Liên kết web
Số lượt truy cập

15

1932950

Chi tiết tạp chíSố 5 - 2016

Hội thảo Tăng cường lăng kính giới trong nghiên cứu sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam

Tác giả:

Trang: 96

Trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 2016, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Tăng cường lăng kính giới trong nghiên cứu sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) đồng tổ chức, thu hút sự tham gia của các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, bao gồm Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội; các cán bộ chuyên trách của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia; và đại diện của các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Oxfam Việt Nam, Care International Việt Nam, CABI. Hội thảo hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc áp dụng một “lăng kính giới” trong các chương trình nghiên cứu về sản xuất và thị trường nông nghiệp tại Việt Nam, qua đó nhằm mở rộng hiểu biết về các khía cạnh giới trong sản xuất và thị trường nông nghiệp tại Việt Nam, xác định các phương pháp phù hợp để lồng ghép giới vào các hoạt động dự án; và thúc đẩy chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan về các vấn đề nghiên cứu. Hội thảo được chia thành 7 phiên làm việc, tập trung vào 7 chủ đề chính, bao gồm: (1) Giới trong nghiên cứu nông nghiệp; (2) Lồng ghép giới vào các dự án nghiên cứu ACIAR ở Việt Nam – bài học từ Việt Nam; (3) Vấn đề giới trong phát triển chuỗi giá trị: góc nhìn từ thực tiễn; (4) Xác định các cơ hội và thách thức về giới trong chuỗi giá trị; (5) Báo cáo về các vấn đề về giới; (6) Giới thiệu về các công cụ cơ bản và phương pháp tiếp cận để lồng ghép vấn đề giới trong suốt các giai đoạn nghiên cứu; và (7) Cơ hội, hiệp lực và các ưu tiên. Trong phiên họp về lồng ghép giới vào các dự án nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đã có bài trình bày về chủ đề “Phụ nữ nông dân với tăng trưởng toàn diện tại Việt Nam”, qua đó cung cấp những bằng chứng khoa học về những “khoảng trống” trong chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và gợi mở những chính sách, biện pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hoạt động nông nghiệp ở Việt Nam, tăng cường bình đẳng giới trong lĩnh vực vốn đang có nhiều định kiến giới là nông nghiệp ở Việt Nam. Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kiến thức về các khía cạnh giới trong sản xuất nông nghiệp và tác động của giới đối với nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam. Các diễn giả tin rằng, những đặc trưng về giới trong xã hội Việt Nam sẽ làm giảm hiệu quả trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học và khiến vấn đề bất bình đẳng giới trở nên trầm trọng hơn. Các diễn giả cũng nhận định, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi nhanh chóng và tích cực. Mức độ hội nhập, thương mại hóa, nhu cầu sử dụng công nghệ tiết kiệm sức lao động trong nông nghiệp ngày càng tăng. Những yếu tố này không những tác động đến hình thái nông thôn và cộng đồng, mà còn đưa lại những thách thức với vai trò truyền thống của giới.

Hội thảo giữa kỳ đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Cơ sở năm 2016 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: PV

