Liên kết web
Số lượt truy cập

27

2623986

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2015

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 4/2009

Tác giả:

Trang: 1-96

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới (Trước là tạp chí KHPN) Mục lục số 4 năm 2009 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Nguyễn Hữu Minh Biến đổi quyền quyết định hôn nhân ở Việt Nam và các yếu tố tác động 3 Ngô Thị Tuấn Dung Quan hệ gia đình: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn 18 Trần Thị Cẩm Nhung Quyền lực của vợ và chồng trong việc quyết định các công việc của gia đình 31 Trần Quý Long Trẻ em và sự tham gia lao động đóng góp thu nhập cho gia đình 44 Nguyễn Thị Hằng Phương Rối loạn lo âu ở thanh thiếu niên và vai trò của cha mẹ 56 Kim Văn Chiến, Đào Thu Huyền Sức khỏe sinh sản phụ nữ quanh tuổi mãn kinh 66 Nguyễn Thị Phương Việc làm và vấn đề đào tạo nghề của lao động nữ nông thôn 75 Đỗ Văn Quân Lồng ghép giới - qua một số tài liệu nghiên cứu tại Việt Nam 86

Đại hội Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2015-2020

Tác giả: M.K.

Trang: 96

Ngày 22/6/2015, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (KHXHVN) đã long trọng tổ chức Đại hội Liên chi hội Nhà báo lần thứ IV nhiệm kỳ 2015-2020. Tới dự Đại hội có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Liên chi hội; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Văn Đức, ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Liên chi hội; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; Tổng biên tập, Phó tổng biên tập và cán bộ của các Tạp chí chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN; Đại diện Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam. Tại Đại hội lần này, Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXHVN đã tiến hành các hoạt động quan trọng như: tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXHVN nhiệm kỳ 2010-2015; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020; góp ý cho Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam; bầu Ban chấp hành Liên chi hội nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu Đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 -2020. Báo cáo của Ban chấp hành Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXHVN nhiệm kỳ 2010- 2015 trình tại Đại hội lần này đã cho thấy những bước phát triển của công tác Hội so với 5 năm trước, Liên chi hội tiếp tục khẳng định được vị trí vai trò là một tổ chức Hội nghề nghiệp của những người làm báo, được đánh giá là đơn vị có đội ngũ hội viên có trình độ cao, tuân thủ nghiêm túc Điều lệ Hội. Công tác chuyên môn của Liên chi Hội luôn gắn với việc nâng cao chất lượng tạp chí. Đội ngũ người làm báo thuộc các Tạp chí chuyên ngành, với vai trò vừa là nhà khoa học vừa là nhà báo được đánh giá là đội ngũ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và bản lĩnh chính trị vững vàng. Bên cạnh đó, Ban chấp hành cũng nghiêm túc chỉ ra những điểm cần khắc phục trong hoạt động của Liên chi Hội trong thời gian tới như cần tăng cường sinh hoạt nghiệp vụ; chú trọng tới các nguồn thu nhằm xây dựng quỹ Hội; tăng cường việc bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nhà báo gắn với công tác báo chí đặc thù của Viện Hàn lâm KHXHVN. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Đại hội, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXHVN nhiệm kỳ 2010-2015; nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần chú trọng trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản tạp chí, đổi mới phương thức hoạt động nhằm thu hút rộng rãi các nhà báo vào tổ chức Hội nhà báo của Viện Hàn lâm KHXHVN. Đại hội đã tiến hành bầu cử Ban chấp hành Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXHVN nhiệm kỳ 2015-2020, gồm 05 đồng chí, PGS.TS. Phạm Văn Đức được bầu giữ chức Chủ tịch Liên chi hội. Đại hội cũng bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 gồm 02 đồng chí là đại biểu chính thức, 01 đồng chí là đại biểu dự khuyết. Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội của Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXHVN nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Hội thảo tập huấn “Huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai với tư cách các đồng minh trong công tác ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 94-95

