Liên kết web
Số lượt truy cập

20

2034458

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2018

Lễ kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam và nói chuyện chuyên đề “Một số vấn đề về xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình trong bối cảnh hiện nay”

Tác giả: Lan Hương

Trang: 95-96

Nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2001 - 28/6/2018, sáng ngày 18/6/2018, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam và nói chuyện chuyên đề “Một số vấn đề về xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình trong bối cảnh hiện nay”. Tới dự Lễ Kỷ niệm, về phía Công đoàn Viên chức Việt Nam có đồng chí Vũ Thị Minh Hòa, Trưởng ban Nữ công Công đoàn Viên chức Việt Nam. Về phía Viện Hàn lâm có sự hiện diện của PGS.TS. Bùi Nhật Quang, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng ban Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Viện Hàn lâm; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm cùng sự có mặt của gần 300 đại biểu đại diện cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm. Phát biểu chào mừng Lễ Kỷ niệm, GS.TS. Đặng Nguyên Anh chia sẻ: Sau 17 năm được ghi nhận, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm đã trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với các gia đình. Đây là dịp để chúng ta hướng về gia đình, về tổ tiên – nơi nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, khởi nguồn cho những giá trị nhân văn cao quý. Với lịch sử 17 năm hình thành và phát triển, các hoạt động hướng về Ngày Gia đình Việt Nam đã ngày càng trở nên phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Với tinh thần đó, Lễ kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam do Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Công đoàn Viện Hàn lâm tổ chức càng có ý nghĩa sâu sắc, giúp chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại các giá trị truyền thống gia đình, cùng nhau xây đắp, đưa “Ngày Gia đình” vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn của đại gia đình các thế hệ Việt Nam. Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu cũng đã được nghe đồng chí Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày chuyên đề “Một số vấn đề về xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình trong bối cảnh hiện nay”. Đồng chí chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để giữ gìn hạnh phúc gia đình trong cuộc sống hiện đại, thông qua các chủ đề như: Lịch sử Ngày Gia đình Việt Nam; vị trí, vai trò của gia đình; thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay; những xung đột trong cuộc sống gia đình; các yếu tố khách quan trong cuộc sống khiến các thành viên trong gia đình bị chi phối, không dành thời gian vun đắp tổ ấm; việc xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình trong bối cảnh hiện nay… Với những con số và kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình, đồng chí Hoa Hữu Vân đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến các mối quan hệ trong gia đình trong giai đoạn hiện nay ngày càng lỏng lẻo và tổ ấm gia đình ngày càng bị lung lay, cách giáo dục con cái trong không ít gia đình có biểu hiện lệch chuẩn, vấn đề bạo lực gia đình ngày càng tăng cao với những con số đáng báo động, sự bất bình đẳng trong phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình, vấn đề ly hôn và phương pháp bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong đó, vai trò của phụ nữ trong “giữ lửa” yêu thương được đề cao. Đồng thời, chuyên đề cũng chia sẻ cách ứng xử khéo léo, kỹ năng sống và làm việc; nghệ thuật làm vợ, làm mẹ của chị em phụ nữ; các vấn đề liên quan đến cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng… Bằng cách trình bày dí dỏm, dễ hiểu thông qua những dẫn chứng minh họa khéo léo và gần gũi, diễn giả đã tạo ra bầu không khí vui vẻ, gần gũi và ấm cúng. Khán giả trở nên hào hứng với những tràng vỗ tay tán đồng, những tiếng cười cảm thông, chia sẻ xen lẫn cảm nhận thú vị khi thấy một phần của mình, câu chuyện về gia đình mình trong câu chuyện của báo cáo viên. Buổi nói chuyện đã để lại ấn tượng sâu sắc và nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống gia đình, giúp cho người tham dự có cái nhìn cụ thể hơn về vai trò của các thành viên trong việc giữ gìn hạnh phúc, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Những bài học kinh nghiệm đó là: + Hãy cố gắng chấp nhận sự khác biệt của nhau và biết cách ứng xử hài hòa với nhau thay cho việc mong muốn chồng/vợ thay đổi cho giống mình vì mâu thuẫn giữa con người với con người là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là quan hệ vợ chồng – sự kết hợp giữa hai con người xa lạ. Hãy đặt mình vào vị trí của người kia và đừng có bới lông tìm vết. Không nên có ý định giành chiến thắng trong mọi cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng. Thắng lợi của một người bao giờ cũng biến thành thất bại của gia đình nói chung. + Tình yêu trước và sau hôn nhân không giống nhau. Hãy nhận biết điều này để đừng so sánh trước và sau và đừng vỡ mộng. + Dù ở lứa tuổi nào, phụ nữ cần luôn giữ vẻ đẹp tươi mới, đoan trang trong gia đình. + Là phụ nữ, là vợ phải hiểu biết về mình và hiểu biết về người đàn ông của mình. Để đàn ông cùng xây tổ ấm là một trong các bí quyết để xây dựng và giữ gìn hạnh phúc. + Xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình gắn liền với thực hiện bình đẳng giới, và phải bắt đầu từ người chồng – người đàn ông trong gia đình. + Có được hạnh phúc gia đình đã rất khó nhưng giữ gìn hạnh phúc gia đình lại càng khó, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Vì vậy, thay vì mải miết kiếm tìm hạnh phúc gia đình ở một nơi nào đó, chúng ta hãy biết xây dựng và trân trọng từng phút giây hiện tại của hạnh phúc ở chính gia đình mà ta đang sống. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển kinh tế thị trường, cấu trúc và quan hệ gia đình đã có nhiều thay đổi, một phần có những biểu hiện thiếu tích cực làm mai một truyền thống đùm bọc, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên các giá trị cơ bản vẫn luôn được tôn vinh và luôn chiếm vị trí quan trọng trong tâm thức người Việt. Gia đình vẫn luôn là một thiết chế đặc biệt, nơi nuôi dưỡng, khởi nguồn nhân cách, ý chí, đạo đức, là chỗ dựa an toàn để mỗi cá nhân tìm về và phát triển. Đó chính là giá trị bền vững mà Ngày Gia đình luôn hướng tới và phát huy. Thay cho lời kết, đồng chí Hoa Hữu Vân nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại” và “Duy trì hạnh phúc gia đình vừa là chuyện cá nhân, vừa là chuyện quốc gia, hết sức quan trọng. Giáo dục về gia đình để thấy gia đình là nguồn vui, hạnh phúc, dựa vào gia đình mà sống, sống vì gia đình rất là quan trọng”. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2018 tại Viện Hàn lâm, qua đó nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình và tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.

