Liên kết web
Số lượt truy cập

21

2013697

Hợp tác trao đổi thông tin

Hội thảo “Phát huy nguồn lực người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội trong xã hội già hóa dân số”

25/12/2020
Ngày 14 tháng 12 năm 2020, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức hội thảo “Phát huy nguồn lực người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội trong xã hội già hóa dân số”. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ đề tài “Phát huy nguồn lực người cao tuổi trong phát triển kinh tế xã hội thích ứng bối cảnh già hóa dân số của Việt Nam”. Đề tài là nghiên cứu hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Mục đích của Hội thảo là chia sẻ các kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới về vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế, cụ thể là về nhu cầu nguồn lao động, việc làm và thực trạng lao động việc làm của NCT hiện nay và đề xuất kiến nghị chính sách về các vấn đề có liên quan trong thời gian tới.

 

 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học của hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Về phía Việt Nam có sự tham gia của bà Hoàng Thị Thu Huyền, Chủ tịch Công đoàn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (MOLISA); ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; đại diện Trung Ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; đại diện Trung Ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Đại diện World Bank Việt Nam; Đại diện HelpAge tại Việt Nam; đại diện các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức NGO, INGO tại Việt Nam...

 

Về phía Nhật Bản có sự tham gia của ông MIKO HAYASHI, Bí thư thứ nhất Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông MUROOKA NAOMICHI, Phó Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam; Ông HIROAKI YASHIRO, Cố vấn cao cấp về xúc tiến đầu tư - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông TSUJIMOTO RYO, Công ty tư vấn tài chính và kinh doanh Deloitte Vietnam Ltd; ông ISHIGURO YOHEI, cán bộ cố vấn hình thành dự án; Giáo sư TAJIKA EIJI, chuyên gia của JICA Việt Nam (tham gia bằng hình thức trực tuyến).

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Trần Thị Minh Thi đã nêu lên bối cảnh về người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam hiện nay và mục đích nghiên cứu của đề tài. Trong khoảng ba thập niên vừa qua, dân số Việt Nam đã thay đổi về cả số lượng và cấu trúc. Số NCT từ 60 trở lên tăng từ 7,1% năm 1989 lên 10,2% năm 2014 và tăng lên 11,4% năm 2017 và lên 13,5% năm 2018 cho thấy Việt Nam bắt đầu thời kỳ già hóa dân số. Hiện nay, đa số NCT sống tại gia đình ở các cộng đồng địa phương. Số lượng NCT sống tại các cơ sở dưỡng lão không nhiều. Vì thế, việc tìm hiểu vai trò của NCT là rất quan trọng nhằm thích ứng với những thay đổi về cấu trúc dân số và gia đình, và đặt NCT như một trong những nguồn lực trong phát triển kinh tế xã hội chứ không đơn thuần là một nhóm dân số phụ thuộc, cần được chăm sóc, giúp đỡ. Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện một số nghiên cứu về chủ đề này: 1. Phát huy nguồn lực NCT trong phát triển kinh tế xã hội thích ứng bối cảnh già hóa dân số của Việt Nam, do Vass và Jica hỗ trợ; 2. Khác biệt giới trong tham gia hoạt động kinh tế của NCT, do Molisa hỗ trợ; 3. Vai trò người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang già hóa, do VASS hỗ trợ. Cả ba nghiên cứu này đã được hoàn thành trong năm 2020 và trong Hội thảo này, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu chính bàn về vai trò và hoạt động kinh tế của NCT nhằm tìm hiểu tính tích cực xã hội, khả năng tự chủ và nhu cầu của NCT và những gợi mở về mặt lí luận cho nghiên cứu cũng như các đề xuất chính sách phù hợp trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản.

 

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam cũng phát biểu hoan nghênh sự hợp tác giữa JICA và VASS trong dự án nghiên cứu về chủ đề Người cao tuổi, nhấn mạnh ý nghĩa của dự án này trong việc chia sẻ thực tế và các bài học kinh nghiệm lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong các xã hội già hóa, rất nhiều các vấn đề như chăm sóc y tế, cơ hội học tập và đào tạo, tình trạng và mô hình việc làm, v.v… là những vấn đề cần nghiên cứu và đưa ra các đề xuất chính sách.

