Liên kết web
Số lượt truy cập

17

1932799

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2014

Hội thảo Tổng quan chính sách và mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 95-96

Ngày 28 tháng 3 năm 2014, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tổng quan chính sách và mô hình chăm sóc y tế cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam ” do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phối hợp tổ chức. Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương như: Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện các tổ chức quốc tế: Plan International, UNWomen…; đại diện các viện nghiên cứu và trường đại học: Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Dân tộc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); và một số tổ chức khác cùng đại diện các cơ quan truyền thông. Mục đích của Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách và các mô hình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống tại Việt Nam, đồng thời đánh giá hiệu quả của các chính sách, các mô hình và đưa ra các đề xuất để chính sách tổng thể có thể kết nối với các chương trình, dịch vụ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân tộc thiểu số ở nước ta. Bác sĩ Trần Hùng Minh - Đại diện của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam - phát biểu khai mạc và giới thiệu các nội dung chính của Hội thảo. Tiếp đến là bài trình bày về mô hình “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em người dân tộc thiểu số thông qua thúc đẩy các hành vi có lợi” của bà Nguyễn Mai Trang - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD). Đây là dự án được tiến hành từ năm 2011 đến năm 2015 ở ba tỉnh: Đăk Lăk, Điện Biên và Yên Bái. Giai đoạn đầu (tính đến 2013), dự án tập trung vào việc can thiệp truyền thông thay đổi hành vi và bổ sung khoảng trống của các dự án về cung cấp dịch vụ: xây dựng năng lực lãnh đạo; truyền thông qua nhiều kênh phù hợp với đối tượng đích; can thiệp dựa vào cộng đồng. Đánh giá một số chỉ số đến giữa kỳ cho thấy thành công cơ bản của dự án là đã cải thiện đáng kể tỷ suất tử vong mẹ (từ 579 xuống còn 60/100.000 trẻ đẻ sống). Bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền - Quĩ Dân số Liên hiệp quốc - trình bày về mô hình “Đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản 18 tháng”. Đây là một giải pháp nhân lực hiệu quả cho cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp phụ nữ làm mẹ an toàn trong bối cảnh thiếu nhân lực, đặc biệt là cán bộ y tế chăm sóc thai sản và sơ sinh ở các trạm y tế xã ở miền núi cao. Mô hình này được đánh giá là đã góp phần cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách chính thức của Bộ Y tế cho đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản. Mô hình “Nhà chờ đẻ ở Cao Bằng” được bà Hoàng Thị Bằng – Tổ chức Y tế Thế giới và bà Trần Thu Hà - Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) giới thiệu tại Hội thảo. Nhà chờ đẻ cho sản phụ giúp cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là đối với vùng có khó khăn về tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên trong quá trình vận hành đã có nhiều trở ngại với mô hình này do thiếu sự giám sát từ Bộ, ngành y tế, thiếu cơ sở vật chất… Các đại biểu tham dự cũng đã chỉ ra những trở ngại khác có thể gặp phải như vấn đề trách nhiệm trong tai biến sản khoa, kinh phí, giám sát và kiểm tra trong quá trình vận hành mô hình này. Ông Trần Văn Thống, đại diện Tổ chức Plan International, trình bày mô hình “Cải thiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho người dân tộc thiểu số ở 7 tỉnh”. Mô hình này tập trung vào việc giáo dục nhóm cha mẹ/sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe thôn thông qua việc thành lập và duy trì sinh hoạt hàng tháng của CLB này và tiến hành các hoạt động truyền thông cho bà mẹ/phụ nữ có thai về chăm sóc thai sản và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó còn tiến hành lồng ghép với các chiến dịch truyền thông được triển khai từ cấp thôn. Đánh giá giai đoạn thực hiện từ 2011 – 2013, tại một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam, Bắc Kạn đã cho thấy kết quả khá khả quan. Với bài phát biểu “Tổng quan về chính sách và mô hình chăm sóc sức khoẻ cho người dân tộc thiểu số”, bác sĩ Trần Tuấn đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đã khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối giữa Nhà nước với các tổ chức xã hội dân sự trong việc cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp và nhìn nhận rõ ràng hơn về những thuận lợi, khó khăn cùng những thách thức trong giai đoạn tiếp theo để có những chương trình can thiệp, những đề xuất chính sách cụ thể, hướng đến mục tiêu giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta tiếp cận hiệu quả hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu Thực trạng bao phủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam

Tác giả: M.K.

