Liên kết web
Số lượt truy cập

17

1932769

Chi tiết tạp chíSố 6 - 2013

Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh

Tác giả: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng

Trang: 3-5

Trong hai ngày 7 và 8 tháng 11 năm 2013, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh” trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tham dự, chủ trì hội thảo và có bài phát biểu quan trọng. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Gia đình Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra hiện nay

Tác giả: Nguyễn Hữu Minh

Trang: 6-17

Trên cơ sở phân tích bối cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thập kỷ qua và những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề gia đình, báo cáo đã nêu lên một số vấn đề nổi bật về sự biến đổi của gia đình Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 21, tập trung vào các vấn đề chính sách và pháp luật, công tác quản lý nhà nước về gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, mối quan hệ giữa các thế hệ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cái. Báo cáo cũng đã giới thiệu một cách ngắn gọn các vấn đề được trình bày trong các tham luận tại hội thảo “Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh” và nêu lên các định hướng thảo luận nhằm có sự hiểu biết tốt hơn về sự vận động và biến đổi của gia đình Việt Nam và những giải pháp phù hợp xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

Sự biến đổi quan niệm về số con trong gia đình hiện nay (Nghiên cứu trường hợp tại Hưng Yên)

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 18-27

Bài viết dưới đây là một phần kết quả nghiên cứu định tính của đề tài “Giá trị con cái trong gia đình Việt Nam – Những vấn đề đặt ra”, thực hiện năm 2012 với 48 cuộc phỏng vấn sâu tại một phường (Lê Lợi) và một xã (Bảo Khê) của Hưng Yên, nhằm tìm hiểu trong giai đoạn hiện nay quy mô gia đình nhỏ - mỗi gia đình có từ một đến hai con có được người dân lựa chọn và chấp nhận? Sự trưởng thành và thành đạt của con cái là mục tiêu lớn của các bậc làm cha làm mẹ trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, đối với phần đông các gia đình hiện nay, những chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái là một gánh nặng lớn khiến các bậc cha mẹ phải cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định hành vi sinh đẻ của mình nhằm đảm bảo con cái được chăm lo tốt, được học hành đến nơi đến chốn và cuộc sống gia đình bớt vất vả hơn. Vì vậy, quy mô gia đình nhỏ từ một đến hai con và không nhất thiết phải có con trai đã được đa số người dân trong nghiên cứu đồng tình và đang trở thành chuẩn mực chung.

Rào cản đối với phụ nữ trong tham gia lãnh đạo, quản lý - từ góc nhìn của các yếu tố văn hóa

Tác giả: Phạm Thu Hiền

Trang: 28-39

Sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là thước đo quan trọng mức độ bình đẳng giới của quốc gia. ở Việt Nam, khoảng cách giới trong lĩnh vực tham chính có xu hướng lớn hơn, trước thực tế tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội giảm liên tục trong 3 nhiệm kỳ gần đây, cũng như sự tụt hạng của Việt Nam về mức độ tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trên góc độ toàn cầu. Dựa trên các nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam, bài viết phân tích các yếu tố văn hóa như quan niệm truyền thống, chuẩn mực giới và định kiến giới về tính cách, vai trò và năng lực của phụ nữ và nam giới ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Phụ nữ đi lao động nước ngoài và những tác động đến việc chăm sóc và giáo dục con cái trong gia đình (Nghiên cứu trường hợp tại Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình)

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 40-50

Dựa trên số liệu khảo sát 171 hộ gia đình có lao động nữ đang hoặc đã từng lao động ở nước ngoài (LĐNN)/(lao động xuất khẩu) do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện ở xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào tháng 3/2010, bài viết dưới đây tập trung tìm hiểu một số tác động tích cực cũng như tiêu cực của việc phụ nữ đi LĐNN đến việc chăm sóc và giáo dục con cái trong gia đình. Lao động nữ làm việc ở nước ngoài đóng góp khá lớn cho kinh tế hộ gia đình thông qua tiền gửi. Mức sống và đầu tư cho giáo dục của các hộ gia đình được cải thiện nhiều hơn trước. Việc người mẹ đi LĐNN cũng góp phần làm cho không ít trẻ em trong gia đình phát huy hơn tinh thần trách nhiệm, ý thức chia sẻ công việc nhà và tính tự lập, tự giác trong gia đình. Bên cạnh đó, việc người phụ nữ đi LĐNN đã để lại không ít những khó khăn cho người chồng ở lại trong việc chăm sóc, giáo dục con cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Một bộ phận con cái có lực học giảm sút, nghịch ngợm, khó bảo hơn.

