Liên kết web
Số lượt truy cập

19

1932803

Chi tiết tạp chíSố 6 - 2012

Cách thức tổ chức hoạt động kinh tế trong gia đình có vợ hoặc chồng di cư ở Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam

Tác giả: Lê Việt Nga

Trang: 5-15

Sử dụng số liệu khảo sát của đề tài cấp Bộ “Xây dựng gia đình ở người di cư lao động tự do giai đoạn 2011-2020” do Viện Gia đình và Giới thực hiện năm 2011, bài viết phân tích cách thức tổ chức hoạt động kinh tế trong các gia đình trước và trong khi người vợ hoặc người chồng di cư, đồng thời nêu bật những khó khăn và cách thức vượt qua khó khăn của các hộ gia đình đó. Thông tin từ 300 hộ gia đình có vợ hoặc chồng di cư tại xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tháng 12 năm 2011 cho thấy sự khác biệt đáng kể trong cách thức tổ chức đời sống kinh tế của từng loại hình gia đình. Trong gia đình có vợ di cư, mặc dù tỷ lệ người chồng thực hiện chính các công việc có gia tăng nhưng sự tham gia của vợ chỉ giảm ở mức vừa phải trong các công việc như cấy, gặt, sơ chế nông sản. Ngược lại, trong gia đình có chồng di cư, người phụ nữ ở nhà gánh vác chính các công việc và hiếm khi nhận được sự chia sẻ trong bất kỳ hạng mục công việc nào từ phía người chồng đã di cư. Để giảm bớt gánh nặng công việc, người vợ hay người chồng ở nhà cũng lựa chọn giải pháp thuê thêm người hay nhờ cậy đến họ hàng, người thân. Tuy vậy, khác với nam giới, người phụ nữ ở nhà thường không lựa chọn phương án cho thuê hoặc bán bớt ruộng vườn.

Tổng quan về cuộc sống gia đình của người di cư lao động tự do

Tác giả: Phan Thị Thanh Mai

Trang: 16-25

Bài viết tổng quan và phân tích các nghiên cứu về cuộc sống gia đình của người di cư lao động tự do. Kết quả cho thấy tuy nghiên cứu về chủ đề này chưa nhiều nhưng đã phác họa được một bức tranh chung về những biến đổi trong cuộc sống gia đình của người di cư lao động tự do. Đó là sự biến đổi về kinh tế và về vai trò giới. Kinh tế gia đình cải thiện và mức sống gia đình được nâng cao nhờ khoản tiền gửi về từ người laođộng di cư. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng dần thay đổi theo hướng tích cực khi ngày càng nhiều phụ nữ di cư lao động. Các khía cạnh chưa được đề cập đến là sự thay đổi về tâm sinh lý và tình cảm của vợ chồng khi xa cách, sự tái hòa nhập của người di cư sau quãng thời gian xa cách và ảnh hưởng của di cư đối với người cao tuổi.

Một số yếu tố tác động đến khả năng nhận biết của người cao tuổi ở Khánh Mậu, Yên Khánh, Ninh Bình

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 26-37

Dựa trên dữ liệu của nghiên cứu “Khảo sát về Sức khỏe và Phúc lợi của người cao tuổi ở Việt Nam” được thực hiện tại xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình năm 2010, bài viết xem xét các yếu tố tác động đến khả năng nhận biết của người cao tuổi qua phương pháp phân tích hai biến và hồi quy logistic. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng nhận biết của người cao tuổi chịu sự tác động của các yếu tố như mức sống, độ tuổi, sức khỏe thể chất và hoạt động thường ngày. Những người cao tuổi ở nhóm tuổi 60-69, những người có mức sống khá và những người tích cực tham dự các buổi họp thôn, xóm có khả năng nhận biết tốt hơn so với những người cao tuổi trong nhóm đối chứng.

