Liên kết web
Số lượt truy cập

18

1932800

Chi tiết tạp chíSố 5 - 2014

Hội thảo Xây dựng kế hoạch điều tra di cư nội địa năm 2015

Tác giả: Thanh Nhàn

Trang: 96

Di cư ở Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là di cư trong nước. Các nguồn số liệu đầy đủ về di cư là một cơ sở rất quan trọng để các nhà hoạch định chính sách đánh giá mối quan hệ giữa di cư và phát triển và đưa ra những biện pháp tích cực để di cư có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, các nghiên cứu về di cư vẫn còn thiếu và còn nhiều hạn chế. Các nghiên cứu về di cư phần lớn sử dụng số liệu của các cuộc điều tra cấp quốc gia không phải về di cư hoặc các điều tra về di cư nhưng quy mô rất nhỏ nên chưa có cơ sở để đánh giá toàn diện mối quan hệ giữa di cư và phát triển. Chính vì vậy, ngày 11 tháng 6 năm 2014, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc hội thảo “Xây dựng kế hoạch điều tra di cư nội địa năm 2015” tại Hà Nội. Đến dự buổi hội thảo có đại diện của các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu và các trường đại học. Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và ông Arthur Erken, trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu lời chào mừng và khai mạc hội thảo. Tham luận của PGS.TS Philip Guest, đến từ Đại học Madihol, Thái Lan đã nêu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết có thông tin về di cư cho việc xây dựng chính sách phát triển của các quốc gia, đồng thời cũng đưa ra những kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện các điều tra di dân và khuyến nghị cho các nghiên cứu về di cư cần ưu tiên ở Việt Nam. Trong phần trình bày của mình về Thực trạng nguồn số liệu về Điều tra di cư của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động – Tổng cục Thống kê đã chỉ ra những hạn chế chính của các nguồn số liệu hiện có và đưa ra những khuyến nghị cho các cuộc điều tra về di cư tiếp theo. Bài tham luận của TS. Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm rõ thêm nhu cầu nghiên cứu mối quan hệ giữa di cư nội địa và phát triển ở Việt Nam thông qua việc phân tích các cuộc điều tra qui mô quốc gia và các cuộc điều tra qui mô nhỏ lẻ ở một số địa phương trong cả nước. Trong phiên thảo luận, các chuyên gia và các nhà quản lý đã đưa ra những ý kiến đóng góp hữu ích về phương pháp, đối tượng và nội dung cho cuộc điều tra di cư nội địa vào năm 2015 như: cần áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với định tính; đối tượng nghiên cứu bao gồm cả người di cư dài hạn và ngắn hạn; các nội dung nghiên cứu cần được đa dạng hóa dưới các chiều cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và giới…để cuộc điều tra này thực sự đáp ứng được những thông tin về tình hình di cư đang còn thiếu hụt ở các điều tra về di cư đã thực hiện trước đó, đặc biệt đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu về mối quan hệ giữa di cư và phát triển của các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách.

Hội thảo quốc tế “Nhà ở khu dân cư nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh và những giải pháp hướng đến môi trường sống bền vững”

