Liên kết web
Số lượt truy cập

22

1932830

Chi tiết tạp chíSố 5 - 2018

Tọa đàm khoa học “Công việc chăm sóc trong các gia đình hiện đại: khả năng chống chịu và gắn kết của thế hệ trung niên trong việc chăm sóc cho người cao tuổi ở Việt Nam”

Tác giả: Nguyễn Hà Đông

Trang: 93-94

Ngày 26/9/2018, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với trường đại học Manchester Metropolitan, Vương quốc Anh tiến hành tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Công việc chăm sóc trong các gia đình hiện đại: khả năng chống chịu và gắn kết của thế hệ trung niên trong việc chăm sóc cho người cao tuổi ở Việt Nam”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chuỗi 03 tọa đàm của chương trình (gồm 1 tọa đàm tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày 24/9/2018, 1 tọa đàm tại huyện Thanh Oai, Hà Nội vào ngày 25/9/2018) nhằm trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến phúc lợi xã hội và quá trình già hóa dân số trong các gia đình, cộng đồng và xã hội trên cơ sở tăng cường đối thoại từ nhóm người cao tuổi - nhóm đối tượng được chăm sóc tới nhóm thực hiện trách nhiệm chăm sóc chính trong gia đình, gồm nhóm trung niên và thanh niên, cũng như chính quyền các cấp, các đoàn thể và các tổ chức xã hội có liên quan. Từ đó, xác định các thách thức chính, những mong muốn và các hoạt động khả thi nhằm thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội cho người cao tuổi. Khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã nhấn mạnh những đặc điểm của già hóa dân số ở Việt Nam và những thách thức từ cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc người cao tuổi. Những năm qua, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu về người cao tuổi như: đặc điểm, vai trò của nhà nước, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc người cao tuổi; vấn đề phát huy vai trò người cao tuổi, v.v. ở tọa đàm này, vấn đề chăm sóc người cao tuổi được nhìn nhận dưới góc độ mới hơn: các vấn đề của người chăm sóc, tập trung vào thế hệ trung niên - nhóm vừa là lực lượng chăm sóc chủ chốt vừa là lực lượng lao động chính, là trụ cột trong các gia đình hiện đại. Tọa đàm được chia làm hai phiên chính. Trong phiên một, các đại biểu tham dự đã chia thành 03 nhóm thảo luận gồm nhóm đại diện cho các ban ngành, đoàn thể xã hội và các tổ chức phi chính phủ; nhóm các nhà nghiên cứu; nhóm sinh viên đại học - lực lượng chăm sóc chính trong tương lai. Thảo luận tập trung xác định các thử thách chính trong việc chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam và các giải pháp khả thi để vượt qua các thách thức này. Các nhóm thảo luận đã trao đổi sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Phiên hai là phiên họp toàn thể, đại diện các nhóm đã trình bày kết quả thảo luận của từng nhóm. Nhìn chung, các nhóm đều cho rằng thách thức chính trong việc chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay là vấn đề nguồn lực (tài chính, con người, thời gian), nhận thức thấp và thiếu sự chia sẻ trách nhiệm. Đại diện cho nhóm thực hiện hoạt động chăm sóc chính trong tương lai - các sinh viên đại học đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách cần thực hiện truyền thông thay đổi nhận thức nhằm thay đổi những định kiến truyền thống từ vai trò chăm sóc của người phụ nữ đến việc huy động mọi thành viên trong gia đình; từ vai trò chăm sóc chính của gia đình đến việc chấp nhận các hình thức chăm sóc thay thế như trung tâm dưỡng lão hay thuê giúp việc; khái niệm chăm sóc toàn diện thay vì chỉ tập trung chăm sóc sức khỏe. Để vượt qua những thách thức hiện nay trong việc chăm sóc người cao tuổi, cả ba nhóm thảo luận đều đề cao sự chia sẻ trách nhiệm chăm sóc và củng cố sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, nâng cao nhận thức về hoạt động chăm sóc, cải thiện thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, xây dựng các mô hình sinh hoạt/ hỗ trợ của cộng đồng. Riêng nhóm đại diện cho các ban ngành, đoàn thể xã hội và các tổ chức phi chính phủ chú trọng đến việc đến việc lập kế hoạch dự phòng cho tuổi già, đặc biệt là dự phòng về tài chính từ giai đoạn trung niên để đảm bảo khả năng tự chăm sóc khi về già. Các đại biểu đã cùng chia sẻ và đóng góp thêm các ý kiến liên quan đến công tác chăm sóc người cao tuổi. TS. Đặng Huy Hoàng - Giám đốc của Liên minh Sống khỏe Việt Nam và là điều phối viên của Nhóm hoạt động về Người cao tuổi Việt Nam cho rằng ở Việt Nam đã có nhiều mô hình người cao tuổi giúp người cao tuổi hay và hoạt động có hiệu quả nhưng vấn đề quan trọng là không duy trì được lâu dài do hạn chế kinh phí. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể duy trì được các mô hình này?. Bà Nguyễn Thị Minh An, đại diện cho tổ chức ActionAid tại Việt Nam lưu ý đến vấn đề giới trong khi thực hiện việc chăm sóc để giảm thiểu gánh nặng cho người phụ nữ. Kết thúc hội thảo, GS.TS. Hugh McLaughlin, trường đại học Manchester Metropolitan, đã trân trọng cảm ơn sự tham gia của đông đảo đại diện các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và cá nhân cũng như những ý kiến đóng góp xác đáng của các vị đại biểu. Kết quả tọa đàm sẽ là cơ sở để Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và trường đại học Manchester Metropolitan tiếp tục cùng hợp tác triển khai các nghiên cứu tiếp theo về chủ đề chăm sóc người cao tuổi.

