Liên kết web
Số lượt truy cập

20

1932600

Chi tiết tạp chíSố 1 - 2009

Tác động của mạng lưới xã hội đến sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ

Tác giả: Nguyễn Thị Thuý

Trang: 14-24

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào số liệu của đề tài “Khác biệt giới trên con đường chức nghiệp của công chức hành chính ở Việt Nam” do Học viện Hành chính Quốc gia kết hợp với The CEG FACILITY/ AUSAID (AUSTRALIA) và Bộ Nội vụ tiến hành năm 2004 -2005 bài viết tập trung phân tích một số tác động từ mạng lưới xã hội đến sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ. Các yếu tố từ mạng lưới này bao gồm từ gia đình, người bạn đời của phụ nữ cho đến lãnh đạo cấp trên, đồng nghiệp và nhóm bạn bè. Kết quả từ thông tin định tính và định lượng chỉ ra rằng thời gian làm việc ở công sở của nam và nữ là ngang nhau nhưng thời gian làm việc nhà của nữ cao hơn nhiều so nam và điều này sẽ hạn chế sự tham gia của họ ở ngoài xã hội. So với nam, nữ công chức đánh giá vai trò người bạn đời đối với sự nghiệp của mình cao hơn. Khi phải đứng trước sự lựa chọn gia đình và sự nghiệp nữ công chức thường ưu tiên chọn gia đình. Phần đông nữ công chức còn quan niệm rằng sự nghiệp quan trọng hơn đối với người đàn ông và họ thường nhường cơ hội cho chồng. Đáng chú ý là nam đồng nghiệp còn chưa rộng lượng khi đánh giá về chuyên môn và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của phụ nữ.

Thực trạng và vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Tác giả: Phan Thị Thanh Mai

Trang: 25-34

File toàn văn đính kèm: Tải về

Chăm sóc sức khoẻ nói chung và chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) của phụ nữ các dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng là một phần quan trọng trong chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm quan tâm, giúp đỡ vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa tiến kịp cùng vùng đồng bằng và thành phố. Tuy nhiên, hiện còn nhiều thách thách thức đối với việc CSSKSS của phụ nữ các dân tộc thiểu số phía Bắc. Bài viết phân tích và tổng hợp các kết quả nghiên cứu đã công bố nhằm tìm hiểu và đưa ra bức tranh chung về thực trạng và vai trò của phụ nữ DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả cho thấy tình trạng kinh tế nghèo khó, trình độ học vấn thấp và sự hạn chế trong nhận thức của phụ nữ DTTS chính là những trở ngại trong việc tiếp cận với các biện pháp và các phương tiện CSSKSS hiện đại. Bên cạnh đó, một số phong tục tập quán lạc hậu của cộng đồng cũng cản trở người phụ nữ DTTS nắm bắt và thực hành việc CSSKSS một cách an toàn và khoa học.

Bất bình đẳng giới giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Tác giả: Vũ Thị Thanh

Trang: 35-46

File toàn văn đính kèm: Tải về

Thông qua kết quả nghiên cứu định lượng (khảo sát bằng bảng hỏi đối với 369 đại diện hộ gia đình được lựa chọn theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống) và định tính (bao gồm 4 thảo luận nhóm và 12 phỏng vấn sâu đối với người dân chia đều cho hai giới) tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bài viết xem xét tình trạng bất bình đẳng giữa vợ và chồng trên hai góc độ là Phân công lao động giữa vợ và chồng và Quyền ra quyết định trong gia đình. Bài viết cho thấy có khoảng cách khá lớn về mức độ thực hiện các công việc trong gia đình giữa vợ và chồng cũng như tình trạng bất bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc đưa ra những quyết định quan trọng trong gia đình. Bài viết khẳng định ảnh hưởng của mô hình sống, số con trong gia đình và nghề nghiệp của vợ/chồng tới tình trạng bất bình đẳng giới ở Phù Linh nói riêng và nông thôn Việt Nam nói chung.

Gia đình hạnh phúc ở nông thôn Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát tại 3 xã ở Yên Bái, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang)

Tác giả: Đỗ Thiên Kính

Trang: 47-56

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào số liệu của dự án Nghiên cứu liên ngành về gia đình Việt Nam hiện nay (2004-2007) nhằm tìm hiểu về những thay đổi của gia đình nông thôn Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, bài viết này tập trung xem xét những yếu tố quyết định đến hạnh phúc gia đình ở vùng nông thôn. Kết quả từ mô hình hồi quy lôgistic về các yếu tố tác động đến hạnh phúc gia đình cho thấy những nhân tố thuộc về đời sống hôn nhân và sự hòa hợp giữa hai vợ chồng giữ vai trò chủ yếu để nâng cao hạnh phúc gia đình. Điều này cho thấy trong gia đình nông thôn hiện nay việc duy trì hạnh phúc chủ yếu vẫn được dựa trên cơ sở tình yêu và sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân giữa hai vợ chồng, cũng như giữa các thành viên khác nói chung.