Tác giả: Anh Thư

Trang: 95

Với mục tiêu đánh giá tình trạng nhà ở của người dân các khu dân cư nghèo; chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế; đề xuất những giải pháp hướng đến môi trường sống tốt hơn trong tương lai, Khoa Xã hội học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHKHXH&NV) đã phối hợp cùng tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (RLS – Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế “Nhà ở khu dân cư nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh và những giải pháp hướng đến môi trường sống bền vững” trong hai ngày 1 và 2 tháng 10 năm 2014 tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo lần này là một hợp phần trong dự án 3 năm “Nâng cao năng lực cho cộng đồng và chính quyền địa phương trong tham gia và nâng cao môi trường sống khu vực dân cư nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh” đã và đang được nhóm nghiên cứu trường ĐHKHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với sự tài trợ của tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung, triển khai giai đoạn 2012-2014. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và hoạch định chính sách đô thị đến từ Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam. Về phía Việt Nam, nhiều đại biểu đến từ các cơ quan lập pháp, tổ chức chính quyền, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ ở các tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Bình Dương, Cần Thơ và thành phố Hồ Minh đã chia sẻ các quan điểm và góc nhìn của mình tại hội thảo. Có thể xem Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, các giảng viên, sinh viên cũng như người dân hiện đang sinh sống ở các khu vực dân cư nghèo thảo luận về tình trạng nhà ở hiện tại của người nghèo, chia sẻ những thách thức và sáng kiến nhằm cải thiện môi trường sống của họ. Hội thảo diễn ra trong 5 phiên chính với 16 báo cáo bao gồm: các vấn đề chung về nhà ở cho người nghèo (4 báo cáo); các nghiên cứu về nhà ở cho người nghèo (3 báo cáo); Các chương trình, dự án can thiệp về nhà ở (3 báo cáo); chính sách nhà ở cho người nghèo (3 báo cáo); và kết quả thảo luận về nghiên cứu, can thiệp và chính sách đối với vấn đề nhà ở cho người nghèo (3 báo cáo). Các đại biểu tham dự hội thảo đã có nhiều ý kiến phản hồi xác đáng về hoạt động nghiên cứu khoa học, các chương trình dự án can thiệp và đặc biệt là góp ý cho hoạt động hoạch định chính sách nhà ở cho người nghèo. Nhiều vấn đề bức thiết liên quan đến chất lượng sống của người dân khu dân cư nghèo; những khó khăn khiến chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp khó đi vào thực tế; cơ chế để người nghèo tiếp cận hoặc hưởng các ưu đãi từ chính sách nhà nước về nhà ở; văn hóa sở hữu nhà và thuê nhà … cũng được đề cập trong hội thảo. Qua hơn một ngày rưỡi hội thảo, tổng cộng đã có gần 100 lượt ý kiến phát biểu với hình thức trao đổi, đóng góp ý kiến đề xuất, phân tích bình luận và cả đặt câu hỏi cho các báo cáo viên. Một số khái niệm quan trọng như “nghèo đa chiều”; chuẩn nghèo, cách tiếp cận đồng tham gia, quá trình hoạch định và thực thi chính sách xã hội “từ trên xuống” và “từ dưới lên” được đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc và sôi nổi tại hội thảo. Hội thảo tiếp tục gợi ra nhiều câu hỏi cần đến sự quan tâm của giới khoa học, nhà công tác xã hội, nhà quản lý đô thị cũng như nhà hoạch định chính sách, ví dụ như các câu hỏi về cách thức thu hút sự tham gia của người dân ngay từ đầu vào quá trình hoạch định chính sách; cách thức để có được sự phối hợp giữa các bên: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và người dân; cách thức giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu phát triển hạ tầng cơ sở và bảo tồn môi trường sống nhân văn cho người dân; hay cách thức để người nghèo giảm bớt những thiệt hại và tổn thương trong tiến trình phát triển.

Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học năm 2013 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: Phí Hải Nam

