Liên kết web
Số lượt truy cập

22

2014098

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2019

Hội thảo khoa học “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay và những vấn đề khuyến nghị chính sách”

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 95-96

Trong khuôn khổ “Chương trình nghiên cứu đánh giá tổng thể về Gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, ngày 18 tháng 4 năm 2019, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay và những vấn đề khuyến nghị chính sách”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban chủ nhiệm Chương trình Gia đình; các chủ nhiệm và thành viên tham gia đề tài thuộc Chương trình, các đại biểu đến từ Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình; Ban Tuyên giáo Trung ương; Các trường đại học và viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội. Khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo và ý nghĩa của các nghiên cứu về gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời giới thiệu nội dung mà cuộc hội thảo hướng tới là báo cáo một số kết quả chủ yếu của chương trình nghiên cứu; thảo luận các vấn đề nổi bật và khuyến nghị chính sách về khía cạnh kinh tế, tôn giáo, xã hội hóa, tiếp cận dịch vụ xã hội và giá trị gia đình Việt Nam cũng như các đặc điểm nhân khẩu và các mối quan hệ trong gia đình và quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và nhà nước. GS.TS. Trịnh Duy Luân thay mặt các nhóm nghiên cứu trình bày một số kết quả nghiên cứu từ khía cạnh kinh tế và tôn giáo của gia đình Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng và xu hướng biến đổi chức năng kinh tế của gia đình. Đặc biệt, gia đình trung lưu có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế, có xu hướng bình đẳng giới rõ nét hơn. Các gia đình trung lưu có cấu trúc nghề nghiệp chưa hiện đại, lớn nhưng chưa thể hiện tính tích cực xã hội rõ rệt. Việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo có tác động tích cực trong việc củng cố niềm tin tôn giáo và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của các cá nhân, tạo sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng, duy trì truyền thống văn hóa của cộng đồng. Lợi ích chủ yếu mà tôn giáo mang lại cho các loại hình gia đình là giáo dục về đạo đức, lối sống và điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên. Với báo cáo về "Chức năng xã hội hóa, tiếp cận dịch vụ xã hội và giá trị gia đình Việt Nam hiện nay", PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cho thấy, gia đình vẫn được người dân đánh giá là giá trị quan trọng hàng đầu; các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời vẫn nghiêng về các giá trị truyền thống nhưng đang có xu hướng dịch chuyển sang các giá trị mang tính cá nhân và các giá trị hiện đại. Sự hòa hợp giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại là điều kiện để có một cuộc hôn nhân bền vững. Con cái vẫn là một giá trị quan trọng trong hôn nhân tuy nhiên đã có một số biến đổi về chức năng xã hội hóa của gia đình. Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế là những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến giá trị, giáo dục và tiếp cận dịch vụ y tế của gia đình hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội giúp giải phóng sức lao động, nhất là lao động việc nhà cho người phụ nữ, góp phần cải thiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội. GS.TS. Nguyễn Hữu Minh trình bày một số điểm nổi bật về đặc điểm nhân khẩu và các mối quan hệ trong gia đình, quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và nhà nước. Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô gia đình nhỏ đi, cấu trúc đơn giản hơn, tỷ lệ ly thân, ly hôn tăng lên. Bên cạnh đó, trong xã hội cũng xuất hiện nhiều loại gia đình mới, phúc lợi gia đình được cải thiện tuy nhiên kéo theo đó là bất bình đẳng cũng gia tăng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các nhà khoa học cùng các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận thêm một số vấn đề thực tiễn cần quan tâm xét từ góc độ chính sách nhằm nâng cao chất lượng đời sống của gia đình Việt Nam hiện nay. Kết thúc hội thảo, đại diện Ban chủ nhiệm chương trình, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh một lần nữa khẳng định, gia đình là một thiết chế xã hội độc lập, có mối quan hệ tương tác với các thiết chế xã hội khác và có tác động to lớn đến phát triển xã hội nói chung. Các trao đổi trong hội thảo là nguồn thông tin quan trọng để tiếp tục hoàn thiện các khuyến nghị chính sách cho chương trình nghiên cứu, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định các chính sách của nhà nước liên quan đến gia đình trong thời gian tới.

