Liên kết web
Số lượt truy cập

15

1962939

Chi tiết tạp chíSố 1 - 2018

Hội thảo khoa học: “Thực trạng và các yếu tố tác động đến bạo lực gia đình hiện nay”

Tác giả: Trần Thị Vân Nương

Trang: 93

Ngày 6/2/2018 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học công bố một số kết quả bước đầu của Đề tài cấp Bộ “ảnh hưởng của các yếu tố môi trường xã hội và kinh tế đến bạo lực gia đình hiện nay” (Mã số: KHXH-GĐ/16-19/04). Đề tài do TS. Đặng Thị Hoa làm Chủ nhiệm và thuộc Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Mục đích của Hội thảo là để các nhà khoa học có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về chủ đề nghiên cứu bạo lực gia đình ở Việt Nam xung quanh các kết quả khảo sát của đề tài. Chủ trì buổi Hội thảo có GS.TS Nguyễn Hữu Minh, đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình và TS. Đặng Thị Hoa, Chủ nhiệm đề tài. Hội thảo được chia làm hai phiên: Phiên thứ nhất tập trung vào nội dung nghiên cứu Bạo lực giữa vợ và chồng; Phiên thứ hai trình bày một số kết quả về bạo lực đối với trẻ em, người cao tuổi và mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại địa phương. Các bài tham luận tại Hội thảo tập trung vấn đề thực trạng bạo lực gia đình giữa vợ và chồng và yếu tố ảnh hưởng; bạo lực đối với trẻ em, người cao tuổi và mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng hiện nay, cụ thể như sau: “Bạo lực giữa vợ và chồng - Nhận diện từ 3 nghiên cứu” của ThS. Bùi Thị Hương Trầm; “Thực trạng bạo lực giữa vợ và chồng: một số phân tích ban đầu” của TS. Trương Thị Thu Thủy; “Tác động của một số yếu tố văn hóa tới thực trạng bạo lực giữa vợ và chồng trong gia đình hiện nay” của ThS. Trần Thị Vân Nương; “Bạo lực đối với trẻ em trong gia đình: Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng” của ThS. Trần Quý Long; “Một số phát hiện về bạo lực đối với người cao tuổi” của TS. Lê Ngọc Lân; “Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng” của TS. Trần Thị Hồng. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều đóng góp hữu ích cho các tác giả để hoàn thiện báo cáo. Chẳng hạn, GS. Lê Thị Quý gợi ý cho đề tài về các hướng nghiên cứu tiếp theo, cần hiểu rõ về bạo lực tinh thần, vì thực tế các dạng bạo lực đều dẫn tới bạo lực tinh thần và bạo lực tinh thần là hậu quả của nhiều dạng bạo lực khác bởi vậy rất cần quan tâm nghiên cứu hơn nữa đến loại hình bạo lực này. PGS. TS. Lê Ngọc Văn cho rằng nên áp dụng cả cách tiếp cận dân tộc học và tôn giáo, như vậy sẽ đưa ra được những đóng góp mới của đề tài trong lĩnh vực nghiên cứu về bạo lực gia đình hiện nay. Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Đặng Thị Hoa, Chủ nhiệm đề tài tóm tắt lại phần thảo luận, cảm ơn các ý kiến đóng góp và nhấn mạnh rằng kết quả Hội thảo đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện báo cáo tổng hợp của đề tài về bạo lực gia đình tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo khoa học: “Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số”

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 92

Ngày 29/1/2018, tại Hà Nội, trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta” do GS.TS Nguyễn Hữu Minh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số”. Mục đích của Hội thảo là trao đổi, thảo luận về cơ sở lý thuyết, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và những vấn đề cần quan tâm trong nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam hiện nay. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan thực hiện công tác quản lý nhà nước và các cơ quan nghiên cứu về bình đẳng giới, về công tác dân tộc, như ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Học viện Phụ nữ, Học viện Khoa học xã hội… Một số đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Hội thảo được chia làm 2 phiên. Phiên thứ nhất bàn về cơ sở lý luận nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số. Các diễn giả đã trình bày các lý thuyết có thể được sử dụng trong nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số như lý thuyết văn hóa, lý thuyết bản dạng xã hội, lý thuyết mô hình sinh thái, lý thuyết về sự linh hoạt xã hội, lý thuyết về sự thay đổi… Các hướng tiếp cận nghiên cứu được đề cập đến gồm có: tiếp cận từ góc độ thể chế, tiếp cận từ góc độ chính sách, tiếp cận từ góc độ văn hóa, tiếp cận phát triển, tiếp cận nhân học…. Phiên thứ hai bàn về phương pháp nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số. Các diễn giả đã chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm nghiên cứu liên quan đến bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và các chỉ báo đo lường bình đẳng giới trên các chiều cạnh lao động việc làm, tham chính, giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới trong gia đình và bạo lực giới. Hội thảo cũng đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến cho nghiên cứu về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số, như cần chú ý đến vấn đề giới của từng nhóm dân tộc khác nhau, từng nhóm tuổi khác nhau ở vùng dân tộc thiểu số, chú ý đến bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, an ninh, quốc phòng.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: Nguyễn Thị Thảo

