Liên kết web
Số lượt truy cập

98

1933072

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2015

Khóa tập huấn: Bộ chỉ số giới trong truyền thông dành cho phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí

Tác giả: Thanh Loan

Trang: 96

Năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ chỉ số giới trong truyền thông và trong năm 2014, Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí đã kết hợp với Oxfam tổ chức 02 Hội thảo “Bộ chỉ số về Giới trong Truyền thông” dành cho lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp nối chuỗi hoạt động trên, ngày 26/03/2015, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức khóa tập huấn: “Bộ chỉ số giới trong truyền thông dành cho phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận”, tại khách sạn Hòa Bình, Hà Nội. Khóa tập huấn diễn ra từ ngày 26/03/2015 đến 28/03/2015. Mục đích của khóa tập huấn là nhằm giúp cho các phóng viên, biên tập viên nắm được các kiến thức về giới, bình đẳng giới; hiểu được những nội dung cơ bản của Bộ chỉ số và lên kế hoạch sơ bộ triển khai Bộ chỉ số tại đơn vị mình; thực hành một số kỹ năng cơ bản trong việc áp dụng Bộ chỉ số giới. Thành viên tham dự khóa tập huấn gồm có phóng viên, biên tập viên đại diện của các cơ quan báo chí tại Hà Nội: Đài truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Sức khỏe và đời sống, Báo Lao động… cùng các phóng viên, biên tập viên của một số cơ quan báo chí tỉnh lân cận: Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia các nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Xã hội học… Giảng viên chính của khóa tập huấn là ông Vũ Mạnh Cường – Phó Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội và bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Giảng viên khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên đã cung cấp cho các phóng viên và biên tập viên các khái niệm cơ bản về giới, giới tính, định kiến giới, khoảng cách giới, bình đẳng giới… bằng phương pháp thông qua các trò chơi, thảo luận nhóm với học viên; đồng thời giảng viên đã chọn các bài báo nhạy cảm giới đưa ra để cùng nhau trao đổi với học viên. Bên cạnh đó, nội dung chính của Bộ chỉ số về Giới trong truyền thông đã được trình bày tại khóa tập huấn (bối cảnh, mục đích, ý nghĩa của Bộ chỉ số); một số kỹ năng cần thiết trong việc áp dụng Bộ chỉ số. Sau khi các phóng viên, biên tập viên hiểu được nội dung cơ bản của Bộ chỉ số, giảng viên cung cấp các bài tập lấy bối cảnh chính tại cơ quan của học viên để họ tự đánh giá về vấn đề bình đẳng giới tại nơi mình công tác. Một nội dung quan trọng khác cũng đã được triển khai trong khóa tập huấn này đó là thảo luận về một số nguyên tắc xây dựng sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới và xây dựng kế hoạch sơ bộ triển khai Bộ Chỉ số tại cơ quan báo chí. Kết thúc khóa tập huấn, Ban tổ chức hy vọng các phóng viên, biên tập viên nắm rõ ý nghĩa, nội dung chính của Bộ chỉ số, trên cơ sở đó sẽ vận dụng và triển khai tốt Bộ chỉ số trong hoạt động nghiệp vụ báo chí.

Phụ nữ xã Vân Đức, Chí Linh, Hải Dương trong xây dựng gia đình văn hóa

Tác giả: Nguyễn Thị Hảo

Trang: 91-95

Bài viết thông tin tới bạn đọc công tác xây dựng gia đình văn hóa ở xã Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương. Những thành tựu đạt được của phong trào này những năm vừa qua là kết quả của những nỗ lực và cố gắng chủ yếu của phụ nữ địa phương. Mặc dù vậy, phụ nữ tại đây vẫn chưa hoàn toàn được bình đẳng trong quyết định công việc lớn gia đình, trong kiểm soát tài sản, trong thừa kế, mặc dù họ là người nắm giữ trách nhiệm quản lý tài chính trong gia đình. Phụ nữ còn ít được tham gia hội họp thôn xóm, ít tiếp cận với các phương tiện truyền thông, chưa được bình đẳng trong họ tộc và gia đình. Để nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ xã Văn Đức, cần có những giải pháp phù hợp với thực trạng địa phương và dựa trên nguyện vọng của bản thân họ.

Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam

Tác giả: Võ Kim Hương (giới thiệu)

Trang: 85-90

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ bởi vì nó xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của nhiều trẻ em gái và phụ nữ Việt Nam. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam. Đây là nghiên cứu được UN Women thực hiện với sự tham gia của Viện Gia đình và Giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Đại học Quốc gia Ireland với sự tham vấn của các cơ quan Chính phủ, phi chính phủ (NGO), các đối tác quốc tế, cũng như sự hỗ trợ chung của Chiến dịch UNITE Chấm dứt bạo lực với Phụ nữ, và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia AusAID. Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu này là đưa ra ước tính đáng tin cậy về thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra ở Việt Nam ở cấp độ hộ gia đình nhằm góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, NGO, các cộng đồng và gia đình có hiểu biết sâu hơn về toàn bộ cái giá phải trả cho việc không hành động để giải quyết bạo lực gia đình. Ấn phẩm Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam được xuất bản lần đầu bởi UN Women năm 2012 bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Một số hành vi rủi ro cho sức khỏe của vị thành niên, thanh niên Việt Nam

Tác giả: Dương Thị Thu Hương

Trang: 74-84

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên những số liệu điều tra có sẵn, bài viết dưới đây tìm hiểu một số hành vi rủi ro cho sức khỏe của nam nữ vị thành niên, thanh niên Việt Nam những năm gần đây nhằm góp phần xây dựng các chiến lược truyền thông sức khoẻ một cách hiệu quả và nâng cao chất lượng sống cho thế hệ tương lai của quốc gia. Các số liệu cho thấy tỉ lệ nam giới vị thành niên, thanh niên tham gia vào hầu hết các hành vi rủi ro cho sức khoẻ phổ biến và được đề cập đến trong phân tích này bao gồm: hút thuốc lá, sử dụng bia rượu, quan hệ tình dục sớm và không an toàn, tham gia giao thông, thương tích, gây gổ, đều cao hơn, thậm chí là cao hơn đáng kể so với nữ.

Thực trạng biểu hiện rối loạn lo âu ở học sinh khi sống trong gia đình có bạo lực (Nghiên cứu trường hợp học sinh trường THCS Phương Mai, Hà Nội)

Tác giả: Phạm Thị Thu Hoa & Nguyễn Thị Hồng Nhung

Trang: 65-73

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu khảo sát được thực hiện tại trường THCS Phương Mai năm 2012, bài viết tìm hiểu thực trạng và đưa ra những biện pháp để giúp học sinh giảm thiểu biểu hiện rối loạn lo âu khi sống trong gia đình có bạo lực. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 57/143 khách thể nghiên cứu sống trong gia đình có bạo lực với nhiều loại hình và hành vi bạo lực khác nhau. Trong số đó, có 7 em có biểu hiện rối loạn lo lâu, cụ thể: 2 em có biểu hiện rối loạn lo âu khi là nạn nhân của bạo lực gia đình và 5 em có biểu hiện rối loạn lo âu khi vừa là nạn nhân và vừa chứng kiến bạo lực gia đình. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng biểu hiện rối loạn lo âu của học sinh có sự khác nhau về giới tính, khối lớp và loại hình bạo lực.

Vai trò của Nhà nước trong thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe trẻ em

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 52-64

File toàn văn đính kèm: Tải về

Quyền chăm sóc sức khỏe (CSSK) trẻ em là một trong những quyền cơ bản được quy định trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em(1). Tác giả bài viết cho rằng, cũng như các nhóm quyền trẻ em khác, Nhà nước có vai trò chính và quan trọng trong việc thực hiện quyền CSSK trẻ em, bởi Nhà nước là chủ thể chính chịu trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em. Với cách đặt vấn đề như vậy, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về vai trò của Nhà nước trong thực hiện quyền CSSK trẻ em, bao gồm việc xây dựng và ban hành luật pháp, chính sách về quyền CSSK trẻ em, công tác tổ chức thực hiện quyền và các vấn đề liên quan đến phân bổ kinh phí, xây dựng năng lực và đánh giá, giám sát việc thực hiện quyền. Tác giả cũng nêu lên những thành tựu và hạn chế liên quan đến vai trò của Nhà nước trong thực hiện quyền CSSK trẻ em ở Việt Nam những năm qua.