Hội thảo quốc tế “Tăng cường sự tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi: đối thoại chính sách và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam, Nhật Bản và Vương quốc Anh”

Tác giả: Việt Phương

Trang: 93-94

Trong bối cảnh già hóa dân số tăng nhanh và nhiều vấn đề chính sách, xã hội đang đặt ra đối với vấn đề chăm sóc người cao tuổi (NCT), Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới triển khai đề tài “Tăng cường sự tham gia của xã hội vào việc chăm sóc NCT trong bối cảnh chuyển đổi cấu trúc kinh tế và gia đình ở Châu á: chính sách và đối thoại thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam và Nhật Bản”, thời gian 2016 - 2018 với sự tài trợ của Quỹ Toyota, Nhật Bản, do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi làm chủ nhiệm. Trong khuôn khổ hoạt động của đề tài, Hội thảo quốc tế “Tăng cường sự tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi – Đối thoại chính sách và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam, Nhật Bản và Vương quốc Anh” (Strengthening social engagement in elder care: Policy and practical dialogues among local communities in Vietnam, Japan and the United Kingdom) được tổ chức trong hai ngày, từ ngày 2/5 đến ngày 3/5/2018 tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích và chia sẻ các bài học kinh nghiệm về hệ thống chính sách, phúc lợi xã hội và thực tiễn chăm sóc NCT ở cấp gia đình, cộng đồng từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người hoạt động thực tiễn về NCT thuộc các nền kinh tế, văn hóa, xã hội như Nhật Bản, Vương quốc Anh và Việt Nam. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn và tham gia đông đảo của các đại diện đến từ các tổ chức trong và ngoài nước. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo. Về phía Nhật Bản, Bà Michiru Sasagawa, đại diện quỹ Toyota, tham dự và cùng chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan, ban ngành như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Hội NCT Việt Nam, ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Hội Xã hội học. Ngoài ra, hội thảo còn thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực gia đình, giới và NCT ở Việt Nam. Hội thảo còn có sự góp mặt của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đến viết bài và đưa tin. Về phía quốc tế, các nhà khoa học đến từ Đại học Manchester Metropolitan (Vương quốc Anh), Đại học Kumamoto Gakuen, Đại học Kyoto Sangyo (Nhật Bản), Hội đồng Phúc lợi thành phố Minamata, Nhật Bản đã tham gia và cung cấp các thông tin và bài học kinh nghiệm từ tiếp cận so sánh. Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam như tổ chức JICA, ActionAid, tổ chức HelpAge International, WB, UNFPA... Trong hai ngày hoạt động, Hội thảo gồm có 4 phiên. Phiên 1: Thành viên dự án và các chuyên gia đã có buổi trao đổi kinh nghiệm thực tiễn tại Trung tâm Chăm sóc NCT Bách Niên Thiên Đức, Sóc Sơn, Hà Nội. 18 báo cáo tham luận trong nước và quốc tế trình bày tại Hội thảo từ Phiên 2 đến Phiên 4 theo các nhóm vấn đề nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ lý thuyết, thể chế đến thực tiễn tại Việt Nam, Nhật Bản và Anh Quốc trong chăm sóc NCT với sự tham gia của gia đình, cộng đồng và xã hội. Phiên 2 với chủ đề về “Một số mô hình chăm sóc NCT của Châu Âu và Châu á từ khía cạnh so sánh: Khung lý thuyết, thể chế và kinh nghiệm thực tiễn”. Tham luận “Chăm sóc NCT trong bối cảnh già hóa: lý thuyết và hướng áp dụng” của PGS. TS. Trần Thị Minh Thi