàn cảnh tìm hiểu bạn đời và quyết định kết hôn của thế hệ trẻ hiện nay

Tác giả: GS. Lê Thi

Trang: 3-11

File toàn văn đính kèm: Tải về

Là một phần kết quả của đề tài cấp Bộ “Tìm hiểu quan niệm, nhận thức về hôn nhân, gia đình và của các thế hệ Việt Nam” được thực hiện trong 2 năm 2008-2009, bài viết tập trung xem xét về hoàn cảnh tìm hiểu, cách thức lựa chọn bạn đời và quyết định kết hôn của thế hệ trẻ hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc lựa chọn bạn đời và quyết định kết hôn của thế hệ trẻ đã có nhiều tiến bộ. Quyền tự do cá nhân ở lớp trẻ trong việc tìm hiểu và quyết định kết hôn đã tăng lên cùng với những thay đổi tích cực trong quan niệm, nhận thức về hôn nhân gia đình của các thế hệ. Tác giả cho rằng sự biến đổi này là kết quả tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội và pháp lý của xã hội Việt Nam. Thế hệ trẻ đã có những kiến thức mới, suy nghĩ mới và có cách hành động khác với thế hệ trước đây, đồng thời sự kết hợp giữa lợi ích cá nhân của con cái và lợi ích gia đình tăng lên trong tình hình hiện nay.

Quan niệm về hạnh phúc gia đình thời kỳ Đổi mới (so sánh giữa nông thôn và thành thị)

Tác giả: Phùng Thị Kim Anh

Trang: 12-23

File toàn văn đính kèm: Tải về

Gia đình là một thiết chế xã hội với chức năng cơ bản nhất là đảm bảo sự thoả mãn nhu cầu cho các thành viên gia đình, đặc biệt là đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân. Hạnh phúc gia đình là mục tiêu mà mỗi cá nhân luôn luôn hướng đến. Trong thời kỳ đổi mới, những biến động của nền kinh tế thị trường đã tạo nên những cái nhìn mới, lối sống mới. Cách nhìn mới đó đã làm thay đổi quan niệm về hạnh phúc gia đình như thế nào? Bài viết tìm hiểu quan niệm về các yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình, về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình và về các giải pháp xây dựng hạnh phúc gia đình thời kỳ đổi mới. Kết quả phân tích cho thấy, mối quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo hạnh phúc gia đình, bất kể gia đình nông thôn hay thành phố.

Một số nét về nghiên cứu trẻ em trong 2 năm 2007-2008

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 24-34

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết là một phần kết quả của đề tài cấp Viện năm 2008 của Viện Gia đình và Giới về “Hệ thống hoá và giới thiệu các kết quả nghiên cứu về gia đình, bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em” trong hai năm 2007-2008. Trên cơ sở tổng hợp 35 đầu tư liệu, bài viết giới thiệu các phát hiện chính từ một số nghiên cứu về trẻ em đã công bố trong thời gian hai năm trở lại đây. Các kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên các tạp chí Tâm lý học, Nghiên cứu Gia đình và Giới, Nghiên cứu con người, Bảo hiểm xã hội, Dân số và phát triển, Gia đình và trẻ em và nhiều báo cáo khoa học của các tổ chức, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các nội dung đề cập trong bài này bao gồm: Trẻ em và gia đình; Trẻ em và việc học tập ở nhà trường; Bình đẳng giới và giáo dục sức khỏe sinh sản; Trẻ em và các vấn đề xã hội; và Tai nạn thương tích ở trẻ em.

Về chính sách giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi

Tác giả: Cao Thị Hồng Minh

Trang: 35-45

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết là một phần kết quả của đề tài "Thực trạng và nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng - Một số đề xuất chính sách" của Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ phối hợp với Ban Gia đình và Xã hội thuộc Hội LHPN Việt Nam tiến hành năm 2008. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích các văn bản, cụ thể là các chính sách của Đảng, Nhà nước và các ban ngành liên quan đến giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi. Mục đích là góp phần tìm ra những giải pháp hỗ trợ phụ nữ gửi con ở các cơ sở trông giữ trẻ đảm bảo chất lượng, cũng như đảm bảo quyền được chăm sóc và giáo dục đầy đủ cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng. Tác giả cho thấy nhìn chung các văn bản có nội dung phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước, tuy nhiên chưa đi sâu vào quy định riêng cho đối tượng trẻ em ở lứa tuổi dưới 36 tháng mà chủ yếu là những quy định chung cho lứa tuổi mầm non. Tác giả lưu ý rằng những quy định trực tiếp đến đối tượng trẻ dưới 36 tháng nói chung và Điều lệ trường mầm non 2008 nói riêng còn thiếu tính khả thi, khó thực hiện trên thực tế dẫn đến việc các trường mầm non không thực hiện hoặc thực hiện hời hợt để đối phó sự kiểm tra, giám sát từ phía các quan chức năng.

