Liên kết web
Số lượt truy cập

102

1933439

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2015

Hội thảo Khởi động xây dựng Đề án Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 96

Ngày 15/12/2014, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn, khởi động xây dựng Đề án phòng chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020. Hội thảo được tổ chức với hai mục tiêu cơ bản:
1 - Bàn luận với các nhà làm chính sách về khung phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; 2 - Thông qua việc hiểu về thực trạng, xác định khoảng trống trong xây dựng và thực hiện chính sách và tìm hiểu kinh nghiệm, mô hình của các nước trên thế giới. Ngoài phiên Khai mạc, Hội thảo có hai phiên nội dung. Phiên 1: Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: những khoảng trống trong cơ chế, chính sách tại Việt Nam; Phiên 2: Xây dựng đề án Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cấp Quốc gia: mục tiêu, nội dung và lộ trình. Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng Giới, trong phần trình bày về thực trạng và đề xuất những giải pháp ưu tiên đã nhấn mạnh rằng hành lang pháp lý trong lĩnh vực phòng chống bạo lực là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do các quy định nằm rải rác ở nhiều luật nên chưa có sự tập trung, chưa thực sự mạnh để giải quyết được vấn đề. Một trong những khó khăn được đề cập đến là nhận thức và phản ứng của xã hội về bạo lực trên cơ sở giới còn chưa đủ để có thể thay đổi nhận thức về vấn đề này. Cũng trong phiên 1 của Hội thảo, những kinh nghiệm trong nghiên cứu và thực tiễn triển khai thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được các đại biểu chia sẻ. Trong các phiên thảo luận, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, đặc biệt là những góp ý cho khoảng trống trong thể chế, chính sách ở Việt Nam trên cơ sở thực tiễn. Một số tồn tại về chính sách được đề cập đến như các chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới còn quy định rải rác và chưa có định nghĩa hay quy định chi tiết về các hành vi bạo lực trên cơ sở giới đã gây khó khăn trong việc áp dụng các quy định luật pháp trong xử phạt. Bên cạnh đó, các chương trình, biện pháp can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam còn trong giai đoạn thí điểm và triển khai chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoặc một số mô hình hoạt động hiệu quả nhưng chưa có nguồn lực nhân rộng… Tham luận của đại diện UN Women về tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế cho Kế hoạch hành động Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ đã mở đầu cho phiên 2. Thời lượng chính của phiên 2 là thảo luận của các chuyên gia, các đại biểu tham dự thảo luận về những ý tưởng ban đầu về khung đề án phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới đã được trình bày trước đó bởi chuyên gia tư vấn. Một trong những điểm đáng được ghi nhận là đề án đã quan tâm không chỉ đến các biện pháp can thiệp, hỗ trợ sau khi bị bạo lực mà còn có chiến lược cho các công tác phòng ngừa trước khi xảy ra bạo lực. Với 4 mục tiêu, 6 nhóm hoạt động, Đề án đã xây dựng lộ trình cho hoạt động trong giai đoạn 2016 – 2020. Để biết thêm chi tiết về Đề án, bạn đọc vui lòng liên hệ: Vụ Bình đẳng Giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Địa chỉ: số 2, Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: 04.3.936.4400/ fax: 04.3.826.9551