cho thấy dù những điểm tương đồng hay khác biệt nhất định trong bối cảnh già hóa giữa xã hội Việt Nam, Anh Quốc và Nhật Bản các nghiên cứu về già hóa và chăm sóc NCT vẫn có thể vận dụng một số mô hình lý thuyết tiêu biểu như khung chăm sóc kim cương, lý thuyết già hóa tại cộng đồng. GS.TS. Hugh McLaughlin và TS. Jopei Tan (Đại học Manchester Metropolitan) với tham luận “Mô hình chăm sóc NCT tại Anh: chính sách, thách thức và cơ hội” đã đưa ra các bằng chứng về tốc độ già hóa dân số nhanh ở Anh và chứng mất trí nhớ đã trở thành phổ biến và làm tăng gánh nặng chăm sóc của xã hội đối với NCT. Theo đó, trách nhiệm của nhà nước đối với cộng đồng và việc cung cấp dịch vụ chăm sóc chuyển dịch theo hướng cá nhân và cộng đồng nhiều hơn là một trong những thay đổi rõ nét trong bối cảnh chính sách về chăm sóc NCT ở Anh, đặc biệt là từ khi Đạo luật Chăm sóc ra đời năm 2014. GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Giới, trong bài tham luận “Già hóa dân số ở Việt Nam và một số vấn đề chính sách” đã tập trung phân tích đến các vấn đề chính sách cần quan tâm đối với nhà nước, cộng đồng, gia đình và thị trường trong chăm sóc NCT. Theo Giáo sư, trong bối cảnh dịch vụ xã hội còn nhiều hạn chế, gia đình Việt Nam vẫn tiếp tục là thiết chế chính trong chăm sóc NCT và nên khuyến khích sử dụng NCT trong các môi trường làm việc phù hợp. “Thực tiễn các mô hình chăm sóc NCT ở Nhật Bản và Việt Nam” là chủ đề của phiên 3 gồm 6 tham luận của các nhà thực thi chính sách và hoạt động thực tiễn từ Việt Nam và Nhật Bản. Những chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình chăm sóc tư nhân từ phía Nhật Bản và Việt Nam cho thấy mô hình chăm sóc tư nhân là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển dịch vụ xã hội trong bối cảnh già hóa dân số. Bài học kinh nghiệm từ phía Nhật Bản cho rằng, Việt Nam không nên đầu tư quá nhiều trung tâm tư nhân chăm sóc NCT để có thể kiểm soát tốt hơn dịch vụ này. Phiên 4 với chủ đề về “Sự tham gia của xã hội trong chăm sóc NCT: Bằng chứng từ sự nghiên cứu so sánh giữa Nhật Bản và Việt Nam” là các kết quả phân tích của GS.TS. Trịnh Duy Luân (Hội xã hội học Việt Nam) và các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Trong phân tích về “chính sách trợ giúp của xã hội đối với NCT ở Việt Nam hiện nay” GS.TS. Trịnh Duy Luân đã rà soát toàn bộ chính sách trợ giúp xã hội cho NCT. Điểm nổi bật trong tham luận của Giáo sư là những phân tích về hạn chế và khoảng trống của chính sách trong chăm sóc NCT, trong đó, luận điểm quan trọng là chính sách hiện tại chỉ chú trọng đến vai trò của nhà nước mà chưa quan tâm đến các chủ thể khác. Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học và các nhà thực thi chính sách đã làm rõ các lý thuyết và gợi mở hướng áp dụng các phương pháp chăm sóc NCT trong bối cảnh già hóa dân số, phân tích cơ hội, thách thức từ việc già hóa dân số ở Việt Nam và các vấn đề chính sách thích ứng với tốc độ già hóa dân số. PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trong phần bế mạc Hội thảo đã nhấn mạnh: ở Việt Nam gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng trong chăm sóc cả tinh thần và vật chất cho NCT. Tuy nhiên, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, của các tổ chức xã hội, của nhà nước trong chăm sóc NCT là một trong những điều tất yếu và cần thiết để có thể tạo nên sự bền vững và mang lại phúc lợi tốt nhất cho NCT ở Việt Nam nói riêng và ở trong các xã hội già hóa tăng nhanh nói chung.

