Liên kết web
Số lượt truy cập

92

2033925

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2020

Nghiên cứu về người cha và vai trò người cha trong gia đình - cách tiếp cận và các yếu tố tác động

Tác giả: Lê Thị Hồng Hải

Trang: 128-140

Tóm tắt: Người cha và vai trò người cha trong gia đình là một trong những chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau quan tâm và thực sự nở rộ vào nửa sau thế kỷ 20. Bài viết tìm hiểu các quan điểm, cách tiếp cận trong lĩnh vực nghiên cứu này cũng như các yếu tố tác động đến quan niệm nhận thức và việc thực hiện vai trò người cha trong gia đình đã được đề cập trong các nghiên cứu của phương Tây. Các quan điểm, cách tiếp cận được trình bày trong bài viết này gồm: quan điểm cấu trúc chức năng, quan điểm nữ quyền và cách tiếp cận xã hội học lịch sử. Các yếu tố tác động được các nghiên cứu quan tâm thuộc các chiều cạnh khác nhau: mối quan hệ vợ-chồng của người làm cha, các yếu tố liên quan đến người mẹ, các yếu tố của người cha, của người con, và các yếu tố liên quan đến hoàn cảnh xung quanh. Bài viết nhằm giới thiệu về một lĩnh vực nghiên cứu còn chưa nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam trong thời gian qua.

Di cư và vai trò giới trong gia đình: Nghiên cứu trường hợp những phụ nữ ngoại tỉnh làm nghề giúp việc tại Hà Nội

Tác giả: Trần Thị Thanh Giang

Trang: 115-127

Tóm tắt: Sự gia tăng của các làn sóng di cư nội địa và quốc tế hiện nay đã và đang tạo ra những tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với những gia đình có người di cư, vấn đề này càng thể hiện rõ nét ở những biến đổi về chức năng, vai trò, cấu trúc và các mối quan hệ trong gia đình. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, phỏng vấn sâu 15 phụ nữ ngoại tỉnh làm nghề giúp việc tại Hà Nội, bài viết này tìm hiểu và phân tích vai trò giới trong gia đình di cư trên các lĩnh vực: ra quyết định di cư, trụ cột gia đình về tài chính, và phân công lao động gia đình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù di cư đã tạo nên những tiềm năng cho biến đổi theo chiều hướng tích cực của vai trò giới và quá trình bình đẳng giới trong các gia đình ở nông thôn Việt Nam, thì vẫn còn nhiều bất cập và gánh nặng cho những người phụ nữ trong cuộc. Mặc dù chủ động ra quyết định di cư, đóng vai trò trụ cột về tài chính, nhưng vai trò giới trong gia đình những phụ nữ này chưa thực sự thay đổi. Thậm chí, vai trò và trách nhiệm của họ đối với gia đình còn bị tăng gấp đôi trong những hoàn cảnh di cư. Các kết quả nghiên cứu đã góp thêm một bằng chứng cho những tranh luận về mối quan hệ giữa di cư và vai trò giới trong gia đình hiện nay.

Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên: Nghiên cứu tại hai trường Trung học phổ thông tại Hà Nội

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Trang: 104-114

Tóm tắt: Dựa trên số liệu của Đề tài Cơ sở “Mâu thuẫn về cách thức tổ chức đời sống cá nhân của con cái đang học trung học phổ thông (THPT) với cha mẹ” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tiến hành năm 2020 tại hai trường THPT tại Hà Nội, bài viết nhằm tìm hiểu thực trạng diễn ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ở lứa tuổi vị thành niên và những yếu tố có liên quan. Kết quả phân tích cho thấy vị thành niên và cha mẹ gặp mâu thuẫn thường xuyên nhất ở ba nhóm vấn đề: thời gian sử dụng thiết bị công nghệ/Internet, điểm số học tập và việc học tập ở nhà. Tần suất diễn ra ba nhóm mâu thuẫn này có mối liên hệ với các yếu tố nhân khẩu học của vị thành niên như: khu vực sinh sống, giới tính, khối lớp học và giới tính của bố mẹ. Theo đó, vị thành niên thường gặp mâu thuẫn với mẹ nhiều hơn với bố, nam vị thành niên gặp mâu thuẫn liên quan đến học tập với bố mẹ nhiều hơn so với nữ vị thành niên, và ở đô thị, mâu thuẫn với bố mẹ về điểm số học tập phổ biến hơn so với ở nông thôn.

