Liên kết web
Số lượt truy cập

20

1932630

Chi tiết tạp chíSố 5 - 2012

Tình yêu trong hôn nhân (Qua cuộc khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Tác giả: Bùi Thị Hương Trầm

Trang: 3-14

Dựa trên số liệu khảo sát của đề tài cấp Bộ “Mối quan hệ vợ chồng trong gia đình Việt Nam hiện nay và căn cứ để củng cố mối quan hệ này trong giai đoạn 2011-2020” được thực hiện tháng 4 năm 2011, bài viết phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự tăng giảm tình yêu của các cặp vợ chồng sau 5 năm đầu chung sống. Kết quả phân tích cho thấy tình yêu vợ chồng tăng lên hay giảm đi không tuỳ thuộc nhiều vào yếu tố kinh tế mà là vào những yếu tố tình cảm như sự hoà hợp tính tình, sự chung thuỷ, sự quan tâm, sự hấp dẫn về mặt giới tính. Theo tác giả, có một sự khác biệt tương đối trong nhận định về nguyên nhân khiến tình yêu thay đổi giữa nhóm nam và nhóm nữ và yếu tố cơ bản tạo sự khác biệt này chính là định kiến giới trong quan niệm về nam tính và nữ tính.

Đời sống tình dục vợ chồng (Qua cuộc khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Tác giả: Nguyễn Phương Thảo

Trang: 15-26

Dựa vào kết quả của Đề tài Nghiên cứu mối quan hệ vợ chồng do Viện Gia đình và Giới thực hiện vào tháng 11 năm 2011 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, bài viết tìm hiểu một số khía cạnh trong đời sống tình dục vợ chồng hiện nay: sự chủ động, quyền quyết định và từ chối quan hệ tình dục (QHTD) của vợ/chồng; sự hài lòng về ứng xử của vợ/chồng trong đời sống tình dục và vấn đề xung đột và ép buộc trong đời sống tình dục. Kết quả cho thấy nam giới vẫn tỏ ra có vai trò chủ động hơn phụ nữ trong đời sống tình dục vợ chồng, tuy nhiên vai trò chủ động của nam giới so với phụ nữ dường như chỉ thể hiện chủ yếu ở việc gợi ý và khởi xướng QHTD. Phụ nữ có vai trò và vị trí tương đối bình đẳng với nam giới trong hoạt động tình dục, thể hiện rất rõ qua tỷ lệ chênh lệch không đáng kể giữa nam giới và phụ nữ về quyền quyết định có hay không QHTD. Ngoài ra, bài viết cũng chỉ ra những điểm tích cực trong hành vi tình dục của nam giới: chấp nhận bị từ chối tình dục một cách có “hiểu biết”, không cố tình ép buộc người phụ nữ QHTD và hiểu rằng tình dục chỉ có thể được thoả mãn khi cả hai vợ chồng cùng mong muốn và đáp ứng lẫn nhau.

Vấn đề thích ứng với văn hóa Hàn Quốc của những người di trú kết hôn với người Hàn Quốc

Tác giả: Lee Kyesun

Trang: 27-41

ở Hàn Quốc, phụ nữ di trú chủ yếu thông qua việc đi lao động và hôn nhân. Những người đàn ông Hàn Quốc lấy vợ người nước ngoài đa phần là người đứng ngoài “thị trường hôn nhân”, họ không có khả năng lấy được vợ người Hàn Quốc nên phải kết hôn với những phụ nữ ở các nước khó khăn hơn về điều kiện kinh tế. Bài viết trình bày về thực trạng của gia đình đa văn hóa và những khó khăn mà người phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc gặp phải khi ở Hàn quốc. Những khó khăn này xuất phát chủ yếu là từ ngôn ngữ và văn hóa, mà nguyên nhân sâu xa chính là vấn đề văn hóa. Người Hàn Quốc vốn quen với những thuộc tính văn hóa và tư tưởng Khổng giáo, chẳng hạn như “chủ nghĩa bài trừ của văn hóa chỉ có chúng ta”, “ý thức về địa vị xã hội và chủ nghĩa quyền uy”, “sự phân biệt giàu nghèo và phân biệt chủng tộc”... Và vì vậy thế giới nhận thức của họ mang tính bài trừ, coi trọng bản thân và mang tinh thần một dân tộc duy nhất, nên họ dễ có thái độ định kiến với nền văn hóa khác và không mở lòng đối với những người di trú đến Hàn Quốc dù là người lao động nước ngoài hay đến thông qua việc hôn nhân.