Hội thảo giữa kì Dự án “Nâng cao năng lực cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”

Tác giả: Thanh Mai

Trang: 93-94

Ngày 28 tháng 3 năm 2019, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội thảo giữa kì Dự án Nâng cao năng lực cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (viết tắt là ADB TA-9449 VIE). Mục tiêu chính của Dự án là nhằm hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của VASS. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ ngành của Việt Nam: Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Dự án; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực ban chỉ đạo dự án; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Trưởng Ban Quản lý Khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thành viên ban chỉ đạo, Giám đốc dự án; cùng các thành viên ban chỉ đạo, ban hỗ trợ kĩ thuật dự án; các chuyên gia, các nhóm hỗ trợ kĩ thuật của VASS, nhóm Xây dựng sổ tay nghiên cứu, nhóm Quản lý tri thức, nhóm Cơ sở dữ liệu của Quản lý tri thức và các nhóm chuyên gia về giới và các vấn đề xã hội; cùng đại diện các viện nghiên cứu thuộc VASS. Về phía các tổ chức Quốc tế có ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam; các cán bộ cấp cao của ngân hàng ADB; đại diện của đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật cho dự án về Quản lý tri thức, Cơ sở dữ liệu; và Đại diện ba nhóm nghiên cứu mẫu theo chuẩn quốc tế của Dự án. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Dự án phát biểu khai mạc. Thay mặt cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ tịch nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội thảo giữa kì Dự án hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông khẳng định Dự án hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực cho Viện do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ từ Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản là sự hỗ trợ kịp thời và hết sức cần thiết. Dự án đã thiết kế nhiều kết quả đầu ra gắn với thực hiện và hỗ trợ thực hiện năm nội dung trọng tâm trong phát triển của VASS giai đoạn 2011-2020. Cụ thể, Dự án nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, nâng cao chất lượng dịch vụ tri thức của VASS với những sản phẩm chủ yếu như Sổ tay lập kế hoạch và quản lý nghiên cứu; ba nghiên cứu với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; kế hoạch Quản lý tri thức cùng cơ sở dữ liệu về quản lý tri thức. Với các kết quả đầu ra và sản phẩm như trên, ông hy vọng dự án sẽ giúp việc quản lý nghiên cứu cũng như chất lượng nghiên cứu của VASS sẽ được nâng lên, đáp ứng được mục tiêu phát triển của khoa học xã hội nhân văn Việt Nam nói chung và VASS nói riêng. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Giám đốc Dự án giới thiệu về dự án Nâng cao năng lực cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Theo đó, dự án bắt đầu được chuẩn bị từ năm 2014, chính thức thông qua và thực hiện từ ngày 14/12/2017. Dự án có hai đầu ra chính: 1) Năng lực nghiên cứu được nâng cao; 2) Dịch vụ tri thức được nâng cao. Đầu ra 1 có các sản phẩm: Sổ tay về lập kế hoạch và quản lý chất lượng nghiên cứu; 3 nghiên cứu hướng tới chuẩn quốc tế về chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp (chè, vải), năng lượng mặt trời và phát triển nhân lực chất lượng cao để phát triển bền vững. Đầu ra 2 có các sản phẩm: Kế hoạch quản lí tri thức đảm bảo bình đẳng giới và hòa nhập xã hội; Cơ sở dữ liệu về quản lí tri thức; Kế hoạch hành động chia sẻ tri thức hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua hội thảo, đối thoại chính sách và vận động chính sách. Kỳ vọng của VASS là Dự án giúp nâng cao năng lực nghiên cứu, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hệ thống quản lý khoa học chuyên nghiệp và hiệu quả hơn cả ở cấp VASS và các viện nghiên cứu chuyên ngành; các nghiên cứu có đóng góp tích cực hơn đối với việc tư vấn và vận động chính sách; tăng mức độ phổ biến và tra cứu cho các kết quả nghiên cứu, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của Đảng, Chính phủ và của xã hội. Tiếp đó, PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền, chuyên gia về cải thiện chất lượng nghiên cứu trình bày Dự thảo báo cáo giữa kỳ. GS. M. Nagao, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn có bài trình bày về các báo cáo chính. TS. Serafin D. Talisayon, Chuyên gia quốc tế về quản lý và chia sẻ tri thức trình bày về kế hoạch quản lý và chia sẻ tri thức. Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã thảo luận về các kết quả đạt được của Dự án hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực từ khi bắt đầu cho đến nay và các công việc đang và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu báo cáo “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam”

