Liên kết web
Số lượt truy cập

23

2014324

Chi tiết tạp chíSố 3 - 2016

Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ”

Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung

Trang: 94-96

Ngày 3/6/2016 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và các đối tác đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ.” Mục tiêu của Hội thảo nhằm: i) Giới thiệu các kết quả và hàm ý chính sách của nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ” đến các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức và cơ quan nghiên cứu và hoạt động về bình đẳng giới tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. ii) Thảo luận về những phát hiện của nghiên cứu và hàm ý chính sách của nghiên cứu đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hiện nay. Báo cáo nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ” được hoàn thành sau 2 năm thu thập số liệu và phân tích. Mục tiêu của Nghiên cứu nhằm đánh giá những cam kết của Việt Nam về bình đẳng giới trong quá trình cải cách kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế quốc gia trong việc thúc đẩy hiệu quả hơn thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam. Nghiên cứu do UN Women và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Phái đoàn liên minh Châu Âu. Khoảng 150 đại biểu từ nhiều cơ quan hoạch định chính sách và nghiên cứu, hoạt động về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội đã đến tham dự Hội thảo, bao gồm: - Đại diện của các cơ quan hoạch định chính sách: Vụ Bình đẳng giới, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Quốc gia (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội, ủy ban Dân tộc, ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam (Bộ Ngoại giao), Bộ Tư pháp. - Các tổ chức: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội đồng Doanh nhân nữ; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam. - Các cơ quan nghiên cứu phục vụ chính sách: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Viện Xã hội học, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng cục Thống kê; Học viện Phụ nữ Việt Nam; Viện Khoa học Lao động Xã hội; Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED); Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Viện Dân số và Các vấn đề Xã hội; v.v. - Đại sứ Hà Lan, Phó Đại sứ Australia, đại diện Đại sứ quán Na-uy, Bỉ, Tây Ban Nha, Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam, DFAT. - Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và tăng trưởng: Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), UN Women, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Oxfam, CARE, ActionAid Vietnam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển Châu á (Asian Development Bank), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Châu á (Asia Foundation), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). - Các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam có các hoạt động nghiên cứu về giới và bình đẳng giới như Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình, Trung tâm Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển, Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em. - Các cơ quan truyền thông Hội thảo khai mạc bằng các phát biểu của PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện tổ chức UN Women tại Việt Nam và Ông Layton Pike, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam. Các phát biểu khai mạc đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và ý nghĩa của nghiên cứu về “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ’’ do UN Women và các cơ quan đối tác thực hiện, trong đó có sự đóng góp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thông qua sự tham gia của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Sau nội dung khai mạc, đại diện các cơ quan thực hiện Nghiên cứu đã giới thiệu bản báo cáo đến các đại biểu. Báo cáo bao gồm 1 bản báo cáo đầy đủ và 1 báo cáo tóm tắt (tiếng Anh và tiếng Việt). Sau đó là phần trình bày các nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu do đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện và các thảo luận về kết quả nghiên cứu đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế vĩ mô cũng như việc hoạch định chính sách về bình đẳng giới ở Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu đã nêu bật những phát hiện chính và các khuyến nghị chính sách để có thể thúc đẩy việc hiện thực hóa tiềm năng của phụ nữ và giúp cho sinh kế của họ đảm bảo hơn, thúc đẩy mối quan tâm một cách rộng rãi thông qua các chính sách và chương trình kinh tế có yếu tố giới của Chính phủ Việt Nam. Là báo cáo toàn diện đầu tiên phân tích nền kinh tế thông qua lăng kính giới, Nghiên cứu này cho thấy mặc dù phụ nữ đang góp một phần lớn trong phát triển kinh