Liên kết web
Số lượt truy cập

26

2011292

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2021

Tổng mục lục 2021

Tác giả: Tạp chí

Trang: 123

File toàn văn đính kèm: Tải về

Xem file kèm

Bình đẳng giới và hạnh phúc - Chủ đề nghiên cứu trọng tâm trong Báo cáo hạnh phúc thế giới

Tác giả: Bùi Thị Hương Trầm

Trang: 130-138

Tóm tắt:Tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về hạnh phúc và phúc lợi xã hội được tổ chức năm 2012, cơ quan này đã khuyến cáo các quốc gia nên coi hạnh phúc là thước đo đúng đắn của tiến bộ xã hội và là mục tiêu của chính sách công (World Happiness Report, 2012). Điểm quan trọng trong tiến trình đó là cần xác định mối tương quan của hạnh phúc với các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi. Báo cáo Hạnh phúc thế giới đã căn cứ vào luận điểm quan trọng trên đây để phát triển thành các chủ đề trọng tâm của các báo cáo hằng năm. Mối quan hệ giữa bình đẳng giới và hạnh phúc là chủ đề trọng tâm của Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2016. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: bình đẳng giới là một phần không thể thiếu của hạnh phúc. Bình đẳng giới có mối quan hệ với hạnh phúc nhưng rất phức tạp và nhiều sắc thái. Khi định kiến giới không bị phá vỡ thì phụ nữ và nam giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với bất công giới ngay cả khi có cơ hội bình đẳng. Và điều này làm ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc. Do đó, các can thiệp về bình đẳng giới có mục tiêu không chỉ đem lại điều kiện tốt hơn cho phụ nữ và nam giới mà còn để tăng cường hạnh phúc tổng thể của cả hai giới. Bài viết sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu, trong đó nguồn tài liệu chính là 09 Báo cáo Hạnh phúc thế giới (từ năm 2012 đến năm 2021).

Kinh nghiệm xây dựng Chỉ số bình đẳng giới của Liên minh Châu Âu

Tác giả: Trần Thị Hồng, Nguyễn Hà Đông

Trang: 118-129

Tóm tắt: Chỉ số bình đẳng giới ở Liên minh Châu Âu hướng tới đo lường thực trạng bình đẳng giới chung trong Liên minh cũng như ở từng quốc gia thành viên và góp phần đánh giá hiệu quả thực hiện các chương trình, chính sách bình đẳng giới ở châu Âu. Hiện nay, chỉ số này đã được công nhận là một công cụ đo lường bình đẳng giới hiệu quả và Chiến lược bình đẳng giới 2020-2025 của Liên minh Châu Âu đã xác định chỉ số này là một tiêu chuẩn quan trọng đánh giá bình đẳng giới. Ở Việt Nam, các chỉ tiêu thống kê giới quốc gia đã được xây dựng và điều chỉnh trong khoảng một thập kỷ nhưng Việt Nam chưa có chỉ số bình đẳng giới tổng hợp đánh giá thực trạng bình đẳng giới và tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới quốc gia. Trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học cấp bộ “Xây dựng bộ chỉ số về bình đẳng giới” thuộc Chương trình khoa học “Xây dựng bộ chỉ số đảm bảo an sinh quốc gia” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện, bài viết này tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng Chỉ số bình đẳng giới của Liên minh Châu Âu nhằm rút ra những bài học cần thiết cho xây dựng Bộ chỉ số về bình đẳng giới ở Việt Nam.

Vai trò trụ cột của nam giới trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay: tính biểu tượng và tính thực tế (Nghiên cứu trường hợp xã Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội)

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải

Trang: 107-117

Tóm tắt:Văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống luôn coi người đàn ông là trụ cột gia đình với ý nghĩa là người chủ trong quản lý và duy trì sự ổn định và bền vững của gia đình. Trụ cột gia đình mang cả nghĩa đen và nghĩa bóng, vừa là trụ cột kinh tế đồng thời cũng là trụ cột tinh thần. Trải qua sự biến đổi và phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa và chính trị, liệu những giá trị được gắn cho vai trò trụ cột gia đình của nam giới có sự thay đổi hay vẫn được giữ nguyên và nếu có thì thay đổi theo hướng nào? Sự thay đổi đó sẽ theo hướng nghiêng về giá trị vật chất hay nghiêng về giá trị tinh thần? Dựa vào dữ liệu của nghiên cứu định tính tại một xã nông thôn ngoại thành Hà Nội, bài viết sẽ đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên. Kết quả cho thấy giá trị tinh thần được cho là quan trọng hơn giá trị vật chất vì vật chất có thể vay mượn còn tinh thần, nền nếp của một gia đình là không thể.

