Liên kết web
Số lượt truy cập

17

2023768

Tin hoạt động

Hội thảo khoa học quốc gia “Dịch vụ xã hội cho người di cư: Thực trạng và những vấn đề chính sách”

26/11/2021
Ngày 25/11/2021, tại trụ sở số 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp với Hội đồng khoa học của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia "Dịch vụ xã hội cho người di cư: Thực trạng và những vấn đề chính sách". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học và một số cơ quan báo chí ...

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu định hướng quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

Với số lượng lên tới hơn 3,52 triệu người, chiếm 7,3% tổng dân số nữ toàn quốc, phụ nữ di cư đang chiếm tỷ trọng lớn trong số lực lượng di cư và lực lượng nữ giới nói chung. Tuy nhiên, Nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” (do Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phối hợp tổ chức ActionAid Việt Nam thực hiện), cho thấy, lao động nữ di cư gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận an sinh xã hội: 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% gặp khó khăn về chỗ ở, và 97,9% lao động khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội.

 

Trong Báo cáo tóm tắt Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam của UNDP, UNWomen, năm 2020, khi phân tích có tính tới yếu tố giới đã đề cập đến trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhóm phụ nữ di cư thuộc khu vực phi chính thức đặc biệt gặp khó khăn khi mang cả 3 đặc tính dễ bị tổn thương: nữ giới – di cư – lao động phi chính thức. 56,1% hộ gia đình nhập cư và 58,7% hộ gia đình nữ lao động khu vực phi chính thức không nghèo đã rơi xuống mức nghèo vào thời điểm tháng 4/2020. Người lao động di cư gặp phải thách thức kép: một mặt thu nhập và việc làm của họ bị đe dọa do đã mất việc hoặc giảm lương, mặt khác họ bị chia cắt khỏi gia đình ở quê hương vì các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa.

 

Thực trạng này đặt ra nhiều yêu cầu về các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người di cư nói chung và phụ nữ di cư nói riêng trong bối cảnh hiện nay để không chỉ giải quyết những thách thức vốn có của nhóm đối tượng này mà cả những vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

 

Thay mặt các cơ quan tổ chức Hội thảo, phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủt tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian tham dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn dành sự quan tâm, nguồn lực triển khai các hoạt động và nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ di cư. Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 cũng đặt ra yêu cầu về việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù, bao gồm lao động di cư trong bối cảnh phát triển đất nước đến năm 2035.

 

Thực tế thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (thông qua Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) đã có nhiều hoạt động phối hợp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của các bên trong các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương gợi ý, qua các bài trình bày của chuyên gia, cùng với những ý kiến thảo luận, tranh luận, Hội thảo khoa học “Dịch vụ xã hội cho người di cư: thực trạng và những vấn đề đặt ra”, sẽ tập trung nhận diện, làm rõ đầy đủ đặc điểm và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người di cư; đánh giá thuận lợi và khó khăn trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư, nhất là phụ nữ di cư. Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết thêm, Hội thảo có sự tham gia, giới thiệu một số kết quả ban đầu của một nhánh đề tài khoa học cấp nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang triển khai. Hy vọng rằng, các kết quả này sẽ đóng góp vào bức tranh chung về người di cư hiện nay, cũng như mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các quý vị để giúp Hội có thể sử dụng kết quả, phục vụ công tác đề xuất chính sách liên quan đến nhóm phụ nữ di cư nói riêng và phụ nữ nói chung. 

 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng, Tổng Biên tập, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết, di cư nội địa ở Việt Nam chủ yếu là di cư nông thôn-thành thị. Trong thời gian 1994-1999, trong tổng số hơn 4,5 triệu người từ 5 tuổi trở lên di chuyển, thì 50,2% đến các đô thị, 49,8% về vùng nông thôn. Trong khi di cư vào thành thị chiếm ưu thế, thì di cư từ thành thị về nông thôn chỉ chiếm 10,9% tổng số người chuyển cư. Nữ giới chiếm đa số trong người di cư, chủ yếu họ di cư từ khu vực nông thôn ra thành thị, có độ tuổi trung bình trẻ, tỷ lễ đã kết hôn, có con cao.

 

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cho rằng, lao động di cư là nhóm dễ tổn thương nhất, khó tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội và DVXH, nhất là phụ nữ di cư, di cư lao động tự do. Hầu hết lao động di cư là vì mục đích kinh tế, mong muốn có mức sống, thu nhập cao hơn.