tế, việc đạt được mô hình tăng trưởng bao trùm vẫn là một thách thức đối với Việt Nam. Nghiên cứu cảnh báo rằng nếu những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân bổ không đều và quản lý không tốt, quá trình hội nhập có thể duy trì sự tách biệt về giới trên thị trường lao động, đồng thời làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của lao động nữ và duy trì khoảng cách tiền lương giữa hai giới. Phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu, ông Layton Pike, Phó Đại sứ Australia cho biết: “Chính phủ Australia rất vui mừng được hỗ trợ báo cáo nghiên cứu này bởi báo cáo nhấn mạnh bình đẳng giới không phải một vấn đề bên lề. Từ nông nghiệp đến giáo dục, phụ nữ và nam giới tham gia khác nhau vào các lĩnh vực của nền kinh tế và khác nhau trong việc tiệp cận những nguồn lực và dịch vụ. Chúng ta cần có cách nhìn khác rằng sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đang ảnh hưởng tới phụ nữ so với nam giới. Vì vậy những chính sách và hành động cần tập trung tạo điều kiện để tất cả mọi người được thụ hưởng công bằng các lợi ích từ việc phát triển kinh tế xã hội.” Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối tháng 12 năm 2015 và việc ký kết hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm 2015 là những bước tiến xa hơn của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sự tham gia của Việt Nam trong những hiệp định thương mại mới này sẽ mở ra hàng loạt các cơ hội tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các ngành sản xuất, dệt may và điện tử. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng trong việc làm cho đến nay chủ yếu tập trung vào các công việc không đòi hỏi tay nghề. Các cơ hội về đào tạo, phát triển kỹ năng và thăng tiến trong những ngành nghề này rất hạn chế, đặc biệt đối với phụ nữ. Bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện của UN Women phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo cho biết “Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam chưa chú ý đến việc đảm bảo quyền của phụ nữ được hưởng lợi bình đẳng từ sự phát triển, và nếu các chính sách và ưu tiên hiện thời không được xem xét lại và cải cách từ góc độ giới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ có thể bỏ phụ nữ lại phía sau.” Báo cáo lưu ý rằng mặc dù nhiều cơ hội công việc được mở ra cho lao động nữ trong những ngành xuất khẩu, song phụ nữ ít có cơ hội được đào tạo và thăng tiến hơn nam giới, và khoảng cách giới trong thu nhập đang giãn rộng dần theo thời gian. Báo cáo cũng cho thấy, nông nghiệp vẫn là nguồn sinh kế chính của phần lớn người dân, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực Bắc Trung bộ và Tây Nguyên, nhưng đa số họ vẫn làm việc mà không được trả công trong các nông trại gia đình. Điều này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương, do có rất ít cơ hội đảm bảo thu nhập và năng suất lao động. Giống như ở nhiều quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam cũng dành nhiều thời gian hơn để làm công việc nội trợ không được trả công. So với nam giới, gánh nặng công việc không được trả công đã hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội kinh tế và năng lực tham gia của họ vào các công việc được trả công, làm tăng mức độ stress của họ và có tác động đến quan hệ quyền lực trong gia đình. Nghiên cứu đã đề xuất những khuyến nghị về chính sách để có thể thúc đẩy việc hiện thực hóa tiềm năng của phụ nữ và giúp cho sinh kế của họ đảm bảo hơn, cho dù phụ nữ là những người nông dân làm việc ở quy mô nhỏ, lao động giúp việc gia đình được trả lương hay công nhân nhà máy may. Báo cáo nghiên cứu có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo về vị thế của phụ nữ ở Việt Nam, đồng thời cung cấp các bằng chứng thực tiễn góp phần thúc đẩy mối quan tâm một cách rộng rãi và việc thông qua tất cả các chính sách và chương trình kinh tế có yếu tố giới của Chính phủ Việt Nam. PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nhấn mạnh việc công bố báo cáo nghiên cứu là một minh chứng sinh động cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế và trong nước đối với sự nghiệp đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam. Đồng thời các kết quả nêu ra tại hội thảo cho thấy “để đạt được bình đẳng giới thực sự cho phụ nữ thì các chính sách phải đảm bảo được tính bao trùm xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương.” Để thông tin về những phát hiện và khuyến nghị chính sách của nghiên cứu đến với nhiều nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu quan tâm, bản Báo cáo đầy đủ và báo cáo tóm tắt của Nghiên cứu được đăng tải trên website của Tổ chức UN Women khu vực Châu á – Thái Bình Dương: http://asiapacific.unwomen.org/en/news-and-events/stories/2016/06/landmark-report-warns-of-widening-gap

Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay”

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 92-93

(Mã số KX02.21/11-15) thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam đến năm 2020 (KX02/11-15) Ngày 14 tháng 4 năm 2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay” (Mã số KX02.21/11-15) thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam đến năm 2020 (KX02/11-15) do TS. Đặng Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới làm chủ nhiệm. Tham dự buổi nghiệm thu đề tài, có đầy đủ 09 thành viên Hội đồng do TS. Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ nhiệm chương trình KX 02/11-15, Ông Mai Văn Hoa, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới và các thành viên chính tham gia thực hiện đề tài. Tại buổi nghiệm thu, TS. Đặng Thị Hoa đã trình bày những kết quả nghiên cứu chính của đề tài. Dựa trên phương pháp điều tra định lượng với 1536 phiếu hỏi dành cho đại diện hộ gia đình, kết hợp với phương pháp định tính, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình trạng kết hôn xuyên biên giới diễn ra ở cả 3 vùng biên giới của Việt Nam nhưng phổ biến và phức tạp nhất là ở vùng biên giới Việt - Trung. Phần lớn các cuộc hôn nhân xuyên biên giới chưa làm các thủ tục pháp lý theo quy định do người kết hôn thiếu thông tin về thủ tục đăng ký, thiếu giấy tờ tuỳ thân… Có nhiều vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng đang đặt ra từ hôn nhân xuyên biên giới như: vấn đề quản lý nhân khẩu, hộ khẩu khu vực biên giới; quản lý cư dân qua lại đường biên dưới các hình thức di cư tìm việc làm, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, buôn bán người, thăm thân…; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho nhóm đối tượng liên quan đến hôn nhân xuyên biên giới như đăng ký khai sinh cho trẻ em có cha/mẹ kết hôn xuyên biên giới, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ Việt Nam kết hôn xuyên biên giới trở về, phát triển kinh tế, hỗ trợ việc làm nhằm hạn chế di cư kết hôn xuyên biên giới…. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý hiệu quả hôn nhân xuyên biên giới và ổn định phát triển khu vực biên giới như: đổi mới chính sách quản lý hôn nhân xuyên biên giới; đổi mới phương thức tuyên truyền luật pháp đến người dân; tăng cường quản lý nhà nước về nhân khẩu, hộ khẩu; đổi mới quản lý hành chính, hỗ trợ cho người kết hôn xuyên biên giới; tăng cường quản lý an ninh vùng biên giới, xây dựng mạng lưới an ninh tới cấp thôn/bản và cấp xã/ phường; tăng cường hợp tác quốc tế song phương ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh (đối với các vùng biên giới). Hội đồng đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài được triển khai thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, các sản phẩm của đề tài được thực hiện đầy đủ theo cam kết trong Hợp đồng, đóng góp xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hôn nhân xuyên biên giới, xây dựng được hệ thống cơ sở lý luận xác đáng, cung cấp thêm những nhận thức mới về hôn nhân xuyên biên giới. Các phát hiện chính của đề tài là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách quản lý hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi nước ta hiện nay. Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu và đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc.

Việc làm cho thanh niên khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngân

Trang: 88-91

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết xem xét nhu cầu và khả năng giải quyết việc làm cho thanh niên ở một huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết cho thấy những đặc trưng về kinh tế - xã hội cùng với sự thay đổi nguồn nhân lực trong bối cảnh đô thị hoá tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đã có những tác động đến nhu cầu và khả năng giải quyết việc làm cho thanh niên. Trong khi giải quyết việc làm cho người lao động - đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên là vấn đề quan trọng để có thể huy động có hiệu quả nguồn lao động thanh niên vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tin và được tin: một phân tích giới về lòng tin xã hội

Tác giả: Nguyễn Quý Thanh

Trang: 74-87

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sử dụng cơ sở dữ liệu khảo sát 1.430 cá nhân tại 5 tỉnh thành của Việt Nam, bài báo đã khảo cứu về tính chất chế định (determinism) của yếu tố giới đối với lòng tin xã hội với các cá nhân và nhóm khách thể cụ thể cũng như lòng tin xã hội chung (giới nào tin vào ai). Đồng thời, bài báo cố gắng làm rõ về giới - một đặc trưng xã hội, như là một đối tượng của lòng tin (tính đáng tin của đặc trưng giới). Các kết quả phân tích cho thấy yếu tố giới dù đặt riêng rẽ hay trong ngữ cảnh đa biến đều có những ảnh hưởng nhất định đến mức độ không tin hay tin tưởng đối với cá nhân và nhóm. Sự khác biệt về mức độ tin tưởng trong mỗi giới biểu hiện rõ nhất ở nhóm khách thể có quan hệ với chủ thể nằm trên một trong hai cực của trục “liên hệ yếu” – “liên hệ mạnh”. Nhưng, sự khác biệt giữa hai giới mạnh nhất trong lòng tin với các nhóm có quan hệ với chủ thể nằm giữa trục liên hệ này. Sự phân hóa lòng tin trên cơ sở giới là mạnh nhất khi đặc điểm giới trở thành đối tượng của lòng tin.

Người chuyển giới trong xã hội Việt Nam đương đại: Ngoài lề hoá và những thách thức về sinh kế

Tác giả: Phạm Quỳnh Phương

Trang: 63-73

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Ngày 24 tháng 11 năm 2015 Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó chính thức hợp pháp hoá việc chuyển đổi giới tính. Mặc dù Bộ luật này sẽ chỉ có hiệu lực từ tháng 1 năm 2017 nhưng nó đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu những nỗ lực của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Tuy nhiên, người chuyển giới vẫn đã và đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức để sinh tồn. Cả hai nhóm chuyển giới nữ (từ nam qua nữ) và chuyển giới nam (từ nữ qua nam) đều gặp nhiều định kiến từ thái độ xã hội, nhưng nhóm chuyển giới nữ là nhóm dễ bị tổn thương hơn, bị tách biệt và lề hoá nhiều hơn trong một xã hội phụ hệ và trọng nam. Bài viết này phân tích một số thách thức, rào cản đặt ra với người chuyển giới nói chung, đặc biệt là người chuyển giới nữ liên quan đến vấn đề sinh kế, tranh luận rằng những định kiến xã hội đã đẩy người chuyển giới đến chỗ bế tắc khi tìm cách mưu sinh và dễ rơi vào tình trạng đói nghèo.