Quan niệm của sinh viên về vấn đề hôn nhân và nuôi con của người đồng tính

Tác giả: Nguyễn Đức Tuyến

Trang: 97-106

Tóm tắt:Thế giới đã có nhiều bước chuyển trong việc bảo vệ quyền hôn nhân và gia đình của người đồng tính, thể hiện ở mức độ tăng quyền và sự tăng lên số lượng nước cho phép quyền hôn nhân và gia đình của người đồng tính. Việt Nam cũng có những bước chuyển trong luật pháp và dư luận xã hội về vấn đề hôn nhân và gia đình của người đồng tính. Nói chung, sự ủng hộ quyền hôn nhân và gia đình của người đồng tính ngày càng tăng lên. Qua kết quả khảo sát thực tế, nghiên cứu cho thấy nhìn chung sinh viên có quan niệm ủng hộ quyền hôn nhân và quyền yêu đương, quyền có gia đình, quyền có con, nuôi con của người đồng tính.

Nhận thức và ứng phó của trẻ em đối với các rủi ro khi sử dụng internet (Nghiên cứu định tính ở Hà Nội)

Tác giả: Trương Thị Thu Thủy

Trang: 85-96

Tóm tắt:Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích tài liệu sẵn có và phỏng vấn sâu nhằm tìm hiểu nhận thức và cách thức ứng phó với các rủi ro khi sử dụng internet của trẻ em hiện nay. Dữ liệu khảo sát định tính được sử dụng để phân tích trong nghiên cứu này gồm 26 cuộc phỏng vấn sâu trẻ em là các học sinh từ 11 đến 17 tuổi hiện đang đi học ở Hà Nội, và 4 phỏng vấn sâu phụ huynh có con trong lứa tuổi trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em nhận thức tương đối tốt về một số rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng internet và biết cách phòng ngừa nó. Trẻ ưa dùng các biện pháp ôn hòa khi gặp các rủi ro trực tuyến như bị bắt nạt/xúc phạm, bị lừa tiền, bị quấy rối. Các bạn nữ được cho là dễ gặp rủi ro hơn và cũng chịu hậu quả nặng nề hơn các bạn nam do các em tương tác trên mạng xã hội nhiều hơn, cả tin và dễ bị tổn thương. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tuy internet mang lại nhiều nguy cơ, nhưng có thể vì phần lớn các em chưa trải nghiệm các vấn đề trực tuyến nghiêm trọng nên hầu hết đều cho rằng lợi ích mà internet mang lại cho trẻ em lớn hơn nhiều so với các rủi ro. Đây cũng là một gợi ý đáng cân nhắc trong bối cảnh các nghiên cứu về chủ đề này dường như quá tập trung vào những tác hại của internet, điều này có thể làm suy yếu khả năng tiếp cận công nghệ kỹ thuật số của trẻ em để hiện thực hóa các quyền của mình.

Một số đặc điểm về hôn nhân ở Việt Nam

Tác giả: Trần Quý Long

Trang: 73-84

Tóm tắt:Nghiên cứu sử dụng và phân tích Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, kết quả cho thấy hôn nhân là một thiết chế xã hội bền vững với đa số người dân sống trong hôn nhân. Biến đổi xã hội theo hướng hiện đại hóa có tác động đến hôn nhân theo hai chiều hướng khác nhau là tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng lên nhưng cũng làm cho vấn đề ly hôn, độc thân cũng có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận nhỏ dân số có tình trạng tảo hôn. Các chỉ báo về hôn nhân có mối quan hệ hoặc chịu sự tác động của các yếu tố như giới, dân tộc, thành thị-nông thôn, vùng, tỉnh. Vì vậy, cần phải xây dựng và triển khai linh hoạt, thích ứng các chính sách về hôn nhân phù hợp với sự biến đổi kinh tế - xã hội và đặc điểm của dân số Việt Nam. Những nhóm dân số yếu thế, những tỉnh/ thành phố, vùng có sự phát triển kinh tế - xã hội thấp cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng trong việc thực hiện chính sách về hôn nhân.

