Liên kết web
Số lượt truy cập

15

1963315

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2019

An ninh con người nhìn từ khía cạnh bạo lực và quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Nga

Trang: 88-96

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: An ninh con người là một trong những vấn đề cơ bản cần được bảo vệ của mỗi cá nhân trước những đe dọa, trong đó có vấn đề bạo lực và quấy rối tình dục ở phụ nữ và trẻ em. Vấn đề này cũng chính là cản trở sự phát triển của con người, khi một bên là những người lao động (phụ nữ) và một bên là cả một thế hệ tương lai (trẻ em) sẽ ra sao khi thể chất chưa được bảo vệ trước sự đe dọa. Họ sẽ hòa nhập và phát triển bản thân như thế nào khi chưa chủ động trong việc đảm bảo an toàn cho bản thân ở nơi công cộng hay chính trong gia đình của mình. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích tài liệu để trình bày về tình hình bạo lực, phân tích vai trò của cộng đồng và vai trò của phụ nữ và trẻ em có thể chủ động bảo vệ bản thân trong vấn đề bạo lực và quấy rối tình dục. Từ đó chỉ ra một số vấn đề về bạo lực và quấy rối tình dục ở phụ nữ và trẻ em từ góc độ an ninh con người.

Nhận thức, thái độ của sinh viên về hành vi quấy rối tình dục

Tác giả: Phạm Thị Vân, Nguyễn Phương Chi

Trang: 76-87

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích quan điểm về quấy rối tình dục (QRTD), hiểu biết về nguyên nhân của QRTD và nhận thức về hành vi ứng phó với QRTD dựa trên ba mô hình giải thích hành vi QRTD (1) Mô hình sinh học tự nhiên, (2) Mô hình văn hoá xã hội và (3) Mô hình kết hợp. Thái độ đối với hành vi được đo lường qua mức độ xúc cảm khi là nạn nhân và người chứng kiến hành vi QRTD trên xe buýt. Kết quả nghiên cứu cho thấy kiến thức về QRTD của sinh viên nữ có xu hướng tốt hơn sinh viên nam. Thái độ của sinh viên đối với hành vi QRTD còn thể hiện qua mức độ cảm xúc tiêu cực khá cao đối với hành vi này, trong đó sinh viên nữ có điểm cảm xúc cao hơn sinh viên nam. Sinh viên nam nữ đều có suy nghĩ, thái độ đúng đắn đối với hành vi QRTD, tuy nhiên nam giới lựa chọn thái độ im lặng hoặc phớt lờ trước hành vi QRTD nhiều hơn. Sự chuyển biến sang hành vi tích cực phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường và hoàn cảnh, nhận thức giới, truyền thông và tương tác xã hội.

Mua bán người và những vấn đề đặt ra đối với sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số

Tác giả: Vũ Thị Thanh

Trang: 66-75

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Mua bán người đã và đang trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm bởi nhiều tổ chức và học giả trong và ngoài nước bởi lẽ mua bán người là một sự xâm hại nghiêm trọng quyền con người và đe dọa an ninh con người. Ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số là một trong những nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của mua bán người. Dựa trên kết quả nghiên cứu định tính (bao gồm phỏng vấn sâu nạn nhân bị mua bán và các cơ quan hỗ trợ nạn nhân mua bán người), bài viết này phân tích những ảnh hưởng của mua bán người đến sự an toàn về sức khoẻ thể chất và tinh thần của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số trong quá trình bị mua bán cũng như khi trở về cộng đồng. Từ đó, bài viết đề cập đến những sự trợ giúp về vật chất, về pháp lý và tâm lý trong việc hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tái hòa nhập cộng đồng.

Giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường trong trường học

Tác giả: Nguyễn Chu Du

Trang: 57-65

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, nhiều hình thức với nhiều dạng đối tượng khác nhau. Bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy, trong trường học cần có những biện pháp phòng ngừa một cách chủ động. Từ kinh nghiệm một số nước, chúng ta có thể vận dụng xây dựng những mô hình phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

Bạo lực học đường trong học sinh trung học hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 46-56

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu sẵn có và phân tích dữ liệu định tính sơ cấp, bài viết chỉ ra rằng bạo lực học đường trong học sinh là hiện tượng khá phổ biến trong các trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ở Việt Nam, trong đó học sinh THCS có nhiều hành vi bạo lực hơn so với học sinh THPT trong hầu hết các hình thức bạo lực. Bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế ít xảy ra hơn so với bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần. Bạo lực qua mạng internet phổ biến hơn trong nhóm học sinh nữ. Học sinh nam có xu hướng sử dụng bạo lực thể chất nhiều hơn, học sinh nữ lại thiên về các hành vi bạo lực tinh thần. Bạo lực học đường có thể xảy ra ở nơi bất kỳ như nhà vệ sinh, góc khuất của trường, khu vực ngoài cổng trường.

