Liên kết web
Số lượt truy cập

52

1933314

Chi tiết tạp chíSố 4 - 2017

Chính sách hôn nhân gia đình ở Trung Quốc sau cải cách mở cửa

Tác giả: Hoàng Thế Anh

Trang: 88-96

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Sau cải cách mở cửa năm 1978, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, quan niệm của người Trung Quốc về hôn nhân và gia đình cũng có thay đổi, điều này đòi hỏi Trung Quốc từng bước bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật để phù hợp với điều kiện thực tế. Bài viết trình bày về những thay đổi trong chính sách hôn nhân gia đình gắn với thực tiễn ở Trung Quốc từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa đến nay.

Vai trò của nhà nước trong can thiệp và phòng ngừa buôn bán trẻ em

Tác giả: Đặng Bích Thủy

Trang: 79-87

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Buôn bán trẻ em là sự vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Trẻ em là nạn nhân của buôn bán người phải chịu những hậu quả tồi tệ về sức khỏe thể chất và tinh thần, phải đối phó với các khó khăn về tâm lý xã hội, cả trước mắt và lâu dài. Theo tác giả, để ngăn chặn và phòng ngừa buôn bán trẻ em cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan, bởi đây là hiện tượng xã hội rất phức tạp. Tuy nhiên, nhà nước cần giữ vai trò chính yếu cả trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình bảo vệ trẻ em cũng như trong việc hợp tác quốc tế, phối hợp với các bên liên quan trong can thiệp và phòng ngừa buôn bán trẻ em.

Một số rào cản trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người dân hiện nay

Tác giả: Đặng Thanh Nhàn

Trang: 69-78

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Khả năng tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề quan trọng trong chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít những thách thức trong việc hướng tới mục tiêu tiếp cận công bằng về sức khỏe toàn dân. Trên cơ sở tổng quan tài liệu nghiên cứu có liên quan, bài viết phân tích một số rào cản trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người dân hiện nay và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao khả năng tiếp các dịch vụ khám chữa bệnh nói chung và tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng nói riêng của người dân ở Việt Nam.

Lãnh đạo nữ trong khu vực công và khu vực tư: Một góc nhìn so sánh

Tác giả: Phạm Thu Hiền, Bùi Thu Hương

Trang: 58-68

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Lãnh đạo nữ đã trở thành một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức cũng như các diễn đàn trong nước và quốc tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những trao đổi từ góc độ thực tiễn và học thuật thường tập trung chủ yếu vào khu vực công và quan niệm về lãnh đạo nữ dường như cũng bó hẹp trong phạm vi này. Dựa vào các nghiên cứu sẵn có kết hợp phỏng vấn một số lãnh đạo nữ của cả hai khu vực, tác giả bước đầu phân tích và so sánh về những thách thức tương đồng và khác nhau đối với lãnh đạo nữ trong khu vực công và khu vực tư, từ đó gợi mở một số trao đổi và các hướng nghiên cứu tiếp theo.

Giá trị của văn hóa tôn giáo trong gia đình Công giáo ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Lê Bá Trình, Nguyễn Thị Quế Hương

Trang: 48-57

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Giá trị Công giáo ở Việt Nam hình thành trên cơ sở của Kinh Thánh, của giáo lý, giáo luật, đặc biệt là của lối sống đạo của cộng đồng tôn giáo này trong lịch sử truyền giáo, phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam. Những giá trị văn hóa, đạo đức Công giáo có ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà cụ thể đến lối sống cá nhân, gia đình và cộng đồng tôn giáo. Bài viết phân tích các giá trị của văn hóa tôn giáo trong gia đình Công giáo ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó gợi ra những vấn đề nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Một số vấn đề chính sách và thực tiễn về tuổi kết hôn ở miền Bắc giai đoạn 1960-1975

Tác giả: Hà Thị Minh Khương

Trang: 38-47

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Tuổi kết hôn hay tuổi kết hôn trung bình lần đầu là tiêu chí quan trọng phản ánh đặc trưng dân số và sự tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia. Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), Đảng và Chính phủ đã có sự ưu tiên đặc biệt đến một số vấn đề xã hội then chốt như ban hành chính sách pháp luật nhằm xóa bỏ chế độ hôn nhân gia đình phong kiến, xây dựng gia đình mới, trong đó có quy định nâng tuổi kết hôn của nam nữ để xóa bỏ tệ nạn tảo hôn. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp, bài viết tìm hiểu chính sách hôn nhân gia đình về tuổi kết hôn và thực trạng tuổi kết hôn miền Bắc giai đoạn 1960-1975 để góp phần vào việc nhận diện xu hướng biến đổi của tuổi kết hôn ở Việt Nam.

Tuổi kết hôn lần đầu và các yếu tố tác động qua một số kết quả khảo sát

Tác giả: Trần Thị Cẩm Nhung

Trang: 26-37

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hôn nhân là một thiết chế quan trọng đối với các cá nhân, gia đình và cả xã hội. ở những quốc gia mà việc sinh con chỉ xuất hiện trong hôn nhân thì tuổi kết hôn lần đầu là một chỉ số dự báo về việc sinh đẻ, là thời điểm mà việc có quan hệ tình dục và mang thai được xã hội chấp nhận. Từ kết quả nghiên cứu của một số cuộc khảo sát quốc tế và ở Việt Nam về tuổi kết hôn lần đầu, bài viết tập trung tìm hiểu một số phương pháp tính tuổi kết hôn lần đầu, thực trạng, xu hướng tuổi kết hôn lần đầu ở một số nước cũng như ở Việt Nam và yếu tố tác động.

Gia đình cùng giới: Hiện thực xã hội và một số vấn đề lý luận cơ bản

Tác giả: Phạm Quỳnh Phương

Trang: 15-25

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh vì quyền bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trên thế giới, chỉ trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI đã có 22 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân cùng giới. Sự công khai các mối quan hệ gắn bó trước công luận một mặt thể hiện sự thay đổi trong nhận thức xã hội, mặt khác cũng đặt ra những vấn đề lý luận mới về gia đình. Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề cơ bản về mặt lý luận và thực tiễn hôn nhân gia đình cùng giới ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng gia đình đồng giới, dù được luật pháp thừa nhận hay không, cũng đang là một hiện trạng xã hội cần phải quan tâm và đa dạng hoá loại hình gia đình là một xu thế tất yếu trong đời sống xã hội hiện nay.

Tái cấu trúc lao động - nghề nghiệp và sự xuất hiện các gia đình trung lưu ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay (Trường hợp xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, Nam Định)

Tác giả: Trịnh Duy Luân

Trang: 3-14

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Bài viết phân tích những thay đổi trong cấu trúc lao động - nghề nghiệp của xã Hải Vân, một xã ở đồng bằng sông Hồng khoảng 4 thập niên gần đây, trong đó tập trung nhấn mạnh đến các yếu tố nguồn lực con người, vốn xã hội và tinh thần khởi nghiệp ở địa phương trong bối cảnh CNH, HĐH - vốn là những yếu tố quan trọng của quá trình phát triển kinh tế xã hội của Hải Vân. Việc nâng cao mức sống đã làm xuất hiện nhiều gia đình trung lưu ở vùng nông thôn và trong các gia đình trung lưu mới nổi này, mối quan hệ gia đình đã có những biểu hiện bình đẳng hơn giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Những chỉ báo về sự tiến bộ theo hướng hiện đại này biểu hiện cho những biến đổi xã hội ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.