Trong 3 ngày từ ngày 1-3/7/2015 vừa qua, tại Hà Nội, Dự án nâng cao năng lực về bình đẳng giới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN Women, UNFPA, UN Vounteers và Chương trình chung tay Phòng chống bạo lực giới của Liên hợp quốc P4P) tổ chức Hội thảo tập huấn tăng cường sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Mục đích của khóa tập huấn nhằm cung cấp cho học viên các kỹ năng và công cụ về khuyến khích sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong phòng chống bạo lực giới; trao đổi kinh nghiệm thực tế về các chương trình phòng, chống bạo lực giới chính ở Việt Nam; xây dựng các kế hoạch cụ thể về sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong việc can thiệp và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thành viên tham dự khóa tập huấn gồm đại diện các cơ quan Chính phủ (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp; Bộ Công An; Bộ Nội vụ; ủy ban Dân tộc); các ban ngành Trung Ương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân; Các trường Đại học và Viện nghiên cứu (Trường Đại học Lao động Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; Học viện Phụ nữ); một số tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam (CSAGA, CGFED). Đại biểu từ các tỉnh thành gồm có đại diện của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên, Sở Tư pháp, Hội Phụ nữ, Trung tâm Công tác xã hội của các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh, Đăk Lak, Đà Nẵng... Giảng viên của lớp tập huấn là ông Oswaldo, giảng viên quốc tế của Liên hợp quốc và nhóm hỗ trợ gồm bà Kathy Taylor (P4P), bà Miho Watanabe (UN Women) và Lê Thị Phương Lan (UN Women). Trong khóa tập huấn các học viên đã được cung cấp các kiến thức về các nguyên tắc làm việc với nam giới và trẻ em trai, những thông lệ và trách nhiệm giải trình khi làm việc với nam giới và trẻ em trai, các lợi ích và nguy cơ trong việc huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào các chương trình phòng chống bạo lực giới. Cũng trong khóa học này các giảng viên đã cung cấp cho học viên kiến thức về 8 mô hình thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào việc phòng chống bạo lực giới đó là: chăm sóc nam giới - chiến dịch làm cha toàn cầu; thu hút sự tham gia của đồng minh là nam giới - làm việc với nam giới và trẻ em trai trong bình đẳng giới; cộng đồng học tập khu vực (RLC); thu hút sự tham gia của nam giới hành động có trách nhiệm (EMAP); SASA- một biện pháp can thiệp huy động cộng đồng nhằm ngăn chặn bạo lực và giảm thiểu các hành vi có nguy cơ làm lây nhiễm HIV; phong trào bình đẳng giới trong trường học (GEMS); chiến dịch Ruy băng trắng; chúng ta khác biệt, chúng ta bình đẳng - chiến dịch truyền thông cho sự thay đổi của xã hội. Thông qua các thảo luận nhóm giảng viên giúp các học viên nắm được những nội dung chính của các mô hình, rút ra được những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng trong triển khai các hoạt động tại địa phương hoặc tổ chức mình công tác trong làm việc với nam giới và trẻ em trai về vấn đề phòng chống bạo lực giới. Cuối khóa học, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên học viên thông qua các nhóm đã xây dựng được các kế hoạch hành động cụ thể sẽ áp dụng trong công việc về cách làm việc với nam giới và trẻ em trai trong ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực giới.

