Liên kết web
Số lượt truy cập

6

2939032

Hoạt động Khoa học

Giới thiệu sách chuyên khảo “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại”

11/08/2022
Gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng nằm ở vị trí trung tâm trong đời sống xã hội, mang những ý nghĩa biểu trưng văn hóa mạnh mẽ. Gia đình là nơi truyền dạy cho trẻ em những chuẩn mực giá trị, nuôi dưỡng tình yêu và đức hi sinh, đóng vai trò như một lưới an sinh xã hội hỗ trợ mỗi thành viên trước các rủi ro, cũng như góp phần xây dựng, triển khai và thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội. Ở trong mỗi gia đình, những giá trị về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc, văn hóa, kinh tế, giáo dục, v.v. được gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, bảo đảm cho dòng chảy phát triển bền vững của xã hội.

Nghiên cứu về những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay là một chủ đề vừa có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận trong nghiên cứu về gia đình vừa mang ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với xã hội. Cuốn sách “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại” do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi (chủ biên), vừa được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in ấn, phát hành năm 2021đã đi sâu phân tích chủ đề nghiên cứu này. Đây là kết quả nghiên cứu thuộc Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì theo Quyết định số 1004/QĐ-TTg ngày 20/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian 2017 - 2019. Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới là cơ quan thực hiện nghiên cứu năm 2017-2019.

 

Trong cuốn sách này các tác giả đã đưa ra phân tích những đặc điểm cơ bản về ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, giá trị kinh tế, giá trị con cái, giá trị hạnh phúc, tình yêu, tình dục, các yếu tố đảm bảo hạnh phúc gia đình, bền vững gia đình, giá trị của các mối quan hệ trong gia đình và chỉ ra những xu hướng chuyển đổi của các giá trị truyền thống và hiện đại của các nhóm xã hội khác nhau trong bối cảnh văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam đương đại. Nghiên cứu này cũng đóng góp các bằng chứng khoa học trong việc xây dựng cơ sở lý luận cho các nghiên cứu về giá trị trong xã hội Việt Nam hiện nay.

 

Nghiên cứu đã sử dụng tiếp cận xã hội học, các lý thuyết đương đại về giá trị và giá trị gia đình để xây dựng bảng hỏi nghiên cứu gồm khoảng 800 biến số đo lường cụ thể các chiều cạnh khác nhau của giá trị gia đình, triển khai khảo sát bằng phương pháp hỏi trực tiếp giữa điều tra viên và người trả lời ở tất cả các địa bàn khảo sát, với tổng số 1759 người, được chọn theo các tiêu chí đảm bảo đại diện giới tính, nông thôn/đô thị, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, và tuổi, tại 6 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng kinh tế xã hội, gồm Yên Bái, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Dak Lak, thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau; với các kỹ thuật phân tích mô tả và hồi quy đa biến kết hợp với các phỏng vấn sâu nhóm cán bộ lãnh đạo, đại diện người dân.

 

Cuốn sách "Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại" phân tích bốn nhóm giá trị gia đình cơ bản sau:

 

1) Các giá trị gia đình truyền thống;

2) Các giá trị gia đình được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật và chính sách;

3) Các giá trị cộng đồng phản ánh mối quan hệ của gia đình với quốc gia và dân tộc;

4) Các giá trị phản ánh sự chuyển đổi từ hiện đại sang hậu hiện đại.

 

Những giá trị này được phân tích theo năm lĩnh vực chính:

 

(1) Nhóm giá trị về hình thành hôn nhân và gia đình.

(2) Nhóm các giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình.

(3) Nhóm các giá trị con cái của gia đình.

(4) Nhóm các giá trị phản ánh đặc điểm các mối quan hệ trong và ngoài gia đình.

(5) Nhóm các giá trị kinh tế của gia đình.

 

Nghiên cứu cho thấy những biểu hiện phong phú các đặc điểm giá trị gia đình nổi bật trong bối cảnh xã hội chuyển đổi ở Việt Nam, bao gồm các đặc trưng về xu hướng bảo lưu các giá trị gia đình truyền thống; xu hướng chấp nhận/ủng hộ các giá trị gia đình hiện đại/hậu hiện đại; những khác biệt giới rõ nét trong giá trị gia đình, theo từng nhóm xã hội mang những đặc điểm khác nhau của hiện đại hoá và văn hoá, dưới những tác động phức hợp của tính đa dạng văn hoá, đa tộc người, định hướng xã hội chủ nghĩa, giá trị phương Tây của quá trình hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học công nghệ, và cả những tàn dư của thời kỳ phong kiến trong lĩnh vực gia đình.

 

Cuốn sách gồm 529 trang, chia làm 8 Chương như sau:

 

Chương 1.Khái niệm, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Chương 2. Bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội

Chương 3. Giá trị về hình thành hôn nhân và gia đình

Chương 4. Giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình

Chương 5. Giá trị con cái của gia đình

Chương 6. Giá trị các mối quan hệ trong và ngoài gia đình

Chương 7. Các giá trị kinh tế của gia đình

Chương 8. Kết luận và khuyến nghị về các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại.

 

Cuốn sách chuyên khảo này là tài liệu hữu ích cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng chính sách về gia đình Việt Nam hiện nay. Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới xin trân trọng giới thiệu và kính mời các nhà khoa học, các nhà quản lý, và quý vị quan tâm tìm đọc cuốn sách này./.

 

2022

Phan Thị Thanh Mai

Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam


Tải về