Hội thảo khoa học “Báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu khoa học năm 2018 Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới”

Tác giả: Việt Phương

Trang: 91-92

Năm 2018, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới triển khai hệ đề tài cơ sở về “Lịch sử Gia đình Nông thôn Việt Nam giai đoạn 1976-1986”. Đây là hệ đề tài thuộc hướng nghiên cứu về lịch sử gia đình Việt Nam, tiếp nối hệ đề tài về “Lịch sử gia đình nông thôn Việt Nam giai đoạn 1960-1975” đã thực hiện năm 2017. Nhiệm vụ chung của các đề tài là nhằm nhận diện những đặc điểm và khuôn mẫu hôn nhân-gia đình đồng bằng sông Hồng trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, tập trung ở một số chủ đề: lựa chọn bạn đời; tổ chức cuộc sống những năm đầu sau kết hôn; phân công lao động giữa vợ và chồng; quyền quyết định giữa vợ và chồng; và một số khía cạnh của đời sống tâm lý tình cảm vợ chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1976-1986. Các nghiên cứu triển khai thực địa tại Nam Định và Thái Bình, với lượng mẫu là 800 người kết hôn trong giai đoạn 1976-1986. Để chia sẻ các kết quả nghiên cứu giữa kỳ và trao đổi học thuật nhằm hoàn thiện hệ thống lí luận, phương pháp phân tích và cách thức tổ chức báo cáo tổng hợp của các đề tài, trong hai ngày 17-18/9/2018, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức Hội thảo khoa học giữa kỳ hệ đề tài cơ sở 2018. PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu khai mạc Hội thảo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hội thảo và ý nghĩa của các nghiên cứu thuộc hệ đề tài cơ sở năm 2018. Đây là các nghiên cứu nối tiếp với các nghiên cứu năm 2017 của Viện trong giai đoạn 1960-1975 về lịch sử gia đình nông thôn Việt Nam với mong muốn những đóng góp khoa học này có thể lấp đầy các “khoảng trống” cho các nghiên cứu cơ bản về gia đình nông thôn trong những giai đoạn lịch sử những năm 1976-1986, giai đoạn mà các nghiên cứu xã hội học chưa thực sự phát triển ở Việt Nam. Hội thảo khoa học: Báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu khoa học năm 2018 có sự tham gia của 10 chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở năm 2018 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới với 10 báo cáo về các nội dung nghiên cứu khác nhau về gia đình nông thôn miền Bắc thời kỳ 1976-1986. Hội thảo được chia làm 3 phiên với các chủ đề khác nhau. Phiên 1 với chủ đề “Hôn nhân và đời sống tình cảm của gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” gồm 4 bài trình bày. Nghiên cứu về việc lựa chọn bạn đời ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986, tác giả Nguyễn Hà Đông đã áp dụng các lý thuyết tương đồng trong hôn nhân, lý thuyết về chủ nghĩa tập thể - chủ nghĩa cá nhân và lý thuyết về sự khác biệt giới trong lựa chọn bạn tình. Bùi Thị Hương Trầm trong nghiên cứu về “Đời sống tâm lý - tình cảm giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” đã chia sẻ về những khó khăn trong 5 năm đầu sau kết hôn trong quan hệ gia đình những năm 1976 - 1986 ở Thái Bình. Tổ chức cuộc sống những năm đầu sau kết hôn trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986 đã đề cập đến những nội dung chính như: cách sắp xếp nơi ở những năm đầu sau kết hôn, tiện nghi sinh hoạt trong đời sống gia đình, loại hình nhà ở, hoạt động giải trì và sinh con, chăm sóc con. Sự liên lạc giữa anh chị em ruột là nội dung trình bày của Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy việc gặp gỡ giữa anh chị em ruột diễn ra thường xuyên. Các chủ đề được trao đổi thường xuyên nhất trong những cuộc gặp gỡ là những câu chuyện của bố mẹ, những câu chuyện của con cái, tán gẫu và các câu chuyện dòng họ. Phiên 2 là ba bài trình bày tập trung đến nội dung “Hoạt động kinh tế và cộng đồng của hộ gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986”: bàn về các hoạt động kinh tế của hộ gia đình (Trần Quý Long); sự tham gia của hộ gia đình và hoạt động kinh tế hợp tác xã ở nông thôn miền Bắc (Phan Huyền Dân); sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động cộng đồng ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986 (Nguyễn Đức Tuyến). Trong giai đoạn này, kinh tế hộ gia đình chịu những ảnh hưởng sâu sắc của những chính sách ở 2 giai đoạn khác nhau: từ 1976-1980, các chính sách nông nghiệp, phát triển kinh tế nông hộ, hầu hết các hộ gia đình đều tham gia hợp tác xã; giai đoạn 1981-1986: chỉ thị 100 của Ban Bí thư được ban hành, gắn trách nhiệm về quyền lợi của người nông dân với sản phẩm cuối cùng, tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp. Về sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động cộng đồng cũng có những tác động nhất định bởi bối cảnh lịch sử là những nhận định ban đầu trong nghiên cứu của Nguyễn Đức Tuyến. Trong giai đoạn 1976 - 1986, sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động cộng đồng không nhiều. Các báo cáo được trình bày ở Phiên 3 “Phân công lao động và quyền quyết định trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” tập trung vào nội dung: sự trợ giúp lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình mở rộng (Phan Thị Thanh Mai); sự phân công lao động trong gia đình (Trần Thị Thanh Loan) và quyền quyết định trong gia đình (Vũ Thị Cúc). Nghiên cứu về sự trợ giúp lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình mở rộng đưa ra cái nhìn tổng quát về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình mở rộng ở nông thôn miền Bắc trong một giai đoạn lịch sử. Tác giả Trần Thị Thanh Loan trong báo cáo phân tích về phân công lao động trong gia đình đã cung cấp bức tranh cơ bản trong thời kỳ này. Người vợ là người đảm nhiệm chính hầu hết các công việc trong gia đình, một số công việc người chồng thực hiện nhiều hơn là sửa chữa đồ dùng trong gia đình và lấy nước, trữ nước. Bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc của các đề tài cũng như tinh thần trao đổi học thuật nghiêm túc, say mê của toàn bộ các cán bộ nghiên cứu của Viện trong việc đóng góp ý kiến cho các đề tài.. Kết quả nghiên cứu sơ bộ của các báo cáo cho thấy nhiều phát hiện quan trọng và lí thú về đặc điểm hôn nhân và gia đình Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước, góp phần bổ sung những khoảng trống về những nghiên cứu thực nghiệm về hôn nhân và gia đình thời kỳ này. Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học thường niên của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Những chia sẻ và trao đổi về học thuật, lý thuyết áp dụng, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật phân tích… là những giá trị khoa học hữu ích và là cơ hội trau dồi học hỏi kinh nghiệm giữa các nhà nghiên cứu trong Viện. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực đối với các chủ nhiệm đề tài khi họ có cơ hội nhận được những góp ý, những định hướng tốt cho việc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu trong thời gian tới.