Công việc gia đình và địa vị của người phụ nữ

Tác giả: Vũ Thị Cúc và Nguyễn Hồng Linh

Trang: 53-62

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Dựa trên nguồn tài liệu sẵn có bài viết xem xét mối quan hệ giữa công việc gia đình và địa vị của người phụ nữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy với vai trò là lực lượng đảm nhiệm chính công việc gia đình nên hệ quả từ gánh nặng công việc này khiến phụ nữ có ít thời gian dành cho việc nghỉ ngơi, giải trí và chăm sóc sức khỏe bản thân, ít điều kiện học tập, giảm cơ hội tham gia thị trường lao động, nhất là cơ hội tham gia hoạt động chính trị xã hội. Cùng với đó, đóng góp của phụ nữ qua công việc gia đình chỉ được ghi nhận ở khía cạnh tình cảm nhiều hơn so với giá trị kinh tế của công việc này đem lại cho hộ gia đình, điều này góp phần làm giảm địa vị kinh tế của phụ nữ. Trong khi giá trị kinh tế của công việc lao động gia đình đã được các nghiên cứu ghi nhận.

Thúc đẩy bình đẳng giới và việc làm bền vững trong hội nhập quốc tế

Tác giả: Dương Kim Anh

Trang: 43-52

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Tiến trình hội nhập hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức. Thúc đẩy bình đẳng giới và việc làm bền vững được cho là việc làm thiết thực trong giai đoạn này. Bài viết dưới đây điểm lại những thành tựu của Việt Nam về bình đẳng giới và việc làm bền vững đồng thời chỉ ra những những cơ hội và thách thức của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh hội nhập.

Gia đình với hoạt động hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Trà Vinh

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Xoan

Trang: 32-42

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết dựa trên số liệu từ đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của tác giả về “Những vấn đề giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực ở Trà Vinh hiện nay từ góc độ hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông” được thực hiện vào năm 2014-2015 nhằm chỉ ra vai trò của gia đình trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông và qua đó phân tích các yếu tố tác động đến vai trò này. Cách hiểu về hướng nghiệp của phụ huynh trong gia đình tương đối phù hợp là định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với sở thích, khả năng của học sinh kết hợp với khả năng kinh tế của gia đình và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tác giả cũng chỉ những khó khăn mà phụ huynh và gia đình gặp phải với trọng trách là người hiện đang chịu trách nhiệm chính trong hoạt động hướng nghiệp.

Khuôn mẫu ứng xử vợ chồng trong gia đình qua nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước

Tác giả: Nguyễn Thanh Huyền

Trang: 21-31

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Từ phân tích các nguồn tài liệu có sẵn, bài viết điểm lại những chủ đề nghiên cứu về văn hóa ứng xử trong gia đình và sự biến đổi của các mối quan hệ ứng xử giữa vợ và chồng, giữa các thế hệ trong gia đình hiện nay. Do tác động của các sự biến đổi từ các yếu tố về kinh tế - xã hội và văn hoá, khuôn mẫu ứng xử giữa vợ và chồng đang có sự giao thoa giữa các khuôn mẫu ứng xử truyền thống và khuôn mẫu ứng xử hiện đại. Xuất hiện những khuôn mẫu mới trong đời sống tình cảm vợ chồng, quan hệ quyền lực giữa vợ và chồng trong gia đình.

Biến đổi hôn nhân gia đình của người Khơ mú ở Nghệ An hiện nay

Tác giả: Nguyễn Văn Toàn

Trang: 11-20

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số biến đổi trong hôn nhân gia đình của người Khơ mú ở Nghệ An, một trong số ít các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me cư trú ở miền núi phía Bắc. Cho đến nay, người Khơ mú ở Nghệ An còn lưu giữ khá nhiều phong tục tập quán truyền thống liên quan đến hôn nhân gia đình. Những biến đổi trong hôn nhân, gia đình của người Khơ mú diễn ra mạnh mẽ kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển giao lưu tộc người đã làm nảy sinh quan hệ hôn nhân hỗn hợp dân tộc, nam nữ đã được tự do tiến tới hôn nhân. Nghi lễ cưới xin đã thay đổi theo hướng tiến bộ, loại hình tiểu gia đình cùng với đó là gia đình nhỏ hai thế hệ, sinh ít con ngày càng chiếm ưu thế.