Liên kết web
Số lượt truy cập

21

2024664

Chi tiết tạp chíSố 6 - 2019

Nghiệm thu Đề tài cấp Cơ sở năm 2019 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 144

Trong khuôn khổ hoạt động khoa học năm 2019, trong 2 ngày 30 và 31/10/2019, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức nghiệm thu các đề tài thuộc hệ Đề tài cơ sở năm 2019. Thành viên Hội đồng nghiệm thu gồm các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực gia đình và giới trong và ngoài Viện. Kết quả nghiệm thu có 2 đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc và 7 đề tài đánh giá loại khá. Cụ thể như sau: Hai đề tài được đánh giá xuất sắc gồm: 1) Đề tài “Một số biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tâm thần trong học sinh trung học cơ sở (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội)” do TS. Đặng Bích Thủy làm chủ nhiệm tập trung phân tích một số các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tâm thần ở nhóm học sinh trung học cơ sở và một số nguyên nhân chủ yếu; 2) Đề tài “Ứng phó với thiên tai của nông dân miền núi phía Bắc (Nghiên cứu trường hợp xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) do Th.S. Đặng Thanh Nhàn làm chủ nhiệm phân tích thực trạng khác biệt giới trong nhận thức về ứng phó với thiên tai và trong hành vi ứng phó với thiên tai của nông dân. Các Đề tài cơ sở được đánh giá loại khá gồm 7 đề tài: 1) Đề tài “Thực hiện Luật Trẻ em: nhận thức của cha mẹ về xâm hại tình dục đối với trẻ em” do ThS. Lê Việt Nga làm chủ nhiệm tập trung phân tích đến khía cạnh quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ em trong Luật Trẻ em; 2) Đề tài “Tìm hiểu việc thực hiện quy định mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014” do Th.S. Hà Thị Minh Khương làm chủ nhiệm phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của quy định mang thai hộ, quan điểm, thực trạng mang thai hộ ở Việt Nam và một số nước trên thế giới và việc thực hiện quy định mang thai hộ trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; 3) Đề tài “Tìm hiểu việc thực hiện một số quyền trong Luật Người cao tuổi 2019” do CN. Đào Hồng Lê làm chủ nhiệm phân tích việc thực hiện bốn quyền đối với người cao tuổi; 4) Đề tài “Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi ở gia đình nông thôn trong xã hội chuyển đổi” do Th.S. Lỗ Việt Phương làm chủ nhiệm tập trung phân tích thực trạng sức khỏe tinh thần, nhu cầu chăm sóc và các yếu tố tác động đến sức khỏe tinh thần của người cao tuổi ở gia đình nông thôn; 5) Đề tài “Nhận thức và thái độ về hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế hiện nay qua nghiên cứu một số bệnh viện tại Hà Nội” do Th.S. Phí Hải Nam làm chủ nhiệm phân tích về chính sách và hoạt động phòng chống bạo lực đối với nhân viên y tế, tìm hiểu về nhận thức và thái độ về bạo lực đối với nhân viên y tế từ trên quan điểm của người dân và quan điểm của nhân viên y tế; 6) Đề tài “Khủng hoảng gia đình: khái niệm, lý thuyết và hướng áp dụng qua nghiên cứu trường hợp 01 phường tại Hà Nội” do TS. Trương Thị Thu Thủy làm chủ nhiệm phân tích về khái niệm và lý thuyết nghiên cứu khủng hoảng gia đình và nhận diện một số khía cạnh khủng hoảng gia đình ở Việt Nam; 7) Đề tài “Phân biệt tuổi tác và vấn đề tiếp cận việc làm của người cao tuổi. Một số phân tích ban đầu” do TS. Trịnh Thái Quang làm chủ nhiệm phân tích thực trạng phân biệt tuổi tác từ góc độ người cao tuổi; quan điểm về phân biệt tuổi tác, vấn đề tiếp cận việc làm và quan điểm đa chiều về cơ hội việc làm, khả năng thích ứng của người cao tuổi. PGS. TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao kết quả thực hiện Đề tài cơ sở năm 2019 và nhấn mạnh rằng các đề tài đều đã khắc phục được khó khăn trong quá trình triển khai về tiếp cận thông tin, chủ đề nghiên cứu mới, v.v. nhưng nhìn chung đã đảm bảo tốt tiến độ cũng như chất lượng chuyên môn, đưa ra nhiều phát hiện trong thực hiện quyền trẻ em, người cao tuổi, các vấn đề liên quan hôn nhân gia đình ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo khoa học Tổng kết Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”