Tác động của cha mẹ trong việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay (Nghiên cứu tại một trường PTTH thuộc đồng bằng Bắc Bộ)

Tác giả: Bùi Thị Thanh Hà

Trang: 57-66

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên nghiên cứu thực địa tại trường PTTH Trực Ninh B (Nam Định) năm 2007, bài viết phân tích tác động của cha mẹ trong định hướng nghề nghiệp của học sinh phổ thông hiện nay. Nghiên cứu cho thấy, trong những năm gần đây, các em học sinh đã không còn bị động, lúng túng trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Các bậc cha mẹ đã chia sẻ, thực sự tôn trọng và khuyến khích để giúp con cái mình tự tin hơn, độc lập hơn và có trách nhiệm với chính bản thân và gia đình thông qua việc định hướng và lựa chọn nghề, chọn trường. Trong các quyết định lựa chọn nghề nghiệp của học sinh phổ thông, mức độ ảnh hưởng của cha mẹ phụ thuộc vào trình độ học vấn và nghề nghiệp của họ. Đáng chú ý là yếu tố phân biệt giới trong việc cho con đi học không còn rõ nét. Tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình định hướng cho con vào đại học bằng mọi giá.

Hành vi chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong gia đình hiện nay

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 67-79

File toàn văn đính kèm: Tải về

Hành vi chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong nghiên cứu này được xem xét ở hai khía cạnh là tiêm chủng đầy đủ và bổ sung vitamin A. Bài viết sử dụng số liệu từ cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2006 và mô hình hồi quy đa biến để phân tích ảnh hưởng của các biến số đến hành vi chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Kết quả cho thấy học vấn của người mẹ chi phối mạnh mẽ đến hành vi chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em. Không có bằng chứng về sự thiên vị giới tính chống lại con gái, tuy nhiên có bằng chứng rõ ràng về việc đẻ dày đẻ nhiều con là một bất lợi đối với trẻ em. Trẻ em có mẹ làm nông nghiệp hay trong lĩnh vực phi nông đều được chăm sóc sức khoẻ như nhau. Những gia đình có mức sống cao hơn trẻ em được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Giả thuyết cho rằng trẻ em ở thành thị được chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn nông thôn đã bị bác bỏ. Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định sự bất lợi của trẻ em dân tộc thiểu số trong việc được chăm sóc sức khoẻ từ phía gia đình và tác động tương đối mạnh của yếu tố vùng địa lý.

Hiện tượng tự tử trong thanh thiếu niên ở Việt Nam hiện nay qua góc nhìn báo chí

Tác giả: Đỗ Văn Quân

Trang: 80-88

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào nguồn tư liệu thứ cấp là các bài báo, tọa đàm, trả lời phỏng vấn... về hiện tượng tự tử của thanh thiếu niên trong một vài năm trở lại đây, bài viết phân tích các đặc điểm xã hội của nhóm thanh thiếu niên tự tử và những lý do khiến họ tìm đến cái chết. Bài viết khẳng định những nhận định của các nghiên cứu cho rằng người tự tử đang ngày càng trẻ hóa; số lượng nam giới tự tử thành công (tự tử và chết) cao hơn nữ giới, mặc dù nữ giới có ý định và hành vi tự tử cao hơn nam giới; những người độc thân có nguy cơ tự tử cao hơn những người có gia đình; và tỉ lệ tự tử bình quân trong dân số bình thường là thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ tự tử trong nhóm người gặp khó khăn tâm lý hoặc có bệnh lý tâm thần... Bài viết cho rằng hiện tượng tự tử trong thanh thiếu niên là một hành vi lệch chuẩn gây hậu quả nghiêm trọng của các cá nhân trong quá trình tương tác và đối phó với các xung đột xã hội. Tác giả cho rằng thời gian tới cần có những nghiên cứu khoa học trên quy mô lớn với sự tham gia của nhiều ngành như giáo dục học, tâm lý học và xã hội học về vấn đề này.

Hội thảo: "Phát triển nguồn nhân lực"

Tác giả: Phan Thị Thanh Mai

Trang: 93

File toàn văn đính kèm: Tải về

Viện Khoa học xã hội Việt Nam: 55 năm xây dựng và phát triển

Tác giả: GS. TS. Đỗ Hoài Nam

Trang: 3-13

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 1/2009

Tác giả:

Trang: 1-97

Mục lục số 1 năm 2009 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG GS. TS. Đỗ Hoài Nam Viện Khoa học xã hội Việt Nam: 55 năm xây dựng và phát triển 3 Nguyễn Thị Thuý Tác động của mạng lưới xã hội đến sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ 14 Phan Thị Thanh Mai Thực trạng và vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản 25 Vũ Thị Thanh Bất bình đẳng giới giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) 35 Đỗ Thiên Kính Gia đình hạnh phúc ở nông thôn Việt Nam hiện nay (Qua khảo sát tại 3 xã ở Yên Bái, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang) 47 Bùi Thị Thanh Hà Tác động của cha mẹ trong việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay (Nghiên cứu tại một trường PTTH thuộc đồng bằng Bắc Bộ) 57 Trần Quý Long Hành vi chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong gia đình hiện nay 67 Đỗ Văn Quân Hiện tượng tự tử trong thanh thiếu niên ở Việt Nam hiện nay qua góc nhìn báo chí 80 Trần Thị Cẩm Nhung Sự tiến bộ của phụ nữ trên thế giới 2008/2009: Ai trả lời phụ nữ? Giới và trách nhiệm giải trình 89 Phan Thị Thanh Mai Hội thảo: "Phát triển nguồn nhân lực" 93 Tổng mục lục Tạp chí nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2008 94