Mưu sinh trên đất khách: trải nghiệm về hội nhập xã hội của nữ lao động người Khmer ở Bình Dương

Tác giả: Lê Anh Vũ

Trang: 82-92

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên nghiên cứu trường hợp 6 phụ nữ là người Khmer di dân từ Trà Vinh lên Bình Dương dưới cách tiếp cận câu chuyện cuộc đời và quan điểm kiến tạo của Peter Begger và Thomas Luckmann, bài viết đề cập đến quá trình hòa nhập vào không gian sống trong khu trọ và không gian nơi làm việc. Bài viết cho thấy sự thiếu vắng về những nguồn vốn xã hội như trình độ học vấn, sức khỏe và giao tiếp là những khó khăn cho nữ lao động di cư người Khmer trong quá trình hội nhập vào cuộc sống mới. Thân phận của người nữ công nhân Khmer xuất hiện dưới hai hình ảnh đối lập ở hai không gian khác nhau, cởi mở và linh hoạt trong mạng lưới xã hội ở nơi trọ và thủ thế, an phận ở nơi làm việc.

Định kiến giới trong sách giáo khoa và sách giáo viên môn ngữ văn dành cho học sinh phổ thông trung học

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Minh

Trang: 70-81

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên kết quả phân tích sách văn học và sách giáo viên môn Ngữ văn dành cho học sinh cấp phổ thông trung học, bài viết ghi nhận sự thúc đẩy nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong sách giáo khoa Ngữ văn thể hiện ở sự nhạy cảm giới, sự thách thức các vai trò giới truyền thống, và chống lại tư tưởng trọng nam khinh nữ trong một số ít tác phẩm văn học. Tuy nhiên, phần lớn Sách giáo khoa và Sách giáo viên chưa có lồng ghép giới và nhạy cảm giới khi gợi ý, hướng dẫn người dạy và người học. Định kiến giới, khuôn mẫu giới còn thể hiện rõ nhất ở hình ảnh, tính cách của nam và nữ. Sách giáo viên vẫn nặng về tái hiện các vai trò giới, định kiến giới hơn là giúp cho học sinh có cái nhìn đa chiều và nhạy cảm giới, cùng với đó là sự thiên lệch về lựa chọn tác phẩm văn học của các tác giả là nam giới.