Mô hình ứng xử của cha mẹ đối với con cái vị thành niên

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 51-63

ứng xử của cha mẹ đối với con cái đóng vai trò quan trọng trong phát triển nhận thức, năng lực xã hội và hình thành nhân cách của con cái. Cách thức ứng xử của cha mẹ còn thúc đẩy mối quan hệ cha mẹ - con cái đi theo chiều hướng tích cực hay xung đột trong quá trình cha mẹ thực hiện các chức năng giáo dục, chăm sóc và dạy dỗ con cái, bảo vệ con cái, và trong quá trình con cái tiếp nhận và học hỏi các kiến thức và kỹ năng sống từ cha mẹ. ứng xử của cha mẹ với con cái ở độ tuổi vị thành niên (VTN) càng trở nên nhạy cảm hơn trước sự thay đổi phức tạp về tâm sinh lý của trẻ. Cách thức ứng xử hay mô hình ứng xử của cha mẹ đối với con cái chịu tác động bởi các giá trị, chuẩn mực xã hội, môi trường sống, hoàn cảnh gia đình và các yếu tố cá nhân của cha mẹ và con cái. Bài viết phân tích một số mô hình ứng xử của cha mẹ đối với con cái VTN từ góc nhìn của các nhà nghiên cứu quốc tế và xem xét nó với cách thức ứng xử của cha mẹ với con cái VTN trong các gia đình Việt Nam hiện nay.

Các yếu tố tác động tới hành vi tụ tập gây rối của thanh thiếu niên Việt Nam (phân tích số liệu Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và năm 2009)

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 64-75

Sử dụng số liệu hai cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và năm 2009 (SAVY 1 và SAVY 2), bài viết nhận diện hành vi tụ tập gây rối của thanh thiếu niên độ tuổi 14-25 ở hai thời kỳ điều tra và những yếu tố tác động đến khả năng xuất hiện hành vi này. Kết quả cho thấy hành vi tụ tập gây rối diễn ra phổ biến hơn ở nhóm nam giới, nhóm tuổi 14-17, thanh thiếu niên sinh sống ở khu vực thành thị. Đáng lưu ý, tỉ lệ thanh thiếu niên có hành vi này đang gia tăng, đặc biệt là gia tăng nhanh ở nữ giới. Việc đi học và sự gắn kết mạnh của gia đình là những yếu tố làm giảm khả năng tụ tập gây rối của thanh thiếu niên. Trong khi đó, sức ép của nhóm bạn về việc tụ tập gây rối, việc sử dụng rượu bia, việc dành thời gian rỗi chơi trò chơi điện tử làm tăng khả năng xuất hiện hành vi này. Kết quả nghiên cứu này gợi ra rằng việc tăng cường vai trò giáo dục, kiểm soát của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên là cần thiết cho việc giảm thiểu hành vi tụ tập gây rối của thanh thiếu niên.

Henryk Domanski và Dariusz Przybysz Tình bạn và các khuôn mẫu phân tầng xã hội: 1988-2008

Tác giả: Henryk Domanski và Dariusz Przybysz;

Trang: 76-92

Phân tầng xã hội là trật tự các nhóm được hình thành từ các quan hệ xã hội thông qua sự tương tác thường xuyên. Phần lớn các tương tác xã hội được thiết lập trên cơ sở sự lựa chọn tình bạn và hôn nhân. Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu của cuộc khảo sát POLPAN năm 1988, 2003 và 2008 để tìm hiểu xu hướng thay đổi khuôn mẫu tình bạn ở Ba Lan và điều đó ảnh hưởng tới mức độ cởi mở xã hội trong việc lựa chọn tình bạn và hôn nhân như thế nào. Để đánh giá xu hướng này, các tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích tuyến tính nhằm xác định: (i) mức độ liên hệ giữa học vấn và nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu và người bạn gần gũi nhất với họ, (ii) các rào cản đối với tình bạn, và (iii) những thay đổi về tính tương đồng giữa những người bạn gần gũi nhất có cùng trình độ học vấn và nghề nghiệp. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung chính của nghiên cứu này.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 6/2013

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 6/2013 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh 3 Nguyễn Hữu Minh Gia đình Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra hiện nay 6 Trần Thị Thanh Loan Sự biến đổi quan niệm về số con trong gia đình hiện nay (Nghiên cứu trường hợp tại Hưng Yên) 18 Phạm Thu Hiền Rào cản đối với phụ nữ trong tham gia lãnh đạo, quản lý - từ góc nhìn của các yếu tố văn hóa 28 Đặng Thanh Nhàn Phụ nữ đi lao động nước ngoài và những tác động đến việc chăm sóc và giáo dục con cái trong gia đình (Nghiên cứu trường hợp tại Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình) 40 Đặng Bích Thủy Mô hình ứng xử của cha mẹ đối với con cái vị thành niên 51 Trần Thị Hồng Các yếu tố tác động tới hành vi tụ tập gây rối của thanh thiếu niên Việt Nam (phân tích số liệu Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và năm 2009) 64 Henryk Domanski và Dariusz Przybysz Tình bạn và các khuôn mẫu phân tầng xã hội: 1988-2008 76 Đào Hồng Lê Hội thảo khoa học quốc tế: Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh 93 Hương Trầm Hội thảo “Phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái” 95