Liên kết web
Số lượt truy cập

17

2781611

Hoạt động Khoa học

Hội thảo khoa học “Trao quyền cho phụ nữ vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”

25/10/2024
Ngày 21 tháng 10 năm 2024, Tổ chức Friedrich Naumann Foundation For Freedom (FNF) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Trao quyền cho phụ nữ vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam” tại Viện Tâm lý học, 37 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học và đại diện một số cơ quan như Viện Tâm lý học, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hội Xã hội học Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn quốc, Uỷ ban dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, v.v.
Quang cảnh Hội thảo

Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá thành tựu và xác định những rào cản trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới đến năm 2030 và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam; đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

 

Hội thảo gồm hai phiên do PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học, TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Tổng Biên tập Tạp chí Tâm lý học, và TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì. Phiên thứ nhất tập trung vào các vấn đề phát triển bền vững từ khía cạnh bình đẳng giới, và phiên thứ hai tập trung vào vấn đề trao quyền cho phụ nữ vì mục tiêu phát triển bền vững.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Thị Hoa đã nhấn mạnh đến vai trò của việc đầu tư cho bình đẳng giới sẽ góp phần tạo nhiều thuận lợi cho sự tăng trưởng ổn định. Muốn có bình đẳng giới cần phải thay đổi ý thức và hành vi của cả nam và nữ. Bình đẳng giới thực sự chỉ tồn tại khi nam giới và phụ nữ có vị trí, giá trị và được coi trọng như nhau trong xã hội. Điều đó có nghĩa là, nam giới và phụ nữ có điều kiện như nhau để phát huy hết tiềm năng của mình và phụ nữ có cơ hội tham gia và hưởng thụ lợi ích trong quá trình phát triển.

 

Hội thảo đã được nghe 8 bài tham luận về thực trạng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược bình đẳng giới ở Việt Nam đến năm 2030; thực trạng và những rào cản trong thực hiện mục tiêu về chăm sóc sức khỏe và an toàn cho phụ nữ, trong thực hiện mục tiêu về chính trị và tham chính, kinh tế, lao động và việc làm; chỉ số hạnh phúc của phụ nữ và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; những góc khuất phụ nữ làm khoa học tự nhiên; vấn đề chính sách, luật pháp và việc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới.

 

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung phân tích, bàn luận về kết quả đã đạt được của các mục tiêu thiên niên kỷ theo cam kết quốc tế ở Việt Nam trong các lĩnh giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, lao động việc làm… xác định các thách thức, các rào cản, mối liên hệ giữa bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và hạnh phúc, thúc đẩy sự tham gia của nam giới… Một số các kiến nghị chính sách đã được các đại biểu đề xuất nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược bình đẳng giới ở Việt Nam đến năm 2030.

 Đại biểu Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

 

Phát biểu bế mạc và tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Đặng Thị Hoa đã tóm lược lại nội dung thảo luận, trong đó có một số vấn đề sẽ là gợi ý cho báo cáo chính sách như sau: Một là, việc trao quyền cho phụ nữ vì mục tiêu phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng và có nhiều thách thức, vì vậy cần nhận diện và xác định được vùng lõi cần phá băng, can thiệp trong tất cả các lĩnh vực từ tham chính, giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm, chăm sóc sức khoẻ, chính sách pháp luật, v.v. Các rào cản đối với phụ nữ làm nghiên cứu khoa học công nghệ cũng là rào cản đối với phụ nữ làm trong ngành khoa học xã hội nhân văn và tổ chức chính trị xã hội khác, một trong số đó là khác biệt nhận thức về giới. Việc trao quyền cho phụ nữ cần nhìn nhận ở khía cạnh phụ nữ được bình đẳng sẽ tạo ra hạnh phúc chứ không phải tạo ra gánh nặng cho họ. Hai là, một số khuyến nghị rút ra trong quá trình thảo luận tại Hội thảo hy vọng sẽ là đề xuất hữu ích cho chính sách thúc đẩy bình đẳng giới như cần có sự tham vấn và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và tổ chức liên quan, tăng cường truyền thông về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, các chỉ tiêu đặt ra cần gắn với bối cảnh mới. Ba là, cần rà soát các chỉ tiêu về bình đẳng giới để xác định chỉ tiêu đã đạt được và không đạt đến năm 2025 và 2030, các vấn đề tư vấn chính sách, chương trình can thiệp để làm cơ sở định hướng xây dựng các mục tiêu thiên niên kỷ ở giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, trong giai đoạn 2026-2030 cần làm rõ việc hỗ trợ phụ nữ như thế nào, liệu có tạo ra gánh nặng cho họ hay không. Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là các giải pháp và sự cam kết của Chính phủ trong giai đoạn 2026-2030 để thúc đẩy phụ nữ tự nâng cao quyền tham gia trong các lĩnh vực tham chính, lao động-việc làm, giáo dục - đào tạo cũng như ở các lĩnh vực khác, đặc biệt cần đặt trong thách thức của bối cảnh mới như hội nhập quốc tế, công nghệ và chuyển đổi số, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, v.v. Ngoài ra, một số vấn đề cũng nhận được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của Hội thảo như việc san sẻ gánh nặng với phụ nữ, việc phụ nữ cần cố gắng hoàn thành các vai trò hay phải tự giải phóng mình, v.v. Cuối cùng, PGS.TS. Đặng Thị Hoa cảm ơn Quỹ FNF tại Việt Nam đã tạo ra một diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi, thảo luận và chia sẻ về vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam từ đó đưa ra các gợi ý chính sách.

 

Cuối cùng, đại diện Quỹ FNF tại Việt Nam, bà Lê Thị Thu Trang phát biểu cảm ơn tới tất cả các học giả và đại biểu tham dự đã quan tâm đến chủ đề của Hội thảo cũng như đã có đóng góp thảo luận sôi nổi, hy vọng trong thời gian tới, các kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam ở những vấn đề lớn như tham chính, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, lao động việc làm… Kết quả của Hội thảo sẽ tiếp tục được đưa vào báo cáo chính sách, các nghiên cứu hoặc các bài báo để góp phần tăng cơ hội trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

2024

M.K