Trang: 91

Ngày 20/12/2017, tại trụ sở số 27 Trần Xuân Soạn, Quận Hai BàTrưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Hội nghị vinh dự được đón tiếp GS.TS. Phạm Văn Đức - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) cùng các đồng chí đại biểu là đại diện cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể thuộc Viện Hàn lâm. Về phía Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới có TS. Trần Thị Minh Thi - Bí thư chi bộ, Viện trưởng; GS.TS. Nguyễn Hữu Minh - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới; TS. Đặng Thị Hoa - Phó Viện trưởng; GS. Lê Thi - Nguyên Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Phụ nữ (nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong Viện và các thế hệ cán bộ hưu trí đã có mặt tham dự Hội nghị đông đủ. Thay mặt Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, TS. Trần Thị Minh Thi trình bày Báo cáo Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của đơn vị. Báo cáo đã tổng kết, đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trong năm 2017, nêu bật các kết quả, thành tựu đạt được, đồng thời chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018. Năm 2017, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới có những hoạt động nổi bật mang tính dấu mốc lịch sử như: Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện, thực hiện chuyển giao Lãnh đạo Viện nhiệm kỳ 2017-2022, thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Viện theo hướng tinh gọn, hiệu quả đúng với tinh thần chỉ đạo của Viện Hàn lâm và các quy định của Nhà nước về tinh giản biên chế, tinh giản đầu mối tổ chức. Trong năm 2017, hoạt động của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới luôn bám sát thực tiễn để có các kết quả nghiên cứu tốt nhằm đưa ra những kiến nghị, tư vấn chính sách có chất lượng trong lĩnh vực chuyên môn nghiên cứu của Viện. Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác năm 2018, TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng, khẳng định, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, khuyến khích sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, từng bước hướng tới sự chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác của Viện. Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học xã hội” cho 08 cán bộ, viên chức đã và đang công tác tại Viện nhằm ghi nhận những đóng góp và sự gắn bó của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức đối với Viện Hàn lâm. GS.TS. Phạm Văn Đức – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm trao tặng Kỷ niệm chương cho cán bộ trong đơn vị. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, GS.TS Phạm Văn Đức - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà toàn thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã đạt được trong năm 2017; biểu dương, ghi nhận những thành tích và đóng góp to lớn của đơn vị đối với Viện Hàn lâm, với Đảng, Nhà nước và nền khoa học nước nhà. Đồng chí đánh giá các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo tại đơn vị được triển khai đồng bộ, những kết quả nghiên cứu của Viện không chỉ góp phần tư vấn, xây dựng chính sách mà còn trực tiếp phục vụ chương trình nghiên cứu về gia đình của Viện Hàn lâm. Trong thời gian tới, GS.TS. Phạm Văn Đức đề nghị Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bổ sung thêm cán bộ nghiên cứu là nam giới để cân bằng hơn về đội ngũ, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia khoa học xứng tầm, có phẩm chất và năng lực tốt, thực hiện đánh giá cán bộ nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch, bổ nhiệm tại chỗ, chủ động xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh liên quan đến nội dung chuyên môn của Viện. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tham dự vào nội dung của báo cáo tổng kết. Với tinh thần “Đổi mới, Sáng tạo, Chuyên nghiệp và Hiệu quả”, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhằm tạo ra những bước phát triển mới trong năm 2018, xứng đáng với sự tin cậy của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, của Đảng và Nhà nước.

Việc đi học của trẻ em trong độ tuổi trung học và những yếu tố ảnh hưởng

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 82-90

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sử dụng số liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2014 do Tổng cục Thống kê thực hiện, nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố tác động đến tình trạng đi học của trẻ em trong độ tuổi học trung học, cụ thể là từ 11-14 tuổi đối với bậc trung học cơ sở và 15-17 tuổi đối với bậc trung học phổ thông, ở Việt Nam. Kết quả phân tích đa biến cho thấy vấn đề đi học của trẻ em trong độ tuổi học trung học vẫn còn có những khác biệt và phụ thuộc một cách có ý nghĩa với những yếu tố nhân khẩu học-xã hội của cá nhân và hộ gia đình. Trẻ em là người Kinh, có bố với học vấn cao hơn, gia đình có số thành viên ít hơn và mức sống cao hơn, cư trú ở thành thị và những vùng phát triển hơn về kinh tế-xã hội có khả năng được đi học cao hơn. Như vậy, có thể thấy, nếu không có các chính sách đặc biệt hướng đến nhóm yếu thế thì giữa các nhóm trẻ em có hoàn cảnh xã hội khác nhau tiếp tục có sự khác biệt về giáo dục.