Tác giả: Hải Nam

Trang: 143

Chiều ngày 29/10/2019, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo khoa học Tổng kết Chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Hội thảo do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình và GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Phó Chủ nhiệm Chương trình đồng chủ trì. Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của toàn thể đại biểu, khách mời, các nhà khoa học đã đến tham dự Hội thảo và giới thiệu các kết quả đạt được. Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” được Chính phủ phê duyệt và chính thức triển khai từ giữa năm 2016, gồm 12 đề tài thành phần phân tích những lĩnh vực khác nhau như hôn nhân; hệ thống giá trị cơ bản của gia đình; an sinh xã hội của gia đình; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình; bạo lực gia đình; ly hôn; đặc điểm gia đình trung lưu; sự biến đổi chức năng kinh tế của gia đình; việc tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng của gia đình; quá trình xã hội hóa và giáo dục cá nhân của gia đình; mối quan hệ giữa nhà nước, cộng đồng và gia đình; xu hướng biến đổi đặc điểm gia đình Việt Nam, và 01 nhiệm vụ “Báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ”. Trong 3 năm thực hiện, các đề tài thuộc Chương trình đã triển khai nghiêm túc hoạt động nghiên cứu theo các mục tiêu đặt ra, các đề tài đều đã nghiệm thu đúng thời hạn và đạt kết quả tốt. Trên cơ sở đó, Viện Hàn lâm tổ chức Hội thảo khoa học để Tổng kết Chương trình với mục đích báo cáo một số kết quả nghiên cứu cơ bản nhất của các đề tài sau gần 3 năm triển khai; chỉ ra những thách thức chủ yếu của gia đình Việt Nam trong quá trình phát triển; đồng thời thảo luận những đề xuất chính sách nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội thảo đã được nghe 8 tham luận về các chủ đề: Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa; Mối quan hệ của nhà nước, cộng đồng và gia đình ở nước ta hiện nay; Chức năng kinh tế gia đình: Xu hướng biến đổi tại Việt Nam; Hoạt động tôn giáo-tín ngưỡng trong gia đình ở Việt Nam hiện nay: Một số kết quả nghiên cứu về thực trạng và khuyến nghị về chính sách; Đặc điểm hôn nhân và gia đình ở Việt Nam: Một số thách thức chủ yếu và các đề xuất chính sách; Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay; Vấn đề ly hôn trong xã hội Việt Nam hiện đại; và, Nghiên cứu khả năng tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng của gia đình Việt Nam hiện nay. Phát biểu bế mạc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đánh giá các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã góp phần phát hiện và lý giải những vấn đề mới xuất hiện của gia đình, chỉ ra những đặc điểm và xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới; đồng thời cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật, các nghị định, các chính sách xã hội nhằm phát huy vai trò to lớn của gia đình trong việc bảo đảm hạnh phúc và phát triển cho các thành viên gia đình cũng như sự ổn định và phát triển xã hội.

Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới

Tác giả: Phí Hải Nam

Trang: 142

File toàn văn đính kèm: Tải về

Chiều ngày 15/11/2019, tại Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm PGS.TS.Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, kiêm giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tham dự buổi lễ có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Viện Hàn lâm và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Thay mặt Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, GS.TS. Đặng Nguyên Anh đã trao Quyết định số 1647/QĐ-KHXH ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về việc bổ nhiệm PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Nghiên cứu viên chính, Viện trưởng, kiêm giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. GS.TS Đặng Nguyên Anh tặng hoa chúc mừng và phát biểu giao nhiệm vụ cho Tổng biên tập. Phó Chủ tịch tin tưởng rằng, trên cương vị mới của mình, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi sẽ kế thừa và phát huy được truyền thống tốt đẹp của đơn vị cũng như kinh nghiệm lãnh đạo của những người đi trước, cùng với kiến thức chuyên môn sâu được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước, Tổng biên tập sẽ cùng tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động xây dựng Tạp chí ngày càng phát triển bền vững, toàn diện, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Phát biểu nhận nhiệm vụ tại buổi lễ, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - PGS.TS. Trần Thị Minh Thi trân trọng cảm ơn Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tin tưởng giao nhiệm vụ; cảm ơn tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị đã giới thiệu và tín nhiệm đồng chí giữ chức vụ Tổng biên tập. Đồng chí nhận thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm lớn trước lãnh đạo Viện Hàn lâm, các thế hệ đi trước cũng như của toàn thể cán bộ, viên chức đang công tác tại Viện trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế và hoạt động xuất bản Tạp chí theo chuẩn quốc tế. Đồng chí cam kết sẽ cùng tập thể Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Tạp chí nỗ lực tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và tổng kết thực tiễn; tiếp tục phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp; chủ động thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước. Bằng kinh nghiệm và khả năng của mình, đồng chí cam kết sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, của các thế hệ tiền nhiệm; vững vàng, đoàn kết, tâm huyết, tiên phong nghiên cứu sáng tạo đổi mới, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Viện tiếp tục đưa Viện và Tạp chí phát triển. Tổng biên tập cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các Ban chức năng thuộc Viện Hàn lâm và sự hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ của Chi ủy, tập thể lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Tạp chí để đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và vị thế của Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới là Tạp chí đầu ngành về lĩnh vực gia đình, giới và phụ nữ ở Việt Nam. Tại buổi lễ, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi đã nhận được những lời chúc mừng cùng nhiều bó hoa tươi thắm từ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, lãnh đạo Ban Tổ chức Cán bộ và tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức đoàn thể chính trị của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Vai trò người con cả trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay (qua nghiên cứu định tính tại xã Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội)

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải

Trang: 132-141

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Người con cả thường có vai trò rất quan trọng trong gia đình nông thôn Việt Nam, đặc biệt là vai trò của người con trai cả vẫn thường được gọi thân mật là “anh trưởng”, vừa thể hiện quyền uy nhưng cũng hàm ý trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình. Tuy nhiên, vai trò của người con gái cả trong gia đình cũng không hề bị coi nhẹ với câu tục ngữ “ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”. Trải qua thời gian, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và sự hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hội nhập văn hóa toàn cầu, liệu các giá trị truyền thống về vai trò của người con cả trong gia đình vẫn còn giữ nguyên hay đã có những biến đổi như thế nào? Dựa trên dữ liệu một nghiên cứu định tính tại một làng thuộc xã Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, bài viết tìm hiểu việc thực hành vai trò của người con cả trong gia đình nông thôn hiện nay trên các chiều cạnh: vai trò đối với cha mẹ, vai trò đối với các em và vai trò đối với dòng họ. Theo đó, việc thực hành vai trò của người con cả trong gia đình đã có những thay đổi nhất định theo thời gian giữa các thế hệ và vẫn có những khác biệt đáng kể về giới.

