Liên kết web
Số lượt truy cập

24

2034278

Chi tiết tạp chíSố 5 - 2019

Tọa đàm khoa học “Nguồn lực của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam: Bối cảnh Việt Nam và các bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản”

Tác giả: Huyền Dân

Trang: 96

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (KHXHVN) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản trong việc cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam 2021-2030 và hỗ trợ địa phương trong xây dựng các chiến lược phát triển, được ký kết ngày 24/7/2019 tại Hà Nội, nhằm tăng cường hợp tác nói chung giữa Viện Hàn lâm KHXHVN và các đối tác Nhật Bản, và phục vụ nghiên cứu chủ đề Bảo đảm tài chính cho an sinh xã hội trong bối cảnh già hóa dân số của Việt Nam do Viện Hàn lâm giao Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện nói riêng, ngày 08/10/2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Nguồn lực của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam: Bối cảnh Việt Nam và các bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản”. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các Viện nghiên cứu; Ban Quản lý Khoa học, Viện Hàn lâm KHXHVN; ông Murooka.Naomichi, phó trưởng đại diện JICA và các chuyên gia của JICA; giáo sư danh dự Eiji Tajika của Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản); PGS.TS. Trần Thị Minh Thi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; các nhà khoa học và đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, trường đại học và viện nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực dân số và người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam. Tọa đàm bao gồm ba phiên. Phiên thứ nhất gồm 03 bài trình bày “Kinh tế Nhật Bản và Tài chính cho y tế và hưu trí công” của GS. Eiji Tajika; “Tăng cường tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh biến đổi kinh tế và cấu trúc gia đình ở Châu Á: nghiên cứu so sánh Việt Nam và Nhật Bản” của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi; “Phân biệt tuổi tác và tiếp cận việc làm cho người cao tuổi” của TS. Trịnh Thái Quang. Phiên thứ hai tập trung vào những vấn đề thực tiễn liên quan đến NCT ở Việt Nam qua các chủ đề “Dịch vụ công và tư trong chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay” của TS. Lê Ngọc Lân; “Chất lượng cuộc sống hướng tới già hóa tích cực ở Việt Nam” của ThS. Nguyễn Hà Đông; và “Khả năng tham gia thị trường lao động của người cao tuổi” của ThS. Phan Huyền Dân. Phiên thảo luận xoay quanh các vấn đề mở rộng bao gồm nguồn lực NCT, chất lượng cuộc sống, già hóa tích cực, già hóa tại cộng đồng, các vấn đề nghiên cứu và chính sách, v.v. Những bài học thành công và thách thức mà Nhật Bản trải qua là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong lộ trình bảo đảm bảo hiểm xã hội toàn dân và nâng cao hiệu quả chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Phát biểu tại tọa đàm, ông Murooka Naomichi, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA đánh giá cao nội dung chuyên môn và ý nghĩa của tọa đàm do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện. Tọa đàm đã chia sẻ và tiếp thu được nhiều thông tin bổ ích về nội dung thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam, mở đầu cho một chuỗi các hoạt động hợp tác giữa Viện Hàn lâm KHXHVN và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản trong giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo khoa học “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 94-95

