Liên kết web
Số lượt truy cập

104

1932923

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2011

Thái độ của thanh thiếu niên Việt Nam về hôn nhân và gia đình

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Hồng

Trang: 3-14

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên số liệu Điều tra Thanh niên và vị thành niên Việt Nam lần thứ hai (SAVY, 2009) và số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, bài viết phân tích thái độ và sự biến đổi thái độ của thanh thiếu niên Việt Nam về một số vấn đề hôn nhân và gia đình. Kết quả phân tích cho thấy tình trạng nam nữ chung sống không kết hôn được một bộ phận thanh thiếu niên chấp nhận và tỷ lệ chấp nhận có xu hướng tăng lên sau 3 năm. Nhóm thanh thiếu niên là nam giới, sinh sống ở thành thị, có sử dụng Internet có tỷ lệ chấp nhận hiện tượng xã hội này cao hơn nhóm nữ giới, nhóm sống ở nông thôn và nhóm không sử dụng Internet. Tỷ lệ chấp nhận việc “phụ nữ không chồng mà có con” cũng gia tăng đáng kể sau 3 năm. Một bộ phận thanh thiếu niên có xu hướng chấp nhận sống độc thân như là một lối sống. Và vẫn còn một số lượng đáng kể thanh thiếu niên coi trọng việc phải có con trai. Bài viết đã nêu lên một số gợi ý về chính sách nhằm định hướng thái độ tích cực của thanh thiếu niên về quan hệ hôn nhân và gia đình.

Bạo lực trong thanh thiếu niên Việt Nam: một số kết quả từ hai vòng điều tra quốc gia

Tác giả: Lê Cự Linh

Trang: 15-25

File toàn văn đính kèm: Tải về

Gánh nặng bệnh tật về chấn thương bạo lực ở vị thành niên đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ Chính phủ cũng như từ cộng đồng. Nghiên cứu này nhằm mô tả thực trạng hành vi bạo lực ở vị thành niên và thanh niên Việt Nam dựa trên số liệu của cuộc Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam năm 2009, có so sánh với tình hình 5 năm trước (SAVY1), và phân tích một số yếu tố liên quan. Kết quả cho thấy mô hình chấn thương có chủ định ở SAVY2 tương tự so với SAVY1 nhưng các hành vi đều có xu hướng gia tăng. Có 3% thanh thiếu niên cho biết đã từng bị chấn thương do người trong gia đình gây ra. Tỷ lệ bị người khác ở ngoài gia đình cố tình gây thương tích ở thanh thiếu niên Việt Nam là 8% và tỷ lệ này ở nam cao hơn so với nữ. Nam giới, sống ở thành thị, đã từng say rượu bia, từng bị người khác cố ý gây thương tích, đã từng tham gia tụ tập gây rối, từng mang vũ khí có nguy cơ gây thương tích cho người khác nhiều nhất. Nghiên cứu cũng nêu ra một số gợi ý cho các nghiên cứu sau và định hướng về mặt chính sách.

Phụ nữ làm lãnh đạo trong khu vực công ở Việt Nam

Tác giả: Vũ Mạnh Lợi

Trang: 26-39

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào nguồn số liệu Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thủy sản năm 2006, các số liệu của các cơ quan công bố trên các trang Thông tin điện tử (website) của Quốc hội Việt Nam và các bộ ngành, bài viết này phân tích thực trạng phụ nữ làm lãnh đạo trong khu vực công ở Việt Nam. Kết quả phân tích cho thấy phụ nữ có rất ít đại diện trong lãnh đạo ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội so với tỷ lệ nữ trong lực lượng lao động của mỗi lĩnh vực. Phụ nữ thường không giữ vị trí lãnh đạo cao nhất và sự tham gia của họ vào các vị trí lãnh đạo cũng không đồng đều giữa các ngành và lĩnh vực kinh tế - văn hóa, xã hội, thậm chí không có hoặc có rất ít đại diện là lãnh đạo trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Bài viết này cũng cho thấy tỷ lệ nữ làm lãnh đạo thấp là hiện tượng phổ biến ở tất cả các tỉnh và các vùng địa lý. Sự khác biệt có tính phổ biến này được cho là xuất phát từ các định kiến xã hội và khuôn mẫu văn hóa cản trở sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ.