Thực trạng tiếp cận với giáo dục của trẻ em huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Tác giả: Nguyễn Vũ Quỳnh Anh & Trương Thị Thu Thủy

Trang: 81-90

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Cơ hội tiếp cận với giáo dục của trẻ em ở khu vực miền núi luôn thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu và toàn xã hội. Có nhiều rào cản đối với việc tiếp cận với giáo dục của trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Dựa vào số liệu định lượng và định tính của đề tài cấp Bộ “Bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục của trẻ em ở Lào Cai hiện nay”, thực hiện năm 2017, bài viết tìm hiểu thực trạng cơ hội tiếp cận giáo dục của hai nhóm đối tượng là học sinh mầm non 5 tuổi và nhóm học sinh trung học cơ sở 15 tuổi ở vùng dân tộc thiểu số. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em 5 tuổi và 15 tuổi ở địa bàn khảo sát tương đối thuận lợi. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ. Hầu hết các bậc cha mẹ có quan tâm và có nhận thức tốt về quyền học tập của con.

Một số tiếp cận lý thuyết nghiên cứu bạo lực học đường trong học sinh

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 69-80

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bạo lực học đường trong học sinh là hiện tượng xã hội khá phổ biến và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học tập, gây nên những hậu quả đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của học sinh. Bạo lực học đường trong học sinh diễn ra dưới nhiều hình thức và chịu ảnh hưởng của các yếu tố xã hội đan xen nhau, do vậy hiện tượng này thường được nghiên cứu từ nhiều cách tiếp cận khác nhau thuộc các chuyên ngành xã hội học, tâm lý học, tội phạm học, v.v. và mỗi cách tiếp cận lại tập trung vào lý giải những chiều cạnh cụ thể theo mục tiêu và chủ đề của nghiên cứu. Bài viết này chia sẻ một số tiếp cận lý thuyết được vận dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu quốc tế về bạo lực học đường.

Đặc trưng cơ cấu cán bộ cấp cơ sở tại Việt Nam

Tác giả: Dương Thị Thu Hương & Đặng Thị Ánh Tuyết

Trang: 59-68

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Đội ngũ cán bộ, công chức xã/phường/thị trấn hiện nay đang đảm nhận những trọng trách trực tiếp, quan trọng tại cơ sở, đồng thời cũng chiếm một lực lượng đông đảo với hơn 230 ngàn công chức/cán bộ. Bài viết tập trung phân tích và nhận diện tổng thể cơ cấu cán bộ cấp xã/phường/thị trấn của các tỉnh thành toàn quốc, chú trọng phân tích trên hai tiêu chí cơ bản: độ tuổi và giới tính. Số liệu sử dụng phân tích được tổng hợp từ 2 nguồn: báo cáo Bộ Nội vụ tính đến cuối năm 2015 và điều tra chọn mẫu của đề tài nghiên cứu năm 2017. Kết quả phân tích cho thấy cơ cấu tuổi tổng thể cán bộ công chức cấp xã/phường/thị trấn là hợp lý, nhưng tồn tại tình trạng già hoá đáng báo động tại một số tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, về tổng thể có sự không cân bằng về cơ cấu giới tính, nữ giới chỉ chiếm khoảng một phần tư tổng số công chức/cán bộ. Tuy nhiên, khi so sánh giữa các nhóm tuổi, kết quả cho thấy một xu hướng khả quan: tỉ lệ cán bộ nữ tham gia lực lượng cán bộ, công chức tại các xã/phường/thị trấn tại các tỉnh/thành phố có xu hướng tăng lên và không có quá nhiều sự chênh lệch so với nam giới ở nhóm cán bộ, công chức trẻ tuổi. Kết quả phân tích đóng góp bổ sung thêm cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở các tỉnh thành trên toàn quốc.

