Liên kết web
Số lượt truy cập

98

1961450

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2009

Quan hệ giới trong cộng đồng vạn đò

Tác giả: Hoàng Bá Thịnh

Trang: 3-13

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu nông thôn có sự tham gia (PRA) thuộc dự án “Nâng cao hiểu biết về cư dân vạn đò và những dịch vụ cơ bản cho cư dân vạn đò” của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) triển khai năm 2002 tại 6 xã: 3 xã Thắng Lợi, Xã Ngọc Vừng và xã Quan Lạn của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) và 3 xã: xã Phú Xuân, xã Phú An và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang - Thừa Thiên- Huế). Những thông tin từ nghiên cứu định tính cho thấy mặc dù quan hệ giới trong cộng đồng vạn đò chưa đạt được sự bình đẳng thật sự như mong đợi, tuy nhiên đã chỉ ra rằng không phải trong mọi trường hợp bình đẳng giới tỷ lệ thuận với mức sống và học vấn cao, rằng những người dân vạn đò tuy có trình độ học vấn chưa cao, đời sống còn nghèo và thiếu thốn, nhưng lại không có những biểu hiện bất bình đẳng giới như một số nhóm dân cư khác.

Quan hệ vợ chồng trong đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất ở: Thực trạng và các yếu tố tác động

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 14-25

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu Điều tra bình đẳng giới 2005-2006 và Điều tra gia đình Việt Nam 2006, bài viết đề cập đến thực trạng người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng nhà và đất ở (người vợ và người chồng) cùng với các yếu tố ảnh hưởng tới thực trạng này. Các phát hiện cho thấy thực tế vẫn diễn ra chưa phù hợp với quy định của Luật đất đai 2003 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ và chồng cũng như với mong muốn của đa số người dân. Đáng chú ý là từ năm 2000 trở lại đây, tình trạng này không có thay đổi đáng kể so với thời kỳ trước đó. Bài viết nhấn mạnh rằng việc giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng nhà và đất ở chủ yếu mang tên chủ hộ là nam giới là một trong những yếu tố dẫn đến sự thiệt thòi cho người phụ nữ, đặc biệt trong việc khẳng định quyền lợi kinh tế của cá nhân cũng như trong phát triển kinh tế gia đình.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc vay vốn của phụ nữ

Tác giả: Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Phương

Trang: 26-37

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên kết quả khảo sát thực địa năm 2008, bài viết tìm hiểu tác động của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất GCNQSD đất ghi tên vợ và chồng đến việc vay vốn của phụ nữ. Kết quả cho thấy trên cả khía cạnh thủ tục và cơ hội, việc sử dụng GCNQSD đất ghi tên vợ chồng vay vốn tiết kiệm được thời gian, ít giấy tờ, giảm công sức và có khả năng được chấp nhận cao hơn. Trên cơ sở này, người vay có khả năng vay vốn kịp thời hơn. GCNQSD đất tên vợ và chồng cũng tạo điều kiện cho phụ nữ, những người không là chủ hộ, trực tiếp và chủ động vay vốn thế chấp QSD đất mà không cần các điều kiện đi kèm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có lợi hơn khi cho vay thế chấp QSD đất tên vợ chồng, cụ thể là tiết kiệm thời gian xác minh các loại giấy tờ ủy quyền, giảm bớt các tranh chấp có thể phát sinh trong việc giải chấp.

Một số yếu tố tác động đến tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XII

Tác giả: Nguyễn Thị Phương

Trang: 38-47

File toàn văn đính kèm: Tải về

Trong khuôn khổ dự án “Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII”, năm 2007 ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ Phụ nữ tiến hành hoạt động đánh giá cuối kỳ các tác động của dự án đối với việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Từ dữ liệu của cuộc khảo sát này, bài viết tập trung phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tác động từ những yếu tố khách quan đến kết quả tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội như sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ nữ, việc sắp xếp danh sách bầu cử, công tác tuyên truyền và việc nâng cao nhận thức giới của cử tri. Ngoài ra, bài viết này cũng cho rằng một số các yếu tố khách quan như học vấn, nghề nghiệp, lĩnh vực, vị trí công tác và uy tín của bản thân các nữ ứng cử viên cũng là điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của họ trong quá trình bầu cử.

Hình ảnh người phụ nữ trên truyền thông qua một số nghiên cứu

Tác giả: Đào Hồng Lê

Trang: 48-59

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên việc phân tích văn bản, bài viết điểm lại một số nội dung về hình ảnh phụ nữ trên truyền thông qua một số công trình nghiên cứu cho tới nay. Kết quả cho thấy, dù đã có một số chuyển biến, hình ảnh phụ nữ vẫn còn bị đặt trong những khuôn mẫu cứng nhắc về tính cách, vai trò xã hội và nghề nghiệp. Trong quảng cáo thương mại, phụ nữ thường gặp chủ yếu với hình ảnh là người nội trợ. Đặc biệt, hình ảnh phụ nữ còn được đưa ra như những biểu tượng gợi dục. Cách làm này được xem là sự hạ thấp giá trị và vị thế của nữ giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của riêng người phụ nữ mà còn tới sự phát triển chung của gia đình và xã hội khi truyền thông không phản ánh khách quan và đầy đủ vai trò và vị thế của giới nữ.