Tác giả: P.V

Trang: 91-92

File toàn văn đính kèm: Tải về

Ngày 29/3/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu báo cáo “Xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam”. Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch TW Hội Người cao tuổi Việt Nam và bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phát biểu khai mạc Hội thảo. Ông Rintaro Mori, cố vấn kỹ thuật về Già hóa dân số và phát triển bền vững của UNFPA khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã trình bày báo cáo “Thích ứng với già hóa dân số: cách tiếp cận theo vòng đời và kinh nghiệm quốc tế”. Trong bài trình bày của mình, ông Rintaro Mori cho biết già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và lấy ví dụ về hai quốc gia là Úc và Nhật Bản cho các vấn đề về chính sách để phù hợp với quá trình già hóa dân số tại hai quốc gia này. Theo bài trình bày, phương pháp tiến cận theo vòng đời là một giải pháp để tiếp cận một cách tốt nhất đối với già hóa dân số. Đại diện Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đã trình bày các định hướng chính sách về sửa Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, bảy điểm đề xuất bao gồm: 1) hoàn thiện nhóm chính sách tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc, phát huy kinh nghiệm của người cao tuổi, thực hiện thông điệp mới của Liên hợp quốc “nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc”; 2) tiếp tục hoàn thiện nhóm chính sách khuyến khích doanh nghiệp, gia đình, cộng đồng tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (ngắn hạn và dài hạn); 3) hoàn thiện nhóm chính sách, cơ chế để người cao tuổi, các tổ chức, cá nhân có thể phát huy tốt vai trò người cao tuổi đối với nhà nước và xã hội; 4) hoàn thiện nhóm chính sách về bảo trợ xã hội, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo hướng giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi xuống 75 tuổi, ưu tiên cho người cao tuổi sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội theo từng thời kỳ; 5) bổ sung nhóm chính sách phát triển công tác xã hội đối với người cao tuổi, trong đó tập trung vào vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội đối với người cao tuổi, tiêu chuẩn, dịch vụ, các chính sách công tác xã hội đặc thù với người cao tuổi; 6) cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, góp phần thực hiện Chính phủ điện tử; 7) hoàn thiện nhóm cơ chế tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, Hội Người cao tuổi trong thực hiện công tác người cao tuổi. Trong phiên cuối của hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã giới thiệu nội dung báo cáo “Hướng tới xây dựng chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số Việt Nam 2020-2030, tầm nhìn đến 2035”. Báo cáo chính sách này đề cập tới già hóa dân số ở Việt Nam và các vấn đề có liên quan như tài chính, sức khỏe và khuyết tật, chăm sóc xã hội, môi trường, các vấn đề về lạm dụng, bạo hành người cao tuổi, trách nhiệm của các bên liên quan, làm căn cứ cho các phân tích và khuyến nghị về sự cần thiết phải có một chính sách quốc gia toàn diện để thích ứng với vấn đề già hóa dân số. Đồng thời, báo cáo cũng cung cấp bằng chứng để hỗ trợ Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra.

Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động về chăm sóc dài hạn tại Việt Nam: Nguồn nhân lực-cơ chế tài chính”

Tác giả: Trịnh Thái Quang

Trang: 90

File toàn văn đính kèm: Tải về

Trong hai ngày, 27-28/3/2019, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động về chăm sóc dài hạn tại Việt Nam: Nguồn nhân lực – cơ chế tài chính” trong khuôn khổ Dự án RETA 9111 “Tăng cường năng lực về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại một số quốc gia đang phát triển”. Dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng cơ sở kiến thức trong khu vực về xây dựng hệ thống, dịch vụ và nguồn tài chính cho chăm sóc dài hạn, nâng cao năng lực trong lập kế hoạch hành động đa ngành cho chăm sóc dài hạn và xây dựng mạng lưới chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện. Tham gia Hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng Chính sách, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Các đại diện đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Đại diện các tổ chức quốc tế WHO, ADB, HelpAge International Việt Nam, UNFPA; Đại diện các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, và các chuyên gia thuộc viện Y – Xã hội học. Trong ngày làm việc thứ nhất, ở phiên mở đầu, TS. Bùi Đại Thụ, Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học, chuyên gia tư vấn ADB đã trình bày tóm lược về các nội dung đạt được trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động chăm sóc dài hạn trong các cuộc hội thảo tổ chức trong năm 2018. Tiếp theo đó, bà Meredith Wyse, đại diện HelpAge International trình bày các nội dung tổng quan về các vấn đề tài chính cho chăm sóc dài hạn. Ở phiên thứ hai, các đại diện từ các đơn vị có liên quan đã thảo luận về vấn đề xây dựng nguồn nhân lực cho chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ở Việt Nam. Chia sẻ tại hội thảo, Bà Meredith Wyse cho biết hiện tại trên toàn thế giới đang thiếu khoảng 13,6 triệu nhân lực làm công tác chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, trong đó riêng khu vực Châu Á, Thái Bình Dương thiếu khoảng 8 triệu người. Đa phần số nhân viên chăm sóc dài hạn là phụ nữ, thậm chí ở một số quốc gia tỷ lệ nữ làm công tác này chiếm tới hơn 90%. Đồng thời, có một xu hướng già hóa trong nguồn nhân lực chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. Đại diện từ các đơn vị chăm sóc người cao tuổi cũng có những chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ các tổ chức trong nước và quốc tế về chăm sóc người cao tuổi, phát triển nguồn nhân lực. Trong phiên cuối cùng của hội thảo, bản dự thảo Đề xuất kỹ thuật cho phát triển Kế hoạch hành động về Chăm sóc dài hạn và các bước tiếp theo đã được trình bày và thảo luận. Các ý kiến thảo luận tập trung vào hai nội dung chính gồm các đề xuất về nguồn nhân lực và nguồn tài chính cho chăm sóc dài hạn đối với người cao tuổi.