Hội thảo khoa học đầu xuân ất Mùi 2015

Tác giả: Đông Nam

Trang: 95

Ngày 27/02/2015, tại Hải Dương, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Viện Xã hội học đã tổ chức hội thảo khoa học, mở đầu cho hoạt động khoa học nằm trong kế hoạch trao đổi và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai Viện. PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học, đồng chủ trì hội thảo, đã phát biểu khai mạc hội thảo. Trong khuôn khổ hội thảo, một số kết quả nghiên cứu từ các đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước được trình bày trong hai phiên. Phiên 1 có ba báo cáo tham luận về kết quả của ba đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2013-2014 của Viện Xã hội học: 1) Sinh kế của thanh niên ven đô qua nghiên cứu trường hợp 3 xã ven đô Hà Nội do PGS. TS. Vũ Mạnh Lợi trình bày, 2) Vai trò của Công tác xã hội trong đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội ở Việt Nam do TS. Bùi Thị Thanh Hà trình bày, 3) Mại dâm: các cách tiếp cận, dư luận xã hội và định hướng, giải pháp do GS. TS. Trịnh Duy Luân trình bày. Trong phiên 2, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới có hai báo cáo tham luận về kết quả của hai đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2013-2014: 1) Quan niệm, mức độ và một số yếu tố tác động đến gia đình (Nghiên cứu trường hợp tại Quảng Ngãi) do ThS. Nguyễn Thị Thanh Tâm trình bày; 2) Hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới do PGS. TS. Lê Ngọc Văn trình bày. TS. Đặng Thị Hoa giới thiệu một số kết quả ban đầu của đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước năm 2014-2015: Một số vấn đề hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi Việt Nam trong phát triển bền vững. Các báo cáo tham luận đều nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi hữu ích, đặc biệt là các nhận xét chuyên sâu của các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm. Đây là những gợi ý quan trọng để các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo cuối cùng cũng như phát triển các hướng nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới. Tổng kết chung về hội thảo, PGS. TS. Đặng Nguyên Anh đánh giá cao các báo cáo tham luận cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Hội thảo là dịp để cán bộ hai Viện có cơ hội trao đổi và chia sẻ những vấn đề, những kết quả nghiên cứu mới cũng như thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai Viện. Hội thảo đã cho thấy hiệu quả tích cực của việc phối hợp công tác nghiên cứu khoa học và là cơ sở để hai Viện tiếp tục triển khai các hội thảo trao đổi định kỳ trong những năm tiếp theo.

Vấn đề đạo đức trong nghiên cứu về mua bán người

Tác giả: Dương Kim Anh

Trang: 83-94

File toàn văn đính kèm: Tải về

Sự khổ đau của hàng chục triệu nạn nhân bị mua bán trên toàn cầu thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều cá nhân, tổ chức. Tuy vậy, còn rất ít nghiên cứu về mua bán người. Mua bán người là vấn đề nhạy cảm vì nó liên quan đến mạng lưới tội phạm có tổ chức, sự trả thù của những kẻ buôn người đối với các nạn nhân và người thân của họ, thậm chí là với những người thực hiện nghiên cứu hoặc người cung cấp thông tin. Vậy đâu là rủi ro khi thực hiện nghiên cứu về mua bán người? Làm thế nào để giảm thiểu các rủi ro đó? Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho nghiên cứu viên cũng như người tham gia nghiên cứu? Bài viết dưới đây chia sẻ việc xử lý các vấn đề đạo đức nghiên cứu và kinh nghiệm làm việc với nạn nhân bị mua bán cũng như các giải pháp giảm thiểu rủi ro khi thực hiện nghiên cứu về mua bán trong chương trình nghiên cứu sinh về Giới và Phụ nữ học tại Đại học Waikato, Niu-Di-Lân.

Cha mẹ và việc giáo dục sức khỏe tình dục cho vị thành niên cấp Trung học phổ thông

Tác giả: Đặng Thị Lan Anh

Trang: 71-82

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết tìm hiểu nhận thức của cha mẹ về sự cần thiết của việc giáo dục sức khỏe tình dục cho vị thành niên 15-17, lứa tuổi đang theo học ở cấp Trung học phổ thông, phân tích hành vi của cha mẹ về việc giáo dục kiến thức và cách thức chăm sóc sức khỏe tình dục đối với vị thành niên nam và nữ, cũng như xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ giáo dục kiến thức sức khỏe tình dục cho nhóm tuổi này. Việc giáo dục các kiến thức về sức khỏe tình dục cho vị thành niên sẽ giúp các em xây dựng được một lối sống lành mạnh, có được sự lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu trong tương lai.

Một số vấn đề giới trong giáo dục ở Việt Nam

Tác giả: Lê Thị Kim Lan

Trang: 62-70

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này trình bày một số chính sách liên quan đến giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục đã được ban hành và thực thi, một số thành tựu về bình đẳng giới và vấn đề giới còn đang tồn tại trong giáo dục cần được quan tâm ở Việt Nam hiện nay. Biểu hiện của vấn đề giới trong giáo dục đó là sự khác biệt về trình độ học vấn của nam và nữ, chủ yếu là cộng đồng dân tộc thiểu số; sự tồn tại các tài liệu giáo dục và sách giáo khoa mang định kiến giới trong trường học; và trình độ của đội ngũ giáo viên nữ còn thấp và ít có cơ hội nâng cao năng lực hơn so với nam giới.