Trang: 94

Nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học thường niên, trong tháng 6 và tháng 8 năm 2014, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức 2 Hội thảo khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học năm 2013 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Tham dự Hội thảo gồm có Lãnh đạo Viện và các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Hội thảo thứ nhất được tổ chức vào ngày 19/6/2014, được chia làm 2 phiên với các chủ đề: Nghiên cứu về phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, và Nghiên cứu về gia đình. Phiên thứ nhất với chủ đề Nghiên cứu về phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, gồm 3 báo cáo: Giới và lao động việc làm ở nông thôn kể từ khi gia nhập WTO; Bạo lực đối với người cao tuổi trong gia đình và một số vấn đề đặt ra; Tiếp cận giáo dục mầm non của trẻ em ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tại phiên thứ hai, là các báo cáo về chủ đề Nghiên cứu về gia đình như: Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Bình); Quan niệm, mức độ và các yếu tố tác động đến hạnh phúc gia đình: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Quảng Ngãi; Ly hôn: Một số vấn đề lý thuyết, phương pháp và hướng nghiên cứu cần quan tâm. Hội thảo tiếp theo được tổ chức vào ngày 22/8/2014, gồm 2 phiên họp với các chủ đề: Nghiên cứu về quan hệ gia đình và giới và Nghiên cứu về trẻ em và vị thành niên. Phiên họp thứ nhất với chủ đề Nghiên cứu về quan hệ gia đình và giới, gồm 3 báo cáo: Mối quan hệ cha mẹ - con cái vị thành niên trong đời sống tâm lý, tình cảm ở Bắc Trung bộ; Một số yếu tố tác động đến mối quan hệ người cao tuổi và con cháu trong gia đình hiện nay: Nghiên cứu trường hợp Bắc Ninh; Một số vấn đề giới ở khu vực phi chính thức trong giai đoạn hiện nay. Tại phiên họp thứ hai về chủ đề Nghiên cứu về trẻ em và vị thành niên, gồm các báo cáo: Quyền chăm sóc sức khỏe trẻ em: Những vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay; Chăm sóc trẻ em trong gia đình dưới góc độ giới trong bối cảnh toàn cầu hóa; và cuối cùng là báo cáo về Định hướng giá trị của vị thành niên làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng trong phát triển làng nghề bền vững. Các báo cáo khoa học được trình bày tại Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi cả về nội dung và phương pháp nghiên cứu. Đánh giá kết quả của các Hôi thảo này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng: Các buổi Hội thảo khoa học này đã đạt được mục tiêu giới thiệu và chia sẻ các kết quả nghiên cứu của Viện trong thời gian qua, gợi mở các hướng nghiên cứu tiếp theo; đồng thời Hội thảo cũng là cơ hội để thu hút các cán bộ nghiên cứu trẻ được tham gia tích cực hơn vào hoạt động nghiên cứu và trao đổi khoa học để nâng cao năng lực nghiên cứu.

Sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái vị thành niên trong đời sống tâm lý, tình cảm ở khu vực Bắc Trung bộ

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 84-93

File toàn văn đính kèm: Tải về

Sử dụng số liệu khảo sát của đề tài cấp Bộ “Các quan hệ gia đình ở khu vực Bắc Trung Bộ trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện tại 4 xã và 2 phường thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 2013 đối với 605 hộ gia đình, bài viết nhằm tìm hiểu sự quan tâm của các bậc cha mẹ trong lĩnh vực đời sống tâm lý, tình cảm đối với con cái vị thành niên ở khu vực Bắc Trung Bộ. Kết quả phân tích cho thấy vị thành niên lớn tuổi hơn được các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Cha mẹ có học vấn cao hơn, gia đình ở khu vực thành thị, quy mô hộ nhỏ hơn và thuộc loại hình mở rộng có khả năng quan tâm đến con cái nhiều hơn. Ngược lại, vị thành niên ở trong gia đình mà cha mẹ có học vấn thấp hơn, quy mô lớn hơn, gia đình hạt nhân và cư trú ở khu vực nông thôn có khả năng nhận được sự quan tâm của các bậc cha mẹ ít hơn.

Lao động nữ trong khu vực phi chính thức hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 74-83

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên kết quả một số nghiên cứu gần đây, bài viết điểm lại một vài đặc điểm về việc làm của lao động nữ trong khu vực phi chính thức, thực trạng sự tham gia cũng như những khó khăn và thách thức mà họ đang phải đối mặt. Chiếm 48% trong số 11 triệu việc làm tại khu vực phi chính thức và thu hút đông đảo lao động di cư, bộ phận lao động nữ ở khu vực được cho là đang có xu hướng “nữ hoá” này hầu hết có xuất phát điểm là lao động tự do và gặp rất nhiều bất lợi về cơ hội và điều kiện làm việc, khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội cũng như mạng lưới an sinh xã hội. Dưới góc độ giới, bài viết cho thấy lao động nữ ở khu vực phi chính thức do có trình độ học vấn tương đối thấp so với mặt bằng học vấn của lao động nói chung và thấp hơn so với nam giới nên họ chủ yếu làm các công việc lao động chân tay và buôn bán tự do, làm các công việc nhẹ và ít tốn sức lực hơn nam giới nhưng họ nhận được mức lương thấp hơn và thời gian làm việc cũng phải kéo dài hơn so với nam giới.