 

Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Chủ tịch Công đoàn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình bày báo cáo “Các vấn đề xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2020-2030”. Bà Hoàng Thị Thu Huyền nhận định rằng Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng quá trình già hóa dân số cũng đang trở thành một vấn đề cần quan tâm. Báo cáo nêu lên những thách thức đối với lao động việc làm, an sinh xã hội giai đoạn 2010 - 2020, thành tựu trong quản lý phát triển xã hội bền vững giai đoạn 2011-2020 và nêu lên một số đề xuất và giải pháp đối với phát triển xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2030, ví dụ như phát triển các chính sách để hỗ trợ va động viên các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cao tuổi, phát triển các chương trình việc làm cho người cao tuổi, cải thiện an sinh xã hội, giảm nghèo và thực hiện các giải pháp đồng bộ toàn diện.  

 

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã trình bày báo cáo “Tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi và những vấn đề chính sách đang đặt ra hiện nay”. Báo cáo được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu của các đề tài:  “Vai trò của NCT trong xã hội Việt Nam đang già hóa” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện tại Ninh Bình năm 2020; đề tài “Khác biệt giới trong tham gia hoạt động kinh tế của NCT (Nghiên cứu trường hợp Đà Nẵng). Báo cáo nêu lên các chiều cạnh hoạt động kinh tế của NCT như: các nguồn thu nhập của NCT, tỷ lệ NCT đang làm việc, mức độ tham gia làm việc có lương và không lương, mục đích làm việc của NCT, mục đích làm việc của NCT theo giới, theo địa bàn cư trú; tính chất việc làm hiện nay của NCT, việc làm chính hiện nay của NCT. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn NCT tiếp tục lao động sau khi nghỉ hưu, tỷ lệ NCT tiếp tuc lao động ở các công việc được trả công thấp hơn các công việc không được trả công và phân công lao động theo giới vẫn tồn tại trong gia đình hiện đại. Từ đó, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi đề xuất nhằm phát huy sự tham gia của NCT vào lực lượng lao động, xây dựng chính sách

 

TS.Trịnh Thái Quang, đại diện nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày báo cáo “Nhu cầu việc làm và việc làm của người cao tuổi ở Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp Đà Nẵng). Báo cáo nên lên những phát hiện chính của nghiên cứu về NCT tham gia thị trường lao động, đặc trưng việc làm, loại hình công việc, mục đích lao động, nhu cầu việc làm của NCT, công việc mong muốn của NCT, những thuận lợi và khó khăn của NCT trong việc tìm kiếm việc làm.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam và Nhật Bản đã sôi nổi thảo luận về chủ đề việc làm và chính sách đối với NCT, chăm sóc sức khỏe NCT, so sánh sự khác biệt ở hai nước và nêu lên những bài học kinh nghiệm của mỗi nước. Về vấn đề việc làm cho NCT, ông Miko Hayashi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng cần có ba trụ cột trong việc phát huy nguồn lực người cao tuổi trong các xã hội đang già hóa, đó là tuyển dụng việc làm cho người cao tuổi trong các doanh nghiệp, thành lập các trung tâm việc làm. cho người lớn tuổi và bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, ông Tsujimoto Ryo nhận xét rằng tốc độ dân số già ở Việt Nam hiện đang nhanh hơn nhiều so với Nhật Bản, điều này ảnh hưởng đến tình hình tài chính của đất nước. Vì vậy, không nên coi người cao tuổi là người chăm sóc mà là lực lượng lao động tiềm năng. Các câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi để họ có thể tự chăm sóc và làm việc của mình. Một số giải pháp có thể được xem xét bao gồm hệ thống chăm sóc dài hạn, chăm sóc tại nhà để cải thiện sức khỏe và trở lại làm việc. Ông Hiroaki Yashiro so sánh chính sách an sinh xã hội giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tại Nhật Bản, có nhiều loại bảo hiểm khác nhau bao gồm bảo hiểm bồi thường, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hưu trí quốc gia bắt buộc từ 20 đến 64 tuổi tham gia và tất cả đều phải chịu khoản đồng thanh toán 30%. Những người trên 75 tuổi nên có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Các đại diện đến từ Nhật Bản đã chia sẻ về một số chính sách tiêu biểu của Nhật Bản đối với NCT như: bảo hiểm việc làm chi trả đối với người thất nghiệp, người nghỉ việc chăm con nhỏ, người cao tuổi, áp dụng đối với toàn bộ người lao động có thời gian làm việc trên 20 tiếng/ tuần; bảo hiểm sức khỏe chi trả đối với các bệnh tật ngoài công việc, chi trả cho thai sản, chi trả 90% chi phí điều dưỡng cho người trên 75 tuổi; bảo hiểm hưu trí: chi trả đối với người cao tuổi, người bị thương tật, tử vong, áp dụng với người lao động bình thường làm việc tại công ty, lao động bán thời gian có thời gian làm việc trên 3/4 thời gian của lao động bình thường.