Quan niệm về khủng hoảng gia đình và cách ứng phó của người dân

Tác giả: Trương Thị Thu Thủy

Trang: 122-131

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích tài liệu thứ cấp và các phỏng vấn sâu thực hiện ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội trong khuôn khổ một đề tài khoa học cấp Viện năm 2019, bài viết tập trung tìm hiểu hai nội dung chính, đó là (i) quan niệm khủng hoảng gia đình trong các nghiên cứu quốc tế và (ii) cách thức người vợ và người chồng ứng phó với khủng hoảng gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng về khái niệm khủng hoảng gia đình và điều này cản trở việc xác định và nhận diện vấn đề trong quá trình nghiên cứu. Về cách thức đối mặt và giải quyết khủng hoảng gia đình, nghiên cứu ghi nhận một số điểm khác nhau giữa nam giới và nữ giới, tuy nhiên, không có một khuôn mẫu nhất định nào cả. Những điểm này gợi ý rằng cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu do các nghiên cứu lí luận về khủng hoảng gia đình ở Việt Nam hiện nay còn khá ít ỏi.

Sự hỗ trợ giữa anh chị em ruột trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Trang: 115-121

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Mối quan hệ anh chị em ruột đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, đặc biệt là trong xã hội nông thôn Việt Nam truyền thống. Trên cơ sở nguồn số liệu điều tra hồi cố với 400 mẫu tại Thái Bình, bài viết dưới đây tập trung tìm hiểu các khía cạnh hỗ trợ giữa anh chị em ruột trong công việc làm ăn thông qua ba hoạt động: giúp đỡ việc đồng áng; cung cấp thông tin, kinh nghiệm sản xuất; cho vay tiền hỗ trợ sản xuất làm ăn. Theo đó, sự hỗ trợ phổ biến giữa anh chị em trong giai đoạn này thiên về sức người và chia sẻ kinh nghiệm; hoạt động cho vay tiền làm ăn diễn ra khá ít ỏi do bối cảnh kinh tế khó khăn.

Vai trò của gia đình trong việc định hướng nghề nghiệp cho con trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tác giả: Phạm Thị Thu Phương

Trang: 104-114

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên số liệu của Đề tài “Biến đổi vai trò giáo dục và xã hội hóa cá nhân của gia đình về định hướng học tập và nghề nghiệp” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện năm 2018-2019, bài viết mô tả và phân tích về vai trò của cha mẹ trong định hướng nghề nghiệp cho con. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù cha mẹ ngày nay nhận thức rõ vai trò quan trọng của họ trong định hướng nghề nghiệp cho con nhưng cha mẹ vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về hoạt động này. Kết quả nghiên cứu cũng gợi ý sự cần thiết của việc cung cấp chương trình tư vấn, đào tạo cho cha mẹ về định hướng nghề nghiệp, bổ sung hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường các cấp và tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp để thanh thiếu niên có được lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc trẻ em bị bạo lực thể chất trong gia đình

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 93-103

Tóm tắt: Trẻ em bị bạo lực về thể chất để lại di chứng ảnh hưởng suốt cuộc đời của một cá nhân và sẽ có xu hướng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghiên cứu này sử dụng, phân tích số liệu từ cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam lần thứ 5 vào năm 2014 (MICS 2014) cho thấy: trẻ em nhỏ tuổi hơn, mẹ có học vấn thấp hơn, gia đình đông người và có mức sống thấp, cư trú ở khu vực nông thôn và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thấp hơn có khả năng bị bạo lực thể chất cao hơn. Theo tiếp cận lý thuyết nguồn lực và căng thẳng xã hội, trẻ em bị bạo lực thể chất cao hơn là do các gia đình có nguồn lực kinh tế - xã hội thấp hơn và sự căng thẳng trong cuộc sống cao hơn. Để giảm thiểu tình trạng bạo lực thể chất với trẻ em, cần phải bảo đảm quyền con người cơ bản của trẻ em, nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của bố mẹ về tầm quan trọng của vấn đề không bạo lực thể chất trong quá trình nuôi dạy trẻ em, chế tài pháp luật phải đủ mạnh để cưỡng chế những hành vi bạo lực thể chất đối với trẻ em trong gia đình.

Bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Tác giả: Đặng Thị Hoa, Bùi Thị Hương Trầm, Trịnh Thị Chiên

Trang: 83-92

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số luôn là vấn đề xã hội phức tạp ở cả dân tộc theo chế độ phụ hệ và mẫu hệ. Tuy nhiên, mức độ và hình thức bạo lực có sự khác biệt giữa các dân tộc. Chẳng hạn, ở các dân tộc như dân tộc Hmông, Dao, Hoa có tỷ lệ trải nghiệm bạo lực nói chung cao, trong khi đó, nhóm các dân tộc Ê đê, Khơ me lại có tỷ lệ bị bạo lực thể chất cao hơn so với các nhóm khác. So sánh giữa nhóm dân tộc theo chế độ phụ hệ và mẫu hệ thì phụ nữ ở nhóm các dân tộc phụ hệ bị bạo lực nhiều hơn do ảnh hưởng của khuôn mẫu văn hóa truyền thống của tộc người.

Bạo lực gia đình với người cao tuổi: Thực trạng và một số yếu tố tác động

Tác giả: Lê Ngọc Lân

Trang: 72-82

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Trong những năm qua, vấn đề bạo lực gia đình tại Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nhưng chủ yếu đề cập đến hình thức bạo lực giữa vợ chồng, bạo lực trên cơ sở giới mà ít nói đến hoặc bỏ qua hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình, trong đó có hình thức bạo lực ngược như con cái bạo lực cha mẹ, cháu ngược đãi ông bà. Dựa trên các kết quả nghiên cứu gần đây và kết quả của Đề tài cấp Bộ “Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường xã hội và kinh tế đến bạo lực gia đình hiện nay”, bài viết phân tích tình hình bạo lực với người cao tuổi trong gia đình và các yếu tố tác động đến tình trạng này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người cao tuổi cũng là nhóm nguy cơ cao của hành vi bạo lực trong gia đình, phổ biến là bạo lực về tinh thần và con cái chính là những người gây ra bạo lực với người cao tuổi nhiều nhất. Việc thiếu hiểu biết về luật pháp, nhận thức chưa đầy đủ về các hành vi bạo lực trong gia đình là một trong số yếu tố ảnh hưởng đến bạo lực với người cao tuổi.

Hiệu quả mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng qua khảo sát 5 tỉnh, thành phố ở Việt Nam

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 62-71

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích số liệu thống kê và số liệu khảo sát 1.603 đại diện hộ gia đình tại 5 tỉnh, thành phố Ninh Bình, Lào Cai, Huế, Đắc Lắc, An Giang năm 2017-2018 nhằm nhận diện thực trạng và đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng. Kết quả phân tích khẳng định các mô hình triển khai đã và đang làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời can thiệp có hiệu quả các vụ việc bạo lực gia đình. Tại các địa bàn triển khai mô hình, các hoạt động tuyên truyền, hòa giải, xử phạt người gây bạo lực và hỗ trợ nạn nhân bạo lực được người dân đánh giá thực hiện tốt hơn so với các địa bàn chưa có mô hình. Mô hình phòng chống bạo lực gia đình cũng được nhận định là một yếu tố quan trọng ngăn ngừa khả năng nảy sinh bạo lực gia đình ở địa phương. Tuy vậy, vẫn còn có những hạn chế nhất định trong triển khai mô hình như chất lượng hoạt động của một số câu lạc bộ chưa cao do thiếu kế hoạch chi tiết về thời gian, nội dung sinh hoạt; Việc hỗ trợ, trợ giúp nạn nhân qua các địa chỉ tin cậy chưa đạt yêu cầu. Hạn chế về kinh phí khiến các hoạt động của mô hình được triển khai thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo về địa bàn triển khai mô hình của các cơ quan khác nhau. Từ đó, bài viết cũng gợi mở một số đề xuất nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.

