Liên kết web
Số lượt truy cập

17

1932794

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2017

Tập huấn chương trình CSPro

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 96

Trong khuôn khổ những hoạt động nâng cao năng lực năm 2017, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức lớp tập huấn sử dụng chương trình CSPro cho cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện. TS. Nguyễn Đức Vinh, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, một cán bộ nghiên cứu nhiều kinh nghiệm là giảng viên của lớp tập huấn. CSPro là phần mềm thống kê phát triển của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ và IFC. Chương trình CSPro là một trong những chương trình thống kê ưu việt, có nhiều tính năng mới, hữu ích dùng để ứng dụng trong nghiên cứu khoa học xã hội. Định hướng của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trong thời gian tới sẽ áp dụng Chương trình này vào công tác nhập và xử lý số liệu điều tra. Mở đầu lớp tập huấn, Tiến sỹ Nguyễn Đức Vinh đã giới thiệu những tính năng vượt trội của phần mềm CSPro so với các phần mềm đang được sử dụng hiện nay, từ đó hướng các học viên làm quen và sử dụng chương trình này. Trong quá trình tập huấn, các học viên đã được giới thiệu và thực hành các tính năng cơ bản của chương trình, gồm: xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu, tạo form để nhập số liệu, tạo bước nhảy và kiểm tra logic, nhập số liệu, kết nối file và xuất số liệu... Một trong những phương pháp học tập tốt nhất là áp dụng ngay chương trình để thực hiện các công việc. Hai học viên trong lớp tập huấn, cho dù chưa thành thạo, đã sử dụng chương trình để thực hiện xử lý số liệu của đề tài nghiên cứu đang tiến hành. Công việc sử dụng một chương trình chưa mấy quen thuộc để làm việc là một việc khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình của giảng viên, công việc đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Kết thúc khoá tập huấn, TS. Nguyễn Đức Vinh đã đánh giá cao sự nhiệt tình trong học tập của các học viên lớp tập huấn và tin tưởng chương trình CSPro sẽ là một chương trình được sử dụng nhiều trong nghiên cứu khoa học của cán bộ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trong thời gian tới.