Thông tin liên quan đến tính dục: Việc tiếp cận và nhu cầu tìm hiểu của sinh viên

Tác giả: Phạm Hương Trà

Trang: 60-72

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài nghiên cứu sử dụng số liệu định lượng của đề tài “Nhu cầu đào tạo kiến thức về tính dục của sinh viên hiện nay” do khoa Xã hội học Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện tại 5 trường Đại học tại Hà Nội tháng 4/2007 nhằm tìm hiểu mức độ tiếp cận và nguồn thông tin về tính dục của sinh viên hiện nay. Nghiên cứu chỉ ra rằng sinh viên tiếp cận các thông tin liên quan đến tính dục chủ yếu thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là qua sách báo; vai trò của gia đình và nhà trường còn hết sức mờ nhạt. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về tính dục của sinh viên, cần nâng cao chất lượng của các chương trình truyền hình, xuất bản thêm nhiều ấn phẩm có liên quan đến tính dục; gia đình và nhà trường cần nỗ lực hơn nữa trong việc chủ động đưa những thông tin về tính dục vào giáo dục một cách chính thống hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa.

Một số yếu tố tác động đến mức độ hút thuốc của nam vị thành niên và thanh niên (Phân tích số liệu của Điều tra về tình dục và sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên Hà Nội năm 2006)

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 73-84

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết sử dụng số liệu của điều tra chọn mẫu đại diện về tình dục và sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên Hà Nội năm 2006 với 6363 vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 trả lời phỏng vấn, trong đó, 4685 thanh niên độ tuổi từ 18- 24. Tác giả tập trung phân tích mức độ hút thuốc của nam vị thành niên và thanh niên và các yếu tố tác động đến hiện tượng này. Kết quả cho thấy đối tượng sử dụng thuốc lá ngày càng có xu hướng “trẻ hóa”. Tỷ lệ hút khá cao, trong số đang hút thuốc, có 42% hút tất cả các ngày trong 30 ngày qua. Việc sử dụng thủ tục phân tích hồi quy logistic đã làm rõ hơn mức độ tác động của các yếu tố như khu vực sống, tuổi, bậc học cao nhất đã hoàn thành, đã từng đi làm kiếm tiền,v.v.. đến chỉ báo hút thuốc tất cả các ngày trong 30 ngày qua. Trong đó nhóm bạn là một trong những yếu tố có tác động tương đối mạnh đến mức độ hút thuốc của nam vị thành niên và thanh niên.

Biểu hiện về chủng tộc và hành vi giới tính trên truyền thông của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2008

Tác giả: Mai Đặng Hiền Quân

Trang: 85-93

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dưới quan điểm hành vi theo giới tính và chủng tộc, bài viết đã tái hiện ba bức chân dung của ba ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008, gồm John McCain với hình ảnh đặc trưng của một người Mỹ cứng rắn; Barack Obama với sự thông minh và hiểu biết, và Hillary Clinton bị mắc kẹt trong cái gọi là “bẫy kép” khi vừa phải là một lãnh tụ cứng rắn và là một phụ nữ nữ tính. Bài viết cho rằng, bên cạnh quan điểm chính trị và hệ thống chính sách được bày tỏ trong lời hứa của các ứng cử viên, những biểu hiện về chủng tộc và hành vi giới tính được các ứng cử viên thể hiện trên truyền thông có tác dụng như những quảng cáo chính trị, nó tô đậm thêm chân dung chính trị của các ứng cử viên và ít nhiều chi phối sự lựa chọn của các cử tri.

Giáo dục hay xâm hại

Tác giả: Việt Phương

Trang: 94-96

File toàn văn đính kèm: Tải về

Cuốn sách “Giáo dục hay xâm hại – Nghiên cứu về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em tại Việt Nam”được xuất bản năm 2007 gồm 161 trang. Cuốn sách này là kết quả nghiên cứu về bạo lực đối với trẻ em tại Việt Nam năm 2005 với sự tham gia của 499 trẻ em, gồm cả 20 trẻ em đường phố đóng vai trò những nghiên cứu viên và 306 người lớn. Nghiên cứu được thực hiện tại thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Hồ Chí Minh. Các phương pháp thu thập thông tin chính được sử dụng trong nghiên cứu này là định tính, quan sát, cùng tham gia… Đặc biệt, nghiên cứu này nhấn mạnh tới sự tham gia của trẻ em với tư cách là một bên liên quan với quan điểm “lấy trẻ em làm trung tâm” – có nghĩa là các ý kiến và quan điểm của các em được phản ánh đầy đủ trong cả tiến trình nghiên cứu. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 2/2009

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 2 năm 2009 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Hoàng Bá Thịnh Quan hệ giới trong cộng đồng vạn đò 3 Trần Thị Hồng Quan hệ vợ chồng trong đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất ở: Thực trạng và các yếu tố tác động 14 Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Phương Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc vay vốn của phụ nữ 26 Nguyễn Thị Phương Một số yếu tố tác động đến tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XII 38 Đào Hồng Lê Hình ảnh người phụ nữ trên truyền thông qua một số nghiên cứu 48 Phạm Hương Trà Thông tin liên quan đến tính dục: Việc tiếp cận và nhu cầu tìm hiểu của sinh viên 60 Lỗ Việt Phương Một số yếu tố tác động đến mức độ hút thuốc của nam vị thành niên và thanh niên (Phân tích số liệu của Điều tra về tình dục và sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên Hà Nội năm 2006) 73 Mai Đặng Hiền Quân Biểu hiện về chủng tộc và hành vi giới tính trên truyền thông của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2008 85 Việt Phương Giáo dục hay xâm hại 94