Nữ lãnh đạo và gia đình - Một số biểu hiện định kiến giới

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà

Trang: 42-51

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết tập trung phân tích một số biểu hiện định kiến giới của các nhóm khách thể tham gia khảo sát về vị trí, vai trò, trách nhiệm trong gia đình và hạnh phúc gia đình của nữ lãnh đạo các cấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy vẫn tồn tại một số định kiến giới nổi bật gây bất lợi tới sự tiến bộ của phụ nữ nói chung và tới sự nghiệp của cán bộ nữ lãnh đạo các cấp nói riêng, đó là phụ nữ vẫn bị coi là con người thuộc về gia đình, không phải là người làm lãnh đạo, nếu họ làm lãnh đạo thì vẫn là người có trách nhiệm đảm nhiệm chính các công việc gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái và thường gặp khó khăn trong việc duy trì hạnh phúc gia đình.

Một số thách thức đối với việc lồng ghép giới vào quy trình ngân sách ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh & Phạm Thu Hiền

Trang: 27-41

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên các tài liệu chính sách, pháp luật có liên quan; kết quả các cuộc tọa đàm, trao đổi với đại diện các bộ, ngành ở trung ương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà lập pháp, các chuyên gia giới và tài chính về chủ đề lồng ghép giới vào quy trình ngân sách, bài viết phân tích một số thách thức đối với quy trình ngân sách có yếu tố giới ở Việt Nam, bao gồm những thách thức về mặt nhận thức, về khuôn khổ pháp lý, về phân tích chính sách và quá trình lập kế hoạch, cũng như quy trình lập và phân bổ ngân sách. Trên cơ sở đó bài viết nêu lên một số vấn đề cần quan tâm nhằm thúc đẩy hiệu quả lồng ghép giới vào quy trình luật pháp, chính sách ở nước ta.

Vai trò mạng lưới xã hội trong tìm kiếm việc làm của người dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị (Nghiên cứu trường hợp tại xã Thư Phú, Thường Tín, Hà Nội)

Tác giả: Phí Hải Nam & Nguyễn Thị Lập Thu

Trang: 14-26

File toàn văn đính kèm: Tải về

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã làm cho diện tích đất nông nghiệp của khu vực nông thôn bị suy giảm, lao động dư thừa và vì vậy hiện tượng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra đô thị trở nên phổ biến. Kết quả nghiên cứu trường hợp Thư Phú, Thường Tín, Hà Nội đã chỉ ra rằng để giảm thiểu những khó khăn của chính bản thân mình và tăng khả năng tiếp cận việc làm, người lao động đã sử dụng mạng lưới xã hội như thông qua mối liên hệ ruột thịt, bạn bè hoặc đồng hương trong quá trình dịch chuyển. Mạng lưới xã hội cũng giúp người dịch chuyển lao động giảm bớt rủi ro việc làm ăn hàng ngày ở môi trường phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập với cuộc sống mới ở đô thị và góp phần ổn định đời sống xã hội tại địa phương.

Các yếu tố tác động đến khả năng đóng góp thu nhập của người chồng trong các gia đình Hà Nội

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 3-13

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên nguồn số liệu điều tra về gia đình năm 2010, bài viết tập trung phân tích sâu các yếu tố tác động đến khả năng đóng góp thu nhập của người chồng trong các gia đình Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy chồng là người có đóng góp thu nhập cho gia đình cao hơn so với vợ; việc làm của cả vợ và chồng có tác động đến khả năng đóng góp thu nhập cho gia đình cao hơn của người chồng. ở khu vực nội thành, khả năng đóng góp kinh tế nhiều hơn cho gia đình của người chồng giảm so với ở nông thôn do phụ nữ ở nội thành có việc làm tốt hơn so với phụ nữ ở nông thôn. Kết quả này phù hợp với những luận điểm cơ bản của lý thuyết hiện đại hóa khi cho rằng các yếu tố hiện đại hóa có tác động thúc đẩy nhất định đối với sự phát triển của phụ nữ.