Ngày 4/10/2019, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Hội thảo hướng tới mục tiêu nhận diện những vấn đề mới, những khó khăn, thách thức chủ yếu của gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý nhà nước về các chủ trương, giải pháp đối với công tác gia đình trong thời gian tới. Hội thảo do GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội; bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách đến từ Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, các cơ quan báo chí… Phát biểu khai mạc Hội thảo GS.TS. Nguyễn Thanh Long khẳng định cần xây dựng gia đình no ấm tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gia đình có những cơ hội thuận lợi để nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng cũng đối mặt với những thách thức, làm biến đổi về quy mô, cấu trúc gia đình, vấn đề hôn nhân và các mối quan hệ trong gia đình. Vì thế, Hội thảo cần tập trung làm rõ: (1) Những vấn đề của gia đình cần có sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội; (2) Phát triển và hoàn thiện các dịch vụ xã hội để hỗ trợ gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ trong việc thực hiện các chức năng gia đình; (3) Những vấn đề cần tập trung giải quyết để hỗ trợ các nhóm gia đình đặc thù như gia đình trẻ, gia đình dân tộc thiểu số, phát huy tính tích cực của gia đình trung lưu; (4) Xây dựng chính sách gia đình phát triển gia đình… GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cũng nhấn mạnh trong hơn 30 năm Đổi mới, gia đình Việt Nam đã có nhiều biến chuyển sâu sắc, chuyển đổi mạnh mẽ từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại; có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội nói chung. Vì thế, việc nghiên cứu gia đình trong bối cảnh mới, điều kiện mới là hết sức quan trọng và Hội thảo sẽ góp phần làm rõ hơn những đặc trưng, đặc điểm của gia đình Việt Nam hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo bao gồm hai phiên. Phiên thứ nhất gồm 03 bài trình bày “An sinh xã hội cho gia đình: Thực trạng và định hướng chính sách ở Việt Nam” của GS.TS. Đặng Nguyên Anh - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; “Quản lý nhà nước về gia đình - Những vấn đề chính sách và giải pháp” của TS. Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; “Một số thách thức chủ yếu trong các mối quan hệ hôn nhân ở Việt Nam và các khuyến nghị chính sách” của GS.TS. Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam. Phiên thứ hai tập trung vào một số vấn đề của gia đình Việt Nam theo các nhóm xã hội đặc thù qua các chủ đề “Khía cạnh thể chế và văn hóa trong chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị chính sách” do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày; “Sự tham gia và tính tích cực xã hội của gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay” do GS.TS. Trịnh Duy Luân - Hội Xã hội học Việt Nam trình bày; “Một số vấn đề đặt ra với gia đình dân tộc thiểu số hiện nay” do PGS.TS. Đặng Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày. Hội thảo đã thảo luận về các vấn đề của gia đình theo hướng tiếp cận gia đình là một thiết chế xã hội, nhận định những vấn đề xã hội tồn tại liên quan đến các chức năng gia đình, các mối quan hệ trong gia đình, và mối quan hệ của gia đình với xã hội, nhà nước. Theo đó, các vấn đề nổi cộm, nguy cơ của gia đình được Hội thảo bàn luận gồm việc chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, giáo dục trẻ em, văn hóa ứng xử trong gia đình, giá trị gia đình trong bối cảnh hội nhập quốc tế, an sinh xã hội cho gia đình trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình… Hội thảo cũng đề xuất một số giải pháp đảm bảo sự phát triển bền vững của gia đình như nâng cao nhận thức của các thành viên gia đình về các vấn đề xã hội đang đặt ra đối với gia đình, chuyển đổi hướng tiếp cận an sinh xã hội từ cá nhân sang gia đình, đưa tiêu chí gia đình hạnh phúc vào tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, thu hút sự tham gia của các thành viên gia đình, đặc biệt là nam giới trong xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, xây dựng gia phong, gia quy… Kết thúc hội thảo, GS.TS. Phùng Hữu Phú khẳng định hội thảo có ý nghĩa thiết thực giúp Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị cho hoạt động sơ kết thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trải qua 15 năm thực hiện, Chỉ thị 49-CT/TW đã thể hiện được tính đúng đắn và giữ nguyên giá trị về quan điểm, định hướng phát triển gia đình. Có thể nói, gia đình Việt Nam đang chuyển đổi trong bối cảnh xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ về hệ giá trị và chịu ảnh hưởng bởi cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, dự báo và làm sâu sắc thêm vấn đề gia đình trên các phương diện biến đổi cấu trúc, chức năng gia đình, vấn đề bình đẳng giới trong gia đình... Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách giải quyết từng vấn đề của gia đình, hướng tới từng nhóm xã hội cụ thể, không có sự phân biệt về nhóm tuổi, giới tính, vùng miền, thúc đẩy tính tích cực xã hội và trách nhiệm xã hội của gia đình. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề gia đình, về vai trò quan trọng của gia đình, không chỉ là tế bào xã hội mà còn là đơn vị có tính chất hạt nhân trong đời sống xã hội.

