Điểm nhấn
- Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
- Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
Liên kết web
Số lượt truy cập
37
2858478
Hoạt động Khoa học
Giới thiệu hai cuốn sách Lịch sử Gia đình Nông thôn Việt Nam
11/08/2022Trân trọng giới thiệu với đồng nghiệp và các quý vị độc giả hai cuốn sách chuyên khảo: Hôn nhân và Gia đình nông thôn đồng bằng Bắc bộ giai đoạn 1960-1975 (PGS.TS. Trần Thị Minh Thi và GS.TS. Nguyễn Hữu Minh đồng chủ biên) và Hôn nhân và Gia đình nông thôn đồng bằng Bắc bộ giai đoạn 1976-1986 (PGS.TS. Trần Thị Minh Thi chủ biên). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2022. Đây là công trình tập thể của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. |
Nhằm nhận diện những đặc điểm và khuôn mẫu hôn nhân-gia đình đồng bằng Bắc bộ dưới tác động của chiến tranh và phát triển kinh tế xã hội trước Đổi mới, về một số chủ đề, bao gồm tuổi kết hôn trung bình lần đầu, lựa chọn bạn đời, tổ chức cuộc sống những năm đầu sau kết hôn, phân công lao động giữa vợ và chồng, quyền quyết định giữa vợ và chồng, hoạt động kinh tế của hộ gia đình; sự tham gia của hộ gia đình vào hoạt động kinh tế của hợp tác xã, sự tham gia của phụ nữ vào các phong trào và hoạt động cộng đồng, cũng như một số khía cạnh của đời sống tâm lý tình cảm vợ chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1960-1986, bổ sung những khoảng trống nghiên cứu thực nghiệm về hôn nhân và gia đình thời kỳ này, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện 02 hệ đề tài nghiên cứu cấp viện về “Lịch sử Gia đình Nông thôn Việt Nam giai đoạn 1960 – 1975” (năm 2017) và “Lịch sử Gia đình Nông thôn Việt Nam giai đoạn 1976 – 1986” (năm 2018).
Các đề tài sử dụng phương pháp định lượng và định tính hồi cố về lịch sử gia đình để gợi lại các ký ức hôn nhân, gia đình cách đây nhiều thập niên, nhằm tiếp cận và khai thác thông tin từ nhóm khách thể nghiên cứu định lượng– 801 người kết hôn trong giai đoạn 1960 – 1975 và 818 nguời kết hôn giai đoạn 1976 – 1986, phỏng vấn bằng phương pháp hồi cố, hỏi trực tiếp mặt đối mặt giữa điều tra viên và người tham gia khảo sát là người kết hôn trong giai đoạn 1960-1986 và sống ở địa phương trong giai đoạn đó (bao gồm cả người góa). Nghiên cứu này có tính đến cân bằng số lượng nam và nữ, và mời người cao tuổi đủ minh mẫn để trả lời do cần nhớ lại nhiều sự kiện, hoạt động cách đây nhiều năm. Trong số người kết hôn giai đoạn 1960-1975 tham gia nghiên cứu, người cao tuổi nhất sinh năm 1930 và người ít tuổi nhất sinh năm 1957. Trong số người kết hôn giai đoạn 1976-1986 tham gia nghiên cứu, người cao tuổi nhất sinh năm 1936 và người ít tuổi nhất sinh năm 1968.
Đây là nỗ lực lớn của tập thể cán bộ của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trong việc tiếp cận các cá nhân kết hôn trong giai đoạn từ 1960-1986 để họ kể lại câu chuyện hôn nhân và đời sống gia đình của mình trước khi già yếu theo quy luật sinh lão bệnh tử. Phương pháp hồi cố để tái hiện lại các đặc điểm hôn nhân và gia đình Việt Nam giai đoạn 1960-1986 dù có những hạn chế do các sự kiện hôn nhân, gia đình đã diễn ra nhiều năm trước, nhưng theo hiểu biết của chúng tôi, đây là phương pháp tốt nhất hiện nay để có một nghiên cứu thực nghiệm về đặc điểm hôn nhân, gia đình thời kỳ này, vì chúng tôi gặp và khảo sát những người đã trưởng thành, kết hôn trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này của dân tộc.
Cuốn sách Hôn nhân và gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ giai đoạn 1960-1975 bao gồm 11 chương, ngoài Lời nói đầu và Kết luận. Chương 1 giới thiệu đặc điểm bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn 1960-1975, cũng như các chính sách hôn nhân và gia đình thời kỳ này. Chương 2 đề cập đến cơ sở lí luận, phương pháp nghiên cứu, mẫu nghiên cứu, địa bàn khảo sát và quá trình thực địa thu thập thông tin của nhóm nghiên cứu. Chương này cung cấp những cơ sở lí luận chung, trình bày phương pháp, nội dung thu thập thông tin, mẫu nghiên cứu, và phương pháp phân tích chung của toàn bộ nghiên cứu. Ở từng chương tiếp theo, các tác giả trình bày và thảo luận các cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể, các biến số và mẫu nghiên cứu cụ thể tương ứng với mỗi chủ đề nghiên cứu chuyên sâu của từng chương trong các lĩnh vực của đời sống hôn nhân và gia đình đồng bằng Bắc bộ giai đoạn 1960-1975. Các chương 3, 4, 5 phân tích các đặc điểm của việc hình thành hôn nhân và gia đình, bao gồm lựa chọn bạn đời, tuổi kết hôn, sắp xếp nơi ở những năm đầu sau kết hôn. Các chương 6, 7, 8, 9, 10 phân tích các đặc điểm cấu trúc và chức năng của gia đình, bao gồm đặc điểm cấu trúc hộ gia đình, đặc điểm hoạt động kinh tế và thu nhập, phân công lao động và quyền quyết định trong gia đình, đời sống tinh thần, tình cảm vợ chồng, một số hoạt động nghi lễ văn hóa của gia đình. Chương 11 bàn về các mối quan hệ gia đình với họ hàng.
