Liên kết web
Số lượt truy cập

23

2073499

Hoạt động Khoa học

Hội thảo “CÔNG BỐ CÁC CHỈ SỐ BÌNH ĐẲNG GIỚI”

19/08/2023
Ngày 25/4/2023 tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ cấp Bộ “Xây dựng Bộ chỉ số về Bình đẳng giới” thuộc Chương trình cấp Bộ “Xây dựng Bộ chí số đảm bảo an sinh quốc gia” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì đã tổ chức hội thảo: “Công bố các chỉ số bình đẳng giới” để chia sẻ kết quả nghiên cứu và lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện bộ chỉ số.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội như Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Viện Khoa học Lao động và Xã hội Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Tâm lý học, Viện Nghiên cứu Con người, Viện Xã hội học, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Chương trình phát triển của liên hợp quốc (UNDP), v.v...

 

GS.TS Đặng Nguyên Anh, chủ nhiệm Chương trình cấp Bộ “Xây dựng Bộ chí số đảm bảo an sinh quốc gia” đã phát biểu khai mạc Hội thảo. GS.TS Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh Bộ chỉ số Bình đẳng giới đã được nhóm nghiên cứu xây dựng và thử nghiệm trong vòng 2 năm qua. Hội thảo ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng để các đại biểu đóng góp ý kiến. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện để có thể tiến hành nghiệm thu và sau đó đề xuất với Chính phủ về Bộ chỉ số Bình đẳng giới cũng như sự cần thiết của việc thu thập, tổng hợp các số liệu có liên quan cho việc tính toán Bộ chỉ số.

 

Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Trần Thị Hồng, chủ nhiệm nhiệm vụ đã nêu: Trong các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được xác định vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có bộ chỉ số tổng hợp về bình đẳng giới. Việc đánh giá bình đẳng giới hiện thường dựa vào các chỉ số quốc tế và các chỉ tiêu đơn lẻ ở các chiến lược, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước... dẫn đến thực tế khó đánh giá tổng hợp về bình đẳng giới ở Việt Nam, nhất là khi so sánh giữa các tỉnh. Chính vì thế, việc xây dựng Bộ chỉ số về bình đẳng giới cấp quốc gia và cấp tỉnh có tính chất phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của Việt Nam là cần thiết. Dựa trên tiếp cận lý thuyết về bình đẳng, công bằng, tiếp cận năng lực, các quy định quốc tế và trong nước về bình đẳng giới cũng như kinh nghiệm của quốc tế và một số quốc gia trong xây dựng bộ chỉ số về bình đẳng giới, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ chỉ số bình đẳng giới gồm 2 chỉ số tổng hợp: (1) chỉ số tổng hợp kết quả bình đẳng giới gồm 3 chỉ số thành phần, trong đó có 18 chỉ số đơn và (2) chỉ số tổng hợp các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới với 3 chỉ số thành phần, trong đó có 7 chỉ số đơn.

 

 Thay mặt nhóm nghiên cứu GS.TS Nguyễn Hữu Minh đã trình bày kết quả thử nghiệm tính bộ chỉ số về bình đẳng giới cấp quốc gia. Theo GS.TS các chỉ số đơn đều được chuẩn hóa gán trọng số để tính chỉ số tổng hợp về bình đẳng giới. Số liệu để tính chỉ số bình đẳng giới sử dụng từ nguồn số liệu thống kê, số liệu các cuộc điều tra quốc gia và số liệu khảo sát tại tỉnh Thái Nguyên và Sóc Trăng. Chỉ số tổng hợp kết quả bình đẳng giới của Việt Nam tính toán trên số liệu năm 2021 đạt mức điểm trung bình là 60/100. Kết quả này cho thấy, Việt Nam cần phải tiếp tục phấn đấu nhằm đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến chia sẻ, góp ý. Trong đó, các ý kiến đều thống nhất rằng, việc xây dựng bộ chỉ số Bình đẳng giới đảm bảo an sinh quốc gia là cần thiết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được cơ sở lý luận và phương pháp tính chỉ số phù hợp, dễ hiểu và có khả năng áp dụng. Bện cạnh đó, cũng còn một số ý kiến băn khoăn về việc chỉ số này có thể so sánh ở cấp độ quốc tế, hay tính đại diện, tính đặc thù của một vài chỉ số đơn liệu đã phản ảnh rõ vấn đề bình đẳng giới chưa? Đồng thời, các chỉ số đơn cần có tính khả thi cao trong thu thập, tránh tình trạng sau này không có số liệu để tính toán.

 

Kết thúc hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Chủ nhiệm Chương trình đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ và khẳng định sự thành công của Hội thảo. Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp rất có giá trị trong việc hoàn thiện Bộ chỉ số Bình đẳng giới. GS.TS. Đặng Nguyên Anh giao nhiệm vụ cho nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng bộ chỉ số về Bình đẳng giới có tính khái quát, thực thi cao để trong thời gian tới có thể sử dụng đánh giá thực trạng bình đẳng giới ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và đáp ứng mục tiêu an sinh quốc gia giai đoạn 2021-2030.

 

Nguyễn Đức Tuyến


Tải về