Hà Nội 5000 hồ Hoàn Kiếm: Sử dụng nghệ thuật thu hút giới trẻ quan tâm đến tương lai của đô thị

Tác giả: Lisa Drummond

Trang: 46-54

File toàn văn đính kèm: Tải về

Triển lãm Hà Nội 5000 hồ Hoàn Kiếm (3-4/2007) có mục đích khám phá góc nhìn của giới trẻ về tương lai của thành phố và khơi dậy những cuộc tranh luận về sự phát triển của thành phố qua cách tiếp cận không được định hướng trước. Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, một nhóm 6 họa sĩ đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với thanh niên Hà Nội, thông qua điều tra bằng bảng hỏi và phỏng vấn có hoặc không ghi hình trên 250 người, chọn mẫu ngẫu nhiên và có chủ đích ở công viên, vỉa hè, cả bên ngoài lẫn bên trong khuôn viên trường đại học và ở lớp học. Triển lãm đã góp thêm một tiếng nói đúng lúc vào cuộc tranh luận về cảnh quan của Hà Nội: không gian công cộng của đô thị là gì, nên tổ chức như thế nào? Làm sao để những cái nhìn không đặc trưng, không máy móc về thành phố trở thành những ước mơ, khát vọng về đô thị, qua đó nâng cao nhận thức và khuyến khích giới thanh niên thành thị - những chủ nhân tương lai của thành phố thể hiện quan điểm của chính mình.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề giới

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 55-63

File toàn văn đính kèm: Tải về

Trên cơ sở nghiên cứu tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập, bài viết đi sâu tìm hiểu và phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về các vấn đề và giải pháp giành bình đẳng giới trong xã hội. Vạch rõ nguyên nhân của bất bình đẳng giới là xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và sự hạn chế trong nhận thức của người dân, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng để đạt được bình đẳng giới phải thực hiện đồng thời hai việc đó là giải phóng người phụ nữ khỏi những ràng buộc của những lề thói, tập tục lạc hậu trong xã hội đồng thời phải thay đổi, nâng cao nhận thức của người đàn ông trong xã hội về phụ nữ và bản thân người phụ nữ phải tự mình phấn đấu vươn lên để giành quyền bình đẳng cho mình. Đó là cuộc cách mạng của toàn thể nhân dân chứ không chỉ của riêng người phụ nữ, trong đó vai trò của Đảng và Nhà nước là hết sức quan trọng.

Hình ảnh phụ nữ trên truyền hình

Tác giả: Hà Thị Minh Khương, Võ Kim Hương

Trang: 64-75

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết phân tích hình ảnh phụ nữ trên quảng cáo và ở một số chương trình truyền hình phát trên kênh VTV1 và VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam. Với việc sử dụng phương pháp chủ yếu là quan sát các sản phẩm truyền thông, cụ thể là dựa vào việc phân loại và mã hóa hình ảnh, thông điệp và nội dung từ các quảng cáo, từ một số chương trình truyền hình và phỏng vấn một số khán thính giả. Kết quả phân tích cho thấy các quảng cáo sử dụng hình ảnh phụ nữ và nam giới vẫn theo các khuôn mẫu quen thuộc. Phụ nữ là người nội trợ, chăm sóc gia đình, nam giới là chuyên gia, xuất hiện ở công sở. ý kiến của người xem cũng cho rằng hình ảnh phụ nữ được sử dụng chủ yếu trong quảng cáo. Trong một số chương trình truyền hình hiện nay đã truyền tải được những câu chuyện chân thực về cuộc sống người phụ nữ, thì vẫn còn có những nội dung, những thông điệp chưa thật sự thể hiện thái độ/quan điểm rõ ràng về vấn đề bình đẳng nam nữ, hoặc còn ủng hộ cho khuôn mẫu và định kiến giới.

Bảo hiểm y tế Hàn Quốc: Thành tựu và những vấn đề

Tác giả: Trần Thị Nhung

Trang: 76-85

File toàn văn đính kèm: Tải về

Với mục đích tìm hiểu về hệ thống bảo hiểm y tế của Hàn Quốc để tìm ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, bài viết đề cập đến những nét cơ bản trong hệ thống bảo hiểm y tế Hàn Quốc, đồng thời nêu rõ những thành tựu, các vấn đề còn tồn tại và các cuộc cải cách nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ của chế độ bảo hiểm y tế của Hàn Quốc. Hệ thống bảo hiểm y tế Hàn Quôc đã đạt được những thành tựu nhất định như thực hiện chế độ bảo hiểm y tế toàn dân, tiến hành các cuộc cải cách về bảo hiểm y tế để mở rộng chế độ thụ hưởng lợi ích, đặc biệt là đối với những người bị bệnh hiểm nghèo… Tuy nhiên để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người dân và khắc phục những khó khăn, tồn tại đòi hỏi sự nỗ lực của cả nhà nước và cộng đồng xã hội trong việc tạo dựng những chính sách nhằm cân đối thu chi, kết hợp các hình thức cung cấp dịch vụ, tính phí, nâng cao y đức, trách nhiệm của người dân.