Một số suy nghĩ về giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên của gia đình sỹ quan trẻ hiện nay

Tác giả: Đào Văn Minh

Trang: 84-89

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Gia đình sỹ quan trẻ có vai trò quan trọng trong giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên. Để bảo đảm việc nuôi dạy con tốt, cha, mẹ và những thành viên khác trong gia đình sỹ quan trẻ phải nhận thức đúng đắn vai trò của họ trong việc giáo dục trẻ vị thành niên. Đồng thời các thành viên trong gia đình sỹ quan trẻ đặc biệt là cha, mẹ phải nắm chắc đặc điểm tâm sinh lý của trẻ để tiến hành biện pháp giáo dục có hiệu quả. Bên cạnh đó, gia đình phải giữ mối liên hệ, phối hợp tốt với nhà trường, xã hội để giáo dục pháp luật cho trẻ. Bài viết tập trung phân tích về vấn đề gia đình sỹ quan trẻ tham gia giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên và đưa ra các biện pháp cần thiết để gia đình sỹ quan trẻ tham gia giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên hiện nay đạt được hiệu quả mong muốn.

Một số vấn đề về sự tham gia của trẻ em trong gia đình qua các nghiên cứu nước ngoài

Tác giả: Nguyễn Thị Quỳnh Hoa

Trang: 72-83

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên các tài liệu nghiên cứu quốc tế, bài viết phân tích khái niệm sự tham gia của trẻ em, mức độ và các vấn trẻ em được tham gia trong gia đình. Nhìn chung, các nghiên cứu quốc tế đã đưa ra các khái niệm và nhiều cách hiểu về sự tham gia của trẻ em; mức độ tham gia và vấn đề trẻ em được tham gia trong gia đình cũng có sự khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của trẻ em trong gia đình bao gồm cả các yếu tố thúc đẩy và các yếu tố cản trở như yếu tố giới, năng lực của cá nhân trẻ, thái độ của cha mẹ, khu vực sống, loại hình gia đình... Nghiên cứu này cho rằng trẻ em được thể hiện ý kiến, quan điểm và được tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề liên quan của bản thân ở các cấp độ là rất quan trọng, vì thông qua sự tham gia của trẻ em sẽ đảm bảo tính dân chủ, công bằng trong gia đình.

Giới và sự tham gia của người dân trong quản lý rừng bền vững (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An)

Tác giả: Phùng Thị Yến

Trang: 59-71

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Các nghiên cứu về giới và lâm nghiệp ở Việt Nam đã chỉ ra sự khác biệt giữa nam và nữ và giữa các nhóm xã hội trong tiếp cận, tham gia và hưởng lợi nguồn lực từ rừng. Bài viết tập trung phân tích các vấn đề về giới trong việc quản lý rừng và sự tham gia và hưởng lợi công bằng trong sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng bền vững. Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy có tình trạng không công bằng giữa nam giới, phụ nữ, các nhóm yếu thế về hưởng lợi công bằng trong quản lý rừng bền vững ở Thanh Hóa và Nghệ An. Nam giới tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực đất đai từ rừng cao hơn phụ nữ. Các nhóm yếu thế chưa được khuyến khích tham gia tích cực các hoạt động quản lý rừng bền vững và cần hướng tới sự tham gia công bằng cho tất cả các nhóm hưởng lợi trực tiếp từ rừng.

