Liên kết web
Số lượt truy cập

105

2073489

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2023

Nguy cơ “biến mất” của Nhật Bản sau khi trở thành nước có thu nhập rất cao: Nguyên nhân và hậu quả kinh tế, văn hóa, xã hội

Tác giả: Nguyễn Thiện Nhân

Trang: 3-25

Chỉ trong vòng 35 năm, 1960-1995, Nhật Bản từ một nước thu nhập trung bình đã trở thành một nước thu nhập rất cao. GDP/người của Nhật Bản năm 1995 là 44.200 USD, gấp 1,5 của Mỹ (28.700 USD). Tuy nhiên chính các nhà khoa học Nhật Bản và quốc tế từ khoảng 20 năm nay đã đề cập đến nguy cơ tự tiêu vong của Nhật Bản (dân số suy giảm từ hơn 120 triệu người còn 10 triệu người sau 200 năm và còn 1 triệu người sau 300 năm) do tổng tỉ suất sinh của Nhật Bản thấp dưới mức tỉ suất sinh thay thế đã hơn 50 năm và dự báo sẽ thấp trong 100 năm (1974-2070). Mặc dù liên tục từ 1990 đến nay chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con, để nâng tổng tỉ suất sinh về mức tỉ suất sinh thay thế, song không có kết quả. Nghiên cứu sau đây sử dụng một phương pháp tiếp cận, phương pháp phân tích mới, chưa từng được áp dụng trong các nghiên cứu đã công bố, để góp phần lý giải hiện tượng Nhật Bản: sau khi trở thành nước thu nhập rất cao lại đối diện với nguy cơ tự tiêu vong. Cốt lõi của phương pháp tiếp cận mới là làm rõ triệt để các nguyên nhân và hậu quả của việc tổng tỉ suất sinh thấp dưới tỉ suất sinh thay thế và phân tích đồng thời các quá trình xã hội và quá trình kinh tế liên quan. Kết quả mới này là cơ sở cho thiết kế hệ thống 8 nhóm giải pháp đồng bộ, khả thi để ngăn chặn nguy cơ tự tiêu vong.

Chế độ trợ cấp thai sản đa tầng hướng đến phổ cập bảo vệ thai sản ở Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Hải Đạt, Đào Thị Vi Phương

Trang: 26-40

Bảo vệ thai sản là một quyền quan trọng của lao động nữ. Việc nâng cao phúc lợi, sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em cũng như đảm bảo cơ hội và đối xử bình đẳng cho phụ nữ trong thế giới việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam có chế độ trợ cấp thai sản nằm trong số những chế độ hào phóng nhất trong khu vực xét về thời gian và tỷ lệ thay thế. Tuy nhiên, nhược điểm chính của hệ thống thai sản ở Việt Nam là độ bao phủ còn thấp. Trong bối cảnh khoảng trống bảo vệ thai sản còn lớn cũng như những thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra, Việt Nam đang cho thấy các cam kết cải thiện chính sách bảo vệ thai sản cho tất cả lao động nữ trong tiến trình chung mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội (ASXH). Câu hỏi nghiên cứu đặt ra là: chính sách nào có khả năng mở rộng nhanh và bền vững nhất diện bao phủ của chế độ thai sản ở Việt Nam? Bài viết này đánh giá thực trạng chế độ trợ cấp thai sản ở Việt Nam và những tác động tiêu cực của việc thiếu đảm bảo thu nhập trong giai đoạn thai kỳ đến phụ nữ Việt Nam. Bài viết sử dụng kết quả từ cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bài viết cũng đề xuất xây dựng một hệ thống trợ cấp thai sản đa tầng, dựa trên kết hợp giữa chính sách BHXH (trợ cấp dựa trên đóng góp, do quỹ BHXH chi trả) và chính sách trợ giúp xã hội (trợ cấp không đóng góp do ngân sách nhà nước chi trả). Đây có thể là giải pháp tiềm năng để mở rộng diện bao phủ trợ cấp thai sản ở Việt Nam.

Mạng lưới xã hội trong nuôi trồng thủy sản - Trường hợp người nuôi tôm tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

Tác giả: Ngô Thị Thanh Thúy, Nguyễn Đức Chiện

Trang: 41-51

Nghiên cứu mạng lưới xã hội (MLXH) là rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất của nông hộ nhưng còn tương đối mới mẻ, nhất là MLXH của người dân nuôi tôm ở Bến Tre. Bài viết dựa vào kết quả khảo sát với dung lượng mẫu 131 hộ nuôi tôm ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Phương pháp đánh giá MLXH thông qua hai chỉ báo là tầm quan trọng và tính gắn kết của các tác nhân trong mạng lưới của người nuôi tôm theo thang đánh giá Likert 5 mức. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện trạng MLXH của người nuôi tôm ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có ba nhóm chính: (i) Mạng lưới cộng đồng gồm gia đình, họ hàng và hàng xóm xung quanh; (ii) Mạng lưới thương mại gồm các đại lý bán vật tư, đại lý bán tôm giống và thương lái mua tôm; (iii) Mạng lưới chính quy tại địa phương như tổ hợp tác, hợp tác xã, và chính quyền địa phương. Kết quả đánh giá tầm quan trọng và mức độ gắn kết của các tác nhân trong MLXH của người nuôi tôm cho thấy các tác nhân quan trọng nhất là gia đình, họ hàng, hàng xóm; kế đó là các tác nhân cung cấp vật tư đầu vào, thương lái, cuối cùng là tổ chức chính quy địa phương. Trong đó, vai trò quan trọng nhất của mạng lưới cộng đồng là chia sẻ thông tin thị trường, gắn kết tình cảm, vai trò của mạng lưới thương mại là hỗ trợ vốn và kỹ thuật là chính. Vì thế, việc xây dựng và tận dụng MLXH của người nuôi tôm là rất cần thiết để lan tỏa các chương trình, chính sách nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững của nhà nước.

Chiều cạnh giới trong di cư lao động để ứng phó với thiên tai

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 52-65

Bài viết sử dụng nguồn số liệu nghiên cứu định lượng và định tính của đề tài “Ứng phó của phụ nữ miền Trung với biến đổi khí hậu” với 568 bảng hỏi hộ gia đình và 30 phỏng vấn sâu, 4 thảo luận nhóm được thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận vào các năm 2017-2019. Qua phương pháp phân tích tài liệu, tần suất, tương quan hai biến số, kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự khác biệt giới trong di cư lao động để ứng phó với thiên tai. Nữ giới có xu hướng lựa chọn các biện pháp ứng phó tại chỗ và di cư khoảng cách gần (nội tỉnh) để cải thiện nguồn thu nhập bị ảnh hưởng do thiên tai bằng cách dựa vào các nguồn lực tự nhiên như đất, nước, khí hậu và các nguồn vốn vật chất sẵn có của hộ gia đình. Nam giới có xu hướng tìm kiếm các công việc làm thuê tự do hoặc di cư (cả di cư lao động nội tỉnh/ngoại tỉnh) để bù đắp nguồn thu nhập bị sụt giảm do tác động tiêu cực của thiên tai. Các yếu tố như học vấn, độ tuổi, mạng lưới xã hội, tiếp cận thông tin và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn là những nguồn lực hỗ trợ để tối ưu hóa cơ hội tìm kiếm việc làm thêm và khả năng di chuyển để ứng phó với thiên tai.

Tăng cường năng lực phục hồi cho hộ gia đình nông thôn sau đại dịch COVID-19 (Nghiên cứu trường hợp tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

Tác giả: Huỳnh Thị Ánh Phương, Nguyễn Thị Hoài Phương, Bùi Quang Dũng, Nguyễn Thiều Tuấn Long

Trang: 66-76

Bài viết làm rõ các ảnh hưởng đến đời sống và các biện pháp đối phó của các nhóm hộ gia đình nông thôn trước tác động của đại dịch COVID-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh kế và thu nhập của hộ gia đình nông thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng; trong đó nhóm hộ làm thuê và nông-ngư nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Các nhóm hộ gia đình tự thực hiện các biện pháp đối phó gồm sử dụng tiền tiết kiệm, cắt giảm chi phí sinh hoạt và vay mượn bên ngoài. Qua đó, bài viết đưa ra một số giải pháp như trang bị kiến thức và kỹ năng cho người dân, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng kế hoạch hỗ trợ đáp ứng nhu cầu và đảm bảo lưới an sinh xã hội nhằm tăng cường năng lực cho các nhóm hộ để phục hồi tốt hơn sau đại dịch cũng như có thể tự đối phó trước các cú sốc khác trong tương lai.

Kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026: Nhìn từ góc độ giới

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 79-92

Dựa vào dữ liệu ứng cử và trúng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 và dữ liệu phỏng vấn sâu của đề tài “Một số vấn đề giới trong hoạt động bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026”, bài viết tìm hiểu thực trạng kết quả bầu cử và một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ trúng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nữ ứng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đã đạt theo chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa tỷ lệ trúng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 và chỉ tiêu đặt ra. Có sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ nam và tỷ lệ nữ trúng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. 4/63 tỉnh có tỷ lệ nữ trúng cử Hội đồng nhân dân dưới 20%. Và một số lý giải cho thực trạng tỷ lệ nữ trúng cử Hội đồng nhân dân được rút ra trong nghiên cứu, bao gồm sự chênh lệch về tỷ lệ giới tính trong ủy ban bầu cử, quan niệm của cử tri về đại biểu Hội đồng nhân dân, sự sắp xếp trong danh sách bầu cử Hội đồng nhân dân, tỷ lệ cử tri trực tiếp đi bầu cử và định kiến giới.

Bạo lực thể chất trong gia đình đối với trẻ em và các yếu tố ảnh hưởng (Nghiên cứu trường hợp hai trường tiểu học ở Hà Nội)

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải

Trang: 93-107

Dựa trên số liệu điều tra của một đề tài cấp cơ sở năm 2023, bài viết phân tích tình trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi bạo lực thể chất trong gia đình Hà Nội đối với trẻ em thuộc độ tuổi 7 đến 12 tuổi. Kết quả cho thấy trong khoảng thời gian 12 tháng trước cuộc khảo sát, hơn một nửa số trẻ em tham gia nghiên cứu phải chịu đựng ít nhất một hành vi bạo lực từ một hoặc từ hơn ba thành viên khác trong gia đình và ở các mức độ khác nhau. Các đặc điểm của trẻ em, người gây bạo lực và các yếu tố liên quan đến gia đình và môi trường sống đều có ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau tới vấn đề bạo lực thể chất đối với trẻ em trong gia đình.

Một số vấn đề nghiên cứu giới trên truyền thông

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 108-119

Bài viết giới thiệu một số khái niệm và phương pháp nghiên cứu giới trên truyền thông đã được áp dụng trên thế giới, và một số kết quả nghiên cứu về vấn đề khuôn mẫu giới, định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới trên truyền thông ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy truyền thông ở Việt Nam vẫn còn khuôn mẫu, định kiến và bạo lực giới. Khuôn mẫu giới trong truyền thông vẫn còn định hình phụ nữ vào các vai trò, loại việc làm và tính cách của phụ nữ truyền thống. Định kiến giới trong truyền thông vẫn áp đặt phụ nữ làm nội trợ, và không đề cao phụ nữ trong các loại công việc được cho là của nam giới. Bạo lực giới trong truyền thông phổ biến là hình thức ép phụ nữ phải phụ thuộc chồng, khai thác sắc đẹp của phụ nữ và lý giải nguyên nhân bạo lực có một phần do lỗi của người phụ nữ.