Cuốn sách Hôn nhân và gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ giai đoạn 1976-1986 gồm 14 chương, ngoài Lời nói đầu và Kết luận. Chương 1 giới thiệu bối cảnh kinh tế xã hội thời kỳ 1976-1986. Tương tự cuốn trên, chương 2 của cuốn sách này cung cấp những cơ sở lí luận chung, trình bày phương pháp, nội dung thu thập thông tin, mẫu nghiên cứu, phương pháp phân tích chung và quá trình khảo sát thu thập thông tin của toàn bộ nghiên cứu. Ở từng chương tiếp theo, các tác giả trình bày và thảo luận các cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể, các biến số và mẫu nghiên cứu cụ thể tương ứng với mỗi chủ đề nghiên cứu chuyên sâu của từng chương trong các lĩnh vực của đời sống hôn nhân và gia đình.
Chương 3, 4, 5 bàn về các khía cạnh của quá trình hình thành hôn nhân, gia đình, bao gồm lựa chọn bạn đời, tuổi kết hôn trung bình lần đầu, tổ chức cuộc sống những năm đầu sau kết hôn. Chương 6, 7, 8, 9, 10, 11 bàn về các đặc điểm cấu trúc và chức năng của gia đình, bao gồm quy mô và cơ cấu gia đình, đặc điểm kinh tế gia đình, phân công lao động giữa vợ và chồng, quyền quyết định giữa vợ và chồng, chăm sóc trẻ em trong gia đình, đời sống tâm lý tình cảm vợ chồng. Chương 12, 13 và 14 đề cập đến các mối quan hệ của gia đình với dòng họ, cộng đồng và xã hội, bao gồm mối quan hệ của các thành viên trong gia đình mở rộng, sự tham gia của gia đình vào hoạt động kinh tế của hợp tác xã, sự tham gia vào hoạt động đoàn thể của người dân.
Với các nội dung đề cập đến các chiều cạnh khác nhau của đời sống hôn nhân và gia đình đồng bằng Bắc bộ, bộ sách đóng góp các bằng chứng trong nghiên cứu lý luận và thực nghiệm về lịch sử gia đình Việt Nam trong hai giai đoạn lịch sử quan trọng.Sự ra đời của cuốn sách là nguồn tư liệu để lấp vào khoảng trống về nghiên cứu hôn nhân và gia đình của giai đoạn 1960-1986, giúp nhận diện một cách có hệ thống về các vấn đề cơ bản của hôn nhân và gia đình gắn với hai giai đoạn lịch sử đặc thù của đất nước. Chúng tôi mong rằng, hai cuốn sách là nguồn tư liệu quan trọng cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề xuất giải pháp xây dựng, phát triển gia đình kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống với giá trị hiện đại; phát triển các chính sách kinh tế - xã hội có tính tới những tác động đối với đời sống gia đình. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cung cấp thêm tư liệu để thúc đẩy việc nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Trân trọng cảm ơn Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội phát hành cuốn sách này. Trân trọng chia sẻ với các đồng nghiệp và các quý vị quan tâm công trình nghiên cứu của chúng tôi.
Trần Thị Minh Thi và các tác giả.
***********************************
Quý độc giả có nhu cầu tham khảo và nghiên cứu vui lòng liên hệ với Nhà xuất bản KHXH để có được cuốn sách mình cần.
Giá:
170.000 đ (cuốn 1960-1975)
250.000 đ (cuốn 1976-1986)
Liên hệ:
Ms.Huệ: 0944329795 - Ms.Hương: 0923923689 (NXB KHXH)
Tải về
Các tin cũ hơn.................................................
- Giới thiệu sách chuyên khảo “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại” (11/08/2022)
- Đề xuất quy định những người sống với nhau như vợ chồng là đối tượng của bạo lực gia đình (11/08/2022)
- Phụ nữ chủ động, trách nhiệm trong vun đắp giá trị gia đình (11/08/2022)
- Bốn giá trị gia đình cần quan tâm trong bối cảnh mới (12/04/2022)
- Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam (12/04/2022)
- Hội thảo chuyên đề “Phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới” (31/03/2022)
- Cần quan tâm chính sách về nhà ở, thu nhập cho phụ nữ di cư (02/03/2022)
- Phụ nữ di cư có thu nhập trung bình rất thấp (02/03/2022)
- Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và một số vấn đề đang đặt ra (21/02/2022)
- Thể lệ, Vấn đề bản quyền, đạo đức xuất bản và Quy trình phản biện (01/08/2023)