Liên kết web
Số lượt truy cập

106

1933238

Chi tiết tạp chíSố 1 - 2015

Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và xây dựng phương hướng công tác năm 2015 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: Đ.H.L.

Trang: 93-94

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2014 và xây dựng phương hướng công tác năm 2015, vào ngày 30/12/2014 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng công tác năm 2015. Tới tham dự Hội nghị có toàn thể cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; các cán bộ đã nghỉ hưu và đại diện Lãnh đạo và các ban chức năng của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng công tác năm 2015. Theo đó, trong năm 2014, với những nỗ lực thực hiện kế hoạch của toàn thể cán bộ, viên chức trong Viện dưới sự chỉ đạo sát sao của Chi uỷ và Lãnh đạo Viện, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ nghiên cứu, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành về gia đình, bình đẳng giới và phụ nữ ở Việt Nam. Các kết quả cụ thể về hoạt động nghiên cứu như sau: Đề tài khoa học cấp cơ sở: Triển khai 11 đề tài cấp cơ sở trong năm 2014. Các đề tài tập trung nghiên cứu tổng quan các vấn đề liên quan đến gia đình Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và phân tích sâu các bộ số liệu từ các cuộc khảo sát lớn về gia đình gần đây theo từng chủ đề liên quan đến mối quan hệ gia đình, thanh niên, trẻ em và chính sách phụ nữ ở Việt Nam. Kết quả nghiệm thu: 06 đề tài xếp loại xuất sắc, 04 đề tài xếp loại khá và 01 đề tài đạt yêu cầu. Đề tài khoa học cấp Bộ độc lập: Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện 03 đề tài cấp Bộ độc lập đã triển khai từ năm 2013 về: i) Các quan hệ gia đình ở khu vực Bắc Trung Bộ trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; ii) Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học (nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Bình); iii) Quan niệm, mức độ và các yếu tố tác động đến hạnh phúc gia đình: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Quảng Ngãi. Đây là những chủ đề nghiên cứu mới và cơ bản nhưng còn ít có nghiên cứu tại Việt Nam. Tháng 11 năm 2014, Viện đã tiến hành nghiệm thu cấp cơ sở 03 đề tài này và hoàn tất thủ tục chờ nghiệm thu cấp Bộ. Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay” (KX 02.21/11-15) do TS. Đặng Thị Hoa làm chủ nhiệm đang được triển khai theo đúng tiến độ. Trong năm 2014, lãnh đạo và cán bộ Viện đã tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học đột xuất do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao phó. Viện đã hoàn thành nội dung và xây dựng hệ đề tài cho Đề án “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế” và hoàn thiện nội dung đề tài cấp Nhà nước: “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá”. Ngoài các đề tài thuộc nhiệm vụ hàng năm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu phối hợp với các tổ chức, cơ quan khác. Cụ thể: - Hợp tác với Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Điều tra thực trạng dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; - Hợp tác với các Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Hội đồng khoa học xã hội Hoa Kỳ (SSRC) thực hiện Chương trình Khảo sát sức khỏe dân số ở Việt Nam. - Hỗ trợ Vụ Bình đẳng giới – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Phương pháp điều tra việc thực hiện một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. - Phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới triển khai đề tài Đánh giá thực trạng và nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho ngành y tế tuyến trung ương. Năm 2014, tập thể và các cá nhân trong Viện tích cực tham gia vào các hoạt động đánh giá và góp ý cho việc xây dựng chính sách ở những lĩnh vực liên quan đến chức năng nghiên cứu của Viện, thông qua nhiều kênh khác nhau như tham gia trực tiếp trong các ban, nhóm soạn thảo, biên tập các văn kiện chính sách, trình bày báo cáo ở các hội thảo, gửi văn bản góp ý chính sách, tư vấn. Những đóng góp của Viện đã được các cơ quan Nhà nước và Quốc hội như ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, v.v. đánh giá cao. Tại Hội nghị, các cán bộ, viên chức của Viện cũng thảo luận và xây dựng các nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2015. Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2014, trong năm mới 2015, tập thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm, cung cấp các luận cứ lý luận và thực tiễn cho quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách về gia đình, bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam.

Tọa đàm Công tác Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2014, định hướng chủ đề xuất bản năm 2015 và việc nâng cao chất lượng Tạp chí

Tác giả: P.V.