Trang: 94

Ngày 28/2/2014, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu thực trạng bao phủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam”. Đây là nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Viện Nghiên cứu Y Xã hội học (ISMS) và Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống y tế - Đại học Y Hà Nội (CHSR). Các đại biểu tham dự Hội thảo là các đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)…; đại diện các tổ chức quốc tế, các Viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ quan truyền thông. Nghiên cứu về “Thực trạng bao phủ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tại 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam” được tiến hành năm 2013 tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Hưng Yên và Hòa Bình, với cỡ mẫu là 2000 phụ nữ có con dưới 1 tuổi và 1005 nam giới là chồng của những phụ nữ được lựa chọn phỏng vấn, và lựa chọn ngẫu nhiên một khu vực thành thị và một khu vực nông thôn nghèo đặc trưng để tiến hành khảo sát. Mục tiêu chính của nghiên cứu là: mô tả thực trạng một số dịch vụ chăm sóc SKSS tại 3 tỉnh để chỉ ra mức độ và sự khác biệt trong độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc SKSS theo chiều rộng, chiều cao và chiều sâu; phân tích mức độ bất công bằng và các yếu tố tác động đến dịch vụ chăm sóc SKSS. Để làm rõ mục tiêu nghiên cứu, một số phương pháp phân tích được nhóm nghiên cứu sử dụng như so sánh mô tả, phân tích công bằng, phương pháp tính chi phí thảm họa, và tính toán mô hình hồi quy logistic đa biến để phân tích mối liên quan giữa chi phí thảm họa 40% và nghèo đói với các đặc điểm hộ gia đình. Nghiên cứu tập trung vào một số dịch vụ của SKSS như kế hoạch hóa gia đình, làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh, dự phòng và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản và tình dục. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy một số điểm đáng chú ý về dịch vụ chăm sóc SKSS tại 3 điểm khảo sát như: độ bao phủ dân số của một số dịch vụ chăm sóc SKSS tại 3 tỉnh là tương đối rộng, nhưng tỷ trọng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dành cho các dịch vụ chăm sóc SKSS còn thấp và nhiều dịch vụ chăm sóc SKSS thiết yếu còn chưa sẵn có ở tuyến y tế cơ sở, cho thấy sự bao phủ các dịch vụ chăm sóc SKSS tại 3 tỉnh nghiên cứu còn chưa sâu. Chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phi CSSKSS còn ở mức cao, theo tính toán có tới 13,6% hộ gia đình sẽ bị nghèo hóa nếu chi phí thêm cho dịch vụ chăm sóc SKSS, tập trung cao hơn ở nhóm nông thôn, người dân tộc và người cận nghèo/nghèo và người không có bảo hiểm y tế. Có thế nói bảo hiểm y tế là công cụ có tác dụng bảo vệ tài chính tốt trong chăm sóc SKSS, nhưng số liệu sơ bộ tại 3 tỉnh này cho thấy hiện chỉ có 74,8% phụ nữ và 50,2% nam giới có bảo hiểm y tế. Nghiên cứu này cũng cho thấy có mối liên quan giữa mức độ rủi ro tài chính do chi phí chăm sóc SKSS ở phụ nữ với điều kiện kinh tế và đặc điểm dân tộc. Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp giúp cho việc làm rõ hơn kết quả nghiên cứu. Các ý kiến thảo luận chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến nội dung và phương pháp nghiên cứu, các lưu ý về hạn chế của mẫu nghiên cứu và những lý giải giúp cho việc phân tích số liệu được sâu sắc hơn.