Trao quyền kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh cải cách kinh tế ở Việt Nam

Tác giả: Phạm Thu Hiền

Trang: 45-58

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trao quyền kinh tế của phụ nữ được thừa nhận là một trong những vấn đề cốt lõi để hiện thực hóa các quyền của phụ nữ, hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển như tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả giảm nghèo, cải thiện giáo dục và sức khỏe. Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành những bước đi quan trọng về cải cách kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đem lại cả cơ hội và thách thức cho người lao động, trong đó có lao động nữ. Dựa trên việc rà soát các báo cáo phân tích, các nghiên cứu và số liệu, bài viết chỉ ra mối liên hệ giữa trao quyền kinh tế của phụ nữ và cải cách kinh tế, các vấn đề hiện nay về quyền năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một số trao đổi về chính sách.

Những biến đổi của “đạo Hiếu” trong gia đình Việt Nam hiện nay

Tác giả: Phạm Thị Khánh

Trang: 37-44

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích những biến đổi của đạo Hiếu trong gia đình Việt Nam hiện nay. Theo tác giả, đạo Hiếu là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp, là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình, qua nhiều thế hệ. Là bộ phận của ý thức xã hội, đạo Hiếu cũng thay đổi trước biến đổi của tồn tại xã hội, đặc biệt sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin và internet. Sự biến đổi nhanh chóng của đạo Hiếu tác động đến mạnh mẽ đến tất cả các thành viên của gia đình, đặc biệt với những người lớn tuổi. Để gia đình bình yên và hạnh phúc, gia đình cần nâng cao vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn của đạo Hiếu.

Thông điệp về hôn nhân và gia đình trên báo chí truyền thông

Tác giả: Phạm Võ Quỳnh Hạnh

Trang: 28-36

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hôn nhân và gia đình là chủ đề “nóng” được đề cập thường xuyên trên báo chí truyền thông dưới nhiều khía cạnh phong phú. Nghiên cứu này tìm hiểu xem chủ đề nào về hôn nhân-gia đình được đề cập đến nhiều, hình ảnh nam và nữ xuất hiện trong gia đình như thế nào, cụ thể: vai trò trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình được gán cho ai, thủ phạm và nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình là ai, phân công lao động theo giới trong gia đình được phản ánh như thế nào trên các loại hình báo chí truyền thông. Thông qua nghiên cứu nhằm khắc phục và loại bỏ dần các định kiến giới trong thông điệp truyền thông, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Truyền thông pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình: Trường hợp truyền thông của các đài phát thanh - truyền hình khu vực Tây Nam Bộ

Tác giả: Phạm Hương Trà, Huỳnh Thị Oanh

Trang: 16-27

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên kết quả phân tích 431 tin, bài và khảo sát 50 nhà báo của 3 đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) khu vực Tây Nam Bộ (Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang), bài viết tìm hiểu những thành tựu và hạn chế của việc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến nay ở trong vùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc truyền thông về pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình được các đài phát thanh và truyền hình phản ánh trên nhiều lĩnh vực tuy vẫn còn một số hạn chế như chỉ tập trung ở hình thức bạo lực thể chất, khả năng tương tác thông tin với công chúng thấp, tính định hướng thông tin tuyên truyền chưa được quan tâm thích đáng. Các tác giả nhấn mạnh rằng các Đài PT&TH cần đa dạng hóa về hình thức thể hiện tuyên truyền pháp luật PCBLGĐ trên truyền hình theo quan điểm tuyên truyền chủ động, tương tác cũng như tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ những người làm công tác truyền thông pháp luật PCBLGĐ.

Mạng lưới xã hội trong sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình người Ê-đê (Nghiên cứu trường hợp xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk)

Tác giả: Lê Thị Hồng Gái, Nguyễn Đức Chiện

Trang: 3-15

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa vào nguồn dữ liệu nghiên cứu định lượng khảo sát năm 2016 tại Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bài viết nhận diện loại hình mạng lưới xã hội và liên kết mạng lưới xã hội trong sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, đồng thời bàn luận về liên kết mạng lưới trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn Tây Nguyên trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi hội nhập. Nghiên cứu chỉ ra rằng hộ gia đình người Ê-đê ở xã Ea Tu đã và đang có những MLXH khác nhau và nó có vai trò nhất định trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các liên kết của hộ gia đình với hội nghề nghiệp, thương nhân, đại lý thu mua, người cho vay lãi… có mức độ mạnh trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, mối liên kết với gia đình, dòng họ, cộng đồng chỉ có ý nghĩa trong đời sống tinh thần và trong một vài hoạt động kinh tế ví dụ như những hỗ trợ về nhân công khi vào mùa thu hoạch.