Khác biệt giới trong hành vi chấp nhận rủi ro của thanh thiếu niên: một nghiên cứu liên thế hệ

Tác giả: Đào Hồng Lê

Trang: 86-91

File toàn văn đính kèm: Tải về

Nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc đại học Tasmania về các yếu tố tác động đến việc chấp nhận rủi ro trong thanh thiếu niên được thực hiện ở Tasmania, Australia từ 1999 đến 2003. Trên cơ sở khảo sát số lượng lớn học sinh lớp 11 và 12 và các phụ huynh học sinh, nghiên cứu này cho thấy khác biệt giới trong nhận thức về rủi ro và hành vi chấp nhận rủi ro đã thu hẹp một cách đáng kể trong một vài thập kỷ gần đây. Các tác giả cho rằng việc uống rượu và tụ tập nhậu nhẹt say xỉn chính là điểm phân biệt hành vi của thanh thiếu nữ ngày nay với thế hệ các bà mẹ. Với việc sử dụng khái niệm xã hội học và tâm lý học, nghiên cứu này cho thấy nhiều điểm thú vị cả về phương pháp và nội dung nghiên cứu. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 3/2009

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 3 năm 2009 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG GS. Lê Thi Hoàn cảnh tìm hiểu bạn đời và quyết định kết hôn của thế hệ trẻ hiện nay 3 Phùng Thị Kim Anh Quan niệm về hạnh phúc gia đình thời kỳ Đổi mới (so sánh giữa nông thôn và thành thị) 12 Nguyễn Đức Tuyến Một số nét về nghiên cứu trẻ em trong 2 năm 2007-2008 24 Cao Thị Hồng Minh Về chính sách giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi 35 Lisa Drummond Hà Nội 5000 hồ Hoàn Kiếm: Sử dụng nghệ thuật thu hút giới trẻ quan tâm đến tương lai của đô thị 46 Vũ Thị Cúc Quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề giới 55 Hà Thị Minh Khương, Võ Kim Hương Hình ảnh phụ nữ trên truyền hình 64 Trần Thị Nhung Bảo hiểm y tế Hàn Quốc: Thành tựu và những vấn đề 76 Đào Hồng Lê Khác biệt giới trong hành vi chấp nhận rủi ro của thanh thiếu niên: một nghiên cứu liên thế hệ 86 Cẩm Nhung Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu khoa học năm 2008 của Viện Gia đình và Giới 92 Đức Tuyến Hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu dự án: "Tình dục đồng giới nam tại Việt Nam: Sự kỳ thị và hệ quả xã hội" 94 Thanh Mai Tọa đàm "Hôn nhân Việt Nam - Hàn Quốc và những vấn đề đặt ra" 95

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 3/2009

Tác giả:

Trang: 1-96

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới (Trước là tạp chí KHPN) Mục lục số 3 năm 2009 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG GS. Lê Thi Hoàn cảnh tìm hiểu bạn đời và quyết định kết hôn của thế hệ trẻ hiện nay 3 Phùng Thị Kim Anh Quan niệm về hạnh phúc gia đình thời kỳ Đổi mới (so sánh giữa nông thôn và thành thị) 12 Nguyễn Đức Tuyến Một số nét về nghiên cứu trẻ em trong 2 năm 2007-2008 24 Cao Thị Hồng Minh Về chính sách giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi 35 Lisa Drummond Hà Nội 5000 hồ Hoàn Kiếm: Sử dụng nghệ thuật thu hút giới trẻ quan tâm đến tương lai của đô thị 46 Vũ Thị Cúc Quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề giới 55 Hà Thị Minh Khương, Võ Kim Hương Hình ảnh phụ nữ trên truyền hình 64 Trần Thị Nhung Bảo hiểm y tế Hàn Quốc: Thành tựu và những vấn đề 76 Đào Hồng Lê Khác biệt giới trong hành vi chấp nhận rủi ro của thanh thiếu niên: một nghiên cứu liên thế hệ 86 Cẩm Nhung Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu khoa học năm 2008 của Viện Gia đình và Giới 92 Đức Tuyến Hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu dự án: "Tình dục đồng giới nam tại Việt Nam: Sự kỳ thị và hệ quả xã hội" 94 Thanh Mai Tọa đàm "Hôn nhân Việt Nam - Hàn Quốc và những vấn đề đặt ra" 95