 

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi khẳng định, người di cư mang trong mình tri thức, kỹ năng và văn bản nội sinh, đóng góp cho sự đa dạng văn hóa, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho dân cư nơi đến. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu cần có hiểu biết cập nhật, đầy đủ về đặc điểm và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, bao gồm, dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, an sinh xã hội của người di cư, trên cơ sở đó nhận diện được các thuận lợi và khó khăn trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và đề xuất được các khuyến nghị chính sách phù hợp, đảm bảo được quyền con người, không ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển.

 

Viện trưởng, Tổng Biên tập, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi gợi ý, Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung sau: (i) Xây dựng khung phân tích lí luận và thực tiễn về người di cư; (ii) Đánh giá, mô tả được một số đặc điểm nhân khẩu, kinh tế, văn hóa xã hội của các nhóm di cư; (iii) Phân tích khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội y tế, giáo dục, việc làm, an sinh xã  hội cho người di cư hiện nay; (iv) Phân tích một số nhóm chính sách bảo vệ, hỗ trợ nhóm di cư ở Việt Nam hiện nay, xác định nhu cầu của họ; (v) Kiến nghị mô hình bảo vệ và hỗ trợ nhóm phụ nữ di cư; (vi) Đề xuất quan điểm và giải pháp khả thi để bảo vệ và hỗ trợ nhóm phụ nữ cao tuổi, dân tộc thiểu số và di cư, góp phần phát triển toàn diện nhóm phụ nữ đặc thù ở Việt Nam… và mong muốn có những trao đổi, thảo luận chuyên sâu, toàn diện từ các nhà khoa học và quản lý về lĩnh vực này, đóng góp thêm các hiểu biết về thực tiễn, lí luận và khuyến nghị chính sách cho chủ đề quan trọng này.

 

Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học về các chủ đề: (1) Thực trạng sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế của nữ lao động di cư, của TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên; (2) Khó khăn, thách thức đối với người di cư từ nông thôn lên thành thị, của TS. Trần Thị Thu Thuỷ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; (3) Thực trạng tiếp cận giáo dục và đào tại của phụ nữ di cư, của TS. Phan Thị Thu Hà, Học viện Phụ nữ Việt Nam; (4) Lao động nữ di cư trong lĩnh vực kinh tế-lao động-việc làm, của Th.S. Hà Thị Thuý, Viện Nghiên cứu Phụ nữ; (5) Hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ di cư trong lĩnh vực đời sống gia đình, của TS. Trần Quý Long, Viện NC Gia đình và Giới; (6) Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động di cư ở vùng ven đô thị, của Th.S. Trần Thị Nhã Phương và Th.S. Phạm Mai Phương, Học viện Chính trị Khu vực II; (7) Khó khăn, thách thức và hàm ý chính sách đối với nhóm di cư du học sinh Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Nghiên cứu trường hợp Du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản, của PGS. TS. Nguyễn Đức Chiện, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; (8) An sinh xã hội của phụ nữ di cư tự do đến thành phố Hà Nội, của Th.S. Nguyễn Ngọc Linh, Trường Đại học Văn hoá; (9) Một số thách thức đối với người lao động di cư từ nông thôn lên thành thị trước xu hướng chuyển đổi số ở nước ta hiện nay, của Th.S. Vũ Thị Nhung, Học viện An ninh Nhân Dân; (10) Di cư lao động từ nông thôn ra thành thị trong bối cảnh toàn cầu hóa, của Th.S. Phạm Thành Công, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; (11) Thực trạng bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ di cư trong lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe, của TS. Lê Hồng Việt, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

 

Hội thảo là diễn đàn để giúp các cơ quan nghiên cứu và cơ quan tham mưu, đề xuất chính sách, tăng cường mối liên kết, quan hệ phối hợp, sử dụng, ứng dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu khoa học trong thực tiễn.

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Viện trưởng, Tổng Biên tập, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi một lần nữa thay mặt các cơ quan tổ chức Hội thảo cảm ơn sự có mặt đông đủ của chuyên gia, nhà khoa học, quý vị đại biểu đã tham dự Hội thảo. PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cho biết, nội dung các tham luận, thảo luận là rất cởi mở và khoa học, đã tập trung vào các chủ đề chính của Hội thảo và có những nhận diện đầy đủ về đặc điểm và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, bao gồm, dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, an sinh xã hội của người di cư và đánh giá thuận lợi và khó khăn của người di cư, đặc biệt là phụ nữ di cư tự do, trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, đề xuất được giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù, các khuyến nghị chính sách phù hợp với mục tiêu “không ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển”. PGS.TS. Trần Thị Minh Thi mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm hợp tác từ các chuyên gia, nhà khoa học và các quý vị đại biểu về các chủ đề nghiên cứu của Viện Gia đình và Giới.

 

PV.

(Nguồn: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)