Liên kết web
Số lượt truy cập

102

1933431

Chi tiết tạp chíSố 6 - 2009

Nghiên cứu về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Phương Thảo

Trang: 3-15

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào kết quả của một số nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em, bài viết đưa ra một cái nhìn tổng quan về các vấn đề chủ yếu mà các nghiên cứu đã đề cập tới. Với phạm vi nghiên cứu rộng, sử dụng nhiều kỹ thuật thu thập thông tin phù hợp với đối tượng trẻ em; khái niệm trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em ngày càng được định nghĩa một cách rõ ràng và đầy đủ hơn; đối tượng trẻ em được khảo sát ở nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Nhiều vấn đề cơ bản như hình thức và mức độ, hậu quả và nguyên nhân của trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em đã được phân tích. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế như thiếu một định nghĩa thống nhất về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em; việc phân loại các hình thức trừng phạt trẻ em chưa rõ ràng, tác động khác nhau của trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em đối với trẻ em gái, trẻ em trai cũng như đối với những nhóm trẻ em ở lứa tuổi khác nhau chưa được xem xét kỹ; hệ thống bảo vệ và hỗ trợ trẻ em là nạn nhân còn ít được bàn luận; hiện tượng trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em trong một số môi trường đặc thù còn chưa được quan tâm.

Quan hệ cha mẹ với con ở tuổi vị thành niên

Tác giả: Trần Thị Vân Anh, Hà Thị Minh Khương

Trang: 16-29

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, bài viết xem xét mối quan hệ cha mẹ và con ở tuổi vị thành niên ở ba khía cạnh: vai trò của cha mẹ trong đời sống tình cảm của con khi buồn, vui và khi bất đồng với cha mẹ; cha mẹ và quan hệ bạn bè của con; suy nghĩ của con về quan hệ với cha mẹ. Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy khi có chuyện buồn, vui cũng như khi có chuyện bất đồng với cha mẹ, con cái luôn chọn bạn để tâm sự. Cha và mẹ cũng được con cái lựa chọn song họ có vai trò khác nhau. Người mẹ có vị trí quan trọng, chỉ sau bạn bè khi con có chuyện buồn. Người cha, do nhiều lý do, hầu như không được con cái lựa chọn. Tương tự, bạn bè vẫn là đối tượng chính để con cái thường tâm sự về chuyện yêu đương. ở gia đình thành thị, có mức sống cao, người mẹ hơn thường là người được con chọn để tâm sự.

Sử dụng biện pháp tránh thai trong quan hệ tình dục trước hôn nhân của thanh niên Hà Nội: Thực trạng và các yếu tố tác động

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 30-42

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nạo hút thai trong vị thành niên, thanh niên và nguy cơ lây nhiễm HIV cùng các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong giới trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên? Dựa trên số liệu điều tra sức khỏe thanh niên và vị thành niên Hà Nội 2006, với những phân tích tương quan hai biến và phân tích đa biến hồi qui logistic, bài viết cho biết chỉ khoảng 1/3 thanh niên quan hệ tình dục trước hôn nhân sử dụng biện pháp tránh thai trong tất cả các lần quan hệ tình dục. Thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng tránh thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không sử dụng biện pháp tránh thai. Ngoài ra, quan hệ tình dục sớm (15-20 tuổi), quan hệ với người yêu cũng là yếu tố làm hạn chế việc sử dụng biện pháp tránh thai trong thanh niên.

Nguyên nhân di cư nông thôn - đô thị từ góc độ giới

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 43-55

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên nguồn số liệu từ cuộc điều tra của đề tài cấp Bộ “Sự thích ứng của người di cư tự do từ nông thôn ra thành phố và các vùng phụ cận – Nghiên cứu trường hợp Hà Nội” được tiến hành vào năm 2008, bài viết đề cập đến những nguyên nhân di cư tự do đến Hà Nội và tác động của yếu tố giới đến việc chuyển cư. Kết quả nghiên cứu cho thấy di cư vì lý do kinh tế vẫn là nguyên nhân chính. Tình trạng thiếu việc làm, thiếu ruộng đất, thu nhập thấp ở nông thôn là lực đẩy khiến người di cư ra đi và mức chênh lệch cao về thu nhập, việc làm nhiều, khoảng cách di cư gần là lực hút khiến họ đổ về Hà Nội. Trong di cư, nam giới và phụ nữ có cùng mục đích như nhau nhưng tác động của từng yếu tố lực hút và lực đẩy là khác nhau đối với từng giới. Trong khi nam giới chủ yếu quan tâm đến một lý do chính là thu nhập thì phụ nữ phải thỏa hiệp với nhiều lý do khác nhau để có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái. Khi phần lớn nam giới có thể tự mình quyết định việc di cư thì phụ nữ phải quan tâm nhiều hơn đến thái độ của người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng.

Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động di cư ở Hà Nội

Tác giả: Phan Thị Thanh Mai

Trang: 56-69

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu của đề tài cấp Bộ năm? “Sự thích ứng của những người di cư tự do nông thôn vào các thành phố và các vùng phụ cận – Nghiên cứu trường hợp Hà Nội”, bài viết tập trung phân tích thách thức trong cuộc sống đô thị đối với lao động di cư ở góc độ dịch vụ xã hội. Theo tác giả, người dân di cư ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc y tế do giá thuốc, giá dịch vụ cao, ít khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế của nhà nước bằng thẻ bảo hiểm y tế, vì vậy đa số đành chấp nhận về quê khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến dưới để được sử dụng bảo hiểm không mất tiền hoặc là dùng dịch vụ phù hợp với túi tiền của họ. Các trường hợp lao động di cư mang theo con nhỏ đã gặp khó khăn trong việc tìm lớp học cho con; mức đóng tiền học ở thành phố quá cao so với thu nhập của họ. Có rất ít người lao động di cư biết đến các dịch vụ việc làm, tư vấn về các vấn đề y tế, xã hội ở Hà Nội. Phần lớn người lao động di cư không biết một chương trình giúp đỡ người di cư nào đã và đang thực hiện.

Đi làm ăn xa ở người phụ nữ Chăm thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Tác giả: Đoàn Việt

Trang: 70-79

File toàn văn đính kèm: Tải về

Đi làm ăn xa đã và đang trở thành một giải pháp được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra ngày càng nhanh và mạnh ở hầu khắp các vùng, miền. ở mỗi cộng đồng tộc người, vấn đề lao động di cư lại có những điểm khác biệt, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc trưng văn hóa, động lực thúc đẩy, trình độ lao động. Dựa trên kết quả khảo sát tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận trong các năm từ 2006 đến 2008, bài viết phân tích hiện tượng di cư trong lao động nữ người Chăm – một tộc người vốn bảo lưu chế độ mẫu hệ và những hệ quả của hiện tượng này đối với tư tưởng, văn hóa cộng đồng... Bài viết cho thấy do những yếu tố kinh tế, số lượng phụ nữ thôn Hữu Đức lựa chọn giải pháp di cư ngày càng gia tăng, tập trung nhất ở độ tuổi từ 17-40. Đa số phụ nữ làm những công việc không yêu cầu trình độ hoặc kỹ năng lao động cao. Phần lớn phụ nữ đi làm ăn xa hài lòng với lựa chọn của mình vì cho rằng phù hợp với trình độ và khả năng của họ.

Khác biệt giới liên quan đến tuyển dụng lao động, hợp đồng lao động và trả lương tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Tác giả: Trần Thị Bích Hằng

Trang: 80-90

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết sử dụng số liệu của cuộc khảo sát về “Chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh – thực trạng và giải pháp” từ năm 2004-2008. Tác giả tập trung phân tích những khác biệt giữa lao động nam và lao động nữ về tuyển dụng lao động, hợp đồng lao động và việc trả lương. Kết quả cho thấy sự khác biệt về giới tính là yếu tố được xem là quan trọng nhất dẫn đến sự khác biệt trong tuyển dụng lao động giữa lao động nam và lao động nữ, tiếp theo đến sự khác biệt về trình độ chuyên môn và trình độ học vấn. Hợp đồng lao động nữ có những quy định mà lao động nam không có, đó là không lấy chồng sau một số năm nhất định, không sinh con sau một số năm nhất định, tự nguyện kết thúc hợp đồng khi lấy chồng và tự nguyện kết thúc hợp đồng khi sinh con. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mức tiền lương trung bình của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới, cho dù thời gian làm việc của nữ công nhân cao hơn.

Hôn nhân Công giáo: Quá trình hình thành một bí tích

Tác giả: Lê Đức Hạnh

Trang: 91-94

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 6/2009

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 6 năm 2009 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Nguyễn Phương Thảo Nghiên cứu về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em ở Việt Nam 3 Trần Thị Vân Anh, Hà Thị Minh Khương Quan hệ cha mẹ với con ở tuổi vị thành niên 16 Trần Thị Hồng Sử dụng biện pháp tránh thai trong quan hệ tình dục trước hôn nhân của thanh niên Hà Nội: Thực trạng và các yếu tố tác động 30 Đặng Thanh Nhàn Nguyên nhân di cư nông thôn - đô thị từ góc độ giới 43 Phan Thị Thanh Mai Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động di cư ở Hà Nội 56 Đoàn Việt Đi làm ăn xa ở người phụ nữ Chăm thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận 70 Trần Thị Bích Hằng Khác biệt giới liên quan đến tuyển dụng lao động, hợp đồng lao động và trả lương tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 80 Lê Đức Hạnh Hôn nhân Công giáo: Quá trình hình thành một bí tích 91 Lê Thị Hồng Hải Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về: "Tác động kinh tế xã hội của việc gia nhập WTO đến phụ nữ nông thôn Việt Nam" 95