Biến đổi đời sống hộ gia đình dân tộc thiểu số tại Hà Nội (Qua nghiên cứu tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức và xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội)

Tác giả: Mai Linh

Trang: 95-103

Tóm tắt: Trên cơ sở kết quả một nghiên cứu đối với 182 hộ gia đình dân tộc thiểu số tại hai địa bàn thuộc Hà Nội, bài viết nhằm làm rõ thực trạng cũng như những yếu tố tác động đến sự biến đổi kinh tế hộ gia đình dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục những bất cập còn tồn tại. Kết quả cho thấy, sau năm năm với những chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế đã được ghi nhận. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình dân tộc thiểu số được cải thiện, đời sống của người dân được nâng cao, có thêm nhiều trang thiết bị tiện nghi phục vụ cuộc sống, đồng thời có thể trang trải chi phí học hành hay khám chữa bệnh. Tuy cơ cấu việc làm không có nhiều thay đổi, nhưng mức thu nhập của người dân tăng do các hộ được vay vốn, được hỗ trợ về kinh nghiệm sản xuất và tiếp cận thị trường từ chính quyền địa phương.

Tác động hai mặt của mạng xã hội đến việc học tập của học sinh Trung học phổ thông ở Hà Nội

Tác giả: Phan Thị Thanh Mai

Trang: 85-94

Tóm tắt: Dựa vào kết quả khảo sát của Đề tài cấp Cơ sở “Tác động hai mặt của mạng xã hội đến việc học tập của học sinh trung học phổ thông ở Hà Nội” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2020, bài viết đưa ra những phân tích về tác động hai chiều tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đối với việc học tập của học sinh trung học phổ thông. Kết quả nghiên cứu cho thấy mạng xã hội giúp học sinh trung học phổ thông ở khu vực khảo sát kết nối thông tin về việc học tập, giúp nâng cao kiến thức trong một số môn học và giúp mở rộng mối quan hệ bạn bè. Tuy nhiên, song song với đó là những tác động tiêu cực của mạng xã hội khi mà cá nhân không kiểm soát được thời lượng truy cập của bản thân, dẫn đến sao nhãng trong học tập, ảnh hưởng đến thị lực. Thêm vào đó, một số học sinh rơi vào tình trạng bị cô lập trong môi trường học đường bởi những phần tử quấy rối trên mạng xã hội. Nghiên cứu chỉ ra rằng để giảm thiểu các tác động tiêu cực trong sử dụng mạng xã hội, học sinh cần điều chỉnh giảm bớt thời gian lướt mạng và chủ động chọn lọc nội dung tiếp cận. Về phía phụ huynh và giáo viên, cũng cần thường xuyên nhắc nhở con ít sử dụng mạng xã hội, tập trung vào học tập.