Tiếp cận an sinh xã hội của lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức (Qua tổng quan tài liệu nghiên cứu ở một số nước đang phát triển)

Tác giả: Hồ Ngọc Châm

Trang: 48-58

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Khu vực kinh tế phi chính thức ở các nước đang phát triển ngày càng thể hiện vai trò quan trọng bởi quy mô việc làm mà khu vực này tạo ra. Nếu không tính lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức là nơi cung cấp nhiều việc làm nhất so với các khu vực còn lại, góp phần tạo nên sinh kế ổn định hơn cho nhiều lao động. Trên cơ sở tổng quan tài liệu nghiên cứu ở một số nước đang phát triển, bài viết phân tích một số đặc trưng của lao động khu vực phi chính thức, các chính sách an sinh xã hội và khả năng tiếp cận của khu vực kinh tế phi chính thức ở một số nước đang phát triển. Nghiên cứu chỉ ra rằng lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức là nhóm dễ bị tổn thương bởi tình trạng việc làm không ổn định, thu nhập thấp, điều kiện làm việc kém an toàn, đặc biệt là nữ giới và lao động di cư. Chính phủ nhiều quốc gia đã có nỗ lực nhằm tạo điều kiện để lao động khu vực phi chính thức, tuy nhiên người lao động vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận an sinh xã hội.

Một số chính sách về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 37-47

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trên cơ sở tổng quan một số các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như các chính sách liên quan đến giới và BĐKH, bài viết chỉ ra rằng, vẫn còn tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa kỳ vọng bình đẳng giới với việc thực thi các chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Giải phóng phụ nữ theo tư tưởng của Karl Marx và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 23-36

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Tuy không viết một tác phẩm nào bàn riêng và dài về vấn đề áp bức và giải phóng phụ nữ, song những quan điểm mang tính phương pháp luận và lí luận quan trọng của Karl Marx (1818-1883) về vị thế phụ nữ, lao động và việc làm, áp bức phụ nữ, giải pháp giải phóng phụ nữ, v.v. đã được thể hiện trong nhiều tác phẩm lớn của các ông và một số tác phẩm viết chung với Engels, và được đánh giá là có tầm ảnh hưởng lớn đến các tiếp cận lí thuyết, tư tưởng về bình đẳng giới, đặc biệt là với chủ nghĩa Marx và nữ quyền. Trên cơ sở phân tích những tư tưởng của Marx về giải phóng phụ nữ, bài viết sẽ liên hệ với thực tiễn giải phóng phụ nữ Việt Nam về mặt quan điểm, thế chế, kết quả đạt được và một số vấn đề đặt ra hiện nay.

Mấy vấn đề quản lý nhà nước về gia đình ở Việt Nam

Tác giả: Lê Ngọc Thắng

Trang: 15-22

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết xuất phát từ việc phân tích đặc điểm đa dạng của gia đình Việt Nam với những bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán phong phú và khác biệt tương ứng với cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tác giả cho rằng cần xem xét gia đình Việt Nam trong tiến trình phát triển từ lịch sử cho đến hiện tại, gắn liền với sự phát triển bền vững của quốc gia cũng như với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó, tác giả nêu lên vấn đề quản lý nhà nước về gia đình phải lưu ý đến những đặc điểm đa dạng của gia đình Việt Nam và sự phát triển của gia đình Việt Nam.

Một số khác biệt và bất đồng trong quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu hiện nay

Tác giả: Lê Ngọc Lân

Trang: 3-14

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Là một mối quan hệ trong gia đình nhưng quan hệ mẹ chồng nàng dâu lại mang nhiều định kiến và mặc cảm. Tuy chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng qua các tư liệu thu thập được, cũng có thể phác họa những nét cơ bản, chỉ ra một số lĩnh vực có nhiều khác biệt, xảy ra mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu và xu hướng biến đổi trong bối cảnh mới của xã hội. Bài viết tập trung phân tích những lĩnh vực trong cuộc sống thường nhật hay xảy ra bất đồng/mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, mức độ hài lòng giữa mẹ chồng và nàng dâu trong cuộc sống, đồng thời làm rõ những khác biệt trong bất đồng giữa mẹ chồng và nàng dâu theo các đặc điểm nhân khẩu - xã hội.