Nhận thức về nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (Qua kết quả nghiên cứu định tính ở Hưng Yên)

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 38-47

Dựa trên tư liệu nghiên cứu định tính của đề tài “Giá trị con cái trong gia đình Việt Nam – Những vấn đề đặt ra” do Viện Gia đình và Giới tiến hành khảo sát tháng 03/2012 tại 1 phường (Lê Lợi) và 1 xã (Bảo Khê) của tỉnh Hưng Yên, bài viết muốn tìm hiểu nhận thức của người dân địa phương về nguyên nhân và hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra hiện nay. Sự kết hợp của ba yếu tố: việc hạn chế sinh đẻ cộng với mong muốn có con trai và việc dễ dàng tiếp cận phương tiện chuẩn đoán thai nhi sớm được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bé trai được sinh ra nhiều hơn so với bé gái. Người dân nhận thức rất rõ việc dư thừa nam giới làm gia tăng thêm nhiều vấn đề xã hội và không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà còn gây tổn hại cho người phụ nữ cả về kinh tế lẫn sức khỏe.

Một số cách tiếp cận nghiên cứu xâm hại tình dục trẻ em qua các nghiên cứu nước ngoài

Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung

Trang: 48-58

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề được quan tâm đặc biệt bởi các chính phủ và cộng đồng quốc tế. Hậu quả của việc xâm hại tình dục luôn để lại cho trẻ em những tổn thương lâu dài về thân thể và về mặt tâm lý, tình cảm. Bài viết dưới đây trình bày một số cách tiếp cận trong nghiên cứu xâm hại tình dục trẻ em ở một số quốc gia trên thế giới. Kết quả của nghiên cứu sẽ đóng góp vào việc xem xét vấn đề xâm hại tình dục trẻ em và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề trẻ em ở Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học xã hội về HIV/AIDS trong hợp tác STAR: Một số kết quả bước đầu

Tác giả: Lê Minh Giang, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Thùy Anh, Amy Dao

Trang: 59-63

Tiếp cận điền dã dân tộc học trong nghiên cứu HIV/AIDS: Chia sẻ của nghiên cứu viên trẻ tham dự án STAR

Tác giả: Vũ Đức Việt, Lê Minh Giang

Trang: 64-76

Phương pháp nhân học được sử dụng có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới trong nghiên cứu về những hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV như tình dục không an toàn và sử dụng ma túy. Bài viết này tìm hiểu, phân tích một số khái niệm liên quan đến các tiếp cận điền dã dân tộc học trong nghiên cứu về sức khỏe nói chung và HIV/AIDS nói riêng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các phương pháp này không chỉ góp phần bổ sung những hiểu biết, những kiến thức khoa học về HIV, mà nó còn giúp cho việc xây dựng những kế hoạch can thiệp có hiệu quả cao và phù hợp về mặt văn hóa. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng tiếp cận điền dã dân tộc học trong nghiên cứu HIV tại Việt Nam. Chia sẻ của những nghiên cứu viên tham gia dự án “Tiếp cận khoa học xã hội trong nghiên cứu HIV/AIDS” góp phần làm rõ hơn về thực tế triển khai phương pháp tiếp cận này trong nghiên cứu về những chủ đề nhậy cảm và ở những nhóm dễ tổn thương. Từ những phân tích, các tác giả khuyến nghị áp dụng sâu rộng hơn nữa những phương pháp điền dã dân tộc học trong nghiên cứu và can thiệp liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là trong phòng chống HIV/AIDS ở ViệtNam.

Chuẩn mực xã hội về gia đình truyền thống và rào cản với tình yêu và hôn nhân của người khuyết tật

Tác giả: Nguyễn Thị Vịnh, Hoàng Tú Anh

Trang: 77-87

Dựa trên số liệu của nghiên cứu “Quyền sinh sản và tình dục của thanh niên khuyết tật Việt Nam” do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) thực hiện tại Hà Nội và Thái Bình năm 2010-2011, bài viết phân tích các rào cản với tình yêu và hôn nhân của Người khuyết tật từ các chuẩn mực xã hội về gia đình truyền thống. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng người khuyết tật gặp rất nhiều sự phản đối từ phía gia đình trong tình yêu và hôn nhân mà nguyên nhân chính xuất phát từ các chuẩn mực xã hội về một gia đình truyền thống, về vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ và người nam giới trong gia đình, đặc biệt là nghĩa vụ phải tạo ra một gia đình “khoẻ mạnh” cho dòng tộc. Quan niệm xã hội hiện tại cho rằng ảnh hưởng của khuyết tật làm người khuyết tật khó có thể hoàn thành được những vai trò và trách nhiệm truyền thống đó, và do vậy họ không thể yêu và tiến tới hôn nhân. Đặc biệt, các quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ trong chăm sóc gia đình và sinh sản đã khiến người phụ nữ người khuyết tật bị ảnh hưởng nhiều hơn so với nam giới người khuyết tật trong việc có được tình yêu và hôn nhân như mong muốn.

Vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay: Nam giới và những chiến lư¬ợc khẳng định nam tính

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải, Nguyễn Hữu Minh, An Thanh Ly

Trang: 88-98

Dựa vào số liệu của nghiên cứu định tính về nam tính của nam giới nông thôn Việt Nam được thực hiện tại Thanh Hóa từ tháng 4 năm 2009 đến tháng 5 năm 2010, bài viết tìm hiểu những chiến lược của nam giới nhằm khẳng định nam tính trước sự suy giảm vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình. Theo đó, nam giới đã có những chiến lược nhất định để khẳng định nam tính của mình, đó là: gồng mình lên kiếm tiền nhằm đảm bảo vai trò trụ cột kinh tế; chấp nhận thực tế, sẵn sàng làm việc nhà và bù đắp cho nam tính thiếu hụt bằng việc mở rộng quan hệ xã hội để tạo uy tín xã hội.

Nên sinh con hay không? Lựa chọn nào dành cho ng¬ười có HIV tại Việt Nam

Tác giả: Vũ Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Phương Thảo

Trang: 99-110

Các nghiên cứu ở Việt nam và trên thế giới cho thấy người sống chung với HIV (NCH) thực sự có nhu cầu sinh con. Tuy nhiên nhu cầu này còn bị hạn chế bởi các rào cản liên quan đến kỳ thị, sức khỏe và các dịch vụ sức khỏe sinh sản phù hợp. Cho dù chương trình điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) được xem như một cơ hội làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho NCH nhưng những áp lực về việc sinh con trong bối cảnh diễn ngôn chất lượng dân số ở Việt Nam ngày càng được đề cao cũng chính là những rào cản khiến cho mong muốn sinh con của NCH gặp nhiều trở ngại. Bài viết này dựa trên nghiên cứu định tính bao gồm phỏng vấn sâu, quan sát tại cơ sở điều trị ARV và phân tích tài liệu thứ cấp, với mục tiêu chính là tìm hiểu về sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người có HIV trong diễn ngôn chất lượng dân số và các chiến lược của người có HIV để đối phó với sự kỳ thị đó. Bên cạnh những sự thiếu hụt trong chính sách hỗ trợ sinh sản cho NCH thì việc sinh con trong thời đại mà “chất lượng dân số” luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi gia đình cũng khiến cho NCH hoặc gặp phải sự không ủng hộ từ cán bộ y tế hoặc phải chịu áp lực từ chính bản thân họ trước những lo sợ cho ra đời những đứa trẻ chưa thật sự hoàn hảo.

Văn hóa nhóm và sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine trong nhóm nam tình dục đồng giới tại Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Trang Nhung, Trần Thị Điệp, Hồ Thị Hiền, Bùi Thị Minh Hảo, Trần Thị Hòa

Trang: 111-118

Việc sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) đang trở thành một vấn đề xã hội và y tế công cộng. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra sự gia tăng của xu hướng sử dụng ATS trong khu vực, đặc biệt ở các thành phố lớn và tiếp theo đó là các hậu quả của ATS đối với cá nhân và xã hội. Nam tình dục đồng giới (MSM) là một trong những đối tượng có nguy cơ cao với sử dụng ATS. Dựa trên việc phân tích số liệu định tính thu được qua các cuộc phỏng vấn sâu 40 MSM đã và đang sử dụng ATS ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ một nghiên cứu lớn do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC) tài trợ, bài viết nhằm mô tả văn hóa nhóm trong việc sử dụng và duy trì sử dụng của ATS. Kết quả phân tích cho thấy nhóm có một vai trò quan trọng trong việc bắt đầu và duy trì sử dụng ATS. Bạn bè trong nhóm là người giới thiệu MSM bắt đầu dùng ATS; nhóm giúp họ duy trì “cuộc sống có ATS” như hùn tiền mua thuốc, đi mua thuốc cho các thành viên nhóm và quan hệ tình dục tập thể trong nhóm. Các can thiệp nhằm giảm tác hại liên quan đến sử dụng ATS cần phù hợp với văn hóa nhóm MSM và chú ý tới yếu tố tác động của nhóm.

