Liên kết web
Số lượt truy cập

103

1932922

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2010

Nguyên nhân xung đột trong gia đình dưới góc độ cư xử với bạn bè, hàng xóm

Tác giả: Nguyễn Hồng Hà

Trang: 3-12

File toàn văn đính kèm: Tải về

Sử dụng số liệu điều tra 300 người độ tuổi từ 18-30 tại hai phường thuộc nội thành Hà Nội vào tháng 3 năm 2009, bài viết xem xét cách cư xử với bạn bè, hàng xóm như một nguyên nhân dẫn đến xung đột ở gia đình trẻ. Số liệu định lượng được phân tích trong tương quan với chênh lệch độ tuổi và chênh lệch học vấn giữa vợ và chồng, thời gian tìm hiểu trước hôn nhân và thời gian chung sống, việc có chung nghề nghiệp, vợ chồng có chung quan niệm về hạnh phúc gia đình, mức thu nhập, việc chia sẻ việc nhà và các yếu tố khác. Kết quả cho thấy không có tương quan chặt chẽ giữa chênh lệch tuổi của vợ chồng với nguyên nhân xung đột về cách ứng xử với bạn bè, hàng xóm, tuy nhiên, xung đột xảy ra thường xuyên hơn ở các gia đình mà vợ có trình độ học vấn cao hơn chồng. Thời gian tìm hiểu và thời gian chung sống ngắn hơn cũng là yếu tố khiến xung đột xảy ra thường xuyên hơn. Những cặp vợ chồng có chung quan niệm về hạnh phúc gia đình cũng là những cặp vợ chồng ít xảy ra xung đột về cách ứng xử với bạn bè, hàng xóm hơn.

Bước đầu tìm hiểu nhận thức khái niệm giới và bình đẳng giới của người dân hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 13-24

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết là một nghiên cứu tổng quan, sử dụng số liệu đã có từ một số cuộc điều tra với những chỉ báo có sẵn, đã đi sâu phân tích một số nội dung đánh giá nhận thức, của người dân về vấn đề giới và bình đẳng giới như: tỷ lệ dân chúng đã từng nghe đến “giới” hoặc “bình đẳng giới”; cách hiểu của người dân về “giới” và “bình đẳng giới”; nhận định về tầm quan trọng của bình đẳng giới. Nghiên cứu đánh giá nhận thức của người dân về khái niệm giới hiện nay là còn nhiều hạn chế, biểu hiện ở sự hiểu biết một cách mơ hồ, không đầy đủ và còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm giới và giới tính. Kết quả nghiên cứu cũng phản ánh một thực trạng chung hiện nay là vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm vấn đề bình đẳng nam nữ. Nhận thức truyền thống về vai trò, trách nhiệm, khả năng của phụ nữ và nam giới trong công việc gia đình không có nhiều khác biệt khi so sánh tương quan về khu vực, mức sống, trình độ học vấn, lứa tuổi.

Tình hình lao động việc làm của nữ thanh niên

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải

Trang: 25-38

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu của cuộc điều tra được tiến hành trên 11 tỉnh, thành phố với tổng số mẫu là 4922 thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 35 - những người chưa làm lễ trưởng thành Đoàn, do Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện năm 2005, bài viết tập trung phân tích, tìm hiểu những vấn đề về việc làm và thu nhập của nữ thanh niên là những người hiện đang có việc làm tạo ra thu nhập. Các vấn đề liên quan được xem xét trong tương quan với độ tuổi, trình độ học vấn và một số yếu tố khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy nữ thanh niên đã tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động xã hội; không còn có sự khác biệt nhiều giữa nữ và nam thanh niên trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động; vẫn tồn tại sự chênh lệch về mức lương bình quân giữa nam và nữ thanh niên; nữ thanh niên nông thôn tham gia lao động nhiều hơn, sớm hơn và thu nhập nhất hơn so với nữ thanh niên thành thị.

Việc thực hiện một số chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Trang

Trang: 39-53

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này sử dụng số liệu của cuộc khảo sát “Chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh - Thực trạng và giải pháp” do trường Đại học Công đoàn Việt Nam thực hiện từ năm 2004 - 2008. Tác giả tập trung xem xét việc thực hiện một số chính sách đối với lao động nữ như thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, việc chăm sóc sức khỏe, các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vi phạm thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của lao động nữ theo quy định của pháp luật nhất là trong thời gian nuôi con nhỏ, mang thai, có kinh nguyệt. Quyền của lao động nữ trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và hưởng phúc lợi xã hội cũng không được nhiều doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định. Bộ phận làm công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ trong các doanh nghiệp còn hạn chế về trình độ chuyên môn. Kết quả từ nghiên cứu này cũng cho thấy việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ cũng có sự khác nhau theo loại hình doanh nghiệp.

Thanh thiếu niên và các giá trị về tình yêu, hôn nhân và cách ứng xử trong cuộc sống

Tác giả: Hà Thị Minh Khương

Trang: 54-67

File toàn văn đính kèm: Tải về

Giá trị và định hướng giá trị có vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách, lối sống và hành vi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Dựa vào số liệu của cuộc Điều tra tình dục và sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên tại Hà Nội được tiến hành năm 2006, bài viết tập trung xem xét các giá trị và định hướng giá trị về tình yêu, về quan hệ vợ chồng, về cách cư xử trong cuộc sống của thanh thiếu niên hiện nay. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy một số giá trị truyền thống vẫn đang được thanh thiếu niên coi trọng như sự thuỷ chung, sự chia sẻ trong hoạn nạn, phẩm chất khiêm tốn và nhã nhặn trong ứng xử. Những giá trị mới đang được định hình và phát triển trong nhóm thanh thiếu niên như phản đối việc đánh vợ trong bất kỳ trường hợp nào; không coi ly dị như một hành vi gắn với giá trị đạo đức, đồng tình với việc phụ nữ có thể là người tỏ tình trước... Nghiên cứu này cũng cho thấy một số giá trị có sự khác biệt theo giới tính, nhóm tuổi, học vấn và khu vực sống của thanh thiếu niên.

