Liên kết web
Số lượt truy cập

8

2928266

Hoạt động Khoa học

Giới thiệu Nghiên cứu: Thực trạng người Việt Nam trở về từ Vương quốc Anh (giai đoạn 2014-2023)

02/01/2025
Bối cảnh nghiên cứu:
Trong những năm gần đây, tình trạng di cư không chính thức từ Việt Nam sang Vương quốc Anh đã gia tăng đáng kể, gây ra nhiều rủi ro cho người lao động, bao gồm bóc lột lao động và nạn mua bán người. Năm 2023, có 991 người Việt Nam được xác định là nạn nhân tiềm năng của buôn người theo Cơ chế Chuyển tuyến Quốc gia (NRM) của Vương quốc Anh, chiếm 6% tổng số trường hợp.

Việc hồi hương sau khi di cư không chính thức thường kèm theo nhiều thách thức trong tái hoà nhập kinh tế, xã hội và tâm lý. Trong bối cảnh này, nghiên cứu “Thực trạng người Việt Nam hồi hương từ Vương quốc Anh (2014–2023)” được thực hiện nhằm cung cấp bức tranh toàn diện về tình trạng di cư, quá trình hồi hương và các khuyến nghị chính sách. Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2024.

 

Mục tiêu nghiên cứu

 

Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và những thách thức mà người Việt Nam hồi hương từ Vương quốc Anh gặp phải trong giai đoạn 2014–2023. Cụ thể, các mục tiêu chính bao gồm:

 

  1. Đánh giá tình hình di cư không chính thức và quá trình hồi hương của người di cư.
  2. Phân tích các yếu tố hỗ trợ và những khó khăn trong quá trình tái hòa nhập.
  3. Đề xuất các khuyến nghị nhằm hỗ trợ di cư an toàn và tái hòa nhập bền vững.

 

Phương pháp nghiên cứu

 

Nghiên cứu thực hiện khảo sát bảng hỏi với 164 người trở về từ Vương quốc Anh giai đoạn 2014-2023 và 225 lao động địa phương; phỏng vấn sâu với các nhóm đối tượng chính bao gồm người di cư trở về, gia đình của người trở về, người lao động địa phương và cán bộ địa phương.

 

Phương pháp nghiên cứu chính dựa trên phân tích tài liệu thứ cấp, phương pháp phân tích định lượng và phương pháp định tính.

 

Hạn chế của nghiên cứu:

 

Nghiên cứu gặp khó khăn trong tiếp cận nhóm người trở về do tâm lý e ngại hoặc đã ổn định và không muốn nhắc lại quá khứ. Những người tham gia vào nghiên cứu chủ yếu là những người đang gặp khó khăn trong việc tái hoà nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng đã sử dụng phương pháp “quả bóng tuyết” để tiếp cận tối đa với người trở về. Thông tin cũng được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như khảo sát bảng hỏi, phỏng vấn sâu cá nhân với cả người trở về và người lao động địa phương; phỏng vấn sâu các cán bộ ở địa phương để có các thông tin đa chiều và toàn diện về cộng đồng người trở về từ Vương quốc Anh.

 

Kết quả nghiên cứu chính

Hoà nhập về kinh tế

 

Kết quả nghiên cứu chỉ ra cho thấy thách thức lớn nhất đối với người hồi hương từ Vương quốc Anh là hòa nhập kinh tế. Phần lớn họ không có việc làm ổn định, chủ yếu làm trong khu vực lao động phi chính thức, không có bảo hiểm xã hội hay hợp đồng lao động, với chỉ 15,0% có thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, 72,0% vẫn phải vay nợ để trả chi phí hành trình di cư hoặc tái thiết cuộc sống.

 

Mặc dù có khát vọng khởi nghiệp nhưng nhiều người hồi hương từ Vương quốc Anh gặp phải các rào cản hạn chế về tiếp cận vốn, kỹ năng nghề nghiệp và đào tạo nghề. Ngoài ra, họ còn hạn chế về kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm quản lý kinh doanh. Gánh nặng nợ nần (trung bình từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng) do chi phí cho chuyến đi, cũng khiến họ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn tái di cư bất hợp pháp.