Hội thảo khoa học: Tiếp cận liên ngành khoa học xã hội trong nghiên cứu gia đình

Tác giả: Trần Thị Vân Nương

Trang: 92-93

Trong khuôn khổ các hoạt động khoa học năm 2015 nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các đoàn viên thanh niên đồng thời tạo sự gắn kết giữa các cơ sở đoàn trực thuộc, ngày 19/5/2015 tại Hà Nội, Liên chi đoàn 4 đơn vị gồm Chi đoàn cơ sở Viện Nhà nước và Pháp luật, Chi đoàn cơ sở Viện Nghiên cứu Văn hóa, Chi đoàn Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chi đoàn Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, tổ chức Hội thảo khoa học năm 2015 với tên gọi: “Tiếp cận liên ngành khoa học xã hội trong nghiên cứu gia đình”. Tới tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo bốn Viện; Đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện các chi đoàn bạn, cùng toàn thể các đoàn viên thanh niên 4 chi đoàn của 4 Viện tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn. Trong số 18 bài tham luận, ban Tổ chức lựa chọn 4 bài viết để trình bày và thảo luận tại Hội thảo. Nhóm tác giả Ths. Bùi Thị Hường và Trần Thị Loan (Chi đoàn cơ sở Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày tham luận “Bạo lực trẻ em trong gia đình - Một số tiếp cận dưới góc độ quyền con người”. Sau khi giới thiệu đôi nét về cách tiếp cận nhân quyền đối với chủ đề bạo lực trẻ em, nhóm tác giả nhấn mạnh đến hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam về chủ đề này. Tham luận của Ths. Nguyễn Hà Đông (Chi đoàn Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) với chủ đề “Sự hài lòng với hôn nhân và các yếu tố tác động” đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cảm nhận về sự hài lòng trong cuộc sống vợ chồng ở các gia đình trong đó chỉ ra nhóm các yếu tố về chất lượng đời sống vợ chồng là các yếu tố quyết định đến mức độ hài lòng hôn nhân của cả nam và nữ. Phiên thứ hai của Hội thảo diễn ra với phần trình bày của hai tác giả từ Chi đoàn Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Chi đoàn cơ sở Viện Nghiên cứu Văn hóa. Tham luận “Biến đổi của gia đình, dòng họ và vai trò của dòng họ đối với gia đình nông thôn hiện nay” (tác giả Ths. Nguyễn Thị Tô Hoài) đưa ra một bức tranh về sự biến đổi của gia đình và dòng họ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Nguyễn Nguyệt Anh đại diện cho nhóm tác giả của tham luận “Chức năng cố kết cộng đồng của tôn giáo và tác động của nó tới gia đình hiện đại ở Việt Nam” (TS. Hoàng Văn Chung; Ths. Mai Thùy Anh & Nguyễn Nguyệt Anh) đã giới thiệu một số lý thuyết về tính cố kết cộng đồng trong tôn giáo, đồng thời phân tích hai trường hợp nghiên cứu thực tế thu thập từ quá trình điền dã của nhóm để minh họa cho phần lý thuyết đã nêu. Các câu hỏi và ý kiến bình luận đã diễn ra rất sôi nổi trong các phần thảo luận của hội thảo. Nhiều đại biểu bình luận về các kết quả thú vị từ các nghiên cứu, đồng thời chia sẻ với các nghiên cứu viên trẻ về những hướng đi để hoàn thiện bài viết. Các ý kiến tại hội thảo cũng đề cập tới một vấn đề cơ bản đó là tính liên ngành trong nghiên cứu khoa học xã hội. Sự học hỏi và tiếp thu những phương pháp hữu ích giữa các ngành khoa học khác nhau đòi hỏi việc tìm tòi và hiểu sâu về điểm mạnh và điểm yếu của các phương pháp thu thập thông tin và phương pháp phân tích trong mỗi ngành khoa học. Các đại biểu tham dự hội thảo từ các ngành khoa học khác nhau, lĩnh vực quan tâm nghiên cứu khác nhau và kinh nghiệm nghiên cứu cũng khác nhau, do vậy qua sự chia sẻ trong hội thảo, một số vấn đề đã được nhấn mạnh và làm rõ như sau:1) Cần chú ý hơn nữa vào cách tổ chức, kết cấu của một bài viết. Trong đó, một số lỗi mà các tác giả trẻ hay mắc phải đó là bỏ qua khâu định nghĩa khái niệm làm việc; thiếu phần trình bày về phương pháp nghiên cứu và mô tả nguồn dữ liệu sử dụng. Các chuyên gia cũng khuyến nghị các tác giả bài viết nên đưa ra được phần hạn chế trong bài viết của mình và gợi mở hướng phân tích cho các nghiên cứu tiếp theo, điều này góp phần làm tăng chất lượng của bài viết; 2) Cần chú trọng vào cách tiếp cận nghiên cứu để phần phân tích đúng hướng và có tính lý thuyết. Lãnh đạo các Viện và đại diện Đoàn cấp trên đánh giá cao thành công của Hội thảo và khẳng định chủ trương tiếp tục tổ chức các Hội thảo liên ngành- liên chi đoàn, tập trung vào các vấn đề khoa học liên ngành nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trẻ và đóng góp vào sự phát triển chung của lĩnh vực nghiên cứu Khoa học xã hội. Kỷ yếu Hội thảo có tại Thư viện của 4 Viện tại trụ sở số 27, Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mời quý bạn đọc quan tâm tham khảo.

