Liên kết web
Số lượt truy cập

8

2938986

Hoạt động Khoa học

Hội thảo “Một số vấn đề về dân số Nghệ An trong phát triển kinh tế xã hội bền vững”

22/08/2022
Ngày 30/6/2022, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An về việc triển khai Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp bộ “Một số vấn đề dân số trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Nghệ An”, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về dân số Nghệ An trong phát triển kinh tế xã hội bền vững” tại TP. Vinh để chia sẻ các kết quả nghiên cứu của đề tài và trao đổi thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về nội dung này, phục vụ cho quá trình xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến dân số và phát triển của tỉnh.

Tham gia chủ trì Hội thảo có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Việt Nam, ThS. Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới. Khách mời tham gia Hội thảo gồm có GS.TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, nhóm thực hiện nghiên cứu cùng các đại diện của các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Nghệ An.

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu Gia đình và Giới đã trình bày các kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài, mô tả sự biến đổi quy mô, cơ cấu dân số ở Nghệ An trong mối quan hệ với các vấn đề trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh như lao động việc làm, di cư, già hóa dân số, giáo dục, chất lượng dân số… Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô và phân bố dân cư của Nghệ An không đồng đều, thời kỳ “dân số vàng” của Nghệ An đang ở giai đoạn cuối, tuy nhiên, tỷ lệ dân số đang ở độ tuổi lao động tập trung ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị. Ngoài ra, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cũng chiếm tỷ lệ cao hơn mức trung bình của cả nước. Quy mô hộ gia đình theo số người/hộ ở Nghệ An không có nhiều thay đổi sau 10 năm, và xuất hiện nhiều loại hình gia đình mới như độc thân, gia đình khuyết thế hệ. Mức sinh ở Nghệ An còn cao và trên mức sinh thay thế, vấn đề già hóa dân số sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, tỷ số giới tính tăng lên so với 10 năm trước và di cư vẫn là một trong những vấn đề xã hội nổi bật ở Nghệ An. Cũng tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu tham dự cũng đã chỉ ra một số vấn đề về dân số Nghệ An liên quan đến tác động của biến đổi dân số đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Từ các kết quả nghiên cứu của đề tài và các bài tham luận, các khuyến nghị cũng đã được đề xuất tại Hội thảo, bao gồm đẩy mạnh công tác kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, miền núi; nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giáo dục phổ thông; cân nhắc các chính sách về lao động việc làm để tận dụng thời gian còn lại của “dân số vàng”, tránh rơi vào bẫy “nhân công giá rẻ” và cần phải có các chính sách đảm bảo phần lớn những người trong độ tuổi lao động có việc làm tạo ra sản phẩm; đưa ra các chính sách ứng phó với già hóa dân số, khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, chuyển dịch lao động theo hướng hiện đại. 

 

Trịnh Thái Quang