Hội thảo khoa học “Báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu khoa học năm 2019 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới”

Tác giả: Thanh Mai

Trang: 92-93

Với mục tiêu giúp các Chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở năm 2019 trình bày, chia sẻ các kết quả nghiên cứu giữa kỳ nhằm hoàn thiện về mặt lí luận, phương pháp phân tích và cách thức xây dựng báo cáo tổng hợp đề tài khoa học, ngày 30 tháng 8 năm 2019, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo khoa học: Báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu khoa học năm 2019. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hội thảo và ý nghĩa của các nghiên cứu thuộc Hệ đề tài cơ sở năm 2019. Viện trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nghiên cứu khoa học để đưa ra những những ý kiến đóng góp bổ ích cho các chủ nhiệm đề tài trong việc thực hiện các nghiên cứu thuộc Hệ đề tài cơ sở năm 2019. Nếu như trong hai năm trước (2017, 2018), Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tập trung vào các nghiên cứu cơ bản về lịch sử gia đình nông thôn Việt Nam ở giai đoạn 1960-1975 và 1976-1986 thì năm 2019, chủ đề nghiên cứu lựa chọn các chủ đề hôn nhân và gia đình đương đại với hai chủ đề chính: quá trình thực hiện và tác động xã hội của một số luật; nghiên cứu về sức khỏe và các vấn đề xã hội của hôn nhân và gia đình hiện nay. Hội thảo khoa học: Báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu khoa học năm 2019 có 9 báo cáo thuộc 9 đề tài cơ sở năm 2019. Hội thảo được chia làm 2 phiên với hai chủ đề khác nhau. Phiên 1 với chủ đề “Các vấn đề xã hội quy định trong luật và lý thuyết nghiên cứu gia đình” gồm 5 bài trình bày. Nghiên cứu về “Tìm hiểu việc thực hiện quy định mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014” của Hà Thị Minh Khương đã tập trung phân tích hai vấn đề là cơ sở lý luận của quy định mang thai hộ; quan điểm và thực trạng mang thai hộ ở Việt Nam và một số nước trên thế giới. Đề tài cũng nghiên cứu việc thực hiện quy định mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 với việc tìm hiểu nhận thức của người dân về quy định mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đào Hồng Lê trong nghiên cứu về “Tìm hiểu việc thực hiện một số quyền trong Luật Người cao tuổi 2019” đã nêu lên bốn quyền của người cao tuổi: Quyền được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Quyền được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; Quyền được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; Quyền được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác. Đề tài chủ yếu xoay quanh việc tìm hiểu các chính sách pháp luật liên quan đến 4 quyền cơ bản nêu trên của người cao tuổi cũng như phát hiện từ các nghiên cứu liên quan đến 4 quyền đã nêu. Đề tài “Thực hiện Luật Trẻ em: nhận thức của cha mẹ về xâm hại tình dục đối với trẻ em” của Lê Việt Nga nhấn mạnh về khía cạnh quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em trong luật trẻ em. Các văn bản pháp luật được nêu ra và phân tích trong đề tài này bao gồm: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Hình sự, Luật Lao động... Trương Thị Thu Thủy trong đề tài “Khủng hoảng gia đình: khái niệm, lý thuyết và hướng áp dụng qua nghiên cứu trường hợp 01 phường tại Hà Nội” tìm hiểu hai khía cạnh chính: khái niệm và lý thuyết nghiên cứu khủng hoảng gia đình; nhận diện một số khía cạnh khủng hoảng gia đình ở Việt Nam (qua nghiên cứu 1 phường ở Hà Nội). Đề tài “Nhận thức và thái độ về hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế hiện nay qua nghiên cứu một số bệnh viện tại Hà Nội” của Phí Hải Nam nêu lên những con số về bạo hành đối với nhân viên y tế nói chung. Đề tài cũng đưa ra một số kết quả nghiên cứu về nhận thức và thái độ về bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất đối với nhân viên y tế cũng như mức độ nhận biết, thái độ và hành vi của người dân. Phiên 2 với chủ đề “Nghiên cứu về sức khỏe và các vấn đề xã hội” gồm 4 bài trình bày. Lỗ Việt Phương trong nghiên cứu “Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi ở gia đình nông thôn trong xã hội chuyển đổi” đã đưa ra các kết quả nghiên cứu về thực trạng sức khỏe tinh thần của người cao tuổi với hai khía cạnh là thực trạng sức khỏe tinh thần tiêu cực và thực trạng sức khỏe tinh thần tích cực. Đề tài cũng đi sâu tìm hiểu một số yếu tố tác động đến trạng thái sức khỏe tinh thần tích cực ở các cấp độ cá nhân, cấp độ gia đình và cấp độ cộng đồng. Đề tài “Phân biệt tuổi tác và vấn đề tiếp cận việc làm của người cao tuổi. Một số phân tích ban đầu” của Trịnh Thái Quang nêu lên quan điểm về phân biệt tuổi tác từ góc độ người cao tuổi; nhận thức về khả năng của bản thân người cao tuổi; quan điểm về phân biệt tuổi tác từ góc độ con cái người cao tuổi. Mặt khác đề tài cũng nêu lên vấn đề tiếp cận việc làm của người cao tuổi. Đề tài “Một số biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tâm thần trong học sinh trung học cơ sở (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội) của Đặng Bích Thủy đưa ra một số phát hiện chính như: các vấn đề về cảm xúc như những biểu hiện liên quan đến rối loạn cảm xúc, buồn phiền, bất an… dẫn đến các nguy cơ mắc chứng trầm cảm, tự tử và các tổn thương thực thể như đau đầu, chán ăn, mất ngủ, gặp ác mộng; các vấn đề về hành vi như những biểu hiện liên quan đến rối loạn hành vi, rối loạn ứng xử; vấn đề tăng động giảm chú ý; những vấn đề về bạn bè. Đề tài cũng nêu một số nguyên nhân chủ yếu của các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tâm thần qua dữ liệu định tính thu được từ thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu. Đặng Thanh Nhàn trong đề tài “Ứng phó với thiên tai của nông dân miền núi phía Bắc (Nghiên cứu trường hợp xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã nêu lên một số phát hiện chính từ nghiên cứu định tính của đề tài như chiều cạnh giới trong tác động của thiên tai; thực trạng khác biệt giới trong nhận thức về ứng phó với thiên tai và thực trạng khác biệt giới trong hành vi ứng phó với thiên tai của nông dân. Kết thúc mỗi phiên của Hội thảo, các đại biểu tham dự Hội thảo sôi nổi thảo luận và đưa ra những ý kiến góp ý quý báu nhằm giúp cho các chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thuộc Hệ đề tài cơ sở năm 2019 có được hướng đi tiếp theo nhằm hoàn thiện các đề tài nghiên cứu tốt hơn. Hội thảo cũng là dịp để các nhà nghiên cứu có cơ hội học hỏi lẫn nhau, trau dồi kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu gia đình và giới.

Pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay: Một số kiến nghị hoàn thiện

Tác giả: Lê Việt Nga, Bùi Thị Hương

Trang: 82-91

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trong thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc gây hoang mang, bức xúc cho các gia đình và dư luận xã hội. Dựa trên tài liệu sẵn có và các văn bản pháp luật về phòng chống XHTD trẻ em trong nước và quốc tế, bài viết tập trung phân tích, đánh giá những quy định chung về phòng, chống XHTD trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, hạn chế những hành vi đáng tiếc xảy ra. Các khái niệm về XHTD trẻ em ở các nước trên thế giới và nghĩa vụ quốc gia được phân tích cụ thể và đối chiếu với văn bản pháp luật của Việt Nam chỉ ra những điểm tương đồng, đồng thời, rà soát việc thực hiện phòng chống XHTD trẻ em trong Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể.

Ứng phó của phụ nữ trước biến đổi khí hậu: Tổng quan nghiên cứu nước ngoài

Tác giả: Phan Huyền Dân

Trang: 73-81

Tóm tắt: Bài viết tổng hợp những cách thức ứng phó chủ yếu của phụ nữ làm nông nghiệp ở nhiều vùng đất trên thế giới trước biến đổi khí hậu bao gồm đầu tư sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế và di cư. Từ đó, bài viết đưa ra ba kết luận quan trọng: thứ nhất, phụ nữ có xu hướng ứng dụng các biện pháp thích ứng linh hoạt ở quy mô nhỏ; thứ hai, khi phụ nữ được tự chủ, họ sẽ phát huy khả năng ra quyết định tốt hơn; thứ ba, kết quả thích nghi của phụ nữ nông dân sẽ hiệu quả và bền vững hơn khi có sự kết hợp với các chiến lược can thiệp của nhà nước.

