Liên kết web
Số lượt truy cập

27

2858540

Hoạt động Khoa học

Cần quan tâm chính sách về nhà ở, thu nhập cho phụ nữ di cư

02/03/2022
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 2/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức hội thảo kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù với chủ đề “Nhóm phụ nữ di cư: Kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ” tại TPHCM. Tiến sĩ Bùi Thị Hoà, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng viện Nghiên cứu gia đình và giới; Tiến sĩ Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM chủ trì hội thảo.

Hội thảo nhằm cung cấp, thảo luận kết quả khoa học và kinh nghiệm thực tiễn từ đề tài nghiên cứu; xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về thực trạng và viêc thực thi chính sách, các mô hình bảo vệ và hỗ trợ nhóm phụ nữ di cư trên cơ sở thảo luận những kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề tài tại các địa bàn nghiên cứu.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Bùi Thị Hòa cho rằng, mặc dù các chính sách hiện hành đã tương đối đầy đủ, phần nào giải quyết những vấn đề đặt ra hiện nay đối với các nhóm dân số nhất định. Tuy nhiên, mức độ bao trùm của chính sách cũng như mức độ tiếp cận và thụ hưởng chính sách của các nhóm dân số còn có sự cách biệt. Chẳng hạn, trong nhóm những người di cư, phụ nữ di cư làm ở khu vực phi chính thức gặp nhiều khó khăn hơn trong việc có được chỗ ở tối thiểu. Họ phải sống trong những điều kiện khó khăn, chỗ ở tạm thời, thiếu an toàn và thiếu các dịch vụ cơ bản. Hoặc các vấn đề đặt ra hiện nay với nhóm phụ nữ cao tuổi trong xu hướng “nữ hóa” dân số cao tuổi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng phụ nữ cao tuổi neo đơn, nghèo đói, bị bạo lực, sức khỏe yếu kém đang là những vấn đề đặt ra hiện nay. Chính vì vậy, đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia "Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù" là 1 đề tài có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tổ chức Hội mà còn đối với các nhóm phụ nữ nói chung.

 

“Kết quả của đề tài sẽ cung cấp những căn cứ, luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm giúp Hội LHPN Việt Nam đề xuất giải pháp, chính sách đặc thù trong bối cảnh tình hình hiện nay đặt ra nhiều vấn đề mới cần quan tâm hỗ trợ, bảo vệ cho các nhóm phụ nữ. Khuyến nghị của đề tài nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; đồng thời, cụ thể hóa những vấn đề được xác định tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới và cung cấp căn cứ khoa học, thực tiễn xây dựng Văn kiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.”- TS. Bùi Thị Hoà nhấn mạnh.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng viện Nghiên cứu gia đình và giới, cho rằng lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới như chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử; học vấn thấp, trên 60% học đến bậc trung học cơ sở, tiểu học chiếm 22%. Những lao động này chưa qua đào tạo chiếm 83,7%, bậc sơ cấp, trung cấp là 13%. Họ không có nghề nghiệp gì trong tay. Tại TPHCM, đa số đến làm thuê, buôn bán nhỏ, buôn bán hàng rong và giúp việc nhà.

 

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, thu nhập trung bình của phụ nữ di cư chỉ hơn 3,1 triệu đồng; tỷ lệ phụ nữ di cư có mức thu nhập trên 5 triệu còn thấp hơn so với tỷ lệ người có mức thu nhập dưới 3 triệu và bằng hơn một nửa so với phụ nữ di cư có mức thu nhập trên 3-5 triệu. “Điều đó cho thấy thu nhập của phụ nữ di cư tại 5 tỉnh khảo sát là rất thấp.”- PGS.TS Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh và cho biết kết quả từ khảo sát này cũng cho thấy, hầu hết 81,8 % thu nhập của phụ nữ di cư đều bị giảm so với trước Covid-19.

 

PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho rằng việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư rất quan trọng nhưng đào tạo nghề phải gắn với việc làm, nếu chỉ đào tạo họ sẽ không quan tâm, hứng thú vì không hiệu quả, thiết thực.

 

Bên cạnh đó, chính sách cho phụ nữ di cư phải cụ thể, thiết thực như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh,... sao cho thuận lợi để phù hợp với tính chất việc làm của họ; mở rộng các khu vui chơi, thể thao, giải trí của TP, với người lao động có thể mở miễn phí để họ tham gia.

 

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, đề ra các giải pháp về mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách và các hoạt động bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ di cư trên địa bàn TP; tiếp cận dịch vụ xã hội, lao động, việc làm và mô hình bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ di cư; đảm bảo an toàn cho phụ nữ di cư. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về các vấn đề hiện nay đối với các gia đình di cư lao động trên địa bàn TP; nhu cầu bảo vệ và hỗ trợ của phụ nữ di cư trên địa bàn TP. Một số vấn đề cần quan tâm trong bảo vệ và hỗ trợ nhóm phụ nữ di cư tại TP.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội, phụ nữ di cư mang theo rất nhiều trách nhiệm và nhiều rủi ro. Họ luôn ở tâm thế là người lao động tự do yếu thế, chính vì vậy họ luôn ngại tiếp xúc với những gì "chính thức". Vì vậy những chính sách dịch vụ phúc lợi công không đến được với họ. Do đó, cần cụ thể hoá các gói chính sách và quan tâm đặc biệt hơn. “Hiện nay, có những nhóm lao động nghề đang hình thành rất tốt và được bảo trợ bởi những nhà chuyên môn như mô hình thu gom rác dân lập tại TPHCM, họ liên kết với nhau, tự làm, tự thuê các dịch vụ và được nhận lại từ tiền người dân đóng vào dịch vụ thu gom rác chứ không được nhận các chính sách như những người trong Công ty lao động Công ích. Tuy nhiên họ đang duy trì được mạng lưới nghề nghiệp rất tốt và tôi cho rằng những mô hình này cần phải phát huy”- đồng chí Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.

TS. Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định: những nỗ lực thiết thực của các ngành chức năng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thời gian tới, để giúp nữ lao động di cư được tiếp cận nhiều hơn với chính sách an sinh xã hội, thì các ngành chức năng cần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, tạo độ bao phủ rộng trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư.

 

 

Long Hồ

(Nguồn: Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố HCM)