Ảnh hưởng của bạo lực về thể chất và tình dục đối với phụ nữ trên thế giới

Tác giả: Trần Văn Thao (giới thiệu)

Trang: 92-93

Theo báo cáo “Ước tính về số vụ bạo lực với phụ nữ trên toàn cầu và khu vực: tỷ lệ và tác động tới sức khỏe của bạo lực tình dục do đối tượng người thân và không phải người thân gây ra” của Liên Hiệp Quốc công bố năm 2013 cho thấy có hơn 1/3 số phụ nữ toàn cầu bị ảnh hưởng bởi bạo lực thế chất hoặc tình dục do chính người thân gây ra. Báo cáo nghiên cứu này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành thực hiện cùng Đại học Y tế & Vệ sinh Nhiệt đới Luân Đôn và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi. Đây là báo cáo nghiên cứu có tính hệ thống đầu tiên từ số liệu toàn cầu về tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do đối tượng người thân và không phải người thân gây ra. Báo cáo đã đưa ra những hướng dẫn nhằm ứng phó với thảm họa toàn cầu này đến các quốc gia trên thế giới. Số liệu từ báo cáo cho biết có khoảng 35% phụ nữ trải nghiệm bạo lực do đối tượng là người thân và không phải người thân gây ra. Báo cáo nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng bạo lực với phụ nữ do người thân gây ra là loại hình phổ biến nhất, tác động tới 30% số phụ nữ toàn cầu. Theo Tổng giám đốc WHO bà Margaret Chan thì “những khám phá này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng bạo lực đối với phụ nữ là một thảm họa to lớn đối với sức khỏe toàn cầu trong số nhiều thảm họa khác. Chúng ta cũng thấy rằng hệ thống y tế thế giới có thể và phải làm nhiều hơn nữa giúp cho các nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ”. Ngoài ra, báo cáo này cũng chỉ ra một cách chi tiết những tác động của bạo lực đối với thể chất và tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em từ gẫy xương tới tai biến liên quan tới sản khoa, rối loạn tâm thần và lệch lạc về chức năng xã hội. Và một trong những khám phá quan trọng của nghiên cứu này đó là nó đã cho thấy có tới 38% phụ nữ trên thế giới bị giết do người thân gây ra, tương tự như vậy số phụ nữ bị bạo lực do người thân gây ra thường bị trầm cảm hoặc lạm dụng rượu gần như gấp hai lần. Giáo sư Charlotte Watts, Đại học Y tế & Vệ sinh Nhiệt đới Luân Đôn cho rằng “số liệu mới này cho thấy rằng bạo lực đối với phụ nữ là rất phổ biến, chúng ta phải khẩn cấp đầu tư để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề sức khỏe toàn cầu của những phụ nữ này”. Cho đến nay số liệu ở cấp độ toàn cầu về vấn đề bạo lực với phụ nữ còn nhiều hạn chế. Một phần là do nỗi sợ hãi từ sự kỳ thị của xã hội đã ngăn cản phụ nữ trình báo việc mình bị bạo lực từ đối tượng không phải là người thân. Mặt khác lại xuất phát từ thu thập số liệu, vì trên thực tế hiện nay có rất ít quốc gia trên thế giới thu thập số liệu bạo lực không phải do người thân gây ra, trong khi nhiều nghiên cứu về loại hình bạo lực này lại áp dụng việc đo lường đơn giản hơn so với phương pháp tiếp cận nhằm đánh giá được loại hình bạo lực do người thân gây ra. Chính vì vậy, theo tiến sỹ Naeemah Abrahams, Hội đồng nghiên cứu y khoa Nam Phi thì báo cáo này “đã làm sáng tỏ vấn đề thiếu thông tin, dữ liệu về bạo lực tình dục do đối tượng không phải người thân gây ra, cả ở những khu vực tác động bởi các cuộc xung đột. Chúng ta cần có nhiều quốc gia trên thế giới đo lường và sử dụng những công cụ tốt nhất sẵn có đối với bạo lực tình dục”. Báo cáo này cũng nêu ra sự cần thiết về sự tham gia của tất cả các ngành có liên quan để loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ và hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực. Tại buổi lễ công bố, một bộ tài liệu Hướng dẫn mới của WHO đã được giới thiệu cùng báo cáo nghiên cứu nhằm giúp cho các nước trên thế giới cải thiện năng lực ngành y tế để ứng phó đối với vấn nạn bạo lực này. Những phát hiện của báo cáo cũng cho thấy bạo lực làm tăng tính dễ tổn thương của phụ nữ trong thời gian ngắn hạn và dài hạn, và ngành y tế cần xử lý vấn đề bạo lực đối với phụ nữ một cách nghiêm túc hơn, vì trong nhiều trường hợp cán bộ y tế chỉ đơn giản là họ không biết phải đối phó với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ như thế nào! Vì vậy, bộ tài liệu hướng dẫn của WHO đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo cán bộ y tế ở tất cả các cấp để họ có thể nhận ra khi nào phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực và để họ có đủ kỹ năng đưa ra những liệu pháp phù hợp. Những hướng dẫn chi tiết trong bộ tài liệu tập trung vào nhiều khía cạnh trong chăm sóc y tế như dịch vụ tiền sản, xét nghiệm HIV… để có thể đưa ra những cơ hội hỗ trợ tối thiểu cho những nạn nhân này.n Nguồn: http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2013/violence_against_women_20130620/en/