Sức khỏe tinh thần của người cao tuổi ở nông thôn Việt Nam

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 63-72

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sức khỏe tinh thần có vai trò quan trọng trong đời sống của người cao tuổi. Việc nhận diện các yếu tố tích cực tác động đến sức khỏe tinh thần là yếu tố thúc đẩy xây dựng môi trường tích cực cho sức khỏe tinh thần của người cao tuổi. Trên cơ sở phân tích số liệu điều tra về người cao tuổi năm 2017 trên địa bàn nông thôn miền Trung Việt Nam, bài viết tập trung phân tích thực trạng và các yếu tố tác động đến trạng thái sức khỏe tinh thần tích cực của người cao tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sức khỏe, tình trạng bệnh tật và điều kiện kinh tế là các yếu tố có tác động đến tình trạng tinh thần tích cực của người cao tuổi. Gia đình vẫn là môi trường quan trọng để nuôi dưỡng tinh thần tích cực cho người cao tuổi ở nông thôn. Yếu tố cộng đồng cũng có những ảnh hưởng đáng kể đến trạng thái tinh thần tích cực của người cao tuổi nông thôn trong bối cảnh phát triển xã hội hiện nay.

Phân biệt tuổi tác đối với người cao tuổi: Khái niệm và phương pháp đo lường

Tác giả: Trịnh Thái Quang, Lương Ngọc Thúy

Trang: 52-62

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Phân biệt tuổi tác đối với người cao tuổi là một dạng phân biệt đối xử dựa trên độ tuổi, là một kiểu kỳ thị phổ biến nhất nhưng được bình thường hóa nhiều nhất và thường xuất hiện trong môi trường lao động, việc làm, chăm sóc y tế và trong đời sống hàng ngày. Thể hiện của sự phân biệt tuổi tác là ở thái độ và hành vi đối với tuổi già, với người cao tuổi. Dân số người cao tuổi ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, điều đó cũng có thể dẫn đến sự gia tăng của phân biệt tuổi tác đối với người cao tuổi, đồng thời đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và công tác chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ người cao tuổi. Phân biệt tuổi tác đã được nghiên cứu từ rất sớm ở các nước phát triển, tuy nhiên, ở Việt Nam hầu như chưa có các nghiên cứu tập trung vào khía cạnh này. Bài viết này cung cấp những kiến thức cơ bản về khái niệm, các tác động, và các phương pháp đo lường, đồng thời đề xuất hướng nghiên cứu về phân biệt tuổi tác đối với người cao tuổi.

Mối liên hệ giữa các yếu tố kinh tế xã hội với việc sinh con ở tuổi vị thành niên của trẻ em gái

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 40-51

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu về việc sinh con ở tuổi 15-19 tuổi của trẻ em gái vị thành niên qua sử dụng số liệu của các cuộc khảo sát cấp quốc gia với đơn vị phân tích cấp tỉnh hoặc cá nhân. Từ góc độ tiếp cận sinh thái học xã hội cho thấy, các chỉ tiêu thành phần của 5 yếu tố quốc gia, cộng đồng, nhà trường, gia đình và cá nhân có mối quan hệ đến việc sinh con ở tuổi vị thành niên của trẻ em gái. Trẻ em gái sinh con ở tuổi vị thành niên có sự khác biệt giữa các vùng và nơi cư trú thành thị-nông thôn. Tỷ lệ trẻ em gái sinh con ở tuổi vị thành niên thấp hơn ở những tỉnh có tuổi kết hôn lần đầu cao và phụ nữ có học vấn cao hơn. Những địa phương có nhiều dân tộc thiểu số và tỷ lệ nghèo cao cũng là nơi có tỷ lệ trẻ em gái vị thành niên sinh con cao hơn. Để hạn chế việc sinh con ở tuổi vị thành niên của trẻ em gái thì 5 yếu tố bảo vệ nêu trên cần phải được phát huy tích cực trong đầu tư phát triển nguồn vốn con người, điều kiện kinh tế xã hội, và từng bước tuyên truyền nâng cao nhận thức thay đổi những phong tục tập quán ủng hộ việc kết hôn và sinh con sớm.