Về việc thực thi Bộ Luật lao động đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp

Tác giả: Bùi Thị Thanh Hà

Trang: 40-52

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp năm 2009 tại 3 tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng và Bình Dương, bài viết dưới đây phân tích việc thực hiện pháp luật về lao động đối với lao động nữ. Việc thực thi Bộ Luật Lao động trên nhiều điều khoản được xem xét từ các phía chủ sử dụng lao động, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ công đoàn và bản thân lao động nữ . Bên cạnh việc chỉ ra những mặt tích cực là các chủ doanh nghiệp nắm khá chắc các quy định, chính sách liên quan đến lao động nữ, nghiên cứu đồng thời phân tích nguyên nhân những sai phạm của doanh nghiệp từ những điều khoản chưa phù hợp với thực tế sản xuất của doanh nghiệp, những kẽ hở trong Bộ Luật Lao động và văn bản dưới luật, cơ chế kiểm tra giám sát chưa đồng bộ đến ý thức của bản thân người lao động, năng lực của tổ chức công đoàn. Nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị sửa đổi cần thiết một số điều khoản của Bộ Luật Lao động với hy vọng việc thực thi pháp luật đối với lao động nữ sẽ đạt được những kết quả khả quan hơn.

Nét riêng của các nghiên cứu về giới ở Nam Bộ trong thập niên 2000-2010

Tác giả: Nguyễn Quang Vinh, Trần Đan Tâm, Đào Quang Bình

Trang: 53-65

File toàn văn đính kèm: Tải về

Mười năm gần đây (2000-2010) chủ đề nghiên cứu về giới ở Việt Nam đang nổi lên mạnh mẽ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội. Sự quan tâm của xã hội và của giới khoa học đến chủ đề này trong thập niên vừa qua thể hiện ở hàng loạt các công trình nghiên cứu về giới đã được công bố và sự tham gia ngày càng thiết thực và đa dạng hơn của ngành khoa học này cho tiến trình lập pháp có liên quan đến bình đẳng giới, các hoạt động tư vấn và can thiệp vì bình đẳng giới. Bài viết này là một phần trong công trình Tổng quan các nghiên cứu về giới ở Việt Nam trong thập niên 2000-2010, do Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ thực hiện, và nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu về giới ở Việt Nam với sự hỗ trợ của tổ chức Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức). Trên cơ sở phân loại và phân tích khoảng 300 đơn vị bài báo khoa học và công trình điều tra nghiên cứu về giới viết bằng tiếng Việt trong 10 năm gần đây, bài viết tập trung phân tích những nét riêng của các nghiên cứu giới ở vùng Nam Bộ thông qua các chủ đề nghiên cứu lớn như di dân, biến đổi mức sống và nỗ lực giảm nghèo, hôn nhân và gia đình vùng Nam Bộ. Trên cơ sở tổng quan tài liệu đã cho thấy một loạt lát cắt phân tích các quan hệ giới rất có giá trị và khá gần với thông lệ quốc tế trên lĩnh vực nghiên cứu giới.

Lồng ghép giới trong xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Nguyễn Thị Hà

Trang: 66-73

File toàn văn đính kèm: Tải về

Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những chỉ tiêu cơ bản của Chiến lược Xây dựng Gia đình Việt nam giai đoạn 2005-2010. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, áp dụng phương pháp lồng ghép giới trong xây dựng gia đình văn hóa là nhằm hướng tới việc thay đổi các định kiến giới, các khuôn mẫu giới đã định hình trong hầu hết các quan hệ liên quan đến hôn nhân, gia đình. Với việc phân tích thành tựu và hạn chế trong việc áp dụng lồng ghép giới trong xây dựng gia đình văn hóa bài viết cho thấy lồng ghép giới là một quá trình diễn ra liên tục, xuyên suốt và tính thống nhất từ quy trình xây dựng luật pháp và chính sách đến việc thực hiện, xây dựng cơ chế và biện pháp cụ thể về lồng ghép giới sẽ đảm bảo việc thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất.

Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam 2010

Tác giả: Võ Kim Hương

Trang: 74-83

File toàn văn đính kèm: Tải về

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Đây là cam kết rất rõ ràng của Việt Nam đối với trẻ em, và sau đó đã được thực hiện bằng sự đầu tư và ưu tiên cho trẻ em trong những năm qua. “Phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010” là kết quả nghiên cứu của UNICEF, được xây dựng với sự cộng tác chặt chẽ của Chính phủ Việt Nam. Nghiên cứu này sử dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người và được thực hiện với ý định sẽ trở thành một tài liệu tham khảo có tính cập nhật và toàn diện cho tất cả các bên tham gia trong công tác thúc đẩy an sinh cho trẻ em, cũng như hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện các chính sách và chiến lược nhằm thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em Việt Nam. Thông điệp quan trọng nhất của nghiên cứu này là kêu gọi giảm sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận các dịch vụ đối với trẻ em. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những nội dung chính của nghiên cứu phân tích này.

Nghịch lý hôn nhân ở Đông Á

Tác giả: Emiko Ochiai

Trang: 84-91

File toàn văn đính kèm: Tải về

“Các xã hội không bền vững: Sự thua cuộc của chủ nghĩa gia đình ở Đông á” là tựa đề một bài viết của Emiko Ochiai được đăng tải trên tạp chí Historical Social Research, số 2, quyển 36, năm 2011. Theo tác giả bài viết, mức sinh ở một số xã hội Đông á đã giảm tới mức kỷ lục. Câu hỏi đặt ra ở đây là: (1) Phải chăng Đông á đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học lần thứ hai như ở châu Âu? và (2) Liệu chủ nghĩa cá nhân có phải là nguyên nhân cho những thay đổi như vậy không? Có và không là câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất, bởi những thay đổi về mặt dân số gần đây đang diễn ra ở Đông á có những điểm tương đồng như ở châu Âu và Bắc Mỹ, tuy có những khác biệt đáng kể về mặt bản chất. Khác với ở châu Âu, nơi mà sống chung đã thay thế cho hôn nhân, hôn nhân ở Đông á là một thiết chế không hề bị sứt mẻ của trách nhiệm và nghĩa vụ hơn là sự lựa chọn của cá nhân. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc phần 2 của bài viết.

Hội thảo: Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh

Tác giả: Nguyễn Đặng Minh Thảo

Trang: 95

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 4/2011

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 4 năm 2011 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Hồng Thái độ của thanh thiếu niên Việt Nam về hôn nhân và gia đình 3 Lê Cự Linh Bạo lực trong thanh thiếu niên Việt Nam: một số kết quả từ hai vòng điều tra quốc gia 15 Vũ Mạnh Lợi Phụ nữ làm lãnh đạo trong khu vực công ở Việt Nam 26 Bùi Thị Thanh Hà Về việc thực thi Bộ Luật lao động đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp 40 Nguyễn Quang Vinh, Trần Đan Tâm, Đào Quang Bình Nét riêng của các nghiên cứu về giới ở Nam Bộ trong thập niên 2000-2010 53 Nguyễn Thị Hà Lồng ghép giới trong xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay 66 Võ Kim Hương Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam 2010 74 Emiko Ochiai Nghịch lý hôn nhân ở Đông Á 84 Dương Thị Hằng Hội thảo: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, xã hội đương đại và vấn đề giới - nghiên cứu trường hợp trưng bày phụ nữ đơn thân 92 Nguyễn Đặng Minh Thảo Hội thảo: Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh 95 PV Hội thảo: Di cư vì hôn nhân của phụ nữ Việt Nam sang các nước Đông Á: Hướng tới một cái nhìn đa chiều 96