Tiếp cận dịch vụ giáo dục của nhóm trẻ nhập cư Đài-Việt và Hàn-Việt: Trường hợp tại Hậu Giang

Tác giả: Đặng Nguyên Anh, Dương Hiền Hạnh

Trang: 73-81

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên cách tiếp cận sự phân biệt đối xử của định chế, bài viết phân tích thực trạng tiếp cận dịch vụ giáo dục của nhóm trẻ nhập cư Đài-Việt và Hàn-Việt tại Hậu Giang và so sánh với nhóm trẻ có cả bố và mẹ là người Việt Nam. Sự không ngang bằng nhau về cơ hội giáo dục giữa hai nhóm trẻ được phân tích dựa trên yếu tố (1) Lệch nhau về tuổi đi học, (2) Sử dụng dịch vụ giáo dục công hay tư, (3) Được cho đi học thêm hay không, và (4) Kết quả học tập được tính bằng giấy khen của nhà trường. Nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp phân tích định lượng làm nền tảng để giải thích về sự không ngang nhau về cơ hội tiếp cận giáo dục giữa nhóm trẻ lai và nhóm trẻ cộng đồng (không phải trẻ lai) và đồng thời sử dụng dữ liệu định tích nhằm cung cấp thêm thông tin giải thích rõ thực trạng tiếp cận dịch vụ giáo dục của nhóm trẻ nhập cư Đài-Việt và Hàn-Việt tại Hậu Giang.

Cán bộ nữ tham gia nghiên cứu khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Hồng, Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Thanh Loan

Trang: 61-72

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên số liệu khảo sát bằng bảng hỏi được sử dụng với số lượng mẫu là 774 cán bộ nghiên cứu thuộc Đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp phát huy vai trò của cán bộ nữ nghiên cứu khoa học trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” năm 2016-2017, bài viết phân tích thực trạng tham gia nghiên cứu khoa học của cán bộ nữ, tìm hiểu tinh thần, thái độ tham gia nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ nữ và yếu tố ảnh hưởng. Kết quả nghiên cứu cho thấy đội ngũ cán bộ nữ nghiên cứu khoa học xã hội mặc dù đông đảo về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế nhất định. Tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhận vai trò chủ nhiệm đề tài ở hệ đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước và đề tài hợp tác chưa cao và thường thấp hơn so với cán bộ nam. Đại đa số cán bộ nữ khoa học xã hội đều có sự nhiệt huyết và tinh thần say mê nghiên cứu khoa học. Kết quả phân tích mô hình hồi quy chỉ ra rằng tinh thần, thái độ nghiên cứu khoa học của cán bộ nữ không chỉ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố từ cá nhân như độ tuổi, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và sự hỗ trợ của gia đình mà còn chịu tác động nhiều hơn bởi các yếu tố thể chế và cơ chế.

Mối quan hệ giữa người cao tuổi với các con trong gia đình đô thị

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hà, Ngô Thị Châm

Trang: 52-60

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích mối quan hệ giữa người cao tuổi với các con trong gia đình đô thị xét trên hai khía cạnh chính: quan hệ hỗ trợ về vật chất kinh tế và quan hệ hỗ trợ về tinh thần tình cảm và quan niệm của người cao tuổi về việc sống chung và sống riêng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ, động viên người cao tuổi cả về mặt vật chất cũng như tinh thần. Người cao tuổi không chỉ là đối tượng được trợ giúp mà ngược lại họ cũng là những người trực tiếp chăm sóc, giúp đỡ con cháu dưới nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ vốn tài chính, giúp đỡ việc nhà và chăm sóc giáo dục cháu nhỏ. Người cao tuổi ở khu vực đô thị có sự độc lập tương đối về tài chính và khả năng thích ứng với những biến đổi trong lối sống gia đình và có mối quan hệ gắn kết nhiều hơn với con gái so với con trai. Đa phần người cao tuổi ở thành phố có tâm lý muốn sống chung với con cái chủ yếu để hỗ trợ về tinh thần, tình cảm và mong muốn sự gắn bó quây quần giữa các thế hệ.