Trang: 91

Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức buổi tọa đàm về công tác Tạp chí năm 2014, định hướng chủ đề xuất bản năm 2015 và nâng cao chất lượng Tạp chí. Tọa đàm cũng nhằm chia sẻ thông tin và ghi nhận những đóng góp của giới học giả và cộng tác viên cho Tạp chí trong thời gian qua. Tham dự Tọa đàm có các thành viên Hội đồng Biên tập, Ban Biên tập, Ban Trị sự Tạp chí, các cộng tác viên là học giả và những nhà nghiên cứu khoa học. Phát biểu tại Tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Tổng biên tập Tạp chí - đã ghi nhận vai trò và những đóng góp về công sức và trí tuệ của đội ngũ cộng tác viên trong việc duy trì và phát triển Tạp chí trong chặng đường đã qua. Tọa đàm đã được nghe báo cáo của Ban Biên tập Tạp chí điểm lại các hoạt động trong năm 2014 cũng như cả quá trình hoạt động của Tạp chí. Các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm xây dựng nâng cao chất lượng của Tạp chí và đưa ra phương hướng, mục tiêu trong thời gian tới. Về cơ bản, trong năm 2015, căn cứ vào tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ, Tạp chí sẽ tập trung vào các mảng chủ đề như nghiên cứu về giá trị gia đình; hạnh phúc gia đình; hôn nhân xuyên biên giới; lựa chọn giới tính; mối quan hệ dòng họ và gia đình ở nông thôn; vai trò và địa vị kinh tế của phụ nữ; quyền trẻ em trong gia đình ở Việt Nam; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, v.v. Đồng thời, Tạp chí cũng thúc đẩy công tác phản biện chuyên gia và thảo luận khoa học nhằm đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu của độc giả.

Tin hoạt động khoa học

Tác giả: Phí Hải Nam

Trang: 90

Trong hai ngày 23 và 25 tháng 12 năm 2014, thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học năm 2014, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức 4 toạ đàm khoa học cấp phòng nghiên cứu. Mục tiêu của những hoạt động này nhằm tăng cường trao đổi học thuật và giới thiệu kết quả nghiên cứu của các cán bộ trong Viện. Các toạ đàm nhận được sự quan tâm của các cán bộ nghiên cứu nhà khoa học trong Viện. Đại diện các phòng nghiên cứu của Viện đã trình bày những kết quả nghiên cứu đã đạt được với bốn chủ đề như sau: Chủ đề Hạnh phúc gia đình và một số yếu tố tác động do Ths. Đặng Thanh Nhàn, phòng Nghiên cứu Phụ nữ, trình bày. Dựa trên nguồn số liệu của đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Quan niệm, mức độ và các yếu tố tác động đến hạnh phúc gia đình: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Quảng Ngãi”, tác giả phân tích một số các yếu tố tác động đến mức độ hài lòng với hạnh phúc gia đình của người dân tại hai điểm khảo sát là xã Hành Dũng thuộc huyện Nghĩa Hành và phường Quảng Phú thuộc thành phố Quảng Ngãi. Chủ đề Tiếp cận quyền trong nghiên cứu các vấn đề về trẻ em do Ths Đặng Bích Thuỷ, phòng Nghiên cứu Trẻ em, trình bày. Tác giả đã giới thiệu cách tiếp cận dựa trên quyền trong nghiên cứu các vấn đề về trẻ em, trong đó nhấn mạnh đến việc phân tích mối liên hệ giữa chủ thể mang quyền (trẻ em), với chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em (chủ yếu là nhà nước và gia đình), tới những vấn đề đang tồn tại của trẻ em, xem những tồn tại đó có nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai và tại sao các quyền của trẻ em lại không được thực hiện đầy đủ. Ths.Nguyễn Hà Đông, cán bộ phòng Nghiên cứu Những vấn đề chung, đã trình bày báo cáo về chủ đề Nam tính và một số vấn đề về nghiên cứu nam tính ở Việt Nam. Bài trình bày giới thiệu một số quan niệm về nam tính và tiếp cận nam tính trong phạm vi gia đình. Tác giả đã rà soát lại các nghiên cứu về nam tính ở Việt Nam hiện nay, tập trung vào hai khía cạnh: vai trò trụ cột kinh tế và sự ưa thích con trai. Từ đó, tác giả cho rằng nghiên cứu nam tính ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cần được quan tâm. Chủ đề Lý thuyết hiện đại hoá và vận dụng trong phân tích việc làm và thu nhập của người vợ và người chồng do Ths. Lỗ Việt Phương, phòng Nghiên cứu Bình đẳng giới, trình bày. Tác giả đã giới thiệu một số thông tin về nội dung của lý thuyết hiện đại hóa và vận dụng trong phân tích về vấn đề việc làm và thu nhập của người vợ và người chồng trong gia đình qua các số liệu điều tra, áp dụng lý thuyết hiện đại hóa để xây dựng các biến số và tìm hiểu sự tác động của yếu tố hiện đại hóa đến sự khác biệt giới trong việc làm và thu nhập của người vợ và người chồng. Các tác giả đã nhận được nhiều trao đổi, chia sẻ của các cán bộ tham gia tọa đàm. PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đã đánh giá cao kết quả toạ đàm đối với việc thúc đẩy hoạt động khoa học chung của Viện cũng như lợi ích đối với các diễn giả. Trong năm 2015, Viện sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động khoa học tương tự nhằm nâng cao kinh nghiệm và tăng cường chia sẻ những các kết quả nghiên cứu giữa các đồng nghiệp trong và ngoài Viện.