 

Giáo sư Tajika Eiji, chuyên gia của JICA Việt Nam, đặt ra một số câu hỏi tại Hội thảo rằng việc tuyển dụng NCT ở Việt Nam được tổ chức như thế nào? Việt Nam đã làm gì cho đến nay để phát triển thêm việc làm cho NCT? Và một số câu hỏi khác liên quan đến hệ thống lương hưu và vai trò của chính phủ và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ người lao động cao tuổi có cơ hội làm việc.

 

Ông Nguyễn Tam Giang, đại diện Ngân hàng Thế giới Việt Nam đề cập đến một nhóm người cao tuổi khác cũng cần được chính phủ cũng như cộng đồng quan tâm hơn nữa, đó là người cao tuổi dân tộc thiểu số, người già tàn tật nhưng còn khả năng lao động. Ông đề cập đến “nền kinh tế chăm sóc” trong đó người cao tuổi là một nhóm đóng góp vào nền kinh tế chăm sóc. Trong số những người già, những người khỏe mạnh chăm sóc những người không khỏe mạnh.

 

Đại biểu Nhật Bản chia sẻ: để đối phó với tình trạng dân số già hóa, Nhật Bản cũng có điều chỉnh về lương hưu và tuổi nghỉ hưu; các doanh nghiệp phải có điều chỉnh để trợ giúp NCT; Nhật Bản cũng có nhiều trung tâm giới thiệu việc làm cho NCT. Đại diện Nhật Bản cũng hy vọng những điều này có thể là bài học kinh nghiệm cho phía Việt Nam. Các đại biểu khác từ Việt Nam, bao gồm những đại biểu từ Hôi Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, HelpAge Việt Nam đã nêu quan ngại về bất bình đẳng giới trong nhóm người cao tuổi một phần do nghĩa vụ chăm sóc. Cần có những chính sách cụ thể phù hợp với đối tượng này liên quan đến việc làm việc của họ ở độ tuổi sau này. Họ cũng chỉ ra rằng sẽ rất có ý nghĩa nếu Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Bộ LĐTBXH và HelpAge có thể cùng nhau tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về các sáng kiến dựa vào cộng đồng cho các giải pháp kinh tế bền vững.

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hà - Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cảm ơn sự đồng hành 10 năm của JICA với VASS, đồng thời VASS và JICA sẽ cùng nhau xây dựng kế hoạch cho 10 năm tới.

 

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã cám ơn sự nhiệt tình tham dự và trao đổi ý kiến của các đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam và Nhật Bản, sự hỗ trợ hiệu quả của JICA Việt Nam, MOLISA, các ban chức năng của VASS. Viện trường cũng đặc biệt trân trọng cám ơn sự tham gia của Giáo sư TAJIKA EIJI, chuyên gia của JICA Việt Nam ở phía đầu cầu trực tuyến ở Nhật Bản đã đưa ra những ý kiến đóng góp quan trọng cho Hội thảo thành công tốt đẹp.

 

 

Nguyen Thanh Mai Trịnh Thái Quang