Hội chứng tự kỷ - quan điểm của gia đình, cộng đồng và cán bộ can thiệp

Tác giả: Phạm Hương Trà, Phạm Trần Thăng Long, Nguyễn Thị Ngọc Huế

Trang: 59-69

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hội chứng tự kỷ đang cho thấy xu hướng phát triển ngày càng mạnh hiện nay ở Việt Nam, tuy nhiên các nghiên cứu về hội chứng tự kỷ đã công bố nhìn chung còn rất ít ỏi và chưa làm rõ được những tác động, ảnh hưởng cũng như quan niệm, phản ứng, cách đối phó của người dân với chứng bệnh tự kỷ. Trên cơ sở vận dụng cách tiếp cận giới, bài viết này giới thiệu một phần kết quả phân tích của nghiên cứu năm 2015 do Học viện Chính trị khu vực I chủ trì với ba nhóm chủ thể liên quan chính trong quá trình tiếp xúc và chăm sóc trẻ tự kỷ, bao gồm cha mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ do tự xác định hoặc được khám ở các cơ sở y tế; người dân tại cộng đồng; và cán bộ tại các cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm can thiệp sớm. Trên cơ sở những kết quả phân tích thực tế về khác biệt giới trong quan điểm và nhận thức về hội chứng tự kỷ của các bên liên quan, một số giải pháp cũng được đề xuất hướng đến xóa bỏ các cách hiểu sai lệch, mang tính kỳ thị đối với trẻ mắc hội chứng tự kỷ và người thân của các em để góp phần tăng cường hiệu quả quá trình chăm sóc, can thiệp và hỗ trợ tái hòa nhập cho trẻ tự kỷ.

Quan tâm của cha mẹ đến việc học tập của con cái trong độ tuổi học trung học

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 45-58

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sử dụng số liệu khảo sát đại diện 834 hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi học trung học (10-17 tuổi) trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ “Xu hướng biến đổi của đặc điểm gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế” (KHXH-GĐ/16-19/01), bài viết xem xét sự quan tâm của cha mẹ đối với những vấn đề liên quan đến học tập của con cái trên hai khía cạnh là tham gia quyết định và biết rõ về thời gian, kết quả học tập. Kết quả phân tích cho thấy, sự quan tâm của các bậc cha mẹ đối với vấn đề học tập của con cái trong độ tuổi học trung học phụ thuộc vào những đặc điểm của con cái, cha mẹ và hộ gia đình. Nhìn chung, trẻ em ở nhóm tuổi nhỏ hơn, cha mẹ có học vấn và làm công việc chuyên môn, mức sống gia đình cao hơn và cư trú ở khu vực thành thị thì mức độ quan tâm của cha mẹ đối với vấn đề học tập của con cái được thể hiện cao hơn. Ngược lại, trẻ em ở trong gia đình mà cha mẹ có học vấn thấp hơn, nghề nghiệp là nông dân, mức sống thấp hơn và cư trú ở khu vực nông thôn thì khả năng nhận được sự quan tâm của các bậc cha mẹ đối với những vấn đề liên quan đến học tập cũng thấp hơn.

Vài nét bàn về việc phát huy “tình làng nghĩa xóm” của người dân ở nông thôn

Tác giả: GS. Lê Thi

Trang: 41-44

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa bà con xóm làng là một phẩm chất đáng quý của người dân nông thôn nước ta. Bài viết này tập trung giới thiệu tình làng nghĩa xóm thể hiện cụ thể như thế nào trong sản xuất, trong đời sống hàng ngày trước những nhu cầu của đời sống xã hội và phân tích cơ sở kinh tế, xã hội tạo điều kiện để họ giúp đỡ lẫn nhau. Tác giả cũng đã nêu ra những trao đổi đáng chú ý như: sự giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra dẫn đến sự hình thành và củng cố tình làng nghĩa xóm; giữa các gia đình không còn việc tranh chấp đất đai để sản xuất, để làm nhà ở; vai trò của các bô lão trong làng xã.