Quan niệm của trẻ em về hình phạt trong nhà trường hiện nay

Tác giả: Bùi Phương Thanh, Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Thị Thu Hằng

Trang: 38-45

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Thông qua việc sử dụng bảng hỏi và phỏng vấn sâu đối với 340 trẻ em hiện đang sinh sống, học tập tại thành phố Hà Nội, bài viết đã phân tích và làm rõ quan niệm của các em về việc sử dụng hình phạt trong nhà trường hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng đại đa số trẻ em được hỏi đều đồng tình với việc áp dụng hình phạt, bởi đó là cách thức cần thiết để giáo dục học sinh, song phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của các em. Các hình phạt mang tính giáo dục, giúp các em thay đổi nhận thức như bắt chép phạt bài nhiều lần, viết bản kiểm điểm, phạt đọc sách giáo dục đạo đức, lao động vệ sinh công ích… là những hình phạt theo các em là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những hình phạt mang tính xúc phạm, gây bạo lực được đánh giá là không thể chấp nhận được trong môi trường học đường như quỳ gối trước lớp; bắt học sinh đứng ngoài trời; mắng nhiếc, chế nhạo, sỉ nhục; đánh đập… Ngoài ra, các em cũng kỳ vọng phương thức áp dụng hình phạt của các thầy cô cần phải khách quan, công bằng, đúng mức, tìm hiểu kỹ lý do trước khi áp dụng hình phạt; cần làm cho trẻ tự nhận thức về lỗi lầm của mình và chấp nhận nó. Đặc biệt, giáo viên cũng nên xin lỗi công khai nếu trong trường hợp trách phạt sai các em.

Thực trạng và nguyên nhân bạo lực đối với trẻ em từ tiếp cận khung sinh thái xã hội

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 24-37

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi về môi trường chính trị, văn hóa và kinh tế-xã hội và sự thay đổi này đã mang lại mức sống cao hơn cho người dân Việt Nam so với trước đây. Tuy nhiên, sự biến đổi này cũng làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế và các vấn đề xã hội như thất nghiệp, tội phạm và gia đình tan vỡ. Trẻ em Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi phải trải qua những tác động trái chiều đến từ sự thay đổi xã hội quá nhanh chóng. Trên cơ sở phân tích tài liệu thứ cấp, bài viết phân tích thực trạng và các nguyên nhân cá nhân, gia đình và xã hội dẫn đến bạo lực đối với trẻ em hiện nay từ tiếp cận khung sinh thái xã hội. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, tình hình bạo lực với trẻ em đang phức tạp với nhiều nguyên nhân cá nhân, gia đình, thể chế và văn hóa; đồng thời chỉ ra rằng các nghiên cứu hiện nay chưa đánh giá được hết sự tác động và những hậu quả của bạo lực với trẻ em và còn nhiều chủ đề mới nảy sinh trong thực tiễn cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu.

Đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em nhìn từ những nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Tác giả: Bùi Thị Hòa

Trang: 12-23

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trên cơ sở tổng hợp số liệu, báo cáo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khoảng 10 năm gần đây, bài viết giới thiệu tổng quan các hoạt động của Hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em từ các góc độ thể chế, cá nhân, gia đình và cộng đồng bao gồm việc tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội luật pháp, chính sách; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ ứng phó với các vấn đề xã hội có liên quan; trong phát hiện, tiếp nhận, tham gia giải quyết và lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực; và xây dựng các mô hình can thiệp. Đồng thời, xác định các vấn đề đặt ra, từ đó, đưa ra một số đề xuất giải pháp thực hiện.

Chính sách pháp luật lao động liên quan đến đảm bảo an toàn cho lao động nữ - đề xuất hoàn thiện chính sách

Tác giả: Bùi Sỹ Lợi

Trang: 3-11

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên tài liệu sẵn có và các văn bản pháp luật về lao động, bài viết tập trung phân tích các quy định, các chính sách pháp luật lao động liên quan đến đảm bảo an toàn cho lao động nữ, qua đó đề xuất hoàn thiện chính sách. Chính sách pháp luật lao động liên quan đến đảm bảo an toàn cho lao động nữ bao gồm quyền được bình đẳng về cơ hội làm việc, thu nhập, tiền lương không bị phân biệt đối xử, quyền bảo đảm thời gian làm việc và nghỉ ngơi, quyền của lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ và bảo hiểm xã hội, các quy định về công việc hoặc điều kiện làm việc không được sử dụng lao động nữ, về điều kiện cơ sở vật chất nơi làm việc và việc bảo đảm phòng chống việc quấy rối tình dục đối với lao động nữ.