Trang: 95

Trong 2 ngày 22 và 23 tháng 9 năm 2016, tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động khoa học thường niên năm 2016, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo giữa kỳ báo cáo kết quả và tiến độ các đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Cơ sở của Viện. Hội thảo thu hút sự tham gia của lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Hội thảo chia làm bốn phiên họp với bốn chủ đề: nghiên cứu về phụ nữ, nghiên cứu về trẻ em, nghiên cứu về gia đình và nghiên cứu về giới. Phiên họp thứ nhất do PGS.TS Nguyễn Hữu Minh chủ trì, gồm ba đề tài: Vai trò của phụ nữ qua công việc gia đình (TS. Trần Thị Hồng trình bày); Vai trò của người phụ nữ trong làng nghề truyền thống - nghiên cứu hai làng nghề truyền thống tại Hà Nội (ThS. Nguyễn Đức Tuyến trình bày); Một số vấn đề lý thuyết trong nghiên cứu về phụ nữ đơn thân (ThS. Vũ Thị Cúc trình bày). Phiên thứ hai do TS. Trần Thị Minh Thi chủ trì với các báo cáo về chủ đề trẻ em, bao gồm: Báo cáo thường niên 2016: Chăm sóc con cái trong gia đình Việt Nam hiện nay (ThS. Lê Ngọc Lân trình bày); Biến đổi chất lượng dân số trẻ em dưới 6 tuổi trong giai đoạn 2000-2015: qua phân tích một số cuộc khảo sát quốc gia (ThS. Trần Quý Long trình bày); và Quyền trẻ em trong gia đình ở Việt Nam: nghiên cứu trường hợp từ 10 đến 17 tuổi (ThS. Đặng Bích Thủy trình bày). Phiên thứ ba do PGS.TS. Lê Ngọc Văn chủ trì, đề cập đến các vấn đề trong gia đình, bắt đầu với đề tài cấp bộ về Mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở nông thôn Việt Nam qua 30 năm đổi mới do PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh làm chủ nhiệm. Tiếp đến là 2 đề tài cấp cơ sở về Vai trò của người con cả trong gia đình đồng bằng Bắc Bộ - qua nghiên cứu trường hợp thôn Đầm Quán, Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội (ThS. Lê Thị Hồng Hải trình bày) và Biến đổi chức năng tâm lý – tình cảm của các gia đình ở các nước trên thế giới và Việt Nam (ThS. Nguyễn Hà Đông trình bày). Phiên họp cuối cùng do TS. Đặng Thị Hoa chủ trì chia sẻ những kết quả đạt được cho đến nay của các đề tài nghiên cứu về giới của ThS. Bùi Thị Hương Trầm (ảnh hưởng của mối quan hệ vợ chồng đến quan niệm hạnh phúc của người phụ nữ - qua khảo sát tại Ninh Bình); ThS. Trần Thị Thanh Loan (Phân công lao động và quyền quyết định giữa vợ và chồng trong gia đình dân tộc thiểu số); và CN. Trần Thị Cẩm Nhung (Tuổi kết hôn lần đầu và một số yếu tố tác động qua phân tích một số cuộc khảo sát). Trên cơ sở các ý kiến góp ý, nhận xét và đánh giá của các đại biểu tại Hội thảo, các chủ nhiệm đề tài cấp bộ và cấp cơ sở sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung và phần việc còn lại của đề tài. Đánh giá chung về tiến độ và kết quả của các đề tài, PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, khẳng định rằng, cho dù còn có những khó khăn và trở ngại trước mắt, các đề tài về cơ bản đã hoàn thành tốt phần công việc chính và đảm bảo tiến độ đã ký kết. Ông cũng cho rằng những góp ý và nhận xét của các đại biểu tham dự Hội thảo là thực sự hữu ích cho các chủ nhiệm đề tài trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc phân chia có hệ thống các đề tài cấp bộ và cấp cơ sở sẽ tạo nguồn dữ liệu, tài liệu bổ ích, làm nền tảng cho định hướng nghiên cứu khoa học trong những năm tiếp theo của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Tác động của chủ nghĩa tự do mới đối với quá trình chuyển đổi nhân khẩu xã hội ở Mexico và Việt Nam: một nghiên cứu so sánh

Tác giả: Lukasz Czarnecki

Trang: 79-94

File toàn văn đính kèm: Tải về

Ở Mexico và Việt Nam, việc thực hiện các chính sách tự do mới vào cuối thập niên 80 đã dẫn đến những chuyển đổi trong đời sống xã hội và nhà nước. ở Mexico, những chương trình điều chỉnh cơ cấu và cải cách thị trường được thực hiện dưới thời kỳ Tổng thống Mguel de la Madrid (1982-1988). ở Việt Nam, chính phủ thực hiện chương trình Đổi mới nền kinh tế theo định hướng thị trường. Bài viết này sẽ so sánh những tác động của chủ nghĩa tự do mới đối với những chuyển đổi nhân khẩu xã hội ở hai quốc gia thông qua phân tích các yếu tố nhóm tuổi, học vấn và tình trạng việc làm. Kết quả cho thấy tốc độ già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ và một số vấn đề đặt ra ở cả hai quốc gia như tỷ lệ mù chữ vẫn tồn tại, khoảng cách giới trong tỷ lệ đến trường và điều kiện làm việc ở khu vực phi chính thức. Nghiên cứu sẽ góp phần cung cấp thêm hiểu biết về những thách thức đối với quá trình xây dựng chính sách công trong thời đại tự do mới.