Trẻ em sử dụng công nghệ số: Một số vấn đề cần quan tâm

Tác giả: Trương Thị Thu Thủy

Trang: 73-84

Tóm tắt: Công nghệ kỹ thuật số đã và đang tạo nên những thay đổi to lớn trong cuộc sống của trẻ em ở các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bằng phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu nước ngoài, bài viết tập trung vào các tác động của công nghệ số đối với trẻ em nhằm đưa ra một số vấn đề cần quan tâm khi nghiên cứu về chủ đề này. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện đang có những quan điểm trái ngược nhau về tác động công nghệ số đến sức khỏe tâm thần và các quan hệ gia đình và xã hội của trẻ em. Ngoài ra, bên cạnh các cơ hội phát triển thì rủi ro mà trẻ em có thể phải đối mặt khi sử dụng công nghệ số đó là bị bắt nạt, bị lạm dụng, khai thác và buôn bán trẻ em... Những điều này gợi ra sự cần thiết phải có thêm các nghiên cứu đa dạng, bổ sung đầy đủ các yếu tố liên quan nhằm mang lại những phát hiện sâu sắc hơn, trong đó những lợi ích mà trẻ có được từ công nghệ số nên được lưu tâm nhiều hơn nữa.

Sự kỳ thị học đường trong học sinh Trung học phổ thông hiện nay

Tác giả: Vũ Thị Cúc

Trang: 63-72

Tóm tắt: Sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Cơ sở "Sự kỳ thị học đường trong học sinh trung học hiện nay (nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội)" do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2020, bài viết phân tích về sự kỳ thị học đường trong học sinh Trung học phổ thông hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự kỳ thị giữa học sinh với học sinh diễn ra khá phổ biến với nhiều hình thức khác nhau. Nhóm học sinh nữ và học sinh cuối cấp có xu hướng dễ trở thành nạn nhân của những hành vi kỳ thị nhiều hơn so với học sinh nam và học sinh đầu cấp. Bằng chứng thu được trong nghiên cứu này về nhóm học sinh mang các đặc điểm của người đồng tính cho thấy chỉ có một bộ phận nhỏ nhóm các em chịu sự kỳ thị từ phía các bạn và đây là kết quả của sự cố gắng chung từ phía nhà trường và các thầy cô giáo trong việc định hướng và giáo dục các em không phân biệt đối xử với các bạn có xu hướng tính dục khác biệt.

Bạo lực giới từ một số tiếp cận về quyền lực giới

Tác giả: Phan Thuận

Trang: 54-62

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích nội dung các cách tiếp cận về quyền lực giới bao gồm học thuyết của Mác-Ăngghen, lý thuyết nữ quyền và lý thuyết tương tác biểu trưng, bài viết tìm kiếm lời giải thích cho các nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Bài viết chỉ ra rằng sự khác biệt về quyền lực giới là nguy cơ dẫn đến bạo lực giới, trong đó có bạo lực gia đình. Do đó, để hạn chế bạo lực giới, cần phải xây dựng và phát triển mối quan hệ giới một cách bình đẳng.

Khác biệt giới trong tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 42-53

Tóm tắt: Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trong nước và quốc tế về sự tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi, bài viết tập trung phân tích các khác biệt giới trong tham gia hoạt động kinh tế của người lao động cao tuổi và một số yếu tố ảnh hưởng. Kết quả nghiên cứu cho thấy so với nam giới cao tuổi, phụ nữ cao tuổi ít tham gia lực lượng lao động hơn do ảnh hưởng của một số yếu tố liên quan đến đặc điểm cá nhân, gia đình và xã hội như tuổi, sức khỏe, trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề, địa bàn cư trú, nguồn sống/thu nhập và các quan niệm, giá trị, chuẩn mực xã hội… Trong đó, các vấn đề liên quan đến vai trò giới có thể mang lại những bất lợi cho phụ nữ cao tuổi như phân công lao động theo giới sẽ làm tăng gánh nặng đối với phụ nữ cao tuổi khi phải đảm nhiệm vai trò chăm sóc gia đình, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường lao động của họ. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải có những chính sách phù hợp để kịp thời thích ứng với tình trạng già hóa và nữ hóa dân số cao tuổi đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam và hướng tới một xã hội già hóa tích cực.