Tập huấn: Phương pháp luận nghiên cứu về chăm sóc từ khía cạnh so sánh

Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung

Trang: 94-95

Trong khuôn khổ dự án hợp tác quốc tế “Công việc chăm sóc ở các gia đình hiện đại: Những vấn đề của các thế hệ trẻ và thế hệ người cao tuổi ở hai thành phố lớn của Việt Nam và Vương quốc Anh” do Quỹ Newton của Vương quốc Anh tài trợ, vào ngày 15-16/5/2017 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức lớp tập huấn: “Phương pháp luận nghiên cứu về chăm sóc từ khía cạnh so sánh.” Là một hoạt động quan trọng của Dự án nêu trên, mục tiêu của lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức và tăng cường năng lực cho các nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam về những vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu về công việc chăm sóc từ cách tiếp cận liên thế hệ và khác biệt văn hóa, các vấn đề của đạo đức nghiên cứu trong khoa học xã hội nói chung và công tác xã hội nói riêng, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu về chăm sóc từ hướng tiếp cận so sánh. Tham dự lớp tập huấn có các nghiên cứu viên trẻ của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong phát biểu khai mạc tập huấn, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng, nhấn mạnh mục tiêu nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng thực hiện các nghiên cứu quốc tế và nâng cao kiến thức về công việc chăm sóc chuyên nghiệp về y tế và xã hội mà các nghiên cứu viên trẻ sẽ nhận được thông qua chia sẻ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia Chăm sóc Xã hội và Công tác Xã hội, thuộc Khoa Y tế, Tâm lý và Chăm sóc Xã hội, trường Đại học Manchester Metropolitan, Vương quốc Anh. Tại lớp tập huấn, các nghiên cứu viên trẻ được chia sẻ kiến thức về các vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu về chăm sóc, vấn đề tham gia của người sử dụng dịch vụ đối với việc đảm bảo sự trung thực của nghiên cứu, đạo đức nghề nghiệp và những vấn đề liên quan đến quản trị trong công việc chăm sóc do GS. Hugh McLaughlin và TS. Jo-Pei Tan, Đại học Manchester Metropolitan, Vương quốc Anh trực tiếp truyền đạt. Chia sẻ từ kinh nghiệm và bối cảnh nghiên cứu về chăm sóc của Việt Nam, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã trình bày về công tác chăm sóc người cao tuổi từ khía cạnh thể chế, cấu trúc ở Việt Nam (TS. Trần Thị Minh Thi); về phương pháp luận và ý nghĩa của việc đo lường giá trị kinh tế của công việc không được trả công trong đó có công việc chăm sóc trong các gia đình ở Việt Nam (TS. Trần Thị Hồng) và mô hình cụ thể về chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở dịch vụ tập trung ở Hà Nội (Th.S. Nguyễn Hà Đông). Trọng tâm và phương pháp chính của lớp tập huấn là dựa trên sự chia sẻ kiến thức và khuyến khích sự tham gia trao đổi giữa những người tham dự và giảng viên, qua đó, các nhà nghiên cứu của hai nền văn hóa khác nhau đã cùng học hỏi lẫn nhau từ chính những thảo luận tại lớp học. Những vấn đề được trình bày, chia sẻ từ quan điểm của các quốc gia phát triển phương Tây như Vương quốc Anh và một quốc gia đang chuyển đổi như Việt Nam cho thấy có nhiều điểm tương đồng và khác biệt về quan niệm, định nghĩa, thực hành, phạm vi, cách thức và chính sách về chăm sóc xã hội và công tác xã hội. Đây là trọng tâm của những thảo luận sôi nổi và tích cực của các nghiên cứu viên tham dự lớp tập huấn. Tổng kết lớp tập huấn, TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhấn mạnh ý nghĩa của công tác nâng cao năng lực thông qua truyền đạt kinh nghiệm và trực tiếp tham gia vào các trao đổi, thảo luận của các nghiên cứu viên trẻ với các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm quốc tế. Trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực cũng như chuyên gia cho các hoạt động nâng cao năng lực chuyên sâu thì các lớp tập huấn theo phương pháp này là cơ hội cho các nghiên cứu viên trẻ của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và các viện cùng chuyên ngành khác.

Nhóm nghiên cứu về hạnh phúc của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới làm việc tại Hà Lan và Italy

Tác giả: T.C.N.