Thực trạng bình đẳng giới trong các quyết định về hoạt động cộng đồng ở gia đình dân tộc Dao - Lạng Sơn

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 61-72

Tóm tắt:Vận dụng cách tiếp cận văn hóa, phân bổ nguồn lực tương đối và phương pháp phân tích tương quan hai biến, đa biến, bài viết tìm hiểu thực trạng bình đẳng giới trong các quyết định về hoạt động cộng đồng ở gia đình dân tộc Dao tại Lạng Sơn dựa trên số liệu khảo sát 131 đại diện hộ gia đình ở Lạng Sơn năm 2019 của Đề tài cấp Quốc gia “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta” (CTDT 21.17, 2018-2019) thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 về “Những vấn đề cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Kết quả phân tích cho thấy, xu hướng cả hai vợ chồng là người quyết định chính các hoạt động cộng đồng là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn hiện nay. Vai trò người chủ hộ trong gia đình người Dao vẫn có vị trí quan trọng song việc người chồng/người vợ là chủ hộ không có tác động đáng kể đến khả năng cả hai vợ chồng là người quyết định chính các hoạt động cộng đồng. Sự chênh lệch về học vấn và thu nhập giữa vợ và chồng không làm tăng hay giảm khả năng cả hai vợ chồng là người quyết định chính trong hoạt động này.

Giới trong ứng phó với thiên tai dựa vào nguồn lực cộng đồng

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 50-60

Tóm tắt:Dựa trên dữ liệu nghiên cứu định tính về ứng phó của người dân với thiên tai tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình năm 2021, bài viết trình bày về khía cạnh giới trong ứng phó với thiên tai của người dân nơi đây dựa trên những nguồn lực tại cộng đồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy các ứng phó của người dân còn mang tính ngắn hạn, tạm thời, đặc biệt là các hộ nghèo, neo đơn, phụ nữ đơn thân... do hạn chế về nguồn lực như vốn con người (kiến thức, kỹ năng); vốn xã hội (mạng lưới xã hội, thân tộc); vốn vật chất (ruộng đất; chuồng trại để chăn nuôi). Mặc dù sở hữu nhiều kinh nghiệm và có đóng góp quan trọng đối với gia đình và cộng đồng nhưng việc tham gia vào các hoạt động phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng của phụ nữ còn gặp nhiều trở ngại vì những bất bình đẳng giới trong phân công lao động việc nhà và trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ ít tham gia các buổi họp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, diễn tập, lập kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) và các quyết định ứng phó ở cộng đồng. Do đó họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận và tận dụng các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả và bền vững.

Một số tiếp cận nghiên cứu về chiến lược ứng phó trong sinh kế của hộ gia đình

Tác giả: Phan Thị Hoàn

Trang: 39-49

Tóm tắt:Sinh kế là một trong những chủ đề nghiên cứu phát triển được quan tâm từ nhiều thập niên trước, tuy vậy đây vẫn luôn là vấn đề quan trọng bởi nó liên quan tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đặt trong bối cảnh môi trường tự nhiên và xã hội luôn có những biến động, đặc biệt là các hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra, thì ổn định và bền vững sinh kế vẫn là một ưu tiên. Trên cơ sở thực hiện đề tài cấp cơ sở “Sinh kế và ứng phó của các gia đình làm du lịch cộng đồng dưới tác động Covid-19” (Nghiên cứu trường hợp thành phố Hội An) do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì, bài viết này tập trung tổng quan các tài liệu về chiến lược ứng phó về sinh kế với các cú sốc và căng thẳng nhằm khái quát một số cách tiếp cận nghiên cứu về vấn đề này. Từ đó, bài viết xây dựng khung phân tích để làm cơ sở nghiên cứu về chiến lược ứng phó trong sinh kế của hộ gia đình với các cú sốc, căng thẳng nói chung và xác định một số luận điểm quan trọng để làm nền tảng phân tích, đánh giá các vấn đề từ nghiên cứu trường hợp.

Thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội của người cao tuổi - Một số vấn đề đặt ra

Tác giả: Lê Ngọc Lân

Trang: 27-38

Tóm tắt: Chăm sóc người cao tuổi, bên cạnh vai trò của gia đình còn có yếu tố chính sách xã hội của Nhà nước. Ngoài một tỷ lệ nhất định trong số họ còn có thể tự lập về cuộc sống như tự chủ về thu nhập, khỏe mạnh, thì phần lớn, cuộc sống của họ đã bị giảm sút, cần sự hỗ trợ về mặt này hay mặt khác từ nhà nước, cộng đồng. Chính vì vậy, các quốc gia đều có những chính sách xã hội hỗ trợ cho người cao tuổi ở những mức độ khác nhau, nhất là nhóm người cao tuổi gặp nhiều rủi ro, khó khăn trong cuộc sống. Ở Việt Nam, trước đây sự trợ giúp cho người cao tuổi được thực hiện trong hệ thống chính sách xã hội nói chung. Từ khi có Pháp lệnh về Người cao tuổi (2000), Luật Người cao tuổi (2009) thì nhiều chính sách cụ thể đãđược Chính phủ và các Bộ ngành vàđịa phương quan tâm, ban hành và thực hiện. Người cao tuổi ở khu vực miền núi là nhóm dân số cóđiều kiện sống khó khăn và còn nhiều thiệt thòi hơn các khu vực khác. Bài viết này phân tích một số chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, các kết quả thụ hưởng và những vấn đề đặt ra từ những nghiên cứu về người cao tuổi ở Việt Nam trong những năm vừa qua.

Tôn giáo và sức khỏe tinh thần của người cao tuổi ở nông thôn (Qua nghiên cứu trường hợp tại Nam Định)

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 15-26

Tóm tắt:Nội dung bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài "Niềm tin tôn giáo với sức khỏe tinh thần của người cao tuổi ở nông thôn” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện năm 2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy người cao tuổi tham gia khá tích cực vào các hoạt động tôn giáo. Có sự khác biệt về giới tính, mức sống trong việc người cao tuổi tham gia các hoạt động tôn giáo. Phụ nữ cao tuổi, có mức sống nghèo tham gia vào các hoạt động tôn giáo nhiều hơn so với nhóm nam giới cao tuổi và những người có điều kiện sống tốt hơn. Nghiên cứu này cũng thấy rằng, tham gia các hoạt động tôn giáo mang lại cho người cao tuổi những cảm xúc tích cực về tinh thần, giúp họ cảm thấy hạnh phúc, tăng thêm sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống. Đây cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để xây dựng những giải pháp hữu ích hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe tinh thần nói riêng cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số đang gia tăng hiện nay.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi nông thôn (Nghiên cứu trường hợp 2 xã ở Nam Định)

Tác giả: Trịnh Thái Quang, Trần Thị Thanh Tâm

Trang: 3-14

Tóm tắt: Ở Việt Nam, chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cho nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật, tăng tuổi thọ trung bình. Bài viết này tập trung tìm hiểu về nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi ở khu vực nông thôn qua nghiên cứu trường hợp tại hai xã Nam Điền và Nghĩa Hải, tỉnh Nam Định ở các khía cạnh gồm giáo dục sức khỏe, khám định kỳ, khám chữa bệnh thông thường và sử dụng thuốc thiết yếu. Bài viết sử dụng số liệu khảo sát của đề tài nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp cơ sở đối với người cao tuổi ở nông thôn với 300 người trả lời là người cao tuổi. Kết quả cho thấy người cao tuổi có nhu cầu cao về CSSKBĐ, đặc biệt là nhu cầu giáo dục sức khỏe. Nhu cầu khám chữa bệnh định kỳ và khám chữa bệnh thông thường của NCT có mối quan hệ với tình trạng sức khỏe và mức sống của NCT, trong khi đó, nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu của NCT cũng phụ thuộc vào tình trạng bệnh tật và độ tuổi của NCT. Kết quả của nghiên cứu gợi ý việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn những hoạt động giáo dục sức khỏe với đối tượng người cao tuổi, đồng thời tăng cường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cơ sở hạ tầng trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở để phục vụ người dân nói riêng và NCT nói chung hiệu quả hơn.