Vai trò của gia đình trong giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên hiện nay

Tác giả: Đào Văn Minh

Trang: 84-91

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết dưới đây phân tích đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên và vai trò của gia đình trong giáo dục pháp luật để đưa ra những biện pháp nhằm phát huy tốt nhất vai trò của gia đình trong giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên hiện nay. Tác giả bài viết cho rằng giáo dục của gia đình chủ yếu diễn ra theo hình thức nêu gương, bằng tình cảm, chú trọng hoạt động giáo dục cá biệt và hướng đến việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên. Đồng thời, để mang lại hiệu quả cao nhất trong giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên, cần tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội; kết hợp hài hòa, vận dụng linh hoạt các giải pháp; xác định nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật của gia đình phù hợp cho trẻ vị thành niên.

Thực hành bổ sung thức ăn cho trẻ 7-24 tháng tuổi và các yếu tố ảnh hưởng

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh, Hà Thị Minh Khương, Trần Thị Cẩm Nhung

Trang: 67-83

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết này phân tích thực trạng và các yếu tố tác động đến việc cho trẻ ăn bổ sung trong giai đoạn 7-24 tháng tuổi ở một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đa số nhóm trẻ 7-24 tháng tuổi đã được sử dụng khá đa dạng các loại thức ăn, uống chứa đầy đủ ít nhất 4 nhóm thực phẩm chính, nhưng khẩu phần ăn trẻ còn chưa đồng đều về cơ cấu dinh dưỡng. Dinh dưỡng công thức chưa phải là thức ăn chiếm ưu thế trong khẩu phần ăn của trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Các phân tích đa biến cho thấy khu vực sống ở thành thị và có thu nhập cao là yếu tố có tác động mạnh nhất làm tăng khả năng trẻ được sử dụng đa dạng thức ăn và bổ sung dinh dưỡng công thức.

Rủi ro và thách thức đối với người chuyển giới ở Việt Nam và đề xuất giải pháp hỗ trợ của công tác xã hội

Tác giả: Nguyễn Lê Hoài Anh

Trang: 53-66

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết chỉ ra những vấn đề mà người chuyển giới đã và đang phải đối mặt ở Việt Nam hiện nay với rất nhiều rủi ro về sức khỏe, tâm lý và nhiều thách thức liên quan đến vấn đề việc làm, pháp lý. Người chuyển giới hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn để được sống là chính mình, sống đúng với bản dạng giới thực sự của mình, do vậy, họ rất cần được sự hỗ trợ của cả gia đình, cộng đồng và đặc biệt từ một ngành nghề rất mới mẻ nhưng vô cùng có ý nghĩa, đó là công tác xã hội.