Trường học Pháp - Việt trong thời kỳ 1920-1945 và sự hình thành tầng lớp nữ trí thức (Trường hợp hai trường nữ trung học Đồng Khánh và Áo Tím)

Tác giả: Thái Thị Ngọc Dư

Trang: 50-61

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài nghiên cứu đặt trọng tâm vào những lời chứng của các thế hệ cựu nữ sinh học tại hai trường áo Tím (ở Sài Gòn) và Đồng Khánh (ở Huế) trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1945, nhằm tìm hiểu những hồi ức và suy nghĩ của người học về quá trình trưởng thành của nữ sinh trong nền giáo dục Pháp – Việt. Tuy trường Pháp – Việt trong bối cảnh của một thuộc địa có những khiếm khuyết, nhưng với tinh thần gạn đục khơi trong, các cựu nữ sinh đã tiếp thu những giá trị nhân văn tốt đẹp của nền văn hóa Pháp, bồi đắp thêm tinh thần dân tộc và đã trưởng thành trong sự giao thoa của hai nền văn hóa Pháp – Việt. Với việc thành lập hệ thống trường Pháp – Việt, lần đầu tiên nữ giới Việt Nam được chính thức đi học, thành đạt và tham gia vào các hoạt động trí thức của xã hội. Lòng tự tin của các thế hệ nữ trí thức đầu tiên này đã được tăng cường với những nhận thức bước đầu về vị trí vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội.

Lồng ghép giới vào quy trình ngân sách: Một số tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh & Phạm Thu Hiền

Trang: 35-49

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên việc rà soát và tổng hợp các tài liệu chính sách, pháp luật có liên quan; kết quả các cuộc tọa đàm, trao đổi với đại diện các bộ, ngành ở trung ương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà lập pháp, các chuyên gia giới và tài chính về chủ đề này trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trung tâm Phụ nữ trong Chính trị và Hành chính công và Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc tại Việt Nam, bài viết phân tích khái niệm ngân sách có tính đến yếu tố giới và những nỗ lực bước đầu thực hiện quy trình ngân sách có tính đến yếu tố giới ở Việt Nam. Theo các tác giả, với những tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện lồng ghép giới vào quy trình ngân sách trong những năm vừa qua, cần tiếp tục có những bước đi và lộ trình cụ thể nhằm hoàn thiện quy trình ngân sách có tính đến yếu tố giới ở Việt Nam.

Tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Việt Nam: Một số bàn luận từ góc độ chính sách và thực thi chính sách

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Trang: 24-34

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này xem xét tình hình tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) ở Việt Nam từ góc độ chính sách và thực thi chính sách. Tác giả chỉ ra rằng những khoảng trống trong chính sách và những bất cập trong thực thi chính sách cùng với sự hoạt động chưa hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ và tài chính y tế trong khi hành vi chăm sóc sức khỏe và nhận thức của người dân về BHYT và KCB BHYT còn nhiều hạn chế đã khiến thực trạng tham gia BHYT và sử dụng dịch vụ KCB BHYT của người dân chưa cao. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai chính sách BHYT và các chính sách liên quan đến KCB BHYT ở Việt Nam, bài viết gợi mở những vấn đề cần được xem xét thực hiện trong thời gian tới nhằm cải thiện tình hình tiếp cận dịch vụ KCB BHYT hiện nay ở Việt Nam.

Nguyên nhân ly hôn của phụ nữ qua nghiên cứu hồ sơ Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tác giả: Phan Thị Luyện

Trang: 12-23

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên nguồn số liệu Hồ sơ dân sự sơ thẩm về các vụ việc ly hôn tại Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội từ năm 2005 đến năm 2010, bài viết phân tích các nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột trầm trọng trong cuộc sống hôn nhân thúc đẩy người phụ nữ ly hôn. Kết quả cho thấy tính tình không hợp, ngoại tình, bạo lực gia đình, ghen tuông và cờ bạc/nghiện hút là các nguyên nhân cơ bản khiến các gia đình ly tán. Tác giả cho rằng những phát hiện trong nghiên cứu cũng trùng với những nội dung của lý thuyết xung đột. Theo đó, ly hôn không chỉ là hệ quả của những xung đột không hoà giải được trong gia đình mà còn là sự trao đổi không ngang bằng giữa cái được và cái mất.

Vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập hiện nay

Tác giả: Nguyễn Thị Song Hà

Trang: 3-11

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết bàn về vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở Việt Nam hiện nay. Vai trò đó được thể hiện ở một số phương diện như: giáo dục đạo hiếu, đạo nghĩa và cách ứng xử xã hội; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của gia đình, dòng họ và cộng đồng; trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng dân số, trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình cho thế hệ trẻ; trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; cũng như trong việc giáo dục, thực hiện chính sách, pháp luật.