Phụ nữ trong lãnh đạo chính trị ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Tác giả: Đặng ánh Tuyết

Trang: 65-73

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết tổng quan một số vấn đề lý luận giải thích việc có ít phụ nữ tham gia lãnh đạo chính trị và liên hệ thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Đứng trên quan điểm lý thuyết thiết chế giới của các học giả nữ quyền, tác giả đưa ra các bằng chứng từ thực tiễn lịch sử chứng minh những cách tiếp cận nhấn mạnh đến những giá trị văn hóa, chức năng xã hội hay những nguồn lực kinh tế hướng sự chú ý đến các yếu tố phi chính trị là phiến diện. Tác giả cho rằng các nghiên cứu về chủ đề này ở Việt nam hiện vẫn chưa vận dụng lý thuyết “thiết chế giới” để chỉ ra được cơ chế mà các thể chế chính trị ảnh hưởng tới cơ hội nắm giữ các vị trí lãnh đạo chính trị chủ chốt của phụ nữ Việt Nam. Tác giả chỉ ra một số rào cản liên quan đến luật pháp chính sách và các định kiến giới trong xã hội khiến vẫn còn ít phụ nữ Việt Nam tham gia lãnh đạo chính trị so với nam giới.

Bình đẳng giới trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ và tên chồng

Tác giả: Đặng Quang Trung

Trang: 58-64

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này tìm hiểu vấn đề bình đẳng giới trong việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hai địa bàn là thị trấn Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Nghiên cứu cho thấy số lượng phụ nữ tham gia các hoạt động liên quan đến quyền sử dụng đất đã có tăng lên, nhưng đa số người chồng vẫn là người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực này vẫn được nhiều người dân thừa nhận với biểu hiện chủ yếu là việc phụ nữ không được tham gia các giao dịch về đất đai và không được thừa kế đất đai. Và nguyên nhân chủ yếu đó là do định kiến giới vốn đề cao vai trò quan trọng của nam giới và coi nhẹ vai trò của nữ giới trong quyền làm chủ về tài sản lớn trong gia đình.

Giới và phát triển con người

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 47-57

File toàn văn đính kèm: Tải về

Cùng với sự ra đời của cách tiếp cận phát triển con người, các vấn đề giới trong mối quan hệ với tình trạng phát triển con người ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực phát triển. Mối quan tâm thường xoay quanh các vấn đề: Tại sao tiếp cận phát triển con người lại quan tâm tới vấn đề giới? Mối quan hệ giữa giới và phát triển con người là gì? Đo lường mối quan hệ giữa bình đẳng/bất bình đẳng giới và các kết quả phát triển con người bằng cách nào? Tác giả bài viết chia sẻ những quan điểm về tầm quan trọng của sự quan tâm tới vấn đề giới trong cải thiện tình trạng phát triển con người, với cách đặt vấn đề được đúc rút từ những nguyên tắc và quan niệm về phát triển theo cách tiếp cận phát triển con người do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khởi xướng. Tác giả cũng giới thiệu các chỉ số đo lường phát triển con người liên quan đến giới và một số vấn đề về bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay qua các chỉ số phát triển con người.

Các yếu tố tác động đến hạnh phúc vợ chồng, mức độ hài lòng với hôn nhân và cuộc sống gia đình của người dân (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Quảng Ngãi)