Một số biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tâm thần của học sinh Trung học cơ sở

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 28-39

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh phổ thông nói chung và học sinh trung học cơ sở nói riêng đang thu hút sự quan tâm của xã hội trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi trong cuộc sống hiện đại, với sự gia tăng đáng lo ngại của các triệu chứng và biểu hiện tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần như rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, tăng động giảm chú ý, sự cô đơn, không muốn kết bạn cùng trang lứa, muốn rút lui khỏi các mối quan hệ trong trường học và môi trường xã hội xung quanh, v.v. Đây là những vấn đề rất đáng quan tâm, bởi nó không chỉ là những nguy cơ tiêu cực đối với thành tích học tập và sự phát triển của trẻ, mà còn là nguy cơ dẫn đến những bệnh lý của sức khỏe tâm thần nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Để góp phần nhận diện thực trạng các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tâm thần trong học sinh hiện nay, bài viết sẽ cung cấp những phát hiện ban đầu về mức độ phổ biến của các biểu hiện tiêu cực thường gặp về sức khỏe tâm thần trong học sinh Trung học cơ sở, qua phân tích số liệu khảo sát từ một nghiên cứu trường hợp ở Hà Nội.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã xây dựng gia đình từ kết quả khảo sát gia đình 2017

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Hồng, Lê Ngọc Lân

Trang: 17-27

Tóm tắt: Dựa trên số liệu khảo sát của Điều tra Gia đình 2017 với mẫu 1.435 đại diện hộ gia đình có cha mẹ đẻ còn sống tại 7 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng kinh tế - xã hội Việt Nam, bài viết tập trung phân tích mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã xây dựng gia đình theo các khía cạnh: giao tiếp, thăm hỏi; trợ giúp trong công việc hàng ngày; trợ giúp về kinh tế. Kết quả phân tích cho thấy quan hệ cha mẹ với con cái đã xây dựng gia đình riêng trong xã hội Việt Nam hiện đại vẫn khá gắn bó, cả về quan hệ tình cảm và quan hệ kinh tế. Về quan hệ tình cảm, đa số con cái và cha mẹ vẫn thường xuyên giao tiếp, liên lạc thông qua gặp mặt, điện thoại, thư từ. Mức độ gặp mặt và liên lạc của con gái ít hơn so với con trai, thể hiện rõ ảnh hưởng của mô hình sống chung/gần gia đình chồng ở Việt Nam. Cha mẹ vẫn là nguồn trợ giúp quan trọng cho con cái đã xây dựng gia đình trong các công việc hàng ngày. Khoảng cách sống gần và vị thế con duy nhất tạo thuận lợi cho việc giúp đỡ nhau trong công việc hàng ngày giữa cha mẹ và con cái. Sự trợ giúp kinh tế giữa cha mẹ và con cái là phổ biến, tuy nhiên, so với các loại hình hỗ trợ khác, sự độc lập về kinh tế thể hiện rõ ở các gia đình. Sự trợ giúp về kinh tế thường xuyên hơn ở các gia đình có mức sống cao, giữa cha mẹ với con trai và ở những gia đình sống gần nhau.

Ly hôn ở Việt Nam từ tiếp cận hiện đại hóa

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 3-16

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sau hơn bốn thập niên kể từ khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nổi bật. Nền kinh tế đã phát triển nhanh chóng, nâng cao mức sống của người dân, cải thiện cơ sở hạ tầng và đảm bảo ổn định xã hội. Đồng thời, các chính sách bình đẳng giới cũng nâng cao quyền và vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Với tốc độ hiện đại hóa nhanh những năm gần đây, xã hội đang có những chuyển đối nhanh chóng. Hôn nhân và gia đình Việt Nam đang có những thay đổi từ mô hình truyền thống sang hiện đại và tính cá nhân rõ nét hơn. Sử dụng các số liệu thống kê về ly hôn của Tòa án Nhân dân Tối cao đến năm 2018, và kết quả khảo sát về tác động của ly hôn năm 2018, bài viết này phân tích xu hướng và quy mô ly hôn ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, phân tích khuôn mẫu ly hôn truyền thống và hiện đại qua phân tích xu hướng các lý do ly hôn qua các năm dưới tác động của hiện đại hóa. Bài viết cho thấy tính cá nhân, vốn rất bị hạn chế trong xã hội cũ, càng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống hiện đại và trở thành một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến ly hôn tăng ngày nay.