Vai trò giáo dục của người cao tuổi trong gia đình, cộng đồng: Nghiên cứu trường hợp tại hai địa bàn thuộc tỉnh Ninh Bình

Tác giả: Lỗ Việt Phương

Trang: 29-41

Tóm tắt: Người cao tuổi (NCT) có vị trí và vai trò quan trọng trong việc giáo dục, gìn giữ và truyền thụ những giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa cho các thành viên gia đình. Bên cạnh đó, họ cũng thể hiện vai trò trong các hoạt động cộng đồng, hướng tới giữ gìn các giá trị văn hóa chung, giáo dục thế hệ trẻ. Bài viết là kết quả phân tích số liệu khảo sát về vai trò của NCT trong xã hội đang biến đổi tại 2 địa bàn của tỉnh Ninh Bình vào đầu năm 2020. Tác giả cho rằng, những yếu tố nhân khẩu, truyền thống hay những yếu tố hiện đại của các nhóm NCT khác nhau, có ảnh hưởng đến mức độ tham gia, hoạt động cộng đồng khác nhau của NCT. Chẳng hạn, theo các đặc điểm nhân khẩu học, tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm, NCT ít tham gia dạy bảo con cháu hơn. NCT sống chung với con cháu tham gia các hoạt động giáo dục, dạy bảo nhiều hơn. Theo các đặc điểm hiện đại hóa, NCT cư trú ở đô thị quan tâm đến giáo dục và dạy dỗ con cháu thường xuyên hơn. Tuy nhiên, với việc tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục cộng đồng, yếu tố học vấn hay đặc điểm hôn nhân lại ít ảnh hưởng.

Đặc điểm việc làm và mục đích lao động của người cao tuổi ở Đà Nẵng

Tác giả: Nguyễn Hà Đông, Trịnh Thái Quang

Trang: 16-28

Tóm tắt: Đối với những nước đang phát triển có xu hướng già hóa dân số nhanh trong khi mức thu nhập bình quân đầu người mới đạt ngưỡng trung bình thấp như Việt Nam, việc khuyến khích người cao tuổi (NCT) tiếp tục làm việc được xem là một giải pháp quan trọng làm giảm bớt gánh nặng chi tiêu của chính phủ. Bài báo này sử dụng số liệu của đề tài cấp Bộ “Phát huy nguồn lực người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội thích ứng bối cảnh già hóa dân số của Việt Nam” với mẫu gồm 400 NCT sinh sống tại Đà Nẵng để phân tích tình trạng việc làm, loại hình, tính chất việc làm của NCT; đồng thời phân tích mục đích lao động với các lát cắt về giới, độ tuổi, tình trạng học vấn. Kết quả cho thấy, tỷ lệ NCT ở Đà Nẵng tiếp tục lao động tương đối cao và chủ yếu làm các công việc lao động đơn giản. Yếu tố sức khỏe, mức sống và thu nhập có tác động đáng kể đến việc tiếp tục lao động của NCT. Ngoài ra, một số khác biệt đáng chú ý giữa các nhóm NCT với đặc điểm cá nhân và hộ gia đình khác nhau cũng được ghi nhận.

Tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số

Tác giả: Trần Thị Minh Thi, Nguyễn Hà Đông

Trang: 3-15

Tóm tắt: Trong xã hội Việt Nam đang già hóa, việc nghiên cứu về vai trò kinh tế của người cao tuổi là một chỉ báo cần thiết để tìm hiểu tính tích cực xã hội của người cao tuổi trong xã hội hiện nay. Bài viết sử dụng số liệu Đề tài cấp Bộ “Vai trò người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang già hóa” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì, thực hiện trong 2019-2020 để phân tích vai trò của người cao tuổi trong hoạt động kinh tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy tính cần thiết của việc áp dụng cách tiếp cận hoạt động sản xuất để có thể nhìn nhận đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò kinh tế và những đóng góp kinh tế của người cao tuổi. Dù tỷ lệ người cao tuổi làm công ăn lương thấp và tỷ lệ người cao tuổi tự sản xuất kinh doanh không cao nhưng tính chung lại đại đa số NCT vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động sản xuất khác nhau khi bước qua tuổi 60.