Tác giả: Lê Việt Nga

Trang: 37-46

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên dữ liệu của cuộc điều tra “Quan niệm, mức độ và các yếu tố tác động tới hạnh phúc gia đình: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Quảng Ngãi” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện trong 2 năm (2013-2014), bài viết tìm hiểu đánh giá của người dân về các yếu tố tác động đến hạnh phúc vợ chồng, mức độ hài lòng của họ về hôn nhân và cuộc sống gia đình. Kết quả cho thấy có nhiều yếu tố tác động đến hạnh phúc vợ chồng nhưng lòng chung thủy, sự quan tâm, là chỗ dựa lẫn nhau giữa vợ và chồng, và sự thống nhất trong giáo dục con cái là những yếu tố được nhiều người dân đánh giá cao hơn cả. Mức độ hài lòng với hôn nhân của người trả lời có mối quan hệ với các yếu tố nơi cư trú, quan hệ với hàng xóm, thu nhập, điều kiện nhà ở, trong khi mức độ hài lòng với cuộc sống gia đình lại gắn liền với các yếu tố tuổi, giới tính, học vấn, và nghề nghiệp, thu nhập, điều kiện nhà ở và tình trạng nghèo của người trả lời.

Một số định nghĩa về hạnh phúc, hạnh phúc gia đình trên thế giới

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 26-36

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết tìm hiểu một số định nghĩa về hạnh phúc, hạnh phúc gia đình hiện nay trên thế giới, nêu ra những điểm mạnh, điểm yếu liên quan đến nội dung định nghĩa và thành phần của các định nghĩa này. Nghiên cứu này cho thấy hiện nay trên thế giới có nhiều định nghĩa hạnh phúc và hạnh phúc gia đình khác nhau được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống và trong nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Hạnh phúc, hạnh phúc gia đình là những khái niệm rất gần gũi nhưng lại mang ý nghĩa rất trừu tượng và nó cũng là mục tiêu để mọi người và mọi gia đình trên thế giới hướng tới. Việc nghiên cứu về hạnh phúc và hạnh phúc gia đình cũng như việc xây dựng một định nghĩa chung về hạnh phúc, hạnh phúc gia đình là việc rất có ý nghĩa giúp cho việc nghiên cứu về gia đình và chính sách gia đình được tốt hơn.

Mấy nét về đời sống tinh thần, tình cảm giữa con cháu và người cao tuổi trong gia đình ở thành phố Bắc Ninh

Tác giả: Lê Ngọc Lân

Trang: 14-25

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này tìm hiểu về đời sống tinh thần, tình cảm giữa con cháu và người cao tuổi trong gia đình tại địa bàn thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình đã ít nhiều chịu tác động của sự biến đổi xã hội trong những năm gần đây nhưng mối quan hệ giữa con cháu đối với người cao tuổi còn khá mật thiết. Vai trò của người cao tuổi trong lĩnh vực kinh tế không còn được đánh giá quan trọng như trước đây, nhưng người cao tuổi vẫn được đánh giá cao về mặt tinh thần trong gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những hành vi của các thành viên trong gia đình làm ảnh hưởng tới đời sống tình cảm người cao tuổi và một bộ phận thế hệ trẻ còn bị đánh giá là thiếu sự kính trọng và lễ phép với người cao tuổi, mà nguyên nhân chủ yếu là sự quan tâm giáo dục từ gia đình chưa đầy đủ và do lối sống ích kỷ của một bộ phận thanh niên hiện nay.

Một số cách tiếp cận trong nghiên cứu bạo lực gia đình đối với người cao tuổi

Tác giả: Trần Thị Hồng, Lê Thị Hồng Hải

Trang: 3-13

Qua tổng quan tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, bài viết giới thiệu và phân tích một số cách tiếp cận và lý thuyết nghiên cứu về bạo lực đối với người cao tuổi nói chung và bạo lực đối với người cao tuổi trong gia đình nói riêng. Thông tin thu được cho thấy có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Một số cách tiếp cận xuất phát từ việc lý giải cho hành vi của người gây bạo lực. Một số khác nhìn nhận nguy cơ bị bạo lực từ sự phụ thuộc của người cao tuổi về kinh tế và sự chăm sóc. Số còn lại lý giải vấn đề bởi sự xung đột về văn hóa, lối sống, quyền lực và nguồn lực giữa người cao tuổi với các thành viên khác hoặc các thế hệ khác trong gia đình. Theo các tác giả, tùy từng bối cảnh xã hội và mục đích nghiên cứu, có thể sử dụng một hay kết hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau để lý giải cho tình trạng bạo lực đối với người cao tuổi trong gia đình.