Hiểu biết về những xu hướng toàn cầu trong tử vong bà mẹ

Tác giả: Lương Quỳnh Hoa (giới thiệu)

Trang: 83-91

Tử vong ở bà mẹ là một chỉ số quan trọng của sự phát triển nhân loại/con người. Qua việc mô tả các dữ liệu và phương pháp ước tính mới nhất liên quan đến vấn đề tử vong bà mẹ, nghiên cứu của tác giả Sarah Zureick-Brown và cộng sự đã cho thấy những xu hướng nổi bật về tử vong bà mẹ ở ba cấp độ: toàn cầu, khu vực và quốc gia trong khoảng thời gian 1990-2008. Các tác giả cũng sử dụng các dữ liệu bổ sung từ các báo cáo tiến độ hướng tới các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ nhằm làm rõ hơn các yếu tố góp phần vào sự tiến bộ toàn cầu trong việc giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, cũng như tìm hiểu nguyên do của sự chênh lệch giữa các khu vực trong tử vong bà mẹ. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu kết quả nghiên cứu này.

Hành vi đọc sách báo của thanh niên Hà Nội: Thực trạng và các yếu tố tác động

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 69-82

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên dữ liệu hai cuộc điều tra lớn về thanh niên Việt Nam và thanh niên Hà Nội, bài viết phân tích hành vi đọc sách của thanh niên Hà Nội độ tuổi 15-24 ở thập niên đầu của thế kỷ 21 và các yếu tố tác động. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thanh niên Hà Nội đọc sách báo trong thời gian rảnh rỗi khá cao nhưng cũng đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất việc đọc sách báo của thanh niên vẫn thấp hơn so với việc xem tivi, đi chơi, nghe nhạc. Thứ hai, có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm thanh niên khác nhau về đặc trưng nhân khẩu và xã hội trong hành vi đọc sách báo. Nhóm nam giới, nhóm thanh niên sinh ra và lớn lên ở nội thành Hà Nội, nhóm có học vấn thấp hơn ít đọc sách hơn so nhóm nữ giới, nhóm thanh niên sinh ra ở nơi khác, nhập cư đến Hà Nội và nhóm có trình độ học vấn cao hơn. Mức sống gia đình khá giả hay cha mẹ làm việc ở khối văn phòng là những yếu tố làm tăng khả năng đọc sách của thanh niên Hà Nội.

Cuộc sống của trẻ em ở lại thôn quê Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Minh Thi Viện

Trang: 61-68

File toàn văn đính kèm: Tải về

Từ việc xem xét xu hướng di cư ngày càng gia tăng ở Việt Nam hiện nay, bài viết phân tích những hệ quả xã hội của di cư đã và đang tác động tiêu cực đến vấn đề chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, đến cơ hội học tập và sự phát triển toàn diện về mặt thể chất và tâm lý của trẻ em trong những gia đình có cha, mẹ hoặc cả hai di cư lao động. Trên cơ sở đó đưa ra một số đề xuất chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định hơn về tâm lý và thể chất cho trẻ em phù hợp với truyền thống văn hoá ở Việt Nam.

Tác động của hội nhập kinh tế tới thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Việt Nam

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 50-60

File toàn văn đính kèm: Tải về

Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu và rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Chính sách tập trung tăng trưởng kinh tế và tự do hóa thương mại trong thời kỳ hội nhập tạo ra những thuận lợi to lớn cho việc tăng cường các phúc lợi cho trẻ em, mở rộng nhiều cơ hội và sự lựa chọn cho các gia đình trong thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe (CSSK) trẻ em. Tuy nhiên, những chính sách này không mang đến những cơ hội đồng đều cho mọi trẻ em. Trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sống ở vùng sâu, vùng xa, nhóm trẻ em di cư lao động, hoặc trẻ em thuộc các gia đình có cha mẹ di cư chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận các cơ hội CSSK và dịch vụ y tế có chất lượng. Tác giả cho rằng hiện nay, trước sức ép của mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thực hiện quyền CSSK trẻ em trong thời gian tới ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa, xuất phát từ khó khăn của chính phủ trong việc cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và đầu tư cho lĩnh vực phúc lợi xã hội dành cho trẻ em.

Du lịch và bình đẳng giới: Cơ hội hay thách thức?

