- Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
- Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
23
2860746
CHỈ THỊ 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới
25/08/2021Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị tiếp tục khẳng định, công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. |
Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xác định, nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Chỉ thị đặt ra các nhiệm vụ cụ thể về tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.
Chỉ thị định hướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình, hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, Chỉ thị yêu cầu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại.
Chỉ thị 06 ra đời đúng thời điểm cả nước bắt đầu năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự triển khai của các Chiến lược kinh tế, xã hội giai đoạn 10 năm 2020-2030. Đồng thời, Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững, tầm nhìn đến năm 2030 được Liên hiệp quốc thông qua ngày 25/9/2015, cũng đã nêu rõ cần đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm đầy đủ, hiệu quả, bền vững cho tất cả mọi người. Trong giai đoạn 2021-2030, phát triển xã hội bền vững về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm đầy đủ, đảm bảo công bằng, giảm bất bình đẳng xã hội, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, v.v. là những mục tiêu quan trọng Việt Nam xây dựng trong Kế hoạch thực hiện cụ thể để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững theo Quyết định số 622 của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5/2017. Hầu hết các mục tiêu đó đều đặt trọng tâm vào phát triển con người, trong đó, vai trò của chính sách, thế chế, dịch vụ xã hội cho cá nhân và gia đình, hệ thống an sinh xã hội là hết sức quan trọng. Đồng thời, để đảm bảo công bằng và không ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển, các nhóm xã hội, nhóm gia đình đặc thù cũng cần được quan tâm trong quá trình phát triển. Bối cảnh mới hiện nay như kỹ thuật số, Cách mạnh công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, v.v. đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới, “động” hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị, v.v. tìm hiểu và thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào các quá trình phát triển xã hội bền vững, vì các mục tiêu và động lực phát triển hiện nay đều nhấn mạnh đến nhân tố phát triển con người, cũng chính là đảm bảo sự ổn định và phát triển của gia đình, nơi mỗi cá nhân con người của xã hội sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Với bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều thay đổi, đặc điểm gia đình cũng đang thay đổi mạnh, đòi hỏi công tác gia đình trong tình hình mới phải có những đột phá.
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tham gia tích cực vào quá trình tổng kết Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” theo Quyết định số 2722-QĐ/BTGTW ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương và trong quá trình tham mưu xây dựng Chỉ thị 06 CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn 15-BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác gia đình. Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã thực hiện “Báo cáo đánh giá độc lập Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng thực hiện. Đồng thời, các nhà khoa học của Viện tham gia góp ý cho Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (Khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Báo cáo và các ý kiến đóng góp của Viện được xây dựng trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về gia đình của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới các năm gần đây và của Chương trình “Nghiên cứu tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” giai đoạn 2016-2019 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng như các thông tin, số liệu từ các báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49- CT/TW của 63 tỉnh thành và một số bộ ban ngành trung ương, Các ý kiến đóng góp được xây dựng đã làm rõ những kết quả và hạn chế về công tác xây dựng gia đình trong thời gian qua và đề xuất xây dựng Chỉ thị mới về gia đình để phù hợp với tình hình mới. Tình hình mới ở đây được hiểu trên một số khía cạnh như sự phát triển về kinh tế của Việt Nam, những giá trị mới, đặc điểm mới về gia đình đang hình thành trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò quan trọng của gia đình với cá nhân, xã hội và phát triển kinh tế xã hội bền vững, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Báo cáo đánh giá đã kiến nghị các nội dung cần quan tâm về gia đình trong tình hình mới, bao gồm: (1) Rà soát, hoàn thiện chính sách; (2) Thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội lấy gia đình là trọng tâm và xây dựng gia đình đảm bảo sự gắn kết xã hội và vai trò chăm sóc; (3) Những chính sách và dịch vụ xã hội đảm bảo sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các hình thức gia đình hiện nay; (4) Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế gia đình; (5) Thay đổi nhận thức về cách thức giáo dục con cái trong gia đình; (6) Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới; (7) Phổ biến kết quả nghiên cứu nhằm giữ gìn, phát huy và định hướng dư luận xã hội cho các giá trị gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; và (8) Xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình trong thời kỳ mới.
Ngày 21/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 15- BTGTW về triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, trong đó, xác định rõ hoạt động của gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong tổ chức thực hiện, Hướng dẫn 15 đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị có chức năng nghiên cứu, xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình. Phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị khoa học và thực tiễn vào Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, quá trình tham mưu ban hành Chỉ thị 06 CT/TW và Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Ban Tuyên giáo Trung ương. Những đóng góp này góp phần kết nối các kết quả nghiên cứu khoa học vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng, qua đó, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam trong tình hình mới.
Tài liệu trích dẫn
Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Hướng dẫn số 15-HD/BTGTW ngày 21/7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trần Thị Minh Thi. 2020. Báo cáo đánh giá độc lập kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. 2020. Đóng góp ý kiến cho Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban bí thư (Khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
P.V
Các tin cũ hơn.................................................
- THƯ MỜI (03/03/2021)
- Chi bộ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới - tập thể hội tụ tinh hoa trong lĩnh vực nghiên cứu gia đình và giới (23/06/2020)
- CHI BỘ ĐẢNG VIỆN NGHIÊN CỨU GIA ĐÌNH VÀ GIỚI VÀ CÔNG TÁC NÂNG CAO LẬP TRƯỜNG TƯ TƯỞNG ĐẢNG VIÊN (17/06/2020)
- Chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. (21/04/2020)
- THƯ MỜI (20/04/2020)
- Lễ Trao cờ thi đua của Chính phủ và Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (04/04/2020)
- Trao đổi khoa học với Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc về vấn đề “Phụ nữ và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường” (04/04/2020)
- Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhiệm kỳ mới (04/04/2020)
- Nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách - Chặng đường 30 năm của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (04/04/2020)
- Lễ kỉ niệm 30 năm thành lập Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (04/04/2020)