Phong trào làng mới ở Hàn Quốc và một số hàm ý về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh

Trang: 67-78

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này bàn về phong trào làng mới ở Hàn Quốc và qua đó nêu lên một số hàm ý đối với vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam(1). Trước hết, bài viết đề cập đến bối cảnh lịch sử, phương pháp thực hiện, các giai đoạn phát triển và những thành tựu chính cũng như nhân tố làm nên thành công của phong trào làng mới. Trên cơ sở đó, bài viết nhấn mạnh đến một số bình diện phản ánh vai trò của phụ nữ trong phong trào làng mới ở Hàn Quốc như: việc lãnh đạo phong trào ở làng, tổ chức phụ nữ ở nông thôn tham gia xây dựng làng mới, và sáng kiến của họ trong quá trình thực hiện phong trào. Đây cũng chính là những cơ sở để nêu lên một số hàm ý đối với vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay.

Quan niệm về hoạt động dòng họ (Qua khảo sát tại Nghệ An)

Tác giả: Bùi Thị Hương Trầm

Trang: 54-66

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu điều tra “Mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở nông thôn Việt Nam qua 30 năm Đổi mới” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2015, bài viết tìm hiểu quan niệm về hoạt động dòng họ. Kết quả phân tích cho thấy, trong quan niệm của người dân, hoạt động dòng họ là nét đẹp văn hóa được giữ gìn và phát huy. Hoạt động dòng họ mang tính tiếp nối, lan tỏa và biến đổi. Quan hệ dòng họ in dấu ấn ở hầu hết các mặt của đời sống, thiết lập thế tương quan giữa các cá nhân và nhóm xã hội theo nhiều chiều cạnh. Tác giả cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế thị trường hiện nay, điều quan trọng cần phải lưu tâm chính là việc khai thác tính nhân văn nền tảng của hoạt động dòng họ để vừa có thể bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống lại vừa kết nối phù hợp với những giá trị hiện đại.

Quan hệ họ hàng trong chăm sóc người cao tuổi ở một vùng nông thôn Bắc Trung bộ

Tác giả: Hà Thị Minh Khương

Trang: 42-53

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu của Đề tài cấp Bộ “Mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở nông thôn Việt Nam qua 30 năm đổi mới” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2015-2016, bài viết tìm hiểu mối quan hệ họ hàng trong chăm sóc người cao tuổi ở một vùng nông thôn thuộc khu vực Bắc Trung bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn người cao tuổi trong dòng họ đều nhận được sự chăm sóc và thăm hỏi thường xuyên chăm sóc từ các con cháu trưởng thành đã lập gia đình riêng, nhất là người cao tuổi có sức khỏe yếu. Hình thức chăm sóc người cao tuổi khá đa dạng, phổ biến là thăm hỏi và biếu quà, nhưng có khác biệt theo họ nội tộc và ngoại tộc, theo đặc trưng cá nhân và hộ gia đình. Mức độ tham gia việc họ hàng của con cháu trưởng thành và khoảng cách nơi ở là hai yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ tới việc thăm hỏi thường xuyên người cao tuổi. Người cao tuổi ở họ nội tộc cũng nhận được sự thăm hỏi thường xuyên của con cháu trưởng thành cao hơn đáng kể so với người cao tuổi ở họ ngoại ruột.