Nam bán dâm đồng giới: Kỳ thị và ứng phó với kỳ thị

Tác giả: Mai Thanh Tú, Lê Minh Giang, Trịnh Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Hữu Anh

Trang: 119-131

Các nghiên cứu trước đây về nam bán dâm chủ yếu tập trung vào khía cạnh HIV/AIDS, trong đó nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (Men who have sex with men - MSM) được nhìn nhận như nguyên nhân đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, lan truyền HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bài viết này chỉ ra rằng sự kỳ thị mà những người nam bán dâm đồng giới gặp phải không chỉ liên quan đến hành vi mại dâm của họ, mà còn liên quan đến việc có nguy cơ “gắn mác đồng tính”. Nam bán dâm đồng giới đều có cách thức ứng phó riêng với những kỳ thị đó để bảo vệ được sự nam tính của mình, trong khi vẫn duy trì công việc bán dâm như một nguồn sống thường xuyên.

Trải nghiệm cai nghiện bằng Methadone: Lợi ích, thách thức và ước vọng

Tác giả: Nguyễn Lê Hoài Anh, Trịnh Minh Phương, Lê Mai Phương, Nguyễn Tiến Dũng, Lùng Bích Ngọc

Trang: 132-140

Dựa trên dữ liệu điền dã dân tộc học về giảm hại - Methadone do trường Đại học Y và Trung tâm nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) thực hiện tại 2 quận Lê Chân và Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng năm 2009, bài viết tìm hiểu những trải nghiệm của những người cai nghiện trong quá trình tham gia vào Chương trình điều trị Methadone được triển khai tại Việt Nam năm 2008. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù còn tồn tại một số hạn chế trong quá trình điều trị, nhưng những người cai nghiện bằng Methadone đã thể hiện sự hài lòng về tình trạng sức khỏe tốt hơn, họ cũng giành lại được niềm tin của gia đình, bạn bè, cộng đồng và có nhiều hy vọng vào việc từ bỏ được ma túy. Nghiên cứu này cho rằng để Chương trình Methadone đạt hiệu quả, cần coi trọng quyền tự quyết của người điều trị Methadone và giải quyết được những khó khăn, thách thức nảy sinh trong quá trình cai nghiện bằng Methadone.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 6/2012

Tác giả:

Trang: 1-140

Mục lục số 6 năm 2012 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Lê Việt Nga Cách thức tổ chức hoạt động kinh tế trong gia đình có vợ hoặc chồng di cư ở Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam 5 Phan Thị Thanh Mai Tổng quan về cuộc sống gia đình của người di cư lao động tự do 16 Lỗ Việt Phương Một số yếu tố tác động đến khả năng nhận biết của người cao tuổi ở Khánh Mậu, Yên Khánh, Ninh Bình 26 Trần Thị Thanh Loan Nhận thức về nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (Qua kết quả nghiên cứu định tính ở Hưng Yên) 38 Trần Thị Cẩm Nhung Một số cách tiếp cận nghiên cứu xâm hại tình dục trẻ em qua các nghiên cứu nước ngoài 48 Lê Minh Giang, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Thùy Anh, Amy Dao Nghiên cứu khoa học xã hội về HIV/AIDS trong hợp tác STAR: Một số kết quả bước đầu 59 Vũ Đức Việt, Lê Minh Giang Tiếp cận điền dã dân tộc học trong nghiên cứu HIV/AIDS: Chia sẻ của nghiên cứu viên trẻ tham dự án STAR 64 Nguyễn Thị Vịnh, Hoàng Tú Anh Chuẩn mực xã hội về gia đình truyền thống và rào cản với tình yêu và hôn nhân của người khuyết tật 77 Lê Thị Hồng Hải, Nguyễn Hữu Minh, An Thanh Ly Vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay: Nam giới và những chiến lư¬ợc khẳng định nam tính 88 Vũ Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Phương Thảo Nên sinh con hay không? Lựa chọn nào dành cho ng¬ười có HIV tại Việt Nam 99 Nguyễn Thị Trang Nhung, Trần Thị Điệp, Hồ Thị Hiền, Bùi Thị Minh Hảo, Trần Thị Hòa Văn hóa nhóm và sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine trong nhóm nam tình dục đồng giới tại Việt Nam 111