Sắp xếp nơi ở sau hôn nhân ở Việt Nam hiện nay: sự biến đổi và các khác biệt

Tác giả: Hà Thị Minh Khương

Trang: 24-40

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên mẫu phỏng vấn với hơn 1.800 trường hợp tại 7 tỉnh/thành phố, bài viết phân tích về việc sắp xếp nơi ở sau hôn nhân, làm rõ xu hướng biến đổi và các khác biệt trong sắp xếp nơi ở sau hôn nhân hiện nay ở Việt Nam. Kết quả cho thấy việc sắp xếp nơi ở sau hôn nhân có 3 loại hình: sống với nhà chồng, sống với nhà vợ, và sống riêng. Sống chung với gia đình hai bên (hoặc bên nội hoặc bên ngoại) vẫn là hình thức phổ biến nhất; trong khi ở người Kinh và các nhóm dân tộc thiểu số khác là sống với nhà chồng, thì khuôn mẫu truyền thống sống với nhà vợ vẫn được bảo lưu mạnh mẽ trong cộng đồng người Ê đê. Nghiên cứu ghi nhận sự biến đổi mô hình sắp xếp nơi ở sau hôn nhân theo xu hướng sống chung với nhà chồng ngày càng giảm và chiều hướng tăng lên của mô hình ở riêng hoặc sống với nhà vợ, cũng như các khác biệt đáng chú ý ở cả ba loại hình nơi ở sau hôn nhân theo khu vực sống, dân tộc, tôn giáo và các đặc trưng cá nhân - gia đình.

Gia đình trung lưu và các yếu tố nguồn lực cho phát triển kinh tế

Tác giả: Nguyễn Xuân Mai

Trang: 13-23

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Qua các số liệu điều tra thực tế, bài viết chỉ ra các nguồn lực mà các gia đình trung lưu ở Việt Nam đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế. Đó là: cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, tiền vốn, đóng thuế, tạo việc làm, sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, các gia đình trung lưu còn là các đơn vị tiêu dùng quan trọng, quy định khối lượng cầu tiêu dùng nội địa. Trong số các yếu tố tác động tới vị thế kinh tế của gia đình trung lưu, nổi bật là yếu tố con người, tính năng động, chủ động thích nghi với sự biến đổi của các thành viên gia đình. Trong khi đó, yếu tố về thể chế, chính sách lại có tác động chưa mạnh. Vì vậy, cùng với việc ghi nhận đóng góp của các gia đình trung lưu, cần có các chính sách hỗ trợ nâng cao yếu tố nguồn lực con người và khai thông các yếu tố thể chế để các gia đình trung lưu phát huy vị thế của họ trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay ở nước ta.

Sự tham gia và tính tích cực xã hội của gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Trịnh Duy Luân

Trang: 3-12

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa vào kết quả của đề tài cấp Bộ “Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa”, bài viết cho thấy gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện có quy mô đáng kể, nhưng sự tham gia xã hội của họ còn nhiều hạn chế. Họ chưa tham gia nhiều vào các hoạt động mang nội dung xây dựng và phản biện xã hội. Họ quan tâm tới các vần đề của đời sống hàng ngày hơn là các vấn đề xã hội vĩ mô. Phản ứng với các vấn đề này, họ thường chọn các hành động trung tính hơn là các hoạt động phê phán và phản biện xã hội. Một bộ phận gia đình trung lưu còn thờ ơ hoặc hoài nghi về khả năng khắc phục các vấn đề xã hội bức xức, phần vì gia đình trung lưu ở Việt Nam mới hình thành cần có thời gian để phát triển và khẳng định ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, cũng như tự ý thức về vị thế xã hội của mình để đóng góp vào quá trình phát triển xã hội.