Mô hình sắp xếp nơi ở của người cao tuổi hiện nay và những yếu tố ảnh hưởng

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 25-41

File toàn văn đính kèm: Tải về

Sử dụng số liệu khảo sát 480 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên ở một xã nông thôn và một phường đô thị của tỉnh Ninh Bình và tỉnh Tiền Giang, bài viết phân tích đặc điểm về sắp xếp nơi ở của người cao tuổi hiện nay, người quyết định mô hình nơi ở đó và các yếu tố ảnh hưởng đến sắp xếp nơi ở của người cao tuổi(1). Kết quả nghiên cứu cho thấy phổ biến nhất là mô hình chung sống với gia đình con, đặc biệt là con trai. Mô hình sống phổ biến thứ hai là ở với bạn đời. Về đặc điểm nhân khẩu học, nhóm người cao tuổi lựa chọn giải pháp sống chung với con cái thường ở độ tuổi khá cao và thuộc khu vực nông thôn miền Bắc. Trong khi đó, nhóm người cao tuổi sinh sống cùng bạn đời thường là nam giới, có mức sống khá giả, sống ở các đô thị thuộc khu vực phía Nam. Nhóm người cao tuổi ở một mình thường là nữ giới, nghèo, tuổi cao, có tiết kiệm, ít làm việc trong khu vực nông nghiệp, không có con cháu chăm sóc hàng ngày và có họ hàng giúp đỡ khi gặp khó khăn. Những kết quả này gợi ra rằng, trong xã hội Việt Nam hiện tại, con cái vẫn giữ một vai trò quan trọng trong chăm sóc người cao tuổi, thay thế gần như hoàn toàn cho sự hỗ trợ của chính quyền, họ hàng, bạn bè.

Tác động của toàn cầu hóa văn hóa đến gia đình Melayu ở Malaysia

Tác giả: Phạm Thanh Tịnh

Trang: 15-24

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết phân tích tác động của toàn cầu hóa văn hóa đến gia đình Melayu ở Malaysia trên bình diện cấu trúc và đặc điểm hộ gia đình và bình diện mối quan hệ trong gia đình và các giá trị(1). Bài viết cho thấy ở Malaysia, con số hộ gia đình đang tăng nhanh chóng và tỷ lệ nghịch với kích thước hộ gia đình, tỷ lệ hộ gia đình hạt nhân vẫn ở mức cao và xuất hiện nhiều hơn những kiểu gia đình ngoài khuôn mẫu gia đình hai thế hệ. Các yếu tố văn hóa toàn cầu tác động ngày càng mạnh đến các giá trị truyền thống: quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo hơn; suy giảm dần quyền kiểm soát của thế hệ già đối với cuộc sống của thế hệ trẻ, của nam giới đối với phụ nữ; vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và các giá trị gia đình cũng đang thay đổi; chuyển đổi trong quan niệm và thái độ của giới trẻ đối với hôn nhân, gia đình và các giá trị truyền thống v.v..

Khung chính sách liên quan đến chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam 1986-2016: Thực trạng và vấn đề

Tác giả: Nguyễn Chiến Thắng, Lý Hoàng Mai

Trang: 3-14

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này nhằm đánh giá khung chính sách ảnh hưởng đến chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam giai đoạn 1986 – 2016 và nêu lên những quan điểm định hướng chính sách trong giai đoạn tiếp theo. Các chính sách ảnh hưởng đến gia đình nói chung và chức năng kinh tế của gia đình nói riêng của Việt Nam thường nằm rải rác trong các chính sách về xóa đói giảm nghèo, việc làm, tín dụng và nông nghiệp nông thôn, đã giúp đạt được các mục tiêu đề ra của Chính phủ: cải thiện tình trạng đói nghèo, nâng cao phúc lợi cho người nghèo của các hộ gia đình ở nông thôn; tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và xuất khẩu lao động; góp phần mở rộng ngành nghề cho các hộ gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên các chính sách được cho là vẫn còn những hạn chế cần khắc phục khi chưa tạo được sự gắn kết chung trong mục tiêu giảm nghèo, chưa tập trung đúng mức vào việc giải quyết nguyên nhân của đói nghèo, chưa chú trọng đến chất lượng việc làm, chưa tính đến hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn v.v..