Trang: 92-93

Được sự cho phép của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và thực hiện hoạt động đoàn ra của Đề tài cấp Quốc gia về “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá” (mã số ĐTĐL.XH-03/15) do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới là cơ quan chủ trì, trong thời gian 18-30/4/2017, nhóm nghiên cứu do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới làm trưởng đoàn, PGS. TS Lê Ngọc Văn, chủ nhiệm đề tài và các cán bộ nghiên cứu của đề tài đã đến làm việc và có các cuộc trao đổi khoa học với các chuyên gia nghiên cứu về hạnh phúc và giảng dạy về khoa học xã hội tại Hà Lan và Italy. Trong thời gian tại Hà Lan, đoàn đã gặp gỡ và trao đổi với nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về hạnh phúc, bao gồm các giảng viên Bộ môn Nhân học/Xã hội học, Khoa Khoa học Xã hội và Hành vi, Đại học Amsterdam; TS. Meike Bartels, Giáo sư Khoa Khoa học về Sự Vận động và Hành vi, chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu hạnh phúc và mối liên hệ với các yếu tố gien và sinh học, Đại học Free Amsterdam; Giám đốc Nghiên cứu và các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Kinh tế học về Hạnh phúc Erasmus (EHERO), Đại học Erasmus Rotterdam. Đây là cơ quan thực hiện những nghiên cứu hạnh phúc chuyên biệt với sự dẫn dắt của TS. Veenhoven R., người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về hạnh phúc ở Hà Lan và trên thế giới; các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội Hà Lan (The Netherlands Institute for Social Research), thuộc Chính phủ Hà Lan, chuyên về chủ đề hạnh phúc của người dân liên quan đến các khía cạnh xã hội của tất cả các lĩnh vực chính sách nhà nước bao gồm: y tế, phúc lợi, an sinh xã hội, thị trường lao động , giáo dục..., trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự tác động qua lại giữa các lĩnh vực với nhau. Những báo cáo xuất bản của Viện thường được sử dụng rộng rãi bởi chính phủ, chính quyền địa phương và giới khoa học. Tại Hà Lan, nhóm nghiên cứu đã chia sẻ một số kết quả bước đầu của đề tài “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá”. Các nhà nghiên cứu nước ngoài đều đánh giá cao phương pháp tiếp cận nghiên cứu hạnh phúc của Việt Nam, những kết quả nghiên cứu của đề tài và sự quan tâm của chính phủ Việt Nam đối với vấn đề hạnh phúc của người dân. Nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học tại Hà Lan đã cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề phương pháp luận nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, xây dựng chỉ báo và chỉ số tính toán hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc quốc gia, phương pháp thu thập số liệu về hạnh phúc, phân tích số liệu định tính và định lượng về hạnh phúc từ nhiều cách tiếp cận khác nhau như tiếp cận nhân học, tiếp cận từ lý thuyết giới, tiếp cận từ lý thuyết sinh học và tâm lý học, tiếp cận kinh tế học, tiếp cận xã hội học. Các trao đổi giữa nhóm nghiên cứu và các học giả tại Hà Lan cho thấy, phương pháp luận nghiên cứu, phương pháp xây dựng chỉ báo và chỉ số đo lường hạnh phúc của đề tài đều có sự tương đồng với các nghiên cứu của các học giả quốc tế và cũng có những đặc trưng, khác biệt do sự khác biệt về điều kiện phát triển kinh tế và văn hóa giữa hai nước. Những trao đổi với các nhà khoa học Hà Lan cho thấy định hướng chính sách khá rõ trong các nghiên cứu về hạnh phúc. Kết quả nghiên cứu hạnh phúc ở Hà Lan được chính phủ Hà Lan rất coi trọng. ở Hà Lan hàng năm đều có điều tra lặp lại về hạnh phúc của người dân, và kết quả nghiên cứu dưới dạng các luận cứ khoa học được coi là một kênh thông tin khoa học giúp cho chính phủ điều chỉnh các chính sách kinh tế-xã hội. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã thu thập và được chia sẻ các tư liệu về nghiên cứu hạnh phúc tại cơ sở dữ liệu về nghiên cứu hạnh phúc của Hà Lan phục vụ cho báo cáo nghiên cứu của đề tài cũng như cập nhật các nghiên cứu mới của học giả quốc tế về nghiên cứu khoa học đối với chủ đề hạnh phúc. Tại Italy, nhóm nghiên cứu đã có các thảo luận tích cực về nghiên cứu hạnh phúc ở Italy, nghiên cứu gia đình và biến đổi gia đình giữa Việt Nam và Italy. Trao đổi với các nhà khoa học Italy cho thấy những điểm mới về nghiên cứu hạnh phúc ở một đất nước mà lý tưởng cuộc sống gia đình có nhiều mối liên hệ chặt chẽ với giáo lý Thiên chúa giáo. Vì vậy nhiều vấn đề gia đình đặt ra trong bối cảnh của thế giới hiện đại (hôn nhân đồng tính, tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số và chăm sóc, mối quan hệ giữa người cha và con, v.v.) đòi hỏi phải có sự quan tâm nghiên cứu. Những xu hướng biến đổi mới của gia đình ở Italy đã gợi ra cho nhóm nghiên cứu nhiều ý tưởng về việc phân tích sự thay đổi của gia đình Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các thảo luận đã gợi mở các cơ hội hợp tác trao đổi về biến đổi gia đình giữa Việt Nam và Italy của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và các nhà nghiên cứu tại Italy, thông qua Đại học Roma 3. Các cuộc làm việc tại Hà Lan và Italy là cơ hội và kênh thông tin hiệu quả nhằm giới thiệu kết quả nghiên cứu hạnh phúc ở Việt Nam, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học về gia đình và giới của Viện, đồng thời mở ra cơ hội để Viện kết nối và hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.

Thực trạng trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại thành phố Hồ Chí Minh: nhìn từ quyền trẻ em

Tác giả: Võ Hoàng Sơn

Trang: 82-91

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa vào số liệu khảo sát thực trạng trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Quận 8 và Quận Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh, bài viết xem xét ảnh hưởng của HIV/AIDS tới bốn nhóm quyền của trẻ em nhằm đưa ra các khuyến nghị đảm bảo quyền của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 518 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bao gồm 441 trẻ ở hai quận và 77 trẻ có HIV đang được điều trị ARV tại Bệnh viện Nhi đồng I và Bệnh viện Nhi đồng II, trong đó có gần một nửa số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiện là trẻ mồ côi, đa số các em đang sống trong gia đình khó khăn, hơn 1/3 trẻ do ông bà chăm sóc nuôi dưỡng, gần 1/10 số trẻ không được đi học hoặc bỏ học, và chỉ có 1/5 số trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS được hưởng chính sách hỗ trợ xã hội. Rõ ràng, HIV/AIDS đang ảnh hưởng lớn đến những quyền cơ bản của trẻ đó là quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.

Trẻ em đi học mẫu giáo và các yếu tố ảnh hưởng

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 70-81

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết sử dụng số liệu Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 5 vào năm 2014 (MICS 2014) nhằm xem xét thực trạng, đặc điểm và những yếu tố ảnh hưởng đến việc đi học mẫu giáo của trẻ em 3-5 tuổi. Kết quả phân tích đa biến cho thấy việc đi học mẫu giáo của trẻ em chịu ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê của một số yếu tố đặc trưng trẻ em và gia đình. Trẻ em ở nhóm tuổi nhỏ hơn và là dân tộc thiểu số có khả năng đi học mẫu giáo thấp hơn trẻ em ở nhóm tuổi lớn hơn và trẻ em người Kinh. Người mẹ có học vấn cao hơn và tham gia làm việc thì trẻ em có xác suất đi học mẫu giáo cao hơn. Khi gia đình tăng thêm một thành viên thì xác suất đi học mẫu giáo của trẻ em lại giảm. Gia đình có mức sống cao hơn trẻ em có khả năng được đi học mẫu giáo cao hơn. So với khu vực thành thị, trẻ em ở khu vực nông thôn có xác suất đi học mẫu giáo thấp hơn. Trẻ em ở những vùng khó khăn có xác suất đi học mẫu giáo thấp hơn so với trẻ em ở những vùng khác.

Vai trò giới trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng người Tày vùng ven hồ thủy điện Tuyên Quang

Tác giả: Bùi Cẩm Phượng

Trang: 60-69

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Vùng ven hồ thủy điện Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, trên thực tế loại hình du lịch sinh thái đã xuất hiện trong vùng khoảng 10 năm trở lại đây. Từ ngày có hoạt động du lịch đời sống của người dân địa phương cũng có những thay đổi, tuy nhiên người dân tộc Tày đặc biệt nữ giới khi tham gia làm du lịch còn gặp những rào cản nhất định. Bài viết phân tích thực trạng phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở vùng ven hồ thủy điện Tuyên Quang và một số yếu tố ảnh hưởng, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò giới trong hoạt động phát triển du lịch ở địa phương.

Tách biệt xã hội và bất bình đẳng giới ở Tây Nguyên

Tác giả: Đặng Nguyên Anh

Trang: 50-59

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sử dụng số liệu của Đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3), bài viết xem xét thực trạng tiếp cận nguồn lực và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ dân tộc thiểu số, nhằm nhận diện rõ hơn về chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc nói riêng ở các tỉnh Tây Nguyên còn có nhiều thiệt thòi và gặp trở ngại lớn trong tiếp cận nguồn lực và chăm sóc sức khỏe. Sự tương tác của hai chiều cạnh giới và dân tộc không chỉ phản ánh sự tách biệt xã hội của phụ nữ Tây Nguyên mà đồng thời còn là thách thức đang gia tăng ở khu vực này, vì vậy từ góc độ chính sách, cần có nghiên cứu và đề xuất can thiệp nhằm bảo đảm bình đẳng về cơ hội và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các nhóm dân cư ở Tây Nguyên.