 

Tiếp cận thị trường lao động địa phương cũng là một trở ngại khi kỳ vọng thu nhập cao của họ không phù hợp với công việc sẵn có, đặc biệt tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

 

Thách thức về hoà nhập tâm lý xã hội

 

Nhiều người hồi hương từng trải qua các rủi ro nghiêm trọng trên hành trình di cư và khi làm việc ở nước ngoài, như bị bóc lột lao động, mất tự do hoặc bạo lực. Những trải nghiệm này để lại hậu quả tâm lý, bao gồm ác mộng, lo lắng và căng thẳng, đặc biệt ở những người từng bị bóc lột lao động, bị mua bán.

 

Người hồi hương thường cảm thấy bản thân thất bại vì không đạt được kỳ vọng cải thiện kinh tế gia đình. Họ tự xem mình là những “người thất bại” khi không đạt được mục tiêu kinh tế từ hành trình di cư. Đồng thời, họ cảm thấy bị cô lập, thậm chí bị phân biệt đối xử, do kỳ vọng của cộng đồng rằng người trở về từ nước ngoài phải giàu có, tạo ra sự e ngại và áp lực lớn cho họ.

 

Tuy gia đình và cộng đồng có vai trò hỗ trợ tinh thần, nhưng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên sâu vẫn còn thiếu, đặc biệt ở vùng nông thôn, dẫn đến việc người hồi hương không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để phục hồi tâm lý.

 

Nhu cầu tái di cư của người trở về từ Vương Quốc Anh: Nhiều người có nhu cầu tái di cư để kiếm tiền trả nợ từ hành trình di cư trước đây và tìm kiếm cơ hội có thu nhập cao và ổn định hơn. Đáng chú ý, hơn 40% người có nhu cầu tái di cư mong muốn quay lại Vương quốc Anh. Mặc dù phần lớn ưu tiên tìm kiếm các con đường di cư hợp pháp, nhưng do chi phí cao, một số người sẵn sàng chấp nhận rủi ro quay lại thông qua các kênh di cư không chính thức.

 

Chính sách và chương trình hỗ trợ hiện tại: Một số người trở về nhận được hỗ trợ từ các chương trình quốc tế như IOM, nhưng quy mô và tác động còn hạn chế. Các chính sách quốc gia chưa đủ toàn diện để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhóm người trở về.

 

Cơ hội hợp tác: Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký các Bản ghi nhớ về di cư và chống buôn bán người từ năm 2004. Nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cần có các hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện hơn để giải quyết các thách thức của di cư hồi hương.

 

Nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh

Khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam

 

Tăng cường cơ hội kinh tế: Mở rộng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu lao động địa phương; Hỗ trợ tài chính, tín dụng vi mô cho người hồi hương khởi nghiệp hoặc tham gia hợp tác xã; Hợp tác với doanh nghiệp để tạo việc làm cho người hồi hương.

 

Hỗ trợ tái hòa nhập tâm lý, xã hội: Phát động chiến dịch giảm định kiến đối với người di cư không chính thức; Xây dựng mạng lưới người hồi hương để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ người di cư hồi hương.

 

Phát triển dữ liệu và chính sách: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo dõi người hồi hương và đánh giá hiệu quả chính sách. Dùng dữ liệu để điều chỉnh chính sách phù hợp.

 

Khuyến nghị cho Chính phủ Vương quốc Anh

 

Thúc đẩy các lộ trình di cư hợp pháp: Tăng cường chương trình thị thực lao động hợp pháp với các biện pháp bảo vệ lao động. Triển khai các chương trình trao đổi giáo dục và kỹ năng để chuẩn bị lao động di cư.

 

Tài trợ các chương trình hỗ trợ toàn diện cho tái hòa nhập: Tài trợ các chương trình tái hòa nhập về sinh kế và sức khỏe tâm thần phối hợp với Việt Nam; Hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực quản lý di cư hồi hương; Cung cấp tài trợ điều tra các mạng lưới buôn người giữa Việt Nam và Anh; Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam.

 

Phan Huyền Dân