Nghiên cứu định tính và thiết kế nghiên cứu: Lựa chọn trong năm cách tiếp cận (Qualitative Inquiry and Research Design: Choosing Among Five Approaches)

Tác giả: John W. Creswell, Tái bản lần 2 năm 2007, Thousand Oaks: SAGE publication Inc., 393 trang. Trần Thị Cẩm Nhung (giới thiệu)

Trang: 84-89

File toàn văn đính kèm: Tải về

Nghiên cứu định tính là một phương pháp nghiên cứu phổ biến được nhiều ngành nghiên cứu áp dụng, trong đó có chuyên ngành nghiên cứu khoa học xã hội. Việc lựa chọn cách tiếp cận và thiết kế nghiên cứu là bước quan trọng khi bắt đầu thực hiện một nghiên cứu trong bối cảnh có rất nhiều cách tiếp cận cũng như phương pháp để thực hiện. Tòa soạn xin giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách của tác giả John W. Creswell: Nghiên cứu định tính và thiết kế nghiên cứu: Lựa chọn trong năm cách tiếp cận (Qualitative Inquiry and Research Design: Choosing Among Five Approaches). Tác giả đã dựa trên kiến thức tổng hợp trong quá trình giảng dạy lâu dài và kinh nghiệm nghiên cứu thực tế để lựa chọn và phân loại ra năm cách tiếp cận được cho là điển hình nhất đối với các nghiên cứu định tính trong lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu hành vi và y tế. Các cách tiếp cận này đều có cách thức thực hiện mang tính hệ thống có thể phục vụ rất hiệu quả cho việc thu thập thông tin và phân tích.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi của trẻ em dưới 5 tuổi

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 72-83

File toàn văn đính kèm: Tải về

Suy dinh dưỡng có tác động tiêu cực đến sự phát triển về thể chất và trí lực của trẻ em, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trẻ em. Dựa vào số liệu Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 4 (MICS 4) năm 2011, bài viết tập trung phân tích các yếu tố tác động đến tình trạng suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi của trẻ em, là một chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng suy dinh dưỡng kinh niên do không có đủ chất dinh dưỡng phù hợp hoặc do không được chăm sóc trong thời gian dài. Kết quả phân tích cho thấy yếu tố giới tính không có ảnh hưởng nhưng tuổi, thành phần dân tộc có mối quan hệ chặt chẽ với tình trạng suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi của trẻ em. Các yếu tố như tuổi và học vấn của người mẹ càng cao, mức sống gia đình cao hơn hoặc tỷ số phụ thuộc càng nhỏ, và cư trú ở khu vực thành thị thì trẻ em có khả năng suy dinh dưỡng thấp hơn.

Ảnh hưởng của các quan niệm xã hội đến sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở qua khảo sát tại Hà Giang

Tác giả: Phan Thuận

Trang: 61-71

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết phân tích ảnh hưởng của các quan niệm truyền thống đến sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ ở cấp xã phường tại Hà Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quan niệm truyền thống về vai trò của người phụ nữ vẫn được nhiều cán bộ nữ thừa nhận. Các quan niệm hiện đại về vai trò của phụ nữ như năng động, khẳng định mình, đóng góp cho xã hội… được cán bộ nữ trẻ dưới 30, cán bộ nữ cấp trưởng tán thành cao hơn nhóm tuổi từ 30 trở lên và ở nhóm có chức vụ thấp hơn. Các quan niệm truyền thống đó vẫn tiếp tục là ràn cảo đối với việc tham gia lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở của phụ nữ, họ gặp nhiều khó khăn hơn để cân bằng giữa công việc gia đình và sự nghiệp; đồng thời hạn chế các cơ hội tham gia vào các vị trí lãnh đạo quản lý quan trọng.