Cướp dâu: một giá trị văn hóa truyền thống cần bảo tồn hay sự vi phạm quyền con người?

Tác giả: Nguyễn Thị Vân Hạnh

Trang: 44-52

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên những nghiên cứu quốc tế, bài viết tìm hiểu nguồn gốc và xác định bản chất của phong tục cướp dâu đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tác giả cho rằng cướp dâu và những hệ lụy của nó không hề đem lại bất cứ một tác động tích cực, một lợi ích đáng kể nào đối với người phụ nữ, mà trái lại, khiến cho quyền tự do, sức khỏe thể chất và tinh thần của họ bị xâm hại, địa vị xã hội của họ bị hạ thấp và tương lai của họ bị vùi dập. Vì mức độ phổ biến và tác hại nghiêm trọng của nó, ở một mức độ nào đó, phong tục cướp dâu có thể được xem như một thứ tội ác chống lại nhân loại.

Cô dâu Việt Nam thành công ở Đài Loan: Hai nghiên cứu trường hợp

Tác giả: Phạm Văn Bích & Iwai Misaki Kanda

Trang: 28-43

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa trên cơ sở hai nghiên cứu trường hợp cô dâu Việt Nam thành công trong hôn nhân ở Đài Loan, bài viết góp phần không chỉ làm rõ cuộc sống của họ ở nhà chồng (một chủ đề ít được khảo sát một cách đáng tin cậy từ các nghiên cứu trong nước), mà còn phá bỏ nhận định rằng những người thành công là nhờ may mắn. Tán thành xu hướng lý thuyết nhấn mạnh tính tích cực chủ động của các cô dâu trong việc vun đắp cuộc sống gia đình, nhưng bài viết mở rộng phạm vi xem xét ra ngoài gia đình, và tính tới những thế lực thuộc về cấu trúc ở cấp độ vĩ mô của xã hội Đài Loan, để khẳng định tính tích cực của họ không chỉ trong gia đình, mà cả khi đối diện với các thế lực này.

Gia đình người Tày ở Việt Nam - truyền thống và đổi mới

Tác giả: Bế Văn Hậu

Trang: 16-27

File toàn văn đính kèm: Tải về

Dựa vào các công trình nghiên cứu về người Tày, bài viết phân tích một số nét biến đổi về chế độ hôn nhân - gia đình của người Tày ở Việt Nam. Tác giả cho rằng trong mấy mươi thập niên gần đây, gia đình của người Tày với đặc trưng cơ bản là tính chất gia trưởng phụ quyền đã và đang có sự biến đổi khá mạnh mẽ, sâu rộng thể hiện trên nhiều phương diện từ chế độ hôn nhân đến hình thái, quy mô và cơ cấu gia đình; từ vị thế vai trò của các thành viên đến sự phân công lao động, cũng như các khuôn mẫu ứng xử khác trong gia đình. Sự biến đổi này cũng đang mang đến cho gia đình người Tày ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực cần phải được quan tâm.

Vận dụng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu ly hôn ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Phạm Thị Huệ

Trang: 3-15

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết tổng quan các khái niệm, cách tiếp cận lý thuyết và phương pháp đã được sử dụng trong nghiên cứu ly hôn ở Việt Nam. Bài viết cho thấy việc vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu về ly hôn ở Việt Nam còn rất hạn chế. Cho đến nay, rất ít các công trình nghiên cứu ở Việt Nam đề cập đến các khái niện cũng như lý thuyết khi xem xét vấn đề ly hôn. Phương pháp được sử dụng nhiều nhất và hầu như là duy nhất trong đa số các bài viết về ly hôn ở Việt Nam là phương pháp phân tích tài liệu có sẵn. Một số nghiên cứu đã kết hợp phương pháp phân tích tài liệu sẵn có với phương pháp định tính và định lượng để tìm hiểu sâu hơn vấn đề ly hôn. Bài viết cũng chỉ ra nhưng khoảng trống trong nghiên cứu ly hôn ở Việt Nam và gợi ý hướng nghiên cứu tiếp theo.