Khác biệt giới trong hành vi gây hấn của học sinh trung học phổ thông

Tác giả: Hoàng Xuân Dung

Trang: 68-77

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên việc phân tích số liệu điều tra học sinh trung học phổ thông ở 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Bình năm 2009 - 2010, tác giả cho thấy hành vi gây hấn, bạo lực học đường có ở cả học sinh nữ và học sinh nam. Trong hoàn cảnh bình thường, ít sự khiêu khích, học sinh nam có xu hướng thực hiện các hành vi gây hấn nhiều hơn học sinh nữ. Nhưng trong hoàn cảnh bị xúc phạm, học sinh nữ cũng thực hiện các hành vi gây hấn có tính chất bạo lực để “trả đũa” đối phương. Điểm khác biệt trong hành vi gây hấn của học sinh nữ so với học sinh nam là các em nữ thường tham gia vào các dạng gây hấn gián tiếp nhằm làm nạn nhân tổn thương về mặt tinh thần nhiều hơn là tham gia vào các dạng gây hấn trực tiếp, khiến nạn nhân đau đớn về mặt thể xác. Tác giả cho rằng cần có những hành động thiết thực và tích cực để ngăn chặn các hình thức bạo lực ở học sinh, trong đó chú ý đến những khác biệt giới trong hành vi gây hấn.

Tại sao hoạt động chăm sóc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển xã hội

Tác giả: Hà Đông

Trang: 78-84

File toàn văn đính kèm: Tải về

Đây là kết quả của một dự án nghiên cứu do UNRISD (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội của Liên hợp quốc) thực hiện tại 6 nước gồm Nam Phi và Tanzania; Argentina và Nicaragua; ấn Độ và Hàn Quốc, đăng tải trên UNRISD Research and Policy Brief 9. Các quốc gia này được chọn dựa trên hai tiêu chí: thứ nhất, tại mỗi vùng, chọn một nước phát triển và một nước kém phát triển hơn; thứ hai, các nước này tối thiểu đã một lần tiến hành khảo sát việc sử dụng thời gian (time use survey). Nghiên cứu tập trung vào bốn vấn đề: (i) sự thay đổi về kinh tế, xã hội và nhân khẩu học trong vòng 20 - 30 năm qua; (ii) dữ liệu từ các cuộc khảo sát việc sử dụng thời gian; (iii) các chính sách và thiết chế về xã hội và chăm sóc; (iv) các nhóm người thực hiện hoạt động chăm sóc (lương, điều kiện làm việc, và cách họ đáp ứng nhu cầu chăm sóc của bản thân và những người phụ thuộc). Ngoài ra, nghiên cứu cũng tiến hành ở hai nước công nghiệp phát triển là Nhật Bản và Thụy Sĩ nhằm làm căn cứ so sánh. Bài giới thiệu này giúp cho người đọc hình dung rõ hơn về vai trò quan trọng của hoạt động chăm sóc đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời chỉ ra những gánh nặng cũng như sự bất bình đẳng mà người thực hiện hoạt động này nói chung và phụ nữ và trẻ em gái nói riêng phải gánh chịu. Những phát hiện và bài học rút ra từ nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa đối với những nhà nghiên cứu mà còn hữu ích với những nhà hoạch định chính sách, quản lý. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những phát hiện chính từ nghiên cứu này.

Vài nét về pháp luật Bình đẳng giới trên thế giới và Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Trọng Hải

Trang: 85-93

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển pháp luật bình đẳng giới trên thế giới và ở Việt Nam. Tác giả nhấn mạnh quá trình phát triển của pháp luật bình đẳng giới ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay, chỉ ra những nỗ lực và những thành tựu đạt được về mặt pháp lý về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, cũng như thể hiện sự cam kết của chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 3/2010

Tác giả:

Trang: 1-96

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới (Trước là tạp chí KHPN) Mục lục số 3 năm 2010 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Nguyễn Hồng Hà Nguyên nhân xung đột trong gia đình dưới góc độ cư xử với bạn bè, hàng xóm 3 Vũ Thị Cúc Bước đầu tìm hiểu nhận thức khái niệm giới và bình đẳng giới của người dân hiện nay 13 Lê Thị Hồng Hải Tình hình lao động việc làm của nữ thanh niên 25 Nguyễn Thị Mỹ Trang Việc thực hiện một số chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 39 Hà Thị Minh Khương Thanh thiếu niên và các giá trị về tình yêu, hôn nhân và cách ứng xử trong cuộc sống 54 Hoàng Xuân Dung Khác biệt giới trong hành vi gây hấn của học sinh trung học phổ thông 68 Hà Đông Tại sao hoạt động chăm sóc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển xã hội 78 Nguyễn Trọng Hải Vài nét về pháp luật Bình đẳng giới trên thế giới và Việt Nam 85 Thanh Nhàn Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của di dân 94 Phạm Thị Huệ Hội thảo khoa học "Nữ trí thức Việt Nam đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" 95