Vai trò của mạng l¬ưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm trong hoạt động kinh tế ở nông thôn hiện nay

Tác giả: Mai Văn Hai, Ngô Thị Thanh Quý

Trang: 42-53

Bài viết dưới đây là kết quả của một nghiên cứu nhỏ được tiến hành trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2009 ở làng Duy Tắc, xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định dựa trên cơ sở lý thuyết về “mạng lưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm, nhằm tìm hiểu vai trò của mạng lưới này trong các hoạt động kinh tế ở nông thôn hiện nay. Nghiên cứu cho thấy, trong các hình thức liên kết làm kinh tế ở Duy Tắc, mạng lưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, trong đó quan hệ giữa các thành viên thuộc dòng họ nội của người làm trung tâm là nổi trội nhất, tiếp đến là dòng họ của bên vợ/bên chồng người làm trung tâm, rồi mới đến các quan hệ họ hàng khác. Tuy nhiên, tầm hoạt động vượt ra khỏi phạm vi làng xã của các tổ chức này đã gây ra không ít khó khăn cho cả nơi đi và nơi đến. Tác giả cho rằng sự liên kết kinh tế này dù còn mang tính tự phát song là một luận cứ khoa học quan trọng cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong chiến lược xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay.

Quyền quyết định đối với nhà, đất ở của vợ và chồng trong gia đình hiện nay (Qua cuộc khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải, Phạm Thanh Vân

Trang: 54-64

Sử dụng số liệu từ một cuộc điều tra tại thành phố Vĩnh Yên năm 2011 về quan hệ vợ chồng, với cách tiếp cận văn hoá và dựa trên khung phân tích phân bổ nguồn lực tương đối, bài viết tìm hiểu quyền quyết định của vợ và chồng đối với việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê … nhà, đất ở trong gia đình hiện nay cùng các yếu tố tác động. Kết quả cho thấy, về cơ bản, người chồng vẫn được cho là người nắm quyền quyết định đối với nhà, đất ở trong phần lớn các gia đình. Cán cân quyền lực giữa vợ và chồng chịu ảnh hưởng của các yếu tố tuổi, nghề, học vấn và đặc biệt là các yếu tố liên quan tới việc đóng góp kinh tế cho gia đình, nguồn tiền hay nguồn gốc tài sản. Nói cách khác, ưu thế trong việc nắm giữ các nguồn lực kinh tế, xã hội ảnh hưởng tích cực tới việc có được quyền quyết định trong gia đình, tuy nhiên, không hoàn toàn tuyệt đối mà nó vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi các giá trị văn hoá truyền thống.

Hành vi tự tử của thanh thiếu niên Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và các yếu tố tác động (Qua Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và 2009)

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 65-76

Bài viết sử dụng số liệu hai cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và năm 2009 (SAVY1 và SAVY2) để phân tích thực trạng, xu hướng và các yếu tố tác động đến hành vi tự tử của thanh thiếu niên Việt Nam. Nghiên cứu này cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên 14-25 tuổi có hành vi tự tử chiếm khoảng 1%, xu hướng này ngày càng gia tăng trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2009, và diễn ra phổ biến hơn ở nhóm nữ thanh thiếu niên, và ở nhóm tuổi 14-17. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy gia đình có vai trò quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh trong cuộc sống của thanh thiếu niên. Gia đình ly hôn hoặc gia đình thiếu sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái làm tăng khả năng tự tử của thanh thiếu niên. Đồng thời, thanh thiếu niên sống trong các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả có nhiều nguy cơ xuất hiện những vấn đề về tâm lý. Để giúp thanh thiêu niên có đời sống tinh thần phát triển lành mạnh, bên cạnh việc quan tâm đến kinh tế gia đình cũng cần có những nỗ lực để xây dựng một cuộc sống gia đình luôn tốt đẹp.

Cách ứng xử của trẻ vị thành niên đối với cha mẹ trong quá trình giao tiếp: phân tích từ một khảo sát thực địa

Tác giả: Trương Thị Thu Thủy, Trần Thị Thanh Loan

Trang: 77-87

Bài viết phân tích thực trạng cách ứng xử của trẻ vị thành niên đối với cha mẹ mình qua cuộc khảo sát nhỏ tại Bắc Ninh. Kết quả phân tích cho thấy hầu hết trẻ vị thành niên được phỏng vấn có một mô hình ứng xử chung là vâng lời bố mẹ, phương thức giao tiếp một chiều từ bố mẹ đến con cái vẫn là phổ biến. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, không chỉ bản thân trẻ vị thành niên, mà chính gia đình có trẻ vị thành niên cũng đang phải trải qua giai đoạn thách thức: thiếu hụt trong kiến thức, nhận thức của các bậc cha mẹ về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, khoảng cách thế hệ, quỹ thời gian ít ỏi dành cho con cái, nhu cầu bồi đắp kiến thức và kỹ năng sống của trẻ vị thành niên, nhu cầu thể hiện tư duy độc lập của trẻ vị thành niên,... Hiểu những suy nghĩ, mong muốn của trẻ có thể giúp làm giảm mâu thuẫn và xung đột về lối sống, suy nghĩ, hành vi, giá trị và về cả niềm tin giữa trẻ vị thành niên và các bậc cha mẹ.

Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam

Tác giả: Hà Thị Minh Khương

Trang: 88-94

ở nhiều nước trên thế giới, lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) là một nghề đã được công nhận và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nhưng tại một số nước, nghề này không được đề cập trong pháp luật lao động quốc gia hoặc có nhưng còn rất lỏng lẻo. Tại Việt Nam, những qui định pháp luật liên quan công việc nghề LĐGVGĐ còn hạn chế, trong khi nhu cầu đối với công việc này là rất lớn và đang nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến điều kiện sống và làm việc của người LĐGVGĐ, mối quan hệ giữa họ và người chủ sử dụng lao động. Nhằm xác định thực trạng LĐGVGĐ và việc thực hiện pháp luật hiện hành về LĐGVGĐ ở Việt Nam, trên cơ sở đó các cơ quan hoạch định chính sách có bằng chứng đáng tin cậy để xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động giúp việc gia đình, tổ chức ILO và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Viện Gia đình và Giới (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) tiến hành nghiên cứu “Việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình” tại hai đô thị lớn của Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Viện Gia đình và Giới là cơ quan trực tiếp thực hiện tổ chức nghiên cứu và viết báo cáo. Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác chung giữa Chính phủ Việt Namvà Liên hợp quốc về Bình đẳng giới. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Báo cáo nghiên cứu này.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 5/2012

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 5 năm 2012 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Bùi Thị Hương Trầm Tình yêu trong hôn nhân (Qua cuộc khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) 3 Nguyễn Phương Thảo Đời sống tình dục vợ chồng (Qua cuộc khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) 15 Lee Kyesun Vấn đề thích ứng với văn hóa Hàn Quốc của những người di trú kết hôn với người Hàn Quốc 27 Mai Văn Hai, Ngô Thị Thanh Quý Vai trò của mạng l¬ưới họ hàng lấy cá nhân làm trung tâm trong hoạt động kinh tế ở nông thôn hiện nay 42 Lê Thị Hồng Hải, Phạm Thanh Vân Quyền quyết định đối với nhà, đất ở của vợ và chồng trong gia đình hiện nay (Qua cuộc khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) 54 Trần Thị Hồng Hành vi tự tử của thanh thiếu niên Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và các yếu tố tác động (Qua Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và 2009) 65 Trương Thị Thu Thủy, Trần Thị Thanh Loan Cách ứng xử của trẻ vị thành niên đối với cha mẹ trong quá trình giao tiếp: phân tích từ một khảo sát thực địa 77 Hà Thị Minh Khương Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam 88 T.M.H. Công bố báo cáo “Đặc điểm di biến động của người hoạt động mại dâm nhìn từ góc độ giới tại 3 thành phố Việt Nam” 95 M.K. Hội thảo tham vấn về những phát hiện chính Nghiên cứu về tác động kinh tế của bạo lực gia đình tại Việt Nam 96