Mức độ hài lòng về đời sống gia đình theo đánh giá của người dân

Tác giả: Phạm Quốc Nhật

Trang: 51-61

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên kết quả nghiên cứu “Xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc” thực hiện tại tỉnh Nam Định và thành phố Hải Phòng năm 2018, bài viết đánh giá về hạnh phúc gia đình thông qua phân tích sự hài lòng của đại diện hộ gia đình về đời sống gia đình của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm số hài lòng về cuộc sống gia đình ở mức khá cao, đặc biệt là sự hài lòng về điều kiện vật chất và các mối quan hệ trong gia đình hiện nay. Mức độ hài lòng về sức khỏe của bản thân và gia đình tuy đạt điểm khá nhưng có lẽ là điều khiến các gia đình quan tâm nhất hiện nay.

Gia đình và vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế

Tác giả: Khuất Văn Quý

Trang: 40-51

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội. Gia đình là nơi đầu tiên và cũng là nơi cuối cùng thực hiện chức năng về tình cảm và giáo dục đạo đức, lối sống cho con người. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, ảnh hưởng của kinh tế - xã hội, của tệ nạn xã hội, của văn hóa ngoại, của công nghệ số, mạng xã hội đã làm cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, truyền thống tốt đẹp trong gia đình bị phá vỡ, đạo đức, lối sống xuống cấp. Vì vậy hơn bao giờ hết cần phải tăng cường vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu đã chỉ ra những mặt tích cực và những thiếu sót, tồn tại trong giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, từ đó nậng cao vị trí và vai trò của gia đình trong việc thực hiện nhiệm vụ này, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW năm 2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năn 2020, tầm nhìn 2030.

Đặc điểm ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ giai đoạn hiện nay

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 26-39

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết sử dụng phương pháp định lượng hóa các hồ sơ ly hôn hàng năm của tòa án nhân dân các quận, huyện thuộc Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ từ 2009-2017 và phỏng vấn sâu các cá nhân ly hôn ở các cộng đồng tộc người ở Tây Nam Bộ để phân tích các đặc điểm của ly hôn trong tương quan với các yếu tố cấu trúc như giới, đặc điểm văn hóa nhân khẩu, các yếu tố chu trình sống, cũng như các yếu tố kinh tế xã hội của người ly hôn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình tuổi kết hôn của người ly hôn ở Cần Thơ sớm hơn so với tuổi tuổi kết hôn trung bình của người dân Việt Nam và Cần Thơ nói chung và không có nhiều khác biệt theo địa bàn cư trú và theo giới tính, một số đặc điểm của người ly hôn ở khu vực Tây Nam Bộ cho thấy khá rõ nét các xu hướng lý thuyết về mối quan hệ giữa tuổi kết hôn và tuổi ly hôn, cũng như khác biệt về các đặc điểm nhân khẩu kinh tế xã hội của người ly hôn trong quá trình hiện đại hóa.

Quan điểm của đảng, chính sách của nhà nước về vấn đề gia đình và gia đình hạnh phúc từ đổi mới đến nay

Tác giả: Trần Tuyết Ánh

Trang: 15-25

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích những nội dung cơ bản trong quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề gia đình từ Đổi mới đến nay. Ở Việt Nam, gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội vì vậy tất cả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều có tác động trực tiếp, liên quan mật thiết đến vấn đề gia đình. Tùy vào điều kiện thực tiễn cụ thể, quan điểm và chính sách này đều có những thay đổi nhất định nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị cốt lõi. Nhất là từ giai đoạn Đổi mới đến nay, quan điểm của Đảng, chính sách của nhà nước về gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc càng đậm nét, phù hợp với nhu cầu thực tiễn đất nước, thể hiện ở những điểm sau: (1) gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội, là yếu tố cơ bản quyết định đến sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước; (2) xây dựng gia đình hạnh phúc là sự tổng hòa, đồng bộ của hệ thống các đường lối, chính sách trong các lĩnh vực có liên quan; (3) gia đình có vai trò quyết định đến việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; (4) gia đình là nơi lưu giữ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua giáo dục gia đình. Vì vậy, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc cần phải có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện tốt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới.