Liên kết web
Số lượt truy cập

13

1963501

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2022

Tổng mục lục 2022

Tác giả: Tạp chí

Trang: 123

File toàn văn đính kèm: Tải về

Xem file kèm

Cảm xúc tiêu cực của học sinh trung học phổ thông: Nghiên cứu trường hợp tại Nam Định

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 129-138

Sử dụng số liệu từ khảo sát 485 học sinh 2 trường trung học phổ thông tại Nam Định do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2022 với phương pháp phân tích hai biến và đa biến, bài viết phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới cảm xúc tiêu cực của học sinh trung học phổ thông. Các khía cạnh được phân tích gồm nhóm yếu tố đặc điểm cá nhân, nhóm yếu tố hiện đại hóa (từ các yếu tố đặc trưng của gia đình) và nhóm yếu tố tham gia các hoạt động cộng đồng của học sinh trung học phổ thông. Kết quả phân tích cho thấy học sinh nữ, học sinh ít tham gia hoạt động ngoại khóa và học sinh trong các gia đình có điều kiện sống cao hơn có nhiều cảm xúc tiêu cực hơn. Bài viết cũng đã gợi ra các yếu tố như lạm dụng internet, và môi trường học đường như bạo lực học đường, mối quan hệ với giáo viên cũng là những yếu tố cần được quan tâm và phân tích trong các nghiên cứu tiếp theo để có thể xác định được đa chiều các yếu tố tác động đến cảm xúc tiêu cực của học sinh trung học phổ thông.

Vấn đề nuôi con của người LGBT qua khảo sát ban đầu tại Hà Nội

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 118-128

Dựa trên kết quả khảo sát định tính bước đầu gia đình LGBT ở Hà Nội, bài viết phân tích việc nuôi con trong các gia đình người LGBT. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc nuôi con của người LGBT không có nhiều khác biệt so với việc nuôi con trong các gia đình người dị tính. Người đảm nhiệm việc chăm sóc trong gia đình LGBT kín thường là người mẹ cho dù họ là LGBT hoặc là người dị tính, trong gia đình là LGBT có sự bình đẳng hơn trong việc chăm sóc con. Việc nuôi con của gia đình LGBT cũng bị tác động từ cộng đồng, từ họ hàng và trường học; nhìn chung, những tác động này cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến việc chăm sóc con của gia đình LGBT, nhưng không nhiều và có thể tránh được.

Một số quan niệm về bạo hành học sinh ở trường mầm non hiện nay

Tác giả: Nguyễn Đức Chiện, Nguyễn Thị Huyền Giang, Nguyễn Thị Thu Hường

Trang: 109-117

Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp và kết quả khảo sát định tính, phỏng vấn sâu 20 trường hợp tại một số cơ sở giáo dục mầm non ở Từ Sơn, Bắc Ninh năm 2019, bài viết phân tích quan niệm về bạo hành học sinh ở nhà trường mầm non hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm phụ huynh học sinh, giáo viên chăm sóc học sinh, và cán bộ quản lý ngành giáo dục chưa xác định rõ hành vi bạo hành học sinh tại cơ sở giáo dục mầm non, do đó có không ít biện pháp kỷ luật tiêu cực vẫn được giáo viên áp dụng và nhận được sự đồng tình của phụ huynh học sinh. Đây được xem là thách thức trong giảm thiểu vấn nạn bạo hành học sinh ở nhà trường nói chung và bạo hành học sinh tại các cơ sở mầm non nói riêng.

Cảm giác cô đơn ở người trẻ tuổi - Hệ quả của sự phụ thuộc Internet

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh

Trang: 97-108

Bằng việc sử dụng dữ liệu phân tích từ bảng hỏi tự khai báo trực tuyến đối với 1.368 người trẻ tuổi, bài viết cho thấy, mức độ phụ thuộc Internet và mức độ cô đơn của mẫu khảo sát ở mức trung bình. Cùng với đó, nghiên cứu cũng báo cáo rằng, cảm giác cô đơn ở người trẻ tuổi là hệ quả của sự phụ thuộc Internet. Đặc biệt, mối quan hệ ảnh hưởng này ở nhóm nữ mạnh hơn nhóm nam và ở nhóm người thành thị mạnh hơn nhóm người ở nông thôn. Nghiên cứu cũng cung cấp cơ sở khoa học cho việc làm giảm mức độ cô đơn ở người trẻ tuổi trên cơ sở điều chỉnh và giảm mức độ phụ thuộc Internet.

Quan niệm về sự chuẩn bị cho tuổi già của người dân đô thị hiện nay (Nghiên cứu tại Hà Nội)

Tác giả: Nguyễn Hà Đông

Trang: 85-96

Việc chuẩn bị cho tuổi già sẽ giúp cá nhân đảm bảo chất lượng cuộc sống khi về già, đồng thời làm giảm gánh nặng cho hệ thống phúc lợi của nhà nước. Tuy nhiên, chủ đề này còn chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam. Sử dụng dữ liệu định tính của đề tài “Sự chuẩn bị cho tuổi già của người dân đô thị” (Nghiên cứu tại Hà Nội) thực hiện tại Hà Nội năm 2022, bài viết tìm hiểu về quan niệm sự chuẩn bị cho tuổi già của người dân đô thị hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số người tham gia phỏng vấn đều khẳng định tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho tuổi già. Ba yếu tố quan trọng cần chuẩn bị cho tuổi già gồm kinh tế, sức khỏe và tâm lý trong đó kinh tế vẫn được xem là yếu tố hàng đầu và then chốt của sự chuẩn bị cho tuổi già. Người dân đã có sự hiểu biết nhất định về các hình thức chuẩn bị về tài chính, sức khỏe và tâm lý nhưng có sự khác biệt theo khu vực làm việc và giới tính.

Bạo lực tinh thần giữa các nữ học sinh ở một trường trung học phổ thông ở Hà Nội

Tác giả: Trương Thị Thu Thủy

Trang: 71-84

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích tài liệu sẵn có và phỏng vấn bảng hỏi bán cấu trúc với 228 học sinh nữ ở một trường trung học phổ thông ở ngoại thành Hà Nội, nhằm tìm hiểu thực trạng bạo lực tinh thần giữa các học sinh nữ cũng như cách thức các em ứng phó với bạo lực từ bạn học nữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng một nửa học sinh nữ bị bạo lực tinh thần từ phía các bạn học, và các hành vi bạo lực tinh thần này thường đến từ một nhóm các học sinh nữ khác, ít khi là một cá nhân đơn lẻ. Bên cạnh đó, có gần một phần tư học sinh nữ gây bạo lực tinh thần cho bạn học với hành vi thường thấy là cô lập xã hội nạn nhân. Nghiên cứu cũng chỉ ra xu hướng phản ứng ôn hòa với bạo lực tinh thần của học sinh và ghi nhận vai trò của giáo viên trong vấn đề này.

Một số vấn đề về định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông hiện nay (Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội)

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 58-70

Nội dung bài viết rút ra từ kết quả nghiên cứu của đề tài "Định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông hiện nay (nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội)" cho thấy học sinh ngày nay khá tích cực và chủ động trong lựa chọn nghề nghiệp. Học sinh nam thường lựa chọn nhóm nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và nhóm nghề thuộc lĩnh vực khoa học và kỹ thuật nhiều hơn, còn học sinh nữ lại chọn nhóm nghề thuộc lĩnh vực luật pháp, văn hóa, xã hội và văn phòng nhiều hơn. Trong lý do lựa chọn nghề nghiệp của học sinh cũng có điểm mới, yếu tố phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân được đề cao hơn so với thu nhập và sự ổn định của công việc. Điều này gợi ra rằng học sinh ngày nay khá mạnh dạn trong các quyết định lựa chọn nghề nghiệp và cũng đặt ra bài toán cần lời giải mới cho các bậc cha mẹ trong việc đồng hành với các quyết định lựa chọn nghề nghiệp của con.