Phát huy vai trò của gia đình trong thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí vùng Khmer Tây Nam Bộ

Tác giả: Nguyễn Thị Hà

Trang: 54-60

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết xem xét thực trạng vai trò của gia đình trong phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí vùng Khmer Tây Nam Bộ, đồng thời tìm hiểu các quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước và phân tích các giải pháp nhằm phát huy vai trò của gia đình trong phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí vùng Khmer Tây Nam Bộ.

Vai trò của các tổ chức xã hội nhìn từ góc độ cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với gia đình và trẻ em

Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Phương

Trang: 43-53

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết dưới đây trình bày những khái niệm cơ bản về dịch vụ công tác xã hội, những kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động này và đồng thời làm rõ vai trò của các tổ chức xã hội trong việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở Việt Nam. Tác giả cho rằng để hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội một cách khoa học và hiệu quả nhằm thúc đẩy an sinh xã hội thông qua các hoạt động trợ giúp cho cá nhân, gia đình, các nhóm xã hội và cộng đồng thì đội ngũ nhân viên dịch vụ công tác xã hội cần được đào tạo chuyên nghiệp, được trang bị những kiến thức, kỹ năng tốt phục vụ nhu cầu thực tiễn ngày càng gia tăng.

Chức năng xã hội hóa của gia đình Việt Nam từ Đổi mới (1986) đến nay

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải

Trang: 33-42

File toàn văn đính kèm: Tải về

Qua các tài liệu, các công trình nghiên cứu đã xuất bản, bài viết đi sâu phân tích những biến đổi và tiếp nối trong nội dung và cách thức giáo dục của gia đình Việt Nam từ sau Đổi mới tới nay; lý giải những nguyên nhân và chỉ ra những khó khăn mà gia đình Việt Nam đang gặp phải trong quá trình thực hiện chức năng xã hội hoá trẻ em của mình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Môi giới hôn nhân trái phép và vấn đề bất cân xứng thông tin trong hôn nhân xuyên quốc gia Đài Loan và Việt Nam (Nghiên cứu những trường hợp cô dâu Việt Nam trở về sống tại địa phương)

Tác giả: Dương Hiền Hạnh

Trang: 22-32

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên nghiên cứu một số trường hợp từng lấy chồng Đài Loan và có hôn nhân thất bại trở về nước và các số liệu đăng ký kết hôn của các cô dâu Việt Nam và chú rể Đài Loan tại Văn Phòng Văn hóa Kinh tế Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1995 đến năm 2007, bài viết bàn về chủ đề môi giới hôn nhân trái phép và vấn đề bất cân xứng thông tin trong hôn nhân xuyên quốc gia giữa Việt Nam và Đài Loan. Lý thuyết bất cân xứng thông tin được áp dụng để lý giải hậu quả của những quyết định kết hôn chóng vánh của các cô dâu Việt Nam khi dựa hoàn toàn vào môi giới bất hợp pháp tại Việt Nam. Những thông tin sai lệch, một phía từ môi giới đã khiến cho các cô dâu Việt Nam trong nghiên cứu này lâm vào thực trạng bị lừa dối, khống chế, bóc lột khi ở nước ngoài.

An sinh gia đình tại nông thôn Nam Bộ hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Thu Thanh

Trang: 10-21

File toàn văn đính kèm: Tải về

An sinh gia đình là một khái niệm dùng để chỉ sự đảm bảo của gia đình cho từng thành viên, nhất là trong những phân đoạn dễ tổn thương, đảm bảo những nhu cầu cơ bản về vật chất và tinh thần để giúp các thành viên phát triển và hội nhập xã hội. Nhiều biến động xã hội đã xảy ra ở nông thôn Nam Bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa như áp lực dân số, cạn kiệt quỹ đất nông nghiệp, bất bình đẳng trong phân phối ruộng đất, gia tăng ứng dụng máy móc nông nghiệp hiện đại, biến động giá cả nông sản và xuất cư. Bài viết phân tích một số xu hướng xã hội đã và đang xảy ra làm suy giảm khả năng đáp ứng của gia đình, đó là: sự biến động về sở hữu ruộng đất, về cơ hội nông nghiệp, cơ hội sinh kế có được từ mạng lưới trao đổi kinh tế nông thôn, và xu hướng xuất cư; đồng thời cho thấy một bối cảnh sản xuất nông nghiệp rộng hơn đang chi phối nền kinh tế nông thôn hiện nay.