Vai trò của mạng lưới xã hội hỗ trợ hoạt động sinh kế cho phụ nữ trong gia đình làm nghề biển (Nghiên cứu tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định)

Tác giả: Phan Thị Kim Dung

Trang: 38-49

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Mạng lưới xã hội có thể được coi như một nguồn lực quan trọng trong suốt quá trình sống của cá nhân. Một trong những vai trò đáng kể của mạng lưới xã hội đối với các cá nhân là giúp các cá nhân có cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Bài viết này trình bày về vai trò của mạng lưới xã hội, bao gồm gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng, bạn bè và các tổ chức xã hội, trong hỗ trợ hoạt động sinh kế cho phụ nữ trong gia đình làm nghề biển. Kết quả nghiên cứu cho thấy các mối quan hệ mạnh như gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng có vai trò tích cực hỗ trợ việc làm hàng ngày cho người phụ nữ bởi công việc của người phụ nữ gắn liền với công việc của các thành viên trong gia đình, họ hàng, xóm giềng. Các mối quan hệ yếu bao gồm bạn bè, đồng nghiệp và các tổ chức xã hội nổi bật với vai trò hỗ trợ tìm kiếm và chuyển đổi nghề nghiệp cho người phụ nữ trong gia đình làm nghề biển.

Vấn đề tuổi nghỉ hưu với việc bảo đảm quyền của phụ nữ

Tác giả: Phan Thị Luyện

Trang: 28-37

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trong những năm qua, hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trên thực tế bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, một trong những biểu hiện đó là tuổi nghỉ hưu của phụ nữ. Nghiên cứu về hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung và các quy định của pháp luật về tuổi nghỉ hưu nói riêng có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện các quyền của phụ nữ. Bài viết xem xét vấn đề tuổi nghỉ hưu với việc bảo đảm quyền của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.

Sự gắn kết trong gia đình công nhân khu công nghiệp

Tác giả: Nguyễn Mạnh Thắng

Trang: 19-27

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ dẫn đến tốc độ phát triển nhanh các đô thị, các khu công nghiệp, cùng với đó là sự hình thành các gia đình công nhân ở khu công nghiệp. Bài viết tập trung phân tích sự gắn kết vợ chồng trong gia đình công nhân, sự gắn kết cha mẹ với con cái và giữa con cháu với cha mẹ người cao tuổi trong các gia đình ở khu công nghiệp trong bối cảnh xã hội hiện đại ở Việt Nam.

Giá trị cơ bản trong gia đình nhìn từ kết quả khảo sát ý kiến người dân nông thôn

Tác giả: Nguyễn Đức Chiện

Trang: 10-18

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: “Giá trị” là một thuật ngữ kinh điển sớm được bàn thảo trong giới nghiên cứu xã hội học phương Tây trong bối cảnh các quốc gia này thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại và dẫn đến những biến đổi sâu sắc về hệ thống giá trị xã hội. ở Việt Nam, vấn đề giá trị cơ bản trong gia đình đang trở thành vấn đề được quan tâm nghiên cứu. Dựa vào nguồn dữ liệu của Đề tài “Nghiên cứu các chính sách và giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới”, bài viết phân tích ý kiến của người dân nông thôn về một số giá trị cơ bản của gia đình và những khác biệt trong quan niệm theo nhóm xã hội. Đây là các giá trị đang có sự thay đổi và có ảnh hưởng khác nhau đến suy nghĩ và hành động của các nhóm dân cư nông thôn trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi.

Gia đình với vai trò giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên

Tác giả: Nguyễn Thị Tố Quyên

Trang: 3-9

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Đạo đức của mỗi con người không phải sinh ra đã có, mà được hình thành và phát triển trong những môi trường xã hội nhất định. Khoa học và thực tiễn đã chứng tỏ rằng: dù xã hội phát triển đến đâu, gia đình vẫn là một thiết chế xã hội độc đáo, có nhiều ưu thế hơn so với các thiết chế xã hội khác trong việc giáo dục, hình thành nhân cách con người. Giáo dục thông qua tình cảm là đặc trưng của gia đình. Sự nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ là tác nhân đầu tiên, là cầu nối giúp trẻ thích nghi dần với môi trường xã hội.