Quyết định giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975

Tác giả: Lê Việt Nga

Trang: 44-51

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên số liệu khảo sát của đề tài nghiên cứu cấp Viện năm 2017 tại hai xã thuộc tỉnh Nam Định, bài viết tìm hiểu những đặc trưng riêng về quyền quyết định giữa vợ và chồng trong 5 năm đầu sau kết hôn tại các gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975, qua đó bình luận về sự thay đổi quyền lực giữa vợ và chồng. Kết quả cho thấy người vợ có thế mạnh nổi trội trong các quyết định chính liên quan đến chăm sóc trẻ nhỏ, người già, người ốm và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Người chồng có thế mạnh trong các quyết định chính ở lĩnh vực quan hệ cộng đồng và mua bán xây sửa nhà cửa. Nghề nghiệp, việc sống xa cách giữa vợ và chồng và số con là các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng giữa vợ và chồng trong giai đoạn này.

Tổ chức đời sống vật chất những năm đầu sau kết hôn trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975

Tác giả: Phí Hải Nam

Trang: 35-43

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết này phân tích về việc tổ chức cuộc sống vật chất của các cặp vợ chồng vào những năm đầu sau kết hôn ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 ở các lĩnh vực như nơi cư trú, nhà ở và tiện nghi sinh hoạt, mức sống gia đình, thu nhập và hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn nơi cư trú của các cặp vợ chồng sau khi kết hôn là ở bên nhà chồng, trong những năm đầu hôn nhân các cặp vợ chồng gặp nhiều khó khăn về nhà ở cũng như về tiện nghi sinh hoạt và hoạt động sản xuất. Nhìn chung, tổ chức cuộc sống vật chất giữa các gia đình nông thôn miền Bắc trong giai đoạn 1960-1975 ít có sự khác biệt. Mức sống của hộ gia đình phổ biến ở mức nghèo khó, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã chỉ đủ duy trì cuộc sống, bởi vậy việc tổ chức đời sống vật chất sau khi kết hôn của các gia đình trẻ phải dựa vào sự trợ giúp của bố mẹ và anh em trong gia đình.

Quyền quyết định hôn nhân trong xã hội nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Trang: 27-34

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa vào kết quả khảo sát của Đề tài cấp cơ sở “Lựa chọn bạn đời ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2017 tại Thái Bình, bài viết phân tích vai trò cá nhân, gia đình trong việc tìm hiểu bạn đời và quyết định kết hôn cũng như một số yếu tố tác động. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong xã hội nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960-1970 con cái đang dần nắm quyền quyết định trong việc gặp gỡ, tìm hiểu bạn đời và quyết định kết hôn. Tuy nhiên, trong thời kỳ này gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hôn nhân của con cái, quyền lực chi phối của cha mẹ lên hôn nhân của con cái đã giảm bớt và không còn mang tính áp đặt như trước.

Bất đồng trong hôn nhân ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Thanh

Trang: 16-26

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên kết quả khảo sát định lượng của Đề tài cấp Bộ trọng điểm “Những đặc điểm cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam hiện nay và những yếu tố ảnh hưởng”, bài viết phân tích các loại hình bất đồng và cách thức giải quyết bất đồng trong hôn nhân ở Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong đời sống hôn nhân các bất đồng của người vợ và người chồng thường liên quan đến sự khác biệt hoặc không phù hợp về suy nghĩ, lối sống, tính cách, thói quen; chăm sóc giáo dục con cái và vấn đề về kinh tế. Nhìn chung, phụ nữ có xu hướng phản ánh về bất đồng nhiều hơn so với nam giới. Cả nam và nữ đều có những cách thức khác nhau trong việc giải quyết bất đồng nhưng nhìn chung, những cách thức giải quyết bất đồng thường hướng tới việc duy trì sự bền vững cho mối quan hệ hôn nhân.

Đoàn kết liên thế hệ trong gia đình Việt Nam hiện nay

Tác giả: Trịnh Thái Quang

Trang: 3-15

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình chịu tác động của biến đổi về kinh tế, hệ giá trị, văn hóa và nhận thức của các cá nhân, cộng đồng và xã hội. Bài viết này tập trung phân tích một số khía cạnh về sự đoàn kết thế hệ theo cách tiếp cận của Vern Bengston, sử dụng số liệu từ khảo sát “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” với 1.759 người. Kết quả phản ánh một số khác biệt về quan điểm liên quan đến giá trị gia đình và mối quan hệ trong gia đình giữa nhóm trẻ và nhóm cao tuổi. Hình thức và mức độ trợ giúp giữa các thế hệ cũng khác nhau theo đoàn hệ tuổi. Kết quả nghiên cứu gợi ý những hướng nghiên cứu và tiếp cận mới về đoàn kết thế hệ trong gia đình.