Tác giả: Nguyễn Thị Vân Hạnh

Trang: 43-49

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức mà du lịch đem lại đối với tiến trình bình đẳng giới. Các phân tích cho thấy tính hai mặt trong tác động của ngành du lịch đối với sự phát triển của phụ nữ. Một mặt, trên phạm vi toàn cầu, du lịch có thể trở thành phương tiện để tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Mặt khác, du lịch cũng tiềm tàng những nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng giới và đem lại những tác động tiêu cực cho hình ảnh và địa vị của người phụ nữ trong xã hội. Tác giả cho rằng cần có những đánh giá đúng đắn và cụ thể về vai trò của du lịch nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của du lịch tới việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Luật pháp về đào tạo nghề và những hạn chế đối với phụ nữ giai đoạn 2000-2014

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 34-42

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết giới thiệu các văn bản pháp luật Việt Nam liên quan đến đào tạo nghề và chỉ ra những điểm hạn chế đối với phụ nữ giai đoạn 2000-2014. Tác giả cho thấy phần lớn văn bản pháp luật Việt Nam đã có tinh thần bình đẳng đối với phụ nữ trong đào tạo nghề, một số chính sách, luật pháp còn đưa ra những quy định bảo vệ phụ nữ vì những đặc điểm sức khoẻ và chức năng sinh đẻ, nuôi con của phụ nữ. Tuy nhiên, khi thực thi pháp luật, một số văn bản dưới luật lại đang hạn chế phụ nữ trong đào tạo nghề, trong đó dễ thấy nhất là chính sách tuổi về hưu và chính sách bảo trợ phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ.

Nghi lễ hôn nhân của người Dao Thanh Y ở Quảng Ninh trong bối cảnh hiện nay

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà

Trang: 26-33

File toàn văn đính kèm: Tải về

Nghi lễ trong hôn nhân là một trong những nghi lễ ít biến đổi và còn bảo lưu được nhiều bản sắc văn hoá của tộc người. Người Dao Thanh Y ở huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh là tộc người cư trú ở vùng cận thị có tốc độ đô thị hoá và hội nhập rất nhanh chóng, và trong quá trình tiếp biến văn hoá đó, họ vẫn giữ được khá đậm nét những nghi lễ truyền thống trong hôn nhân mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Bài viết trình bày các nghi lễ hôn nhân của người Dao Thanh Y, một số phong tục liên quan đến trang phục, lễ hát giao duyên trong lễ cưới và những nét thay đổi so với lễ nghi cưới truyền thống.

Hình thức tổ chức lễ cưới của người Mường, người Dao tại ba xã thuộc Thành phố Hà Nội

Tác giả: Bùi Thị Hương Trầm

Trang: 15-25

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào kết quả Đề tài “Đời sống văn hóa của các gia đình dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp với Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội thực hiện năm 2013, bài viết tìm hiểu một số hình thức tổ chức cưới hỏi của người Mường và người Dao. Kết quả nghiên cứu cho thấy phong tục cưới hỏi của hai dân tộc này hiện đã có sự thay đổi theo hướng gọn nhẹ hơn để phù hợp với nhịp sống mới: khoảng cách thời gian giữa các lễ nghi được rút ngắn, quy mô thực hiện lễ được thu nhỏ và một số hủ tục trong phong tục cưới xin đã được loại bỏ. Người Mường và người Dao ngày càng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ cưới hỏi nhiều hơn, nhưng mặt khác phong tục cưới hỏi truyền thống của họ lại đang có sự mai một những nét văn hóa dân tộc về trang phục cưới và âm nhạc sử dụng trong lễ cưới.

Sự hài lòng với hôn nhân và các yếu tố tác động

Tác giả: Nguyễn Hà Đông

Trang: 3-14

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết tập trung tìm hiểu mức độ hài lòng với hôn nhân và các yếu tố tác động đến cảm nhận về sự hài lòng của họ trên cơ sở phân tích số liệu “Nghiên cứu Gia đình Việt Nam năm 2010: Nhận thức và thái độ về gia đình” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2010 tại 24 phường/xã trên địa bàn Hà Nội đã mở rộng. Kết quả phân tích cho thấy sự hài lòng với hôn nhân chịu tác động của các yếu tố gồm sự hòa hợp về tình dục, sự hỗ trợ về tình cảm, việc thường xuyên tổ chức các sự kiện đặc biệt, mức sống của hộ gia đình, nhóm nghề nghiệp của cặp vợ chồng và nơi cư trú.