Tác động của đại dịch Covid-19 tới mối quan hệ vợ chồng trong gia đình (Nghiên cứu tại một phường và một xã ở Hà Nội)

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải

Trang: 45-57

Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, những chính sách ngăn chặn dịch bệnh như thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế giao thương giữa các địa phương, học online, khai báo y tế, tiêm phòng vắcxin... đã có tác động lớn tới đời sống của mỗi gia đình nói chung và đến từng mối quan hệ gia đình nói riêng. Dựa trên số liệu điều tra tại một phường và một xã ở Hà Nội, thuộc Đề tài cấp Cơ sở 2022 “Tác động của Covid-19 đến một số lĩnh vực đời sống gia đình Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội)”, bài viết tập trung tìm hiểu những tác động của đại dịch Covid-19 tới mối quan hệ vợ chồng trong gia đình. Kết quả cho thấy, có sự phân công lại công việc trong gia đình ở một số cặp vợ chồng; đời sống tâm lý tình cảm giữa vợ và chồng cũng chịu ảnh hưởng nhất định vì tình hình dịch bệnh.

Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 - Một số kết quả và vấn đề đặt ra

Tác giả: Bùi Thị Hương Trầm

Trang: 30-44

Ở Việt Nam, gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội. Tất cả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều có tác động trực tiếp, liên quan mật thiết đến vấn đề gia đình. Tùy vào điều kiện thực tiễn cụ thể, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về gia đình có những thay đổi nhất định nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi. Ngày 29 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo khung chính sách về phát triển gia đình. Sau 10 năm thực hiện, các mục tiêu của Chiến lược về cơ bản đã đạt được, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc quán triệt, thực hiện Chiến lược vẫn còn một số điểm hạn chế. Dựa trên việc rà soát các nghiên cứu và số liệu, trong đó tập trung vào Báo cáo Tổng kết Chiến lược của 63 tỉnh, thành và 15 phỏng vấn sâu đại diện một số Bộ, ban ngành, địa phương, bài viết nhận diện một số vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Chiến lược thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, bài viết gợi ra những khía cạnh cần chú ý về mục tiêu phát triển gia đình gắn với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ứng phó của gia đình với đại dịch Covid-19 ở Hà Nội

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 13-29

Bài viết phân tích kết quả nghiên cứu sự thích nghi và ứng phó của gia đình với đại dịch Covid-19. Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi với 200 gia đình ở khu vực thành thị và nông thôn tại thành phố Hà Nội. Kết quả cho thấy ứng phó của gia đình với dịch Covid-19 dựa trên nguồn lực xã hội hoặc sự lựa chọn hợp lý. Gia đình có nguồn lực, điều kiện kinh tế-xã hội cao hơn có khả năng ứng phó tốt hơn với dịch Covid-19 và ngược lại gia đình có nguồn lực thấp hơn, yếu thế thì có sự ứng phó kém hơn. Bên cạnh đó, việc ứng phó với đại dịch Covid-19 khác nhau giữa các nhóm gia đình là dựa trên sự lựa chọn hợp lý của họ nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng.

Xu hướng kết hôn ở Việt Nam và khu vực Đông Á: Hai thập niên nhìn lại

Tác giả: Trần Thị Minh Thi

Trang: 3-12

Sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ: “Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài: Thực trạng và một số vấn đề xã hội đặt ra”, do tác giả là chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì, triển khai trong hai năm 2021-2022, bài viết phân tích xu hướng kết hôn của Việt Nam từ các số liệu thống kê về dân số và hôn nhân của Tổng cục Thống kê, và Bộ Tư pháp trong một thập niên trở lại đây nhằm nhận diện xu hướng biến đổi tình hình kết hôn nói chung của Việt Nam. Đồng thời, bài viết tính toán số lượng, tỷ lệ kết hôn của một số quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Đông Á dựa trên các thống kê về dân số, hôn nhân từ 2001-2021 của Bộ Nội vụ Đài Loan, Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Tổng cục Thống kê Nhật Bản, và Tổng cục Thống kê Trung Quốc nhằm phân tích sự biến đổi xu hướng kết hôn của các quốc gia, vùng lãnh thổ này. Từ kết quả phân tích trên, tác giả nêu lên những đặc thù của xu